Từng hạt cát nhỏ

... Khi quán chiếu nhiều lần và thật kỹ càng cho đến khi chúng ta hiểu hoàn toàn, tâm sẽ vận hành tự nhiên hòa hợp theo cách riêng của nó. Không còn con đường nào khác hơn là chúng ta cố gắng dồn mọi nỗ lực vào thực tập cho đến khi nào không còn đủ sức quán chiếu nữa. Giống như khi ăn, nếu không ăn cho đến khi nào bụng no, thì chúng ta không thể no được. Không còn cách nào khác là chúng ta hãy cố gắng tự mình ăn thêm cho dù một hai muổng. Chúng ta phải ăn và khi tự thân cảm thấy no rồi, chúng ta dừng lại. Chúng ta ăn đã đủ.

422497 373174956039643 259924510698022 1347772 439019088 n

Cũng vậy đối với việc tập trung quán chiếu. Khi đạt đến giai đoạn biết đủ, chúng ta tùy duyên buông xả: tất cả dính mắc của chúng ta đối với thân thể, cảm thọ, tư tưởng, nhận thức, từng chút một được buông xả dần cho đến cuối cùng chúng ta thể nhập với tự tánh sáng suốt nơi tự tâm. Tâm chúng ta quay vòng giống như bánh xe quay tròn thật nhanh cho đến khi vỡ vụn thành từng phần nhỏ, đó là thời điểm chúng ta chấm dứt mọi khó khăn trở ngại trong cuộc chiến với phiền não. Đó là nơi chúng chấm dứt và khát mong của chúng ta đạt được Niết-bàn cũng chấm dứt ở đây.

Khát mong đạt đến Niết-bàn là một phần của con đường tu tập. Đó không phải là tham ái. Tham vọng thoát khỏi mọi khổ đau, bất an là một phần của con đường. Đó không phải là tham ái. Tham có hai loại: tham trong phạm vi trần lụy, thế thường và tham trong phạm vi giáo pháp. Tham trong phạm vi thế thường đó mới thật sự là tham ái. Tham trong phạm vi giáo pháp là một phần của con đường tu tập. Tham muốn vượt thoát khổ đau, về đến Niết-bàn, làm cho giáo pháp vững mạnh trong chúng ta. Tinh tấn là pháp tu. Kiên trì là pháp tu. Nhẫn nại là pháp tu. Kiên nhẫn trong mọi hoàn cảnh vì mục đích giải thoát là pháp tu trên lộ trình. Một khi chúng ta hoàn toàn quay về với chính mình, tham sẽ biến mất, và lúc đó còn có ai đòi hỏi gì về Niết-bàn nữa?

Khi cái tâm như bánh xe quay cuồng, tan vỡ một chút hay tan vỡ hết, trong số những người trong trạng thái ấy, sẽ không còn ai muốn đạt đến Niết-bàn và cũng không còn ai buồn hỏi Niết-bàn ở đâu. Thuật ngữ “Niết-bàn” chỉ đơn thuần là một tên gọi thế thôi. Khi nhận chân thấy rõ, khi đạt đến được bản chất thật trong chính tự thân, chúng ta còn thắc mắc gì nữa?

Đây là ý nghĩa của việc tu tâm. Chúng ta tu dưỡng tâm từ những giai đoạn cơ bản đi dần đến trạng thái tối hậu sau cùng của lộ trình tu tập. Thế nên, bây giờ chúng ta không cần bận tâm mình đang sống ở đâu, chúng ta đều có thể quay trở về ngay với chính mình được rồi. Tâm đã tự nó trang bị sẵn sàng đầy đủ cho chính nó, vì vậy nó có thể tự tại thong dong khắp mọi nơi. Nếu thân thể không khỏe như đau nhức, bệnh sốt hay đói khát, chúng ta nhận biết rõ những cảm thọ ấy một cách đơn thuần như hiện tượng tự nhiên của thân và biết rõ nó chịu sự chi phối của quy luật - vô thường, khổ và vô ngã. Nó nằm trong vạch định của vô thường biến đổi tự nhiên như vậy, và chúng ta không để cho chúng che mờ không nhận biết rõ. Ngũ uẩn là ngũ uẩn. Tâm thanh tịnh là tâm thanh tịnh tự nhiên thế, không cần cố gắng thúc đẩy nó sáng suốt hay si mê gì cả. Một khi sự thật lấp đầy mọi ngỏ ngách, mọi điều đều trở nên đúng đắn thích hợp. Chúng ta không ca ngợi hay phê bình điều gì bởi vì mọi thứ có thực tại riêng của nó, vậy thì còn có nguyên nhân gì xung đột mâu thuẩn nhau nữa? Nếu bên này là thật và bên kia là giả, khi ấy sự việc mới có xung đột, lúc nào cũng có đấu tranh với nhau, bởi vì một bên đúng, một bên sai. Nhưng khi mỗi bên có một thực tại riêng biệt của nó thì không có vấn đề rắc rối gì xảy ra nữa.    

Hãy suy tư quán chiếu bản tâm để đạt đến giai đoạn này, giai đoạn mà mọi thứ có một thực tại riêng biệt. Yatha-bhuta-ñana-dassana: trí tuệ và tuệ nhãn đối với mọi thứ như chúng đang là. Tâm nhận chân và thấy mọi thứ như chúng đang là, bên trong lẫn bên ngoài, toàn diện và rồi an trú nơi trạng thái tịch tịnh. Nếu bạn tự nhắc mình rằng hãy dừng lại, an trú trong trạng thái tịch tịnh, thì bất cứ suy nghĩ gì, đó chỉ đơn thuần là suy nghĩ. Tất cả các uẩn đều là uẩn thanh tịnh và dung dị, không có một móng phiền não nào chỉ đạo cho tư tưởng, đặt để hay lý giải gì gì cả. Chỉ đơn thuần là các uẩn thanh tịnh và giản dị - các uẩn không có phiền não, hay nói cách khác đó là các uẩn của một vị A-la-hán, của một vị đã không còn phiền não giống như Đức Thế Tôn và các vị Thánh đệ tử. Thân thể chỉ đơn thuần là thân thể. Thọ, tưởng, hành, thức đều chỉ là những duyên thoáng qua mà chúng ta tạm dùng cho đến khi chúng diệt mất. Khi chúng không còn hiệu lực nữa, chúng ta để chúng tự nhiên vận hành theo bản thể thực tại của chúng. Nhưng đối với tự tánh thanh tịnh tuyệt đối trong chúng ta, không có gì ảnh hưởng chi phối cả….    

... Những vị đã đạt đến trạng thái giải thoát hoàn toàn, thoát khỏi mọi loại thực tại quy ước tạm thời, bạn biết đó, họ không hề tỏ ra vượt trội đặc biệt hay kém cỏi so với ai khác. Vì nguyên nhân này, họ sống hài hòa ngay cả với những sinh vật bé nhỏ nhất. Họ xem tất cả chúng sinh như là những người bạn cùng thời khổ hoạn, sinh, già, bệnh và chết, bởi vì giáo pháp mang thuộc tính nhu nhuyến hòa ái. Bất cứ loại tâm nào đúng với giáo pháp đều tuyệt đối hiền hòa và có thể cảm thông với từng hạt cát nhỏ, với mọi loài chúng sinh. Tâm ấy không hề cứng nhắc hay khó uốn nắn. Chỉ có phiền não là cứng nhắc, khó uốn nắn mà thôi. Giống như tự đắc, tự phụ, kiêu căng, ngạo mạn... khó uốn nắn vậy. Chỉ có giáo pháp, không còn có gì khác. Lúc nào cũng mang đến cuộc đời tính hiền thiện, nhân hậu xuất phát từ lòng từ bi bao dung.

(Nguyên bản: Every Grain of Sand của Thiền sư Maha Boowa Ñanasampanno,
Thượng tọa Thanissaro dịch từ tiếng Thái sang tiếng Anh).