Vài nét căn bản về ý nghĩa giáo dục Ni chúng Ni giới Hệ phái Khất sĩ

ni-ngocphuongGiáo dục là một vấn đề quan trọng đối với thế học cũng như trong Phật giáo. Việc giáo dục dạy dỗ đệ tử của những bậc làm thầy có liên quan mật thiết đối với sự thịnh suy của Phật pháp. Trong kinh, Đức Thế Tôn đã từng răn nhắc rằng nuôi đệ tử mà không biết dạy dỗ để họ làm tổn thương đến đạo pháp thì tội lỗi còn nặng hơn tội của người đồ tể sát sinh. Vì người đồ tể gây nghiệp ác chỉ làm hại đến bản thân mình, còn người xuất gia mà làm trái giáo pháp sẽ khiến cho Chánh pháp sớm bị diệt vong.

Cho nên, vị Thầy cần phải trang nghiêm tự thân trong việc tu học Giới Định Huệ, khéo léo áp dụng tinh thần từ bi, trí huệ, vô ngã vị tha trong việc thâu nhận và giáo hóa đệ tử xuất gia.

I. Bước một: Tập sự

1. Phát tâm xuất gia

Tiếp nhận người phát tâm xuất gia vào hàng ngũ Tăng đoàn là bổn phận và trách nhiệm của các vị trụ trì. Khi chấp nhận một người xuất gia là tiếp nhận thêm một thành viên gia nhập vào cộng đồng đệ tử của Đức Phật. Điều này có nghĩa là người có trách nhiệm làm thầy thâu nhận một viên gạch để góp phần xây dựng nên ngôi nhà Phật pháp. Vì thế, việc xuất gia của một người không chỉ là vấn đề cá nhân mà là vấn đề liên đới đến cả cộng đồng, gây ảnh hưởng to lớn và lâu dài. Vấn đề thâu nhận người xuất gia cần đặc biệt chú trọng, bởi sự tiến bộ hay sa đọa của họ sau này đều ảnh hưởng đến sự thịnh suy của Phật pháp. Để góp phần vào sự nghiệp phát triển Tăng đoàn, việc chấp nhận một người vào hàng ngũ xuất gia cần phải thực hiện đúng theo tinh thần giới luật, đặt nền tảng trên từ bi và trí tuệ, phù hợp với mục đích chung của người tu sĩ Phật giáo, nhằm đảm bảo sự thanh tịnh của Tăng đoàn và uy tín của hàng ngũ xuất gia đệ tử Phật đối với xã hội.

Như được ghi nhận trong nhiều kinh, cụ thể nhất là trong Tăng Chi Bộ Kinh, phẩm Tám Pháp, Đức Phật dạy rằng tu học là một quá trình tuần tự, do đó, một người muốn bước vào hàng ngũ của người xuất gia, trước hết phải là một cư sĩ Phật tử tại gia, thuần thục trong nếp sống đạo hạnh đúng theo năm nguyên tắc đạo đức mà Đức Phật dạy cho người Phật tử cư sĩ. Ngoài ra, người phát tâm xuất gia cần am hiểu một số thuật từ và giáo lý căn bản cũng như các pháp hành căn bản của hàng xuất gia đệ tử Phật để không bỡ ngỡ khi tập sống theo quy củ nề nếp của người xuất gia.

Như vậy, khi có một Phật tử phát tâm xuất gia học đạo, vị trụ trì phải xem xét căn cơ và nguyện vọng của người này. Nếu là người Phật tử thuần thành đã có nhiều năm gắn bó với Tam bảo, có ý thức và giác ngộ sự vô thường của cuộc đời, phát tâm Bồ-đề mong cầu sự giải thoát thì có thể thâu nhận ngay.

Nếu người phát tâm xuất gia chưa phải là Phật tử cư sĩ, thì vị trụ trì cần hướng dẫn cho thọ Tam quy Ngũ giới, định hướng cho vị ấy tìm hiểu Phật pháp để am hiểu các giáo lý căn bản, làm quen với nếp sống cũng như thanh quy của người xuất gia, rồi mới thâu nhận cho xuất gia.

Hoặc nếu người phát tâm xuất gia do vì buồn chán gia đình, thất vọng trong cuộc đời, hay đi tu chỉ vì thấy vui vui mà đi, hay chỉ là mong muốn bốc đồng thì vị trụ trì có thể khuyên nhắc sự cao quý cũng như sự khó khăn gian khổ của sự tu hành cho người đó nghe, nếu thấy được thì mới thâu nhận.

Cạo tóc xuất gia, nương náu cửa Phật, sống cho qua ngày đoạn tháng không phải là mục đích của người xuất gia chân chánh. Xuất gia không phải là để hưởng thụ, không phải là lánh nặng tìm nhẹ, trốn tránh trách nhiệm một công dân trong xã hội, từ chối bổn phận của một thành viên trong gia đình. Người nào muốn xuất gia mà hiểu sai lệch mục đích xuất gia như vậy thì không được thâu nhận vào hàng ngũ xuất gia. Vị trụ trì phải có trách nhiệm hướng dẫn, khai thông, để vị ấy điều chỉnh những suy nghĩ của mình cho đúng với tinh thần xuất gia chân chánh được nêu ra trong Kinh và Luật trước khi chính thức bước vào con đường xuất gia thực thụ.

Trong Chơn Lý, Tổ dạy:

Thế nên khi xưa có kẻ cư sĩ ít duyên gần Tam bảo, mà muốn xin nhập đạo, các Ngài lại bảo rằng: Khoan, hãy nên học nghiệm rộng khắp giáo lý xã hội, gia đình, tông giáo, cư gia, cho thông trước đã, rồi mới sẽ nên vào; vì khi vào đạo rồi, là phải chịu bó buộc sự học tu theo giới luật chương trình cho đến ngày đắc đạo, cũng giống như học trò lớp dưới, hết bài học rồi mới sẽ lên trên, hay như cư sĩ đứng ngoài, là phải nên lựa chọn, chớ vào lớp rồi, là không được dòm ngó hai bên do dự nữa, và đợi cho đến khi đã trở nên bậc thầy là Phật Thánh, thì trí học mới ngó ra ngoài xa kia được(Chơn Lý “Đạo Phật Khất Sĩ”).

2. Mục đích xuất gia tu học

Người phát tâm xuất gia là người ý thức được lợi ích thiết thực của việc thực hành giáo pháp trong thời gian làm một người cư sĩ tại gia, nay muốn chọn môi trường tốt nhất để có thể dành trọn thời gian và toàn tâm chuyên chú vào con đường học tập và thực hành pháp, nên mới phát tâm xuất gia. Nếu người muốn xuất gia mà chí nguyện và lý tưởng chưa đúng hướng hoặc chưa đủ lớn, vị trụ trì cần hướng dẫn, khuyến tấn, động viên, tạo môi trường tốt nhất để vị ấy nuôi dưỡng tâm nguyện xuất gia của mình cho đúng pháp.

Người xuất gia phải là một người có tín tâm, có chí nguyện xuất gia vì một mục đích cao cả là hướng đến giác ngộ, giải thoát. Người chuẩn bị bước vào đời sống xuất gia cần được vị trụ trì hướng dẫn để hiểu rõ cụ thể mục đích cao thượng một người xuất gia nên hướng đến là:

1. Đối với chính mình, xuất gia là để cầu giải thoát sinh tử. Xuất gia mà không tự cầu thoát sinh tử thì chẳng khác nào người thế, vậy chẳng cần xuất gia nếu người ấy không có mục đích này.

2. Đối với người khác, xuất gia tu học là để có khả năng cảnh tỉnh, dẫn dắt thế tục. Xuất gia mà không có mục đích này, ấy là trái với tinh thần vì lòng thương rộng lớn mà giáo hóa thế gian của Đức Phật và chư đệ tử chân chánh của Ngài.

3. Đối với đạo pháp, xuất gia là để góp phần làm cho Phật pháp tồn tại lâu dài ở thế gian. Xuất gia mà chẳng hướng đến mục đích duy trì ngôi Tam bảo tồn tại và phát triển ở đời là phụ ân lớn của chư Phật.

3. Ý nghĩa của đời sống xuất gia

Khi hiểu rõ mục đích của người xuất gia, người ấy cần thấy được ý nghĩa cao đẹp của đời sống xuất gia và giá trị đóng góp của mỗi thành viên trong Tăng đoàn vào ngôi nhà Phật pháp. Bằng những chứng cứ trong kinh điển và kinh nghiệm bản thân, vị trụ trì cần tưới tẩm hạt giống xuất gia của người phát tâm xuất gia để vị ấy nuôi dưỡng nhân xuất gia đúng pháp. Vị trụ trì cần hướng dẫn để người phát tâm xuất gia thấy được ưu việt của đời sống xuất gia mà Đức Phật thường mô tả: “Đời sống gia đình đầy những triền phược, con đường đầy những bụi đời. Đời sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật rất khó cho một người sống ở gia đình có thể sống theo Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình”. Khi nào vị trụ trì nhận thấy đương sự hiểu rõ ý nghĩa cao quý của đời sống xuất gia thì hãy thâu nhận vị ấy gia nhập vào tập thể của những người xuất gia, định hướng lâu dài cho vị ấy về con đường tu tập trong tương lai đúng theo Chánh pháp.

4. Theo Nội quy Ban Tăng sự

Người Phật tử phát tâm xuất gia phải đủ các điều kiện sau đây theo Nội quy Ban Tăng sự thì mới nên thâu nhận:

- Là công dân tốt, không vi phạm pháp luật: Theo luật định, người phát tâm xuất gia phải là một người công dân tự do. Nếu là người đang làm việc, phải xin nghỉ việc hợp pháp (có chứng cứ rõ ràng, như đơn xin nghỉ việc và giấy chấp nhận nghỉ việc), không phải là người đang nợ nần tìm đường nương cửa Phật để trốn thân, không phải là người đang vi phạm luật pháp do Nhà nước hiện hành quy định. Vị trụ trì cần tìm hiểu thấu đáo lý lịch cá nhân người muốn xuất gia ấy trước khi thâu nhận hoặc giới thiệu cho người khác thâu nhận vào hàng ngũ xuất gia để tránh phiền phức về sau và góp phần giữ sự trang nghiêm, thanh tịnh cao quý cho hàng ngũ Tăng đoàn, đệ tử Phật.

- Người phát tâm xuất gia cần được sự chấp thuận của cha mẹ: Để không làm giảm uy tín của Tăng đoàn đệ tử Phật và giữ sự cao quý thanh tịnh của nếp sống xuất gia, theo luật định, người phát tâm xuất gia, phải tự tay viết đơn phát nguyện xuất gia, ghi rõ lý do và nguyện vọng phát tâm xuất gia. Nếu Phật tử dưới 16 tuổi (tính theo khai sinh), đang ở với cha mẹ hay người đỡ đầu, phải được sự chấp thuận của người có trách nhiệm mới được xuất gia, do cha mẹ hoặc người giám hộ làm đơn ký thác cho vị trụ trì, phải có cha mẹ đồng ý ký tên vào đơn phát nguyện xuất gia và có sự đồng ý của vị bổn sư. Nếu người phát tâm xuất gia đã lập gia đình, phải có sự đồng ý của người phối ngẫu còn lại, ly hôn theo luật định và sắp xếp mọi trách nhiệm ở đời, nhất là trách nhiệm đối với con cái (nếu có) để không còn vướng bận; khi ấy mới được tự do quyết định cuộc đời mình. Vị trụ trì cần tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của người phát tâm xuất gia để hướng dẫn, hỗ trợ đúng pháp và tạo thuận duyên để đương sự hoàn thành tâm nguyện của mình.

- Người xin xuất gia phải đầy đủ các căn, thể chất lành mạnh, không bị bệnh truyền nhiễm, bệnh tâm thần.

5. Thế phát xuất gia

Theo quy định hiện nay của Ni giới Hệ phái, người Phật tử phát tâm xuất gia phải ở trong tịnh xá một thời gian để vị Thầy xem tâm niệm xuất gia có kiên trì hay không, rồi mới đem về Tổ đình Ngọc Phương xuống tóc, vào các ngày Rằm tháng Tư, Rằm tháng Bảy, ngày lễ Tưởng niệm Đức Tổ sư, Đệ nhất Ni trưởng, Đệ nhị Ni trưởng. Kể từ ngày xuống tóc mới được gọi là ngày chính thức xuất gia. Thời gian xuống tóc nhanh hay chậm tùy theo căn cơ, tuổi tác của người Phật tử. Nếu tu từ tiểu, đúng 15 tuổi (âm lịch) mới được tính chính thức xuất gia.

6. Công quả tại tịnh xá trú xứ

Trong thời gian đầu tiên xuất gia, tập sự phải làm những việc chấp tác lao động ở trong tịnh xá để lập công bồi đức. Đây là sự thử thách đầu tiên trên bước đường tu học của người tập sự. Bậc thầy phải dò xét khi người đệ tử chấp tác công quả, thân tâm có dịu dàng, mềm mỏng hay không. Nếu có tâm chịu đựng kham khổ, nhiệt tình trong các công việc được giao phó, thì người tập sự ấy dễ dàng uốn nắn trong giai đoạn sau này.

7. Học oai nghi tế hạnh

Học những oai nghi tế hạnh là điều cần thiết của một vị xuất gia, có uy đáng kính, có nghi đáng sợ. Những oai nghi tế hạnh này, người đệ tử sẽ nhận được từ thân giáo, khẩu giáo, ý giáo của vị Thầy trong thời gian tập sự ở gần Thầy và đây cũng là thời gian được Thầy đặc biệt quan tâm chỉ dạy.

Từ những oai nghi đi đứng nằm ngồi, ăn cơm, uống nước, chắp tay lễ lạy, tụng kinh, mỗi mỗi đều phải hướng dẫn trong thời gian này. Nếu thời gian đầu tiên mà không cho đệ tử học những uy nghi phép tắc thuở ban đầu của người xuất gia thì sau này sẽ khó kiềm chế tâm của người đệ tử trên con đường trau dồi phẩm hạnh giải thoát giác ngộ.

Thời Tổ, Tăng Ni giữ gìn giới luật rất nghiêm minh, siêng năng công quả, tinh tấn tu tập, luôn tự cảnh giác mình. Ăn cơm ngồi ngay thẳng, mắt nhìn xuống bát, không dòm ngó hai bên, thấy bóng đưa muỗng lên một lượt vào miệng. Ăn không được nhai nhóp nhép, nhai như vậy là không có đạo hạnh, phải nhai nhẹ nhàng, không cho ra tiếng.

Tăng Ni gìn giữ đạo hạnh, nhớ không nên nói cười lớn tiếng, mất đạo hạnh. Rảnh xem sách, tụng kinh, làm công quả kiếm thêm công đức. Sống như thế là như cảnh Cực Lạc hiện tại, công nhiều quả vị cao, chứ rảnh rang mà nói cười không đâu thì không lợi ích gì cả. Đó là cảnh Cực Lạc của tu sĩ.

Lạy cũng lạy xuống một lượt, không xoay qua, xoay lại, dòm ngó một ai và khi cúi xuống lạy, mỗi người cùng niệm thầm một lượt không mau không chậm câu: “Nguyện cầu cả thảy chúng sanh đồng đặng đủ đầy tròn xong Phật sự” xong thì ngẩng đầu lên.

Tổ dạy, Tăng ngồi bên tay trái Tổ, Ni ngồi bên tay mặt Tổ, thiện nam ngồi sau lưng Tăng, tín nữ ngồi sau lưng Ni, không được ngồi lộn xộn. Tăng và thiện nam lễ trước mặt Tổ được, Ni hoặc tín nữ lễ một bên, không được lễ trước mặt. Tăng Ni đưa đồ không được trao tay mà phải để xuống bàn ghế. Nếu không có bàn ghế thì tạm gác nơi nào để được. Tín nữ không được trao đồ cho Tăng, thiện nam không được trao tay với Ni, mà nên để đâu tiện rồi chỉ cho lấy. Không được nói lớn ra tiếng. Không được chạy, gấp thì đi nhanh, trừ trường hợp bất đắc thì mới chạy.

Tổ dạy, Tăng Ni lắng nghe, Tổ ít khi nói hai lần. Luôn luôn nhớ, không nên đi đánh vòng xa mà nhớ lúc nào cũng phải nắm hai vạt áo mà đi, Tăng nắm hai vạt y trung. Tăng Ni luôn giữ sự im lặng tịnh tu.

Tăng Ni đi ra đường, qua đường nên mặc y thượng. Ni không được ra đường một mình, Tăng thì đi một mình được, nếu Ni đi ra đường một mình, lần thứ nhứt hoan hỷ, lần thứ hai quỳ hương, lần thứ ba là bị giáng cấp. Ni đến tịnh xá Tăng phải bốn vị. Nếu không tuân luật phải giáng cấp.

Ngoài những uy nghi phép tắc hàng ngày, vị Thầy phải cho đệ tử học Bài học Khất Sĩ và Bài học Sa-di để đệ tử được thấm nhuần hơn bài học của Sa-di.

8. Học kinh kệ, sám hối, tập ngồi thiền

Trong thời gian này, 2 thời công phu sớm tối, nghi thức sám hối và những bài kinh kệ cần được học thuộc lòng. Có những vị Thầy quá thờ ơ trong việc hướng dẫn đệ tử học kinh kệ, thậm chí bài kinh cúng dường, tu cả năm rồi mà vẫn chưa thuộc. Khi đi học xa, nếu học tại Tổ đình Ngọc Phương thì cũng có thể thuộc những nghi thức tụng niệm của Hệ phái, còn nếu nội trú tại các Phật học viện khác thì e rằng sau này tốt nghiệp trở về bổn xứ những nghi thức tụng niệm của Hệ phái chắc sẽ không còn nhớ nữa, đừng nói chi những truyền thống khác.

Sau thời gian 1 năm hoặc hơn nữa, người đệ tử dưới sự hướng dẫn của bậc Thầy đã nếm được chút cơm thiền sữa pháp, lúc này mới có thể rời xa thầy đi học, hoặc cho thọ giới pháp Sa-di để tiến tu trên bước đường tu tập.

Đức Tổ sư dạy: “Từ xưa đến nay kẻ nào được chơn sư xét xem chọn lựa, trên hai năm kỹ lưỡng, đủ thiện căn phước đức nhân duyên, mới chịu dạy truyền cho giáo lý y bát ấy, để tách khỏi xa thầy, một mình đi ra tu học thành công... Thế nên những ai muốn được y bát, thì phải tập học giữ gìn giới hạnh, có đủ giới hạnh mới được thọ trao giới luật y bát, và cần phải nhờ thầy chỉ dạy thêm cho trúng cách tu theo định huệ, sau lại mới sẽ tự mình đi tới, đi tới chỗ ý muốn của tự mình” (Chơn Lý “Y bát chơn truyền”).

Theo lời dạy của Đức Tổ sư, người xuất gia cần phải ý thức được sự nghiệp của mình là trau dồi Giới Định Tuệ.

Tu là quá trình trau dồi nhân cách, luyện tâm định tĩnh và phát triển trí tuệ theo gương hạnh giải thoát của chư Phật Tổ. Tất cả các phương diện khác, kể cả bồi dưỡng kiến thức qua môi trường học đường hay tự học, cũng chỉ là phương tiện để thành tựu mục đích tối thượng này. Do đó, vị trụ trì cần nhắc nhở để người đệ tử ý thức rằng, xuất gia không chỉ để đi học ở các trường Phật học và thế học, mà cần phải trau dồi giới đức, định tâm và khai mở trí tuệ mới là sự nghiệp suốt đời của người xuất gia chân chánh.

Theo lời dạy của Đức Tổ sư, phải 2 năm dạy dỗ tại trú xứ trước khi cho đi xa tu học hành đạo, nhưng nay thời đại có thay đổi, quý vị trụ trì thâu nhận đệ tử có thể tự dạy dỗ tại tịnh xá trú xứ từ 1 năm trở lên, tuỳ theo tuổi tác, rồi sau mới cho đệ tử đi học các lớp giáo lý Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng… Không nên mới thâu nhận đệ tử, mới cho xuống tóc, đạo tâm chưa vững đã cho đi học xa thầy, xa huynh đệ.

9. Các bài học cụ thể

- Học trong Bài học Khất Sĩ: Nghi thức Cúng dường (kinh Cúng dường, Phước thí, Cầu nguyện Trai Tăng), và nên học thêm các bài kệ Thân, Khẩu, Ý, Pháp, Nhẫn, Giới, Huệ...

- Học trong Bài học Sa-di: Oai nghi Sa-di-ni, 10 giới Sa-di-ni, các bài kệ chú nguyện...

- Thuộc lòng 2 thời công phu sớm tối, nghi thức sám hối và những bài kinh kệ tụng niệm hàng ngày trong Kinh Tam Bảo, đồng thời phải tụng kinh, tập ngồi thiền theo giờ giấc tu học của tịnh xá.

II. Bước hai: Thọ Sa-di-ni giới

Tập sự được 1 năm hoặc 2 năm trở lên, học thuộc các phần kinh kệ, giới luật như ở trên đã nói, đạo hạnh tốt mới được bổn sư cho về Tổ đình Ngọc Phương theo học chương trình lớp Sơ cấp Phật học 2 năm và đắp y Sa-di-ni.

Theo quy định cũ, đúng 18 tuổi (âm lịch) mới được thọ giới Sa-di-ni, nay theo Nội quy Ban Tăng sự: Giới tử thọ giới Sa-di, Sa-di-ni tuổi đời từ 16 tuổi trở lên, Hội đồng Giáo phẩm cũng tạm đồng ý cho phép các Phật tử tu từ nhỏ, 17 tuổi (tính theo tuổi âm lịch) được thọ giới Sa-di-ni tại Tổ đình Ngọc Phương vào ngày 16 tháng 7 âm lịch hàng năm và phải An cư một mùa Hạ tại Ngọc Phương. Phải trả giới và câu hỏi giáo lý (hoặc làm bài giáo lý) và phải có bổn sư giới thiệu. Nếu không thuộc bài thì có thể cho đắp y phương trượng, ngồi sau các Sa-di-ni khác và không được lên giới Thức-xoa, trừ khi trả bài đầy đủ. Tập sự dưới 30 tuổi phải có trình độ văn hóa lớp 9 trở lên.

Nếu thấy vị tập sự đạo hạnh chưa được đầy đủ thì có thể để tập sự thêm một vài năm tại tịnh xá trụ xứ dưới sự hướng dẫn của bổn sư, rồi mới giới thiệu đi học hoặc thọ giới.

III. Bước ba: Thọ Thức-xoa-ma-na giới

Sa-di-ni 2 năm trở lên mới được thọ giới Thức-xoa-ma-na, dưới 30 tuổi phải có trình độ văn hóa lớp 9 trở lên, có trình độ Sơ cấp Phật học và phải An cư tại Tổ đình Ngọc Phương.

Muốn thọ giới Thức-xoa-ma-na, phải học Luật 114 điều, bốn học giới căn bản, sáu học pháp (trong quyển Giới bổn Thức-xoa-ma-na), Quy Sơn Cảnh Sách và bài học giáo lý. Nếu không thuộc bài thì có thể cho đắp y phương trượng, ngồi sau các Thức-xoa-ma-na khác, trừ khi trả bài đầy đủ mới được tính là Thức-xoa thiệt thọ và mới được thọ Tỳ-kheo-ni giới.

IV. Bước bốn: Thọ Tỳ-kheo-ni giới

- Sau khi tốt nghiệp Sơ cấp, tùy năng lực tu tập của giới tử cho học tiếp Trung cấp Phật học 4 năm hoặc thi vào Học viện.

Theo nội quy Ni giới Hệ phái, Ni chúng thọ giới Thức-xoa-ma-na 4 năm mới được thọ giới Tỳ-kheo-ni (trường hợp đặc biệt có thể sớm hơn, nhưng phải được Hội đồng Giáo phẩm Ni giới Hệ phái xét duyệt thông qua). Nay, Hệ phái nương theo Giới đàn của Ban Trị sự TP. HCM tổ chức giới đàn, căn cứ theo Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, thì 2 năm Thức-xoa-ma-na có thể thọ giới Tỳ-kheo-ni. Hội đồng Giáo phẩm Ni giới Hệ phái đã bàn về vấn đề này, có thể sẽ giảm bớt thời gian, nghĩa là Thức-xoa 3 năm cũng có thể cho phép thọ giới Tỳ-kheo-ni.

- Muốn thọ giới Tỳ-kheo-ni phải học 348 Giới Tỳ-kheo-ni, Kệ Luật, Kinh Pháp Cú, Tiểu sử Đức Tổ sư, Tiểu sử Đệ nhất Cố Ni trưởng - Trưởng Ni giới Hệ phái Khất Sĩ và trả lời câu hỏi giáo lý (hoặc làm bài giáo lý), và phải có bổn sư giới thiệu cho thọ giới Tỳ-kheo-ni. Các Ni trẻ dưới 30 tuổi phải có trình độ văn hóa lớp 12 và phải An cư tại Tổ đình Ngọc Phương.

Như vậy, từ lúc là Phật tử phát tâm xuất gia cho đến khi thọ giới Tỳ-kheo-ni phải là từ 7 đến 8 năm. Ni chúng thọ giới phải An cư kiết hạ tại Tổ đình Ngọc Phương, phải trả giới làm bài, và phải có bổn sư giới thiệu mới được thọ giới.

Trong khoảng thời gian này, người đệ tử vừa học Kinh Luật trong Hệ phái, vừa học Phật học để trang bị tự thân kiến thức nội điển và ngoại điển để có đủ năng lực tu học và hành đạo.

Tóm lại, trên đây là những pháp chế mà Ni giới Khất Sĩ đã áp dụng trong bao năm qua, và có những điều mới dự định sẽ áp dụng trong những năm tới, hôm nay trò cũng xin phép trình bày ở đây, xin ý kiến chỉ đạo của chư Tôn đức để thống nhất trong vấn đề độ chúng xuất gia tu học cho Ni chúng trong Hệ phái.