Tuổi mười hai

Cách đây hơn 50 năm, con chỉ mới cởi bỏ lớp áo của đứa bé bước lên thiếu nữ, chưa thể là cô gái và cũng không còn là đứa bé con nhảy cò cò. Con chưa đủ lớn để ý thức những điều xảy ra quanh mình để rồi phải xử lý tốt hơn, không hối tiếc về sau. Có ai trách đứa trẻ mới lớn ấy không. Không, nhất là mẹ. Người đàn bà quê mùa chỉ biết lo cho con không bao giờ trách con mình dù một lời nhỏ.

nguoime nongthon

Không ai trách đứa trẻ, nhưng trong lòng con người ấy canh cánh một hối tiếc vô cùng. Con cố quên ngày tháng cũ nhưng không, con vẫn nhớ mỗi sáng mỗi chiều. Nhớ vạt nắng chiếu trên lưng mẹ khi lom khom cúi cấy hái từng ngọn rau. Nhớ cái nắng khiến mẹ nheo mắt nhìn thằng út chạy từ trường học về bên mẹ khi mẹ ngồi nghỉ cạnh hàng hiên. Nhớ cái dáng của mẹ thanh thoát và nhanh nhẹ trên con đường về nhà mỗi ngày. Tiếng những đứa con hân hoan chạy ra ôm lấy mẹ, đứa giành gióng gánh, đứa ôm cánh tay mẹ. Nghèo mà vui lắm.

Từng ngày qua đi với hình ảnh thân thương quay về và nỗi ân hận nhất trong cuộc sống. Nỗi đau mỗi lúc một lớn dần thành niềm ân hận không nguôi. Nỗi nhức nhói ấy sống trong lòng con mỗi đêm. Với tiếng súng, tiếng hét và tiếng thì thầm của mẹ. Đau quá mẹ ơi, con biết mẹ đã quên nhưng con mãi nhớ mẹ ạ. Con biết mẹ tha thứ cho đứa con ngốc nghếch của mẹ nhưng niềm đau vẫn còn trong con. Con giật mình và ngồi nhìn vào trong bóng đêm như đêm ngày hôm ấy, ngày cuối cùng mẹ làm bổn phận người mẹ với các con của mẹ, và tim con lại nhói đau. Con ngồi ôm ngực nhìn vào bóng đêm, con thấy bóng mẹ lờ mờ đi qua, mẹ vuốt tóc con rồi đi luôn ra cửa…

Ngày ấy, đàn con ở vùng quê chiến chinh xa thành phố mịt mù sau một đêm không còn nhìn thấy cha trong ngôi nhà của mình. Chúng nháo nhác hỏi mẹ. Người mẹ ngoảnh mặt đi mắng lớn át cả tiếng hỏi của các con: “Mấy đứa ăn cơm đi, đó là chuyện của người lớn!”

Vâng ba là ba của chúng nhưng chúng không có quyền biết ba chúng đang ở nơi nao. Vùng chiến tranh đang diễn ra nơi chúng ở. Và khi chúng đã dần quen cuộc sống không có cha. Một sáng khi thức giấc thấy cha yếu đuối nằm trên cái chõng tre ngày xưa nội vẫn hay đùa nghịch với chúng. Chúng mừng chạy đến định ôm ba, nhưng mẹ ngồi dưới đất bên chõng ấy ngăn chúng lại. Cha yếu ớt, vết thương đầy người. Cha nằm im nhắm mắt. Đám trẻ con không biết vì sao ba chúng lại bị như thế. Mẹ nói với chúng đi chơi, khi nào ba khỏe lại sẽ chơi cùng các con. Chúng im lặng và chạy đi chơi. Mẹ chạy tới lui nhờ y tá đến chăm sóc cho ba. Người y tá lắc đầu nhưng mẹ năn nỉ quá ông ta đành đến nhà. Không năn nỉ sao được vì cả làng mới có một người y tá. Sau một thời gian, vết thương vẫn không lành và ba ra đi vào một đêm đầy gió mưa. Tiếng mẹ khóc làm đàn con bật dậy đứng nhìn ba ngủ. Rồi đám tang. Lần đầu tiên đàn con biết thế nào là đám tang. Thế nào là mất ba. Tiếng khóc nấc lên. Cô bé mười hai ngơ ngác thấy người ta mang ba ra chôn nghĩa trang. Thế là mất ba mãi mãi. Ba ra đi như thế đó.

Không biết làm gì nuôi con, mẹ chỉ còn cách hái rau từ mảnh vườn nhỏ mang ra chợ bán. Mẹ gánh rau ra chợ lúc sáng sớm, có khi lúc trời còn tối mẹ băng ngang ánh lửa bom đạn lập lòe. Mẹ đi chợ nghĩa là mẹ đang bán sinh mạng của mẹ cho đàn con này. Gánh rau ấy là cả công sức mồ hôi nước mắt của mẹ già và đàn con. Cuộc sống cả nhà đều trông cậy vào gánh rau ấy. Song trên gánh không ghi chép cảnh nhà của bà mẹ quê khó khổ. Người ta vẫn vô tình chọn lựa những cọng rau ngon và rẻ. Bỏ tiền ra mua, người ta đi qua đi lại, so sánh bó này với bó khác. Bước đến bước lui, có ai nhìn thấy cặp mắt van lơn, nụ cười héo hon của bà mẹ quê chào mời khách mua. Những ngày rau không bằng hàng khác, bà lo lắng bán vội kẻo trời trưa. Những buổi trưa hè nắng gắt, đối chân mẹ không dép bước vội về nhà trên con đường nóng rát. Cái nắng như rang, như thiêu đốt khiến bà mẹ chạy càng nhanh về hướng làng nằm trơ vơ giữa cánh đồng. Có ai nghe tiếng đàn con gọi mẹ? Có ai nhìn thấy cảnh con ngóng mẹ trong căn nhà cũ rách không? Trời trưa nắng đứng bóng, đàn con đói lả người.

Một buổi sáng, mới hai giờ, mẹ kêu đứa con gái lớn mười hai tuổi - tuổi ăn chưa no, lo chưa tới dậy phụ mẹ bó rau cho kịp buổi chợ. Con ngồi lên rồi lại nằm xuống. Con không thể mở mắt ra nổi. Con cố gắng. Con nhớ con đã ngồi dậy và bước theo mẹ. Con ngồi bó rau. Từng mớ rau muống. Con cột thật chặt và bỏ vào gióng gánh cho mẹ. Con nhớ từng giọt sương đã len qua từng cọng rau khiến tay con tê buốt. Con nhớ sương đêm ướt đẫm vai áo con… Và mẹ gánh một gánh rau thật đầy ra chợ.

Chợt đâu đây, có tiếng súng nổ, tiếng mìn nổ, con giật mình tỉnh dậy. Ánh sáng ban mai vừa lấp ló ngoài khe vách. Con giật mình chạy ra vườn thì mẹ đã gánh gánh rau đi rồi. Giấc mơ bó rau giúp mẹ chỉ là niềm nhớ được tái hiện của nhiều lần trước. Ngày hôm nay con mệt quá không giúp mẹ. Mẹ có buồn không. Con bước ra vườn tưới cây, bắt sâu. Những giọt nắng bay lượn trên từng chiếc lá rau sao mà xinh quá. Nắng màu vàng, phơn phớt hồng, hòa với màu xanh mới tinh khôi mang theo nhiều hy vọng. Ráng nhe rau. Mai em theo mẹ ra chợ nghe. Cô bé hiền hòa với từng hạt nắng, chút cây cỏ trong vườn nhà. Cô vẫn hy vọng cuộc sống sẽ êm dần trôi qua trong xóm nghèo này, trong gia đình héo hon của mẹ và em.

Trưa hôm ấy, mẹ không về, đàn con húp nồi cháo mẹ nấu khi sáng để con ăn sáng, trưa. Chiều mẹ cũng không về. Đàn con đợi mẹ. Con hái rau luộc cho em ăn. Hôm sau mẹ cũng không về. Bác hai qua hỏi mua đám rau và con gật đầu bán. Chút tiền chị em lại nấu cháo. Cả tuần mẹ cũng không về. Hàng xóm nói: “Chắc mẹ mày chết rồi vì bữa hôm đó hai bên đánh nhau dữ lắm”.

Không biết làm sao, mấy đứa trẻ mới lớn ngơ ngác không biết thế nào là mẹ chết, không biết đi tìm mẹ ở đâu. Đàn gà con lạc mẹ biết đi về nơi nao? Nỗi cô đơn sợ hãi bắt đầu xuất hiện trong trí óc đứa con nít mới lớn. Con sợ lắm mẹ à. Mẹ ở nơi nào, chúng con muốn chạy ù đến bên mẹ. Một tháng sau tin qua lại biết chắc mẹ đã chết trong trận ngày hôm ấy. Mẹ là cát bụi nay mẹ lại trở về với cát bụi. Con không thể tìm mẹ trên cánh đồng rộng bao la nữa. Con không biết nơi nào mẹ nằm. Con không biết làm cách nào để có thể tìm lại mẹ.

Tối ngủ, chị nằm và đứa em ôm chặt lấy chị. Cả hai cùng khóc. Cả hai đều nhớ ba và mẹ. Ba nằm đó, còn mẹ biền biệt. Con mong mẹ từng bước chân. Con mong mẹ từ cái dáng thon thon ấy trong bộ quần áo bà ba đen. Quần áo của mẹ chỉ là bà ba đen. Một kiểu duy nhất. Chẳng có bộ nào lành. Mẹ vá rất khéo. Đứa em nằm co quắp ôm quần áo mẹ ngủ trong tiếng nấc. Có ai thấy thảm cảnh ấy trong chiến tranh chắc họ sẽ ngồi sà xuống ôm những con người bé nhỏ và hàng nước mắt rơi để nhớ đến con mình.

Rồi chiến tranh càng ngày càng gay gắt, xóm làng chạy loạn. Chị em cũng thu gom những mảnh quần áo rách theo đám người nông dân. Con theo mọi người buôn bán. Cuộc sống đắp đổi qua ngày. Cuộc đời đã qua đi. Con đã lập gia đình với gia cảnh không khấm khá. Rồi chồng con đã ra đi vì một căn bệnh hiểm nghèo. Hai năm sau đứa con duy nhất của chúng con đã về với cha nó sau một tai nạn. Tất cả đã bỏ con. Con cô đơn một mình trong căn nhà vắng ngắt. Con nhớ mẹ thật nhiều.

Mẹ! bây giờ trong ngôi nhà nhỏ của con, đơn sơ và nhỏ nhoi, con nhìn lên di ảnh của mẹ. Mẹ vẫn đó. Vẫn khuôn mặt hiền hậu của bà mẹ trẻ. Mẹ mỉm cười nhìn con. Hình như mẹ muốn nói với con điều gì khi ánh chiều đang dần xuống thấp. Con đang đi dần về phía mẹ. Con thấy sao lạnh lẽo quá mẹ à. Con thấy hình mẹ nhạt nhòa. Con thương mẹ nằm lại trên cánh đồng cùng sương gió. Và mẹ đã tan biến vào cát bụi. Con không nhớ nơi ngôi nhà của mẹ con mình ở đâu. Con muốn trở về nơi đất in dấu chân mẹ để hốt một nắm đất, để con cảm thấy hơi ấm từ mẹ truyền sang con. Con muốn biết nơi mẹ nằm lại là nơi nào để con hốt nắm đất về thờ cho tâm hồn ấm lại. Không ai biết nơi nào có mẹ. Con muốn có nắm cát trên con đường mẹ gánh rau đi lại nhiều lần nhưng con không thể biết nơi ấy là nơi nào. Con muốn nắm được nắm bụi đã từng hôn chân mẹ nhưng con không nhớ được con đường mẹ từng tảo tần sớm hôm. Mẹ ơi !

Mẹ ! Một buổi chiều xuống thấp dần, con về đến căn nhà có hàng rào đầy hoa dâm bụt, chè tàu, cây cao, cây thấp, nghiêng ngả không đẹp như hàng rào nhà mình ngày xưa. Con muốn tìm lại căn nhà hạnh phúc của ba mẹ ngày nào nơi con cất tiếng khóc chào đời. Căn nhà mình không còn hình dáng xưa nữa, đã bán qua mấy chủ rồi và chắc chắn không ai nhận ra con đã từng sống trong căn nhà ấy. Tìm một miếng gạch xưa cũng là khó. Miếng gạch đã manh hơi ấm hạnh phúc của gia đình có cha con, vợ chồng… Nhưng mẹ à, con đã trở lại nơi ấy nơi có bầu không khí mẹ đã thở, có hạt cát bám lấy chân mẹ và con xin mang những hạt cát ấy về.

Sau hành trình gian khổ vì xương sống lưng con không thể ngồi lâu, con đã về được ngôi nhà xưa nơi con cất tiếng khóc chào đời. Căn nhà ngày nào đã ôm hình bóng thật trẻ và hạnh phúc tràn đầy của mẹ. Căn nhà ngày xưa giờ nằm trong khu phố cao ráo và khang trang. Người chủ nhà mới không hề biết con là ai nhưng vẫn ân cần tiếp đón con. Dãy phố không có nơi nào hở ra để có thể lấy được miếng đất. Tuy nhiên, khi nghe nguyện vọng của bà già kỳ lạ này, họ đã đồng ý cạy 4 viên gạch ở góc sân, đào xuống lấy ít đất pha cát màu đen đen và trao cho con. Con xin bồi thường chi phí nhưng người chủ nhà cười và nói đó là tấm lòng của họ với chủ nhà cũ.

Con giật mình tỉnh giấc. Giấc mơ vừa đi qua. Con trở mình nhìn vào màn đêm cùng tiếng nỉ non của giun dế. Mẹ ơi! Con nhớ mẹ, cả trong giấc mơ con cũng đi tìm mẹ. Con yếu lắm rồi mẹ ạ. Chắc gì ngày mai khi mặt trời ló dạng một lần nữa con nhìn thấy ánh bình minh. Con sẽ đi theo mẹ, mẹ chờ con với.

Mẹ! Con thấy dáng mẹ mặc áo bà ba đen ngồi vuốt tóc con. Con gục đầu vào chiếc bóng ấy. Con thấy con nhỏ bé như thuở mười hai dạo nọ nằm trong lòng mẹ. Mẹ ơi! Con hạnh phúc quá mẹ à.