Vài lời thưa về Văn hóa Pháp phục của Truyền thống Khất sĩ

Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni,

Thưa quý vị cộng tác trong Ban Văn hóa – Truyền thông,

Một tấm hình nói lên nhiều lời, do đó chúng ta làm việc mang tính văn hóa tâm linh (biểu đạt cái đẹp, cái trang nghiêm của cõi đạo, của Phật chất, của truyền thống Tổ Thầy) nên cẩn trọng chọn hình và góc nhìn, góc quay… Nếu chúng ta không cẩn trọng việc này sẽ làm mất đi vẻ đẹp trang nghiêm của một bậc Thầy, mất đi tính truyền thống của một sơn môn.

Ban Văn hóa Trung ương đã rất hữu lý khi đưa vấn đề này thành một đề án văn hóa trong 3 năm cuối của nhiệm kỳ 2012 – 2017. Do đó, người tu sĩ có pháp phục của tu sĩ, người cư sĩ có pháp phục theo quy định của người cư sĩ. Không những thế, cách đắp, cách mặc sao cho phù hợp với quy định của Luật Phật, của tông môn và quy định của Giáo hội, chư Tăng Ni và Phật tử cũng cần lưu lý.

Đối với một vị Khất sĩ Tăng, chỉ có 2 cách đắp y:

1) Y trùm khi đi ra ngoài hoặc khi thuyết pháp tại đạo tràng mà mình là người được thỉnh mời.

2) Đắp y chừa cánh tay mặt (trong lễ cúng, tụng kinh, giảng thuyết hoặc trong lễ hội tại đạo tràng mà mình là chúng Tăng).

Ngoại trừ một vài trường hợp khi ngồi thiền hoặc đi thiền hành vào mùa nắng, chư Tăng vắt y trên vai và phải được sự thống nhất ý kiến của Tăng-già; hoặc ở xứ lạnh, cần có áo ấm cho đỡ lạnh, đều phải thông qua sự thống nhất của tất cả thành viên Tăng đoàn. 

Các trường hợp chư Tăng bận áo có tay, đắp y chừa cánh tay một bên, hoặc là áo một bên có tay dài, một bên cắt ngắn đi, hoặc là áo thun có tay ngắn bên trong rồi đắp y chừa cánh tay, v.v… đều không phù hợp với truyền thống giới luật của Phật Tăng xưa và quy định về pháp phục (Y thượng, Y trung và Y hạ) của Tổ sư Minh Đăng Quang.

Đối với chư Ni đã thọ giới Sa-di trở lên, nếu đã chụp hình đưa lên mạng nên luôn đắp y đúng cách, không nên vắt y trên vai. Ngày nay, hiện tượng chư Tăng Ni đắp y không đúng cách đưa lên mạng ngày càng nhiều. Càng tệ hơn nữa, có vị thay đổi cả hình thức dù đã là Tỳ-kheo, nhưng vẫn thay đồ đi đây đó, rồi chụp hình đưa lên mạng xã hội, khiến cho niềm tin Phật tử bị suy giảm. Do hoàn cảnh cần phải sử dụng phương tiện đi lại, quý Ni trưởng đã chế cho chư Ni còn nhỏ hạ được phép mặc quần để sử dụng phương tiện xe máy, nhưng tuyệt đối, đó không phải là hình thức chính thống của Ni giới Khất sĩ Việt Nam.

Một số vị Tăng Khất sĩ ở trong nước và nước ngoài, ngày nay lại mặc quần vàng, hoặc quần nâu, trên đắp y truyền thống Khất sĩ, thật không phù hợp. Rất mong chư Tôn đức Tăng Ni cần suy nghĩ lại. Hoặc một số vị trong bận áo tràng vàng, bên ngoài đắp y Khất sĩ. Thiết nghĩ, nếu đem vấn đề Pháp phục này thảo luận, từ các vị Tôn túc trong Giáo hội PGVN hay ở hải ngoại, hoặc các vị giáo phẩm Hệ phái, nghiêm túc mà nói, chắc các vị không thể chấp nhận tình trạng trên.

Mặc dù “chiếc áo không làm nên thầy tu”, nhưng thiếu chiếc áo không thể thành thầy tu. Do đó, mỗi truyền thống, mỗi tông môn đều có pháp phục riêng. Nên gìn giữ bản sắc văn hóa Pháp phục của mình, góp phần bảo tồn nền văn hóa Pháp phục Phật giáo, góp phần xương minh giáo pháp Phật-đà qua trang nghiêm tự thân.

Do đó, trong thời gian tới, những tấm hình không có giá trị văn hóa, truyền thống của tông môn, không đúng với quy định của Giáo hội và Hệ phái, Ban Văn hóa – Truyền thông của Hệ phái Khất sĩ xin được phép không đưa lên trang mạng daophatkhatsi.vn và phapam.daophatkhatsi.vn. Rất mong chư Tôn đức hoan hỷ cho và các vị làm công tác văn hóa, đưa tin, hoan hỷ lưu ý để tránh lỗi về văn hóa Pháp phục.

Chúc tất cả luôn an lành, trang nghiêm tự thân, góp phần trang nghiêm Giáo hội, góp phần bé nhỏ của mình vào bức tranh tổng thể của Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phật giáo toàn cầu nói chung.

Trân trọng,

Mùa Hạ PL. 2562 – DL. 2018

TK. Giác Hoàng

Hình minh họa: Chư tôn Đức thiền hành

Thiền tọa

Giảng pháp

Chư Tôn đức trì bình khất thực ngoài phố