Tưởng niệm lần thứ 63 Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng

Lễ tưởng niệm lần thứ 63, ngày Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng vừa được diễn ra trang nghiêm thành kính sáng nay, 26-2 tại Pháp viện Minh Đăng Quang (phường An Phú, Q.2, TP.HCM).

Lễ tưởng niệm có sự chứng minh, tham dự của chư Tôn đức giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ, chư Tôn đức Giáo đoàn IV và đông đảo thiện nam, tín nữ.

PV1

Trang nghiêm lễ tưởng niềm lần thư 63 Tổ sư
Minh Đăng Quang vắng bóng tại Pháp viện Minh Đăng Quang

Mở đầu lễ tưởng niệm, HT. Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó trưởng Giáo đoàn IV đã cung tuyên tóm tắt tiểu sử và công hạnh của Tổ sư.

Theo đó, Tổ sư Minh Đăng Quang thế danh Nguyễn Thành Đạt, sinh ngày 26 tháng 9 năm Quý Hợi (1923) tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Năm 15 tuổi, ngài xin phép thân phụ rời Vĩnh Long đi học đạo tại Nam Vang. Năm 19 tuổi ngài trở về Sài Gòn. Năm 20 tuổi vâng lời thân phụ lập gia đình. Cuối năm 21 tuổi, người bạn đời và con thơ đều thọ bệnh qua đời.

Đầu năm 22 tuổi, ngài xin phép thân phụ lên miền Thất Sơn xuất gia học đạo. Sau đó, ngài du hành sang Mũi Nai, Hà Tiên - tại đây, ngài đã tham thiền suốt 7 ngày 7 đêm và chứng ngộ ý pháp “Thuyền Bát-nhã”. Sau đó, ngài được một thiện nam thỉnh về chùa Linh Bửu (Mỹ Tho) an trú thiền định.

Ngày rằm tháng 7 năm 1944, ngài thọ y bát giới Sa-di; hai năm sau, ngài thọ Đại giới Cụ túc được Đức Phật A Di Đà ứng mộng, thọ ký pháp danh Minh Đăng Quang. Sau đó, ngài chính thức đi hoằng hóa.

Buổi đầu, ngài ra Long An, xuống Mỹ Tho, Gò Công, Sài Gòn, Tây Ninh, Bình Dương… rồi lần xuống các tỉnh miền Tây. Ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ (1954), trên đường hành đạo từ Sa Đéc xuống Vĩnh Long, rồi qua Cần Thơ, ngài thọ nạn tại Cái Vồn (nay là huyện Bình Minh, Vĩnh Long) và vắng bóng đến ngày hôm nay, tròn 63 năm.

PV2

HT. Giác Toàn cung tuyên tóm tắt tiểu sử Tổ sư

Từ ngày xuất gia, tu tập, đắc pháp, hoằng pháp, vắng bóng tròn 10 năm (1944-1954), ngài chứng minh dựng lập, xây dựng hơn 20 tịnh xá, thâu nhận Tăng Ni xuất gia, thành đoàn du Tăng hơn 100 vị. Tín đồ quy y thọ giới, nghe pháp hàng chục vạn người. Đặc biệt, sau 10 năm hành đạo, ngài để lại cho môn đồ tứ chúng 2 bộ sách quý là Bồ-tát giáo và bộ Chơn Lý.

Sau khi Tổ sư vắng bóng, chư Tăng Ni đệ tử tiếp nối chí nguyện, công hạnh của ngài với việc thành lập các giáo đoàn du Tăng khắp 2 miền Nam Bắc. Hình ảnh vị Sa-môn với chiếc y vàng, tay ôm bình bát đất, đầu trần chân không, chậm rãi từng bước chân nhẹ nhàng, tự tại hóa duyên dưới ánh nắng ban mai, vừa hiền, vừa đẹp trang nghiêm, trên những nẻo đường quê hương - nêu gương sáng đạo hạnh chan hòa, điểm tô phụng sự cho đạo, đời.

PV3

Trang nghiêm thanh tịnh hướng về Tổ sư

So với 50, 60 năm trước thì hiện tại “Tịnh xá nhiều hơn nhưng sức sống trang nghiêm an tịnh của tâm hồn, tâm linh thì dường như thiếu vắng hơn.

Tăng Ni xuất gia nhiều hơn, học tập kinh điển nhiều hơn nhưng rõ ràng tinh thần tu tập hành trì, nhiếp phục thân-khẩu-ý yếu hơn rất nhiều; tăng trưởng về số lượng nhưng rất kém về phẩm hạnh.

Phật tử so với ngày trước, bây giờ tín đồ rất đông những cũng rõ ràng nhiều Phật tử bị chi phối bởi hình thức, còn Phật tử biết soi sáng tìm học giáo lý, đi theo con đường chư Phật, chư Tổ, chư Hiền Thánh Tăng… quyết tâm tu tập chuyển hóa tự thân, trở thành Phật tử thuần thành, phụng thờ giáo pháp còn nhiều hạn chế” - Hòa thượng Giác Toàn bày tỏ ưu tư tại buổi tưởng niệm.

PV4

HT. Giác Ngộ, Phó trưởng Giáo đoàn IV Hệ phái Khất sĩ ban đạo từ

PV5

Sống chung tu học

Trong buổi lễ, HT. Giác Ngộ, Phó trưởng Giáo đoàn IV - Hệ phái Khất sĩ cũng có lời đạo từ chứng minh, sách tấn tinh thần tu học của Tăng Ni và Phật tử để tiếp nối trên con đường Chân lý mà Đức Tổ đã xây dựng nên.

Tiếp đó là nghi thức dâng hương trầm cúng dường và khóa tụng kinh cầu nguyện.

PV6

PV7

Nghi thức dâng trầm cúng dường

PV8

Thành kính trong thời kinh cầu nguyện

PV9

Tưởng niệm thiết thực nhất: nguyện học, hành theo “Chơn lý” Đức Ngài chỉ dạy

Nguồn: giacngo.vn