Vài điều nhắc nhở chúng Sa-di tân học

HTToan 12

Buổi chiều ngày đầu tiên khóa tu Bồi dưỡng Đạo hạnh, 02/7 Đinh Dậu (23/08/2017) tại Pháp viện Minh Đăng Quang, HT Giác Giới – Trưởng ban Thường trực Hệ phái, Chứng minh Hệ phái, Viện chủ Tổ đình Minh Đăng Quang, Vĩnh Long đã quang lâm sách tấn đại chúng Sa-di, Sa-di-ni. Mặc dù, tuổi cao, lại ở xa song vì lòng thương lo đàn hậu tấn non trẻ, Ngài trở về đây mang theo nguồn năng lượng tinh tấn, khích lệ tinh thần xuất trần thượng sĩ cho đại chúng. Bài giảng của Ngài tập trung vào các tiêu chí như sau:

1. Mục đích khóa tu

Hòa thượng nhấn mạnh lại mục đích của khóa tu này là để các Sa-di, Sa-di-ni, Thức-xoa tân học có cơ duyên tụ họp về một nơi trau dồi phạm hạnh trong Tăng đoàn nhà Phật nói chung, và thực hành đúng với giới pháp của đức Tổ sư chỉ bày nói riêng. Trong môi trường tu học này, các vị tân học sẽ tinh tấn hơn, dõng mãnh hơn, thăng hoa trên đạo lộ giác ngộ giải thoát.

2. Xuất gia là đại hiếu

Đối với người thế gian, cha mẹ là hai đấng sinh thành hết sức thiêng liêng trong gia đình. Người con dù có hiếu đến đâu, dù cung cấp đầy đủ mọi thứ vật chất cho cha mẹ, mùa đông áo kép, mùa hạ áo đơn cũng không sao trả hết công ơn của cha mẹ. Chỉ có một cách là làm thế nào giúp cha mẹ thoát ra khỏi vòng luân hồi sinh tử mới là chí hiếu và cách ấy chính là xuất gia học đạo, giúp cha mẹ hiểu được giáo pháp, thực hành giáo pháp, tạo thiện nghiệp mới mong đền trả hết công ơn sâu dày này. Làm được như thế cũng còn gọi là làm được công đức lớn.

Vì sao đó là công đức lớn? Chúng sinh mê lầm trôi lăn tạo nghiệp mãi trong vòng luân hồi sinh tử, giúp được cha mẹ ra khỏi vòng sinh tử này mới là điều cần làm, là công đức lớn vậy.

Nay chúng ta được cha mẹ cho phép xuất gia, gần gũi bậc hiền đức, mỗi ngày nghe được giáo pháp của chư Phật, chư Tổ, tâm mình sáng dần ra. Chúng ta nhận ra tình cha mẹ thiêng liêng nhưng trên đời vẫn còn có những điều thiêng liêng khác nữa. Chúng ta biết rõ một khi xa cha mẹ, bỏ lại cửa nhà, phải một lòng nhứt tâm, có định hướng duy nhất với con đường chánh pháp, tinh tấn học Phật, để có một ngày trở về được chơn tâm bổn tánh của mình. Pháp Vô vi trong nhà Phật đó là các pháp tu tập để đạt đến quả vị Niết-bàn, quả vị bậc Thánh, là các pháp đưa đến dứt trừ phiền não rốt ráo.

3. Pháp tu của Sa-di tân học

Các pháp mà một vị Sa-di cần phải học, nhớ kỹ và hành trì được đức Tổ sư chỉ dạy ngang qua bộ Chơn Lý, Môn Oai nghi, Thập lục hạnh, Pháp học Sa-di 1-2-3, phần Định trong Chơn Lý, số 68 ...

Trong bài Diệt lòng ham muốn câu 19, đức Tổ sư dạy: “Lìa cha mẹ, bỏ cửa nhà đặng nhập đạo, một lòng chí quyết học hỏi cho rõ chơn tâm, bổn tánh, và hiểu thấu phép tắc Vô vi của Phật, tức là thành một vị Tu-đà-hườn”.

Tất cả các huynh đệ Sa-di, Sa-di-ni đều có sẵn hạt giống lành, căn tánh thiện, nên phát Bồ-đề tâm xuất gia, nhẫn nại vượt qua khó khăn thử thách. Tuy đang là Sa-di nhưng đã có ý chí thong dong giải thoát, quyết tâm tu học hầu mong vượt thoát biển sinh tử.

Các Sa-di, tập sự trải qua thời gian thử thách, siêng năng tu học dưới sự hướng dẫn của các bậc thầy, minh sư được bước lên lớp kế tiếp là thọ Cụ túc giới. Một vị thọ giới Cụ túc cũng tức là vị đã chứng được quả Tu-đà-hoàn. Điều này kế hợp với kinh văn, giới luật truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy.

Năm xưa, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn cũng xác quyết rằng: “Người chưa kiến tánh thì tu hành chỉ uổng công vô ích”. Trong thiền sử, các vị thiền sư trong giai đoạn đầu thường hành cước đó đây, cầu thầy học đạo, tìm các bậc minh sư để được khai thị kiến tánh, sau đó mới khởi tu. Các vị cho rằng nếu không như vậy chỉ là tu mù. Trong truyền thống Khất sĩ, đức Tổ sư bảo khi một một vị Tăng thọ giới Tỳ-kheo cũng đồng nghĩa với việc vị ấy chứng quả Nhập Lưu.

Đại chúng hãy nhớ lại bài kinh Khúc gỗ trôi sông, một hình ảnh ý nghĩa liên tưởng đến việc người xuất gia đang trên đường thẳng tiến về Niết-bàn. Khúc gỗ ấy có ra đến biển hay chăng, cũng như người xuất gia có thành tựu Thánh quả, chứng đắc Niết-bàn hay không tùy thuộc vào nhiều duyên. Nếu khúc gỗ nhập vào sông Hằng, không bị vướng mắc vào bờ bên này hay bên kia, không bị chìm giữa dòng, không bị vớt lên, không bị mục, chắc chắn nó sẽ được trôi ra đại dương, không có hướng nào khác. Cũng thế, người xuất gia không còn bị trói buộc bởi ngũ dục lục trần, đi đúng trên chánh đạo, quả Giác ắt kề gần.

Một vị thọ giới Cụ túc là thấu rõ pháp Vô vi Niết-bàn, có chánh tri kiến kiên định. Trong Hệ phái Khất sĩ thời kỳ đầu, phần lớn chư Tăng xuất gia một tuần được cạo tóc, giữ giới, tu hành tinh chuyên, 3-4 tháng sau được thọ giới Sa-di, 3-4 năm sau được thọ giới Cụ túc và bắt đầu hoằng pháp lợi sinh. Các vị đệ tử lớn của Tổ sư như Ngài Nhị Tổ Giác Chánh, đức Thầy Giác Tịnh, đức Thầy Giác An, Pháp sư Giác Nhiên, HT. Giác Huệ… sau khi xuất gia không lâu, Tổ sư vắng bóng, các Ngài đều đi hoằng pháp, làm lợi ích cho chúng sinh rất sớm. Giáo pháp các Ngài hành trì chính là y theo Chơn Lý mà hành và chánh tri kiến nơi các Ngài rất kiên định.

Nhờ Chánh tri kiến ấy, người xuất gia đoạn trừ hoàn toàn Thân kiến, Giới cấm thủ kiến Nghi. Vị ấy đoạn trừ Thân kiến tức vị ấy có nhận thức đúng đắn về thân này. Vị ấy thấy rõ thân phù du, vô thường, thấy rõ thân, ngã, sở hữu của ngã là không thật. Đoạn trừ Giới cấm thủ kiến là vị ấy không còn tin tưởng cố chấp vào những giới luật tà vạy, một lòng kiên quyết giữ giới hạnh đúng với pháp Phật. Đoạn Nghi là vị ấy có trí sáng suốt, không cuồng tín mù quáng; đối với các pháp đều quán sát, suy tư, luận giải chứng nghiệm rõ ràng. Điều quan trọng đối với hàng Sa-di tân học là trau dồi, không còn nhận thức sai lầm trước mọi vấn đề, mọi pháp.

Hòa thượng nhắc nhở, ngay Bài học Sa-di, các Sa-di cần phải thuộc nằm lòng, bởi Môn Oai nghi là hạnh đức trau dồi của lớp học trò tập sự Sa-di trong một thời hạn nung đúc trí tâm để bước lên lớp xuất gia bình đẳng. Thực hành cho tròn các trọng trách của một Sa-di ấy là đi đúng pháp, đúng đường, nếu không hành như vậy uổng công nhiều năm dài chịu thử thách khó khăn. Đối với 10 giới Sa-di, 21 phép tắc, Sa-di phải nhớ hành, phải biết nhân quả trong mỗi điều giới. Người học trò Sa-di bước đầu phải gìn giữ thật nghiêm túc giới pháp trong lớp bậc của mình.

Pháp tu Tổ dạy rất kỹ, con đường rất quang đãng cho bất cứ ai bước lên con đường này. Chẳng hạn trong bài Nghe pháp học kinh: “Nơi nhà giảng Sa-di phải đến trước sớm, dọn dẹp quét tước sạch sẽ, dọn chỗ cho chúng Tăng, chớ đợi đang nói pháp mới đến sau, y phục phải chỉnh tề, nghe pháp chẳng đặng nói chuyện bậy bạ và cử động, chẳng đặng ho khạc lớn tiếng, đang khi nghe học pháp, chẳng đặng bỏ đi ra ngoài, phải lóng lòng nghe, ngẫm nghĩ tu tập, chẳng nên chưa hiểu nói hiểu, hoặc vào tai ra miệng. Sa-di còn bé kém, giữ giới chưa chắc phải học luật thêm để răn lòng trong mỗi giờ phút”.

Gần đây, Ban Trị sự GHPGVN đã tổ chức 10 ngày cấm túc an cư cho chư Tôn đức Tăng tu học chung tại Việt Nam Quốc Tự, đây là điều đáng mừng, đáng tán thán. Việc tổ chức này cũng là ngọn đèn sáng để các truyền thống, tông môn, pháp phái trong đạo Phật noi theo.

Việc tư duy và tư duy đúng đắn trong chánh pháp luôn được Hòa thượng nhấn mạnh trong buổi giảng. Từng quy tắc nhỏ trong 21 phép tắc, đại chúng Sa-di phải chú tâm chánh niệm tư duy thật kỹ trong khi thực hành. Cũng như chuyện nhà bác học Newton phát minh ra định luật Vạn vật hấp dẫn. Ai cũng nhìn thấy quả táo rơi cả nhưng có ai quán sát tư duy? Và nếu như Newton cũng chỉ là đứa bé hay thanh niên bình thường thì làm sao phát minh lỗi lạc ấy có thể ra đời? Nhờ Newton tư duy, sự tư duy đúng đắn sáng suốt mang lại một phát minh hữu ích khôn cùng cho nhân loại.

Hòa thượng lấy một dẫn chứng khác để minh định thêm cho điều này. Kinh Phạm Võng, số 1, thuộc Trường Bộ Kinh, kể lại sự kiện thầy trò du sĩ ngoại đạo bàn luận về Phật Pháp Tăng. Người thầy tên Suppiya dùng vô số phương tiện hủy báng Phật, Pháp, Tăng, còn đệ tử là Brahmadatta lại dùng vô số phương tiện tán thán Phật Pháp Tăng. Cứ thế hai thầy trò nói những lời tương phản nhau trong khi đi sau lưng đức Phật và chúng Tỳ-kheo trên con đường giữa Rajagaha và Nalanda. Có một số Tỳ-kheo hữu học nghe những lời này sanh lòng bực dọc, khó chịu, phiền muộn nên đức Phật đã tùy thời phân tích chỉ dạy cho chư Tỳ-kheo.

Đức Phật dạy, trước những lời hủy báng hay tán thán, người trí không khó chịu, bực dọc hay hoan hỷ, thích thú mà chỉ cần biết rõ “Như thế này, điểm này không đúng sự thật, như thế này, điểm này không chính xác; việc này không có giữa chúng tôi, việc này không xảy ra giữa chúng tôi. Hoặc như thế này, điểm này đúng sự thật, như thế này, điểm này chính xác, việc này có giữa chúng tôi, việc này đã xảy ra giữa chúng tôi”. Như thế, đức Phật dạy chư Tỳ-kheo hãy quán sát như thật và biết rõ đúng với sự thật. Thế là đủ. Không khởi bất cứ tâm sở nào. Không có gì để buồn khổ hay hoan hỷ trước khen chê. Người đệ tử Phật phải học và làm được điều đó.

Có lần đức Phật bảo, trước khi chưa xuất gia, Ngài cũng như mọi người. Chỉ có điều Ngài vượt trội hơn mọi người đó là sự tư duy sâu sắc nơi Ngài. Này các Tỷ-kheo, Ta cũng vậy, trước khi giác ngộ, khi chưa chứng Chánh đẳng giác, khi còn là Bồ-tát, tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già, lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh... tự mình bị chết... tự mình bị sầu... tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm. Này các Tỷ-kheo, rồi Ta suy nghĩ như sau: "Tại sao Ta, tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già... (như trên)... tự mình bi ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm? Vậy Ta, tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, hãy tìm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già... cái không già... tự mình bị bệnh... cái không bệnh... tự mình bị chết... cái bất tử... tự mình bị sầu... cái không sầu... tự mình bi ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị nhiễm, hãy tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Rồi này các Tỷ-kheo, sau một thời gian, khi Ta còn trẻ, niên thiếu, tóc đen nhánh, đầy đủ huyết khí của tuổi thanh xuân, trong thời vàng son cuộc đời, mặc dầu cha mẹ không bằng lòng, nước mắt đầy mặt, than khóc, Ta cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình” .

Chính tư duy chân chánh nên Ngài từ bỏ tất cả đi tìm con đường hạnh phúc làm lợi ích cho mình cho đời. Chúng ta ngày nay cũng vậy, đừng để ý chí của mình lui sụt, đừng nản lòng, phải biết quán chiếu các pháp đúng như thật đúng với lời Phật dạy để tự nâng cao trí tuệ.

Câu chuyện Anh chàng buôn chuột cũng cho chúng ta bài học chí lý. Nhìn con chuột chết bên đường, ai cũng coi khinh nhưng một vị quan có trí ngang qua đường nói với người làm của mình rằng chớ coi khinh con chuột chết ấy, nếu người biết vận dụng, có thể từ con chuột chết ấy nuôi sống mình và người thân một cách dễ dàng. Một thanh niên khôn ngoan đi sau nghe điều này và quyết định thử thời vận. Anh cúi xuống xách con chuột chết lên đi tiếp. Chẳng mấy chốc, anh đổi được 2 đồng tiền nhờ bán chuột chết cho ông chủ tiệm mua chuột làm thức ăn cho con mèo của ông. Cứ thế, anh lấy tiền mua nước ngọt, bánh trái bán cho người qua đường; người ta mua bánh trả hoa thay tiền; anh lại bán hoa lấy tiền…

Mỗi con chuột chết thôi mà người thanh niên thông minh đã tự xoay sở cuộc sống của mình trở nên ổn định. Cùng lúc anh chăm chỉ làm ăn, tháo vát trong mọi công việc theo sự tư duy đúng thời của mình, chẳng bao lâu sau anh trở thành người thành công trong đời.

Câu chuyện này cũng là một đề tài thiền quán cho mỗi Sa-di tân học. Không việc gì là không quán sát với trí thanh tịnh. Cũng vậy, các Sa-di nghe giáo pháp phải biết suy tư, nếu không biết suy tư, không suy tư đúng đắn, không thực hành nên không bao giờ tiến bộ.

4. Tầm quan trọng của thiện tri thức

Trong bài Đi các chỗ học đạo thuộc phần phép tắc oai nghi, Tổ sư có dạy: “Đi xa phải nhờ bạn lành, người xưa nẻo lòng chưa tỏ, cầu thầy chẳng lấy ngàn dặm làm xa, chẳng cùng bọn bất lương, tà ác, tham sân kết bạn lữ học trò, tập theo thói xấu”. Bạn lành là một trong những yếu tố rất cần thiết cho người học đạo, nhất là đối với các Sa-di tân học. Thiện tri thức, bạn tốt đưa chúng ta ra con đường sáng, ngược lại bạn xấu giữ mãi chúng ta trong con đường u minh, khổ đau. Trong các tổ chức, người đồng chí hướng cùng đoàn kết làm nên việc lớn. Người xuất gia cũng cần thiết có những đồng phạm hạnh, cộng sự, đồng sự để cùng bước vững chãi trên con đường giác ngộ.

Nói đến việc cầu thầy chẳng lấy ngàn dặm làm xa làm chúng ta nhớ đến hình ảnh Di mẫu Kiều Đàm Di và 500 phụ nữ Thích-ca vượt chặng đường dài, bàn chân toạt máu, y phục rách tả tơi, thân thể nữ nhi lâu nay sống trong nhung lụa nay chịu bao khó khổ đến Tịnh xá Đại Lâm cầu xin Phật cho xuất gia học đạo. Tôn giả A-nan với lòng bi mẫn cảm thông cũng hết lời xin Phật cho bà và các người nữ khác được xuất gia theo Tăng đoàn tu học. Việc cầu đạo không phải dễ, nay chúng ta được xuất gia, sống trong nhà đạo lẽ nào không trân quý cuộc sống giải thoát mà gắng chí tu hành.

5. Tinh tấn tham thiền

Trong Sa-di Luật giải Yếu lược, Ngài Châu Hoằng có viết: “Phật chế, xuất gia giả, ngũ hạ dĩ tiền tinh chuyên giới luật, ngũ hạ dĩ hậu, phương nãi thính giáo tham thiền”. Nghĩa là Phật quy định, người xuất gia năm hạ về trước phải chuyên học và tinh tường về giới luật, 5 hạ về sau mới học hỏi giáo lý, tham cứu thiền học. Vậy là người xuất gia, những năm đầu thọ giới Sa-di phải tinh tấn học, hành trì giới luật, trọn lễ hầu thầy, chỉnh sửa uy nghi, vun bồi đạo hạnh. Năm năm trở về sau nghiên cứu giáo pháp, tu tập thiền quán. Những năm đầu giữ giới, các Sa-di cũng chuyên tâm chánh niệm kiểm soát thân khẩu ý trong từng oai nghi, cử chỉ hành động. Đây là nền tảng để thời gian sau chuyên chú thiền tập đạt định dễ dàng. Sa-di làm tốt trách nhiệm, thông suốt pháp học của mình sau tiến lên lớp trên - hàng Tỳ-kheo mới xuôi thuận, từng bước thăng hoa, tiến triển tâm linh.

Sa-di không được coi thường hạnh đức thuở đầu mà không chịu trau đức giồi tâm một cách đúng mức. Nếu không khổ luyện, sau này có thọ được giới Tỳ-kheo, vị ấy cũng không xứng đáng với danh xưng Tỳ-kheo. Các Sa-di hãy quan tâm điều này, tư duy và tự mình thương lo cho mình, đừng chờ ai thương lo giải quyết cho mình. Khi lên hàng Tỳ-kheo, định lực tham thiền cần yếu quyết định cho giá trị một vị Tỳ-kheo. Ấn chứng của Tổ là ấn chứng thiền quán. Thế nên, vị Tỳ-kheo hiểu rõ và thực tập quán chiếu ngũ uẩn vô thường, tu tập Giới Định Tuệ, hiểu rõ danh xưng, sự sinh khởi, sự nguy hiểm và viễn ly của các tâm sở bất thiện. Và đây là con đường đoạn tận phiền não, ra khỏi vòng sinh tử khổ đau. Chính đức Phật cũng tuyên bố: “Trong cái xác thân dài một sải này, cùng với tri giác và tư tưởng, Như Lai tuyên bố về khổ, nguồn gốc của khổ, sự chấm dứt của khổ và con đường dẫn đến sự chấm dứt của khổ”.

Vậy nên các Sa-di cần nên ý thức, tư duy và tu tập tốt.