Tưởng niệm NT. Huỳnh Liên - Hồn thơ tỏa sáng

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật,

Kính lạy Đức Tổ Sư khai sáng Hệ phái Khất sĩ Việt Nam

Kính lạy Giác linh Ni trưởng Đệ nhất

Kính bạch quý Ni trưởng, Ni sư

Cách đây 28 năm về trước, năm 1987, Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất Sĩ Việt Nam, đã mãi mãi ra đi nhưng công hạnh của Người vẫn luôn là tấm gương sáng ngời trong lòng những người con Phật hôm nay và cả mai sau.

Hôm nay, nhân lễ kỷ niệm lần thứ 28, ngày Ni trưởng viên tịch, chúng con xin đốt nén tâm hương, thành kính dâng lên Người - bậc Đạo sư khả kính của hàng đệ tử chúng con lòng biết ơn chân thành sâu sắc! Trong không khí trang nghiêm thanh tịnh của Lễ tưởng niệm, chúng con tự hào kính nhớ lại những công hạnh lớn lao của Người cho đạo pháp, cho dân tộc.

Kính bạch Chư tôn đức.

Hệ phái Khất Sĩ là Hệ phái trực thuộc Giáo Hội Phật giáo Việt Nam được Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng năm 1944 với tinh thần “Nối truyền Thích ca chánh Pháp” dung hợp các giáo phái Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa thành hệ thống giáo lý mang bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam, góp thêm một bông hoa đầy hương sắc mà dung dị gần gũi trong vườn thiền của dân tộc. Dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Tổ sư, Hệ phái Khất Sĩ Việt nam đã phát triển mạnh mẽ, cắm rễ sâu trong mạch nguồn Văn hóa dân tộc. Năm 1954, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, Ni trưởng kế tục sự nghiệp to lớn của Tổ Thầy một cách kiên cường, lãnh đạo Ni giới Khất Sĩ Việt Nam bước đi những bước vững chắc trên con đường giải thoát và hoằng pháp lợi sanh. Hạnh nguyện suốt đời xả thân cho đạo pháp và dân tộc đã được cụ thể hóa bằng việc Ni trưởng phát triển đạo tràng tu học, hoằng dương Chánh pháp trên tinh thần nhập thế đưa Đạo vào đời đồng hành với dân tộc trong ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam:

“Nguy thời hộ nước cứu dân

An thì khoác áo am vân tu trì”.

Hạnh nguyện ấy được thể hiện trong những vần thơ chứa chan đầy nhiệt huyết của Người:

“Nguyện xin hiến trọn đời mình

Cho nguồn đạo pháp cho tình quê hương”

Trong suốt 40 năm thực hành lý tưởng cao quí của người xuất gia, xứng đáng là một vị “Thiên nhân chi đạo sư”, Ni trưởng đã tỏa sáng trên cương vị Đệ nhất Trưởng Ni giới Khất Sĩ Việt Nam, phó Chủ tịch UB Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Trung Ương Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam. Đặc biệt năm 1976, Ni Trưởng được bầu là đại biểu Quốc hội, vị đại biểu Quốc hội Phật giáo đầu tiên trong Quốc hội Việt Nam. Cuộc đời hành đạo của Ni trưởng là tấm gương sáng cho hàng đệ tử xuất gia cũng như tại gia chúng con luôn tự hào. Tài năng, đức độ, hạnh nguyện của Người cùng những cống hiến lớn lao trong cuộc đời của Ni trưởng cho đạo pháp và dân tộc được lớp lớp hậu học chúng con tâm niệm và hành trì. Những vần thơ của Người vừa giản dị, chân thành vừa thể hiện chí nguyện được phụng sự, dâng hiến cho đời của một tâm hồn từ bi rộng mở:

“Mượn lại tấm thân làm ngọn đuốc

Soi ra ánh sáng tỏ đường về”

( Hành đạo)

Trong đêm tối mịt mù của vô minh nơi cảnh trần huyễn mộng, Ni trưởng nguyện làm ngọn đuốc soi đường cho bao cảnh khổ đau:

“Tiếp dẫn chúng sinh qua biển khổ

Dắt dìu nhân loại đến bờ xưa”

( Hành đạo)

Tấm lòng của Người vẫn mãi nhắc nhở chúng con ánh sáng chân lý thật giản dị mà sâu sắc:

Thân là tạm, cõi đời là tạm

Cánh bèo trôi bể thảm lênh đênh”.

(Đường giải thoát)

Hay:

Trần thế âu là cảnh tạm nương

Cũng như chiếc quán dựa bên đường

Người đời là khách dừng chân tạm

Rồi vội lui về nẻo viễn phương”

( Ly gia)

Giản dị thay, lời thơ của Ni trưởng như lời nói mà chứa đựng lời dạy thậm thâm vi diệu: Đời người như cánh bèo trôi lênh đênh, như con thuyền không bến trên biển khổ mênh mông biết đến bao giờ thoát khổ? Để rồi, Ni trưởng nhắc nhở mọi người hãy kiên định trên con đường giải thoát, chuyển mê thành ngộ, chuyển khổ đau thành hạnh phúc- một hạnh phúc chân thật từ tâm hồn bình yên, sáng trong, tĩnh lặng:

"Tâm hằng bền, lẽ đạo hằng bền

Gót trí dạo rừng thiền thanh thản” 

( Đường giải thoát)

Ni trưởng đã bước lên con đường trí tuệ với tâm vững bền, với hạnh nguyện từ bi dưới ánh hào quang của chư Phật, luôn soi đường chỉ lối cho chúng con dạo bước rừng thiền để độ khắp nhơn sanh: “Phát thệ hoằng sanh, du hành độ thế” phải luôn tỉnh giác: “Diệt bản ngã trăm thân hòa nhất thể”, biết “Trải lòng đan chiếc áo từ tâm” để lắng nghe:

“Trống pháp dậy âm rền

Chuông thiền ngân tiếng dội”.

Âm hưởng hào hùng của lời kêu gọi ấy như hồi chuông bát nhã chảy tràn trề trong niềm hạnh phúc vô biên của người con Phật khi giác ngộ con đường giải thoát:

“Rừng mê chướng thâm u ngàn lối

Đạo Bồ đề một cõi vinh quang”

(Đèn Chơn lý)

Và thực hành con đường trở về với tự tánh chân như, với bến bờ giác ngộ:

“Pháp Phật nhiệm màu năng cứu khổ

Lối tu giải thoát mở đường về”.

(Tỉnh mộng)

Điều kỳ diệu là khi đi trên con đường giải thoát, Ni trưởng vẫn không quên tâm nguyện:

Phật chứng cho con chở chiếc thuyền

Về đến bến xưa con rước độ

Chúng sanh thoát khổ trọn lời nguyền

( Xuất gia)

Lời nguyền thoát khổ và hạnh nguyện cứu khổ một đời của Ni trưởng vì đạo pháp thật không ngôn từ nào nói hết:

Không danh lợi cửa nhà

Không của tiền con cái

Đỡ lòng một bát cơm

Che thân ba mảnh vải

Đầu đội nón càn khôn

Chơn mang giày thế giới”

Thật là một ý chí bất khuất, một tâm hồn rộng mở, lộng gió muôn phương lấy trời đất làm mái nhà che mưa nắng, lấy vũ trụ làm con đường đi tới để hòa tan vào đại dương mênh mông trong đại đồng nhân loại:

“Nguyền biến thành giọt nước

Chảy từ rạch về sông

Nương ngọn triều xuôi ngược

Ra biển cả đại đồng”

                                                                                   ( Lòng biển bao la).

Phải chăng đây là con đường trở về với chân như tỏ ngộ Phật tánh, với Phật tâm rộng chứa hết chúng sinh, với Phật trí phóng quang phát huệ, với hạnh nguyện giải thoát viên mãn của Người.

Kính bạch Chư tôn đức.

Hôm nay đọc lại những vần thơ tâm huyết của Ni trưởng, chúng con không khỏi bồi hồi xúc động trước hạnh nguyện cao cả của Người. Giờ đây, trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, đệ tử chúng con thành kính tưởng niệm Giác linh Người. Để tỏ lòng tri ân công đức của Ni trưởng, chúng con nguyện tinh tấn trên con đường tu học, kế tục đạo nghiệp của Người, phát thệ nguyện rộng lớn, quyết chí thanh lọc tam nghiệp, chuyển hóa thân tâm, trau giồi giới đức, vững bước trên con đường giải thoát, hoàn thành tâm nguyện hoằng pháp độ sanh .

Kính bạch Giác linh cố Ni Trưởng thùy từ chứng giám.