Vài nét về vấn đề giáo dục trong Hệ phái Khất sĩ

Mọi thời đại, mọi tông phái đều đề cao tầm quan trọng của vấn đề giáo dục, Hệ phái Khất sĩ cũng không ngoại lệ. Nhìn từ góc độ khoa học, tư tưởng giáo dục của Hệ phái Khất sĩ có rất nhiều nội dung có giá trị, không chỉ mang ý nghĩa quan trọng trong thời điểm Hệ phái ra đời, mà còn có đóng góp nhất định trong hệ thống văn hóa, tư tưởng, lý luận hiện đại của Việt Nam. Khi nghiên cứu vấn đề giáo dục Phật giáo Việt Nam, chúng ta không thể bỏ qua những nội dung tư tưởng trong Hệ phái Khất sĩ. Bởi chỉ khi nào có một cái nhìn toàn diện về những tông phái trong Phật giáo Việt Nam, chúng ta mới có thể bài trừ hiện tượng mê tín dị đoan và những tư tưởng bảo thủ, không còn phù hợp với xã hội hiện đại ngày nay.

1. Khất sĩ là gì?

Chúng ta đều biết, “khất” nghĩa là cầu, xin, như: khất thực, hành khất. Đáng bàn ở đây là chữ “sĩ”. “Sĩ” là cách gọi tôn trọng với đối phương như dũng sĩ, chiến sĩ, tráng sĩ. Ngoài ra, “sĩ” còn chỉ học trò, người đi học hay người có học như học sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ.

Bàn về chữ “sĩ”, trong Luận ngữ, chương “Tử Lộ” có một đoạn đối đáp giữa Tử Cống và Khổng Tử như sau: Tử Cống hỏi Khổng Tử: “Thế nào được gọi là ‘sĩ’?”. Khổng Tử đáp: “Có liêm sỉ hạn chế hành vi của mình, đi sứ nước khác, không phụ mệnh lệnh của vua, người như vậy thì được gọi là ‘sĩ’”. Tử Cống hỏi: “Vậy bậc thứ hai là gì?”. Khổng Tử đáp: “Dòng họ cho rằng anh ta hiếu thuận, thôn làng ca ngợi anh ta có lòng hữu hảo”. Tử Cống lại hỏi: “Vậy bậc thấp hơn nữa là gì?”. Khổng Tử đáp: “Là nói lời đáng tin, hành động quyết đoán”.

Vậy Khất sĩ là gì? Đại Trí Độ Luận quyển 3 có ghi: “Tỉ-khâu là gì? Tỉ-khâu là Khất sĩ”. Pháp Hoa nghĩa sớ, quyển 1 viết: “Tỉ-khâu là Khất sĩ, trên xin pháp Như Lai nuôi tâm, dưới xin người phàm thức ăn nuôi thân, gọi là Khất sĩ”.

Nếu hiểu theo những ý nghĩa trên đây, Khất sĩ là Tăng nhân đi tha hương xin vật chất nuôi thân, học giáo pháp nuôi tâm.

Khất sĩ không nặng về miếng cơm manh áo, chỉ trì bình khất thực, mỗi ngày ăn một bữa, không cất giữ vật chất, không ở một nơi cố định. Bởi vậy mà Khất sĩ là người đi xin ăn, nhưng không phải người ăn xin nào cũng là Khất sĩ. Người ăn xin cũng tha hương cầu thực, nhưng cố giành miếng ăn bằng mọi cách, lúc được cho nhiều thì vui, khi được cho ít thì đau buồn. Đối với Khất sĩ, đồ được cho có ngon hay không đều không để tâm. Khất sĩ không mở miệng xin ăn như người ăn xin, được bố thí thì nhận, không được bố thí thì bước đi, trong tâm không chút phiền não, ấy chính là liêm sỉ của Khất sĩ. Chính vì sự khác biệt giữa Khất sĩ và người ăn xin nên dù đều là hành vi khất thực, nhưng từ “Khất sĩ” đã thể hiện được sự tôn trọng của người đời với hành vi khất thực của họ, chứ không mang nghĩa khinh miệt, coi thường như đối với kẻ ăn xin, hay người ăn mày.

Khất sĩ chú trọng về giáo dục, là quá trình bao gồm cả dạy và học. Khất sĩ học pháp Như Lai để diệt trừ bản ngã; hoằng pháp làm lợi cho chúng sinh, đồng thời gián tiếp chỉ dạy cho người đời biết bố thí để tập bỏ keo kiệt, xan tham.

Khất sĩ là một trong ba nghĩa trong tiếng Pali “Bhikkhu”, dùng để chỉ hàng xuất gia phạm hạnh, đệ tử của Phật. Danh từ “Bhikkhu” được người Trung Quốc dịch thành ba nghĩa là Khất sĩ, Bố ma và Phá ác. Đức Tôn sư Minh Đăng Quang, vị Tổ sư khai sáng ra dòng truyền thừa Khất Sĩ Việt Nam chỉ dùng “Khất sĩ” với nghĩa “học trò nghèo xin ăn để tu học”. Tổ sư nói: “Ai cũng phải xin và cho. Ai cũng phải học và dạy vì không ai tự một mình mình mà có thể sống được. Lẽ xin là chơn lý của vũ trụ, mà chúng sanh, kẻ thì xin vật chất để nuôi thân, người thì xin các pháp để nuôi trí, ai ai cũng đều là kẻ xin cả thảy” [1].

Từ đây, Hệ phái Khất sĩ đã nâng việc khất thực lên làm một nguyên lý chung cho tất cả mọi người, với quan điểm mọi người đều là Khất sĩ.

tsmdq050

2. Vấn đề giáo dục trong Hệ phái Khất sĩ

Tổ sư Minh Đăng Quang cho rằng “Khất sĩ” là học trò, mà đã là học trò thì phải tu, phải học.

Tu tức là tu thân, tu dưỡng thân tâm, nỗ lực nâng cao trình độ tư tưởng, đạo đức của bản thân. Từ xưa tới nay, tuy mỗi giáo phái đều đặt ra những tiêu chuẩn khác nhau về vấn đề tu thân, nhưng có thể khẳng định rằng tu thân luôn được coi trọng, được coi là cái gốc căn bản.

Đồng thời, tu phải gắn liền với học, bởi “Tu không học là tu mù”, như Tổ sư có nói học ở đây không phải là học mênh mông: “Trong đời kẻ học mà để hành, là phải đâu đi học lún cố mênh mông, đường nào cũng học, lập vập xa vời, để điên đầu rối ruột”. Vậy Khất sĩ phải học gì, học ai và học như thế nào?

Khất sĩ phải học chơn lý: “Học chơn lý để biết rõ chúng sanh, vạn vật và các pháp đặng đem lại một cái sống, như thân hình võ trụ, nói thay cùng tạo hóa, dạy khắp muôn loài. Một địa vị toàn giác, toàn năng, tối cao hơn trời đất, cứu độ cả chúng sanh, khắp thế giới chúng sanh thảy tự đem mình tôn kính” [2]. Bởi vì mục đích của việc học là thấy được thể tánh, kiến tánh. Như lời Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn nói: “Nếu chưa kiến tánh thì tu hành luống công vô ích”. Chưa kiến tánh nhưng nếu có thể hiểu được các thiện pháp, chúng ta có thể tránh ác, làm lành và có thể sống an lạc, thậm chí rất an lạc ở cõi dục, cõi sắc và cao nhất là thành tựu an lạc ở cõi vô sắc, nghĩa là thành tựu an lạc trong ba cõi. Còn khi kiến tánh, thấy được pháp siêu thoát ba cõi, có lợi ích đối với người muốn thành tựu pháp siêu thế. Điều này đòi hỏi thiền giả phải du phương, hành cước, nếu chưa kiến tánh hãy cứ đi hoài cầu cho được chỗ kiến tánh mới là tu hành đúng. Bởi vậy, học phải cho thấu chơn lý, chứ nếu học nhiều mà không thấu chơn lý chưa phải là học chơn lý, chưa phải là Khất sĩ.       

Khất sĩ học ai? Khổng Tử từng nói: “Trong ba người đi đường, ắt có một người là thầy ta” (tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư yên). Đức Tổ sư Minh Quang Đăng đã mở rộng đối tượng thụ học, được viết trong Chơn lý như sau: “Chính Phật là Vô thượng sĩ, là ông thầy giáo có sự học không ai hơn! Còn Tăng là Khất sĩ, là học trò đang đi du học khắp nơi cùng xứ, học nơi thầy, nơi bạn, nơi trò, học với tất cả chúng sanh, vạn vật, các pháp, học với Phật Pháp Tăng ba đời, học từ xóm làng tỉnh xứ, đến khắp các xã hội, thế giới chúng sanh, học nơi chữ viết, nghe lời nói, học bằng lo lắng nghĩ ngợi, học nơi sự thật hành, học nơi cỏ, cây, thú, người, trời, Phật, đất, nước, lửa gió. Tạm sống xin ăn tu học đi ngay chơn lý chẳng chút lãng xao, không màng khổ nhọc. Và bá tánh là cư sĩ kẻ đã lỡ hội đường, hoặc vì tai nạn nên phải đành kham thiếu thốn, tập học ở một chỗ nơi để đặng chờ ngày giải thoát” [3]. Khất sĩ phải học dần dần đến chỗ thành tựu cái biết cao hơn, Khất sĩ theo học từng cấp bậc để chuyển đổi tâm tánh và đi đến chỗ thấu đạt chơn lý, là đến cái giác toàn năng.

Nhắc tới vấn đề tu học không thể không nói tới phương pháp, giúp người học phát triển cân bằng giữa học và tu. Có thể nói, tu và học là hai mặt của một vấn đề, phải được tiến hành đồng thời. Người tu phải học giáo lý để xây dựng chính kiến cho mình, thoát khỏi phiền não và tâm được an lạc. Hệ phái Khất sĩ dung hòa Phật giáo Bắc truyền, Phật giáo Nam truyền và tín ngưỡng văn hóa Việt Nam. Dựa trên những thay đổi của xã hội, đời sống, tư tưởng văn hóa hiện đại, Tổ sư Minh Quang Đăng đã nỗ lực đưa ra phương pháp giáo dục Phật giáo kiểu mới dựa trên nền tảng những phương pháp truyền thống, như “văn, tư, tu”, “uy nghi nhiếp chúng” và “đối cơ thuyết pháp”. “Văn, tư, tu” tức là đề xướng học bằng cách lắng nghe (văn), bằng suy ngẫm (tư), bằng tu tập (tu). Từ lắng nghe, suy ngẫm và tu tập sẽ đạt được trí tuệ, có trí tuệ sẽ được giải thoát và thoát khỏi phiền muộn. “Uy nghi nhiếp chúng” nghĩa là lấy mình làm gương cho những người xung quanh. “Đối cơ thuyết pháp” là tùy theo căn cơ, trình độ của người nghe để chọn lựa xem thuyết pháp gì, thuyết pháp như thế nào.

Có thể nói, xuyên suốt tư tưởng của Hệ phái Khất sĩ là vấn đề tu học. Tổ sư Minh Đăng Quang đề ra phương châm hành đạo sống chung tu học để nung đúc, rèn luyện. Ngài viết:

Cái sống là phải sống chung,

Cái biết là phải học chung,

Cái linh là phải tu chung.

Với các cư sĩ tại gia, Ngài khuyến khích tích cực gắn bó trong cuộc sống, cùng chung xây dựng một cõi đời đạo đức, một cuộc sống an vui hạnh phúc ngay tại thế gian này bằng cách:

Mỗi người phải biết chữ

Mỗi người phải thuộc giới

Mỗi người phải tránh ác

Mỗi người phải học đạo.

3. Ý nghĩa thực tiễn của vấn đề tu học trong Hệ phái Khất sĩ

Tổ sư Minh Đăng Quang nói: “Ai cũng phải xin và cho. Ai cũng phải học và dạy vì không ai tự một mình mình mà có thể sống được. Lẽ xin là chơn lý của vũ trụ, mà chúng sanh, kẻ thì xin vật chất để nuôi thân, người thì xin các pháp để nuôi trí, ai ai cũng đều là kẻ xin cả thảy” [4]. Con người là tổng hòa của mọi mối quan hệ xã hội, không ai có thể tồn tại đơn lập trên trái đất này, bởi vậy mà vấn đề tu học càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết, bởi vì chỉ như vậy mới giúp từng cá nhân hòa hợp tốt hơn với đời sống xã hội, tạo nên các mối quan hệ hài hòa giữa con người với con người, con người với môi trường. Có thể nói, tư tưởng giáo dục trong Hệ phái Khất sĩ mang những ý nghĩa thiết thực và tiến bộ trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

Với quan điểm mọi người đều là Khất sĩ, mọi người đều là học trò, Hệ phái Khất sĩ đã truyền bá tư tưởng hiếu học, dạy người đời tinh thần nỗ lực học tập, không ngừng tu dưỡng, hoàn thiện bản thân mình. Trong tình hình vạn sự luân chuyển, biến đổi không ngừng, con người phải liên tục học tập thì mới thích ứng được với xã hội tiến bộ.

Bên cạnh đó, tư tưởng tu học của Hệ phái Khất sĩ cũng kế thừa những nội dung chủ đạo của Phật giáo truyền thống, ví dụ như giúp người đời hiểu được chữ “nhẫn”. Tổ sư Minh Đăng Quang giải thích: “Sự xin ăn không phải là hèn kém, chẳng qua việc ấy nhắc nhở người tu hành phải biết nhẫn nhục và chịu đựng những thử thách, để lòng tự ái, dục vọng... chóng tiêu dần. Đồng thời qua đó, nó còn giúp người tu luyện trí, tạo cho mình những niềm lạc quan siêu thoát hơn [5]. Trong các kinh sách nhà Phật đều dạy con người lấy chữ “nhẫn” làm đầu, bền lòng nhịn nhục được, cái tâm mới an định, nhất là về phương diện tu hành đạo đức, phải thực hành chữ nhẫn trước tiên.

Hệ phái cũng hướng đạo người đời rèn luyện cho mình tâm sáng, tính thiện, không tham của, phải chú ý hành vi, cử chỉ, lời nói của mình sao cho quy phạm, nghiêm chỉnh. Điều này được thể hiện rõ trong 26 phép đi khất thực của phái Khất sĩ như: “Khi đi khất thực phải trang nghiêm, ngó ngay xuống, ngó xa hai thước, chớ ngó liếc hai bên, chớ tìm lóng nghe chuyện người nói, tâm phải niệm Phật”; “Khi đi khất thực, ai muốn cúng hoặc thí gì tự ý, bao giờ người hỏi sẽ chỉ dạy, bằng không thì thôi, chớ chê khen bắt lỗi ép buộc người ta” v.v…

Ngoài ra, Hệ phái còn nhấn mạnh việc tu học không phải là chỉ học cho mình, mà học phải đi đôi với dạy, học để chỉ dạy lại cho đời. Việc dạy ở đây có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp, ví dụ như việc khất thực là cách dạy gián tiếp, giúp người đem của đi bố thí có cơ hội trải nghiệm được niềm vui khi làm việc tốt, hiểu được thế nào là niềm “an vui, thanh sạch”.

4. Kết luận

Ra đời trước thảm trạng suy vi của đạo pháp, vì sự thiếu vắng các bậc cao Tăng khiến tín đồ đi theo tà đạo, rơi vào mê tín dị đoan, để chùa chiền cho tả đạo bàng môn lợi dụng, Hệ phái Khất sĩ đã hết mực đề cao tinh thần tu học với nguyện vọng “dựng lại những gì bị nghiêng đổ, phơi bày những gì đã bị chôn vùi, che phủ, khêu tỏ ngọn đèn đã lu mờ”. Khái quát điểm này, cuốn Chơn lý “Khất sĩ” đã viết: “Khất sĩ là cái sống của chơn lý vũ trụ, mà tất cả chúng sanh đều là học trò cả thảy. Bởi chúng sanh là cái biết, từ chưa biết đến đang biết, và cái biết sẽ hoàn toàn ngơi nghỉ. Các sự thấy nghe hiểu để đem lại cho cái biết. Biết quý báu hơn không biết, có biết mới hết mê lầm chấp trật, khổ sở nạn tai. Từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ trước đến sau, từ chiều đến sáng, mỗi lúc cái biết càng phân biệt, làm việc tích trữ, lớn to và đi tới; làm cho chúng sanh càng ngày càng được thêm sự học hành”. 

Dù Hệ phái Khất sĩ ra đời không lâu, có nhiều điểm kế thừa từ Phật giáo Nguyên thủy và cơ bản dựa trên quan hệ tương quan tương duyên đơn giản như xin – cho, học – dạy, nhưng tinh thần đề cao giáo dục của Hệ phái là tư tưởng tiến bộ, có lẽ sẽ thích ứng với mọi thời đại, mọi hoàn cảnh xã hội sau này.

ThS. Trương Ngọc Quỳnh
Đại học Nghệ thuật Văn hóa và Du lịch Sài Gòn


[1]Chơn lý“Khất sĩ”.

[2]Chơn lý “Khất sĩ”.

[3]Sđd.

[4]Sđd.

[5]Sđd.