Vài quan điểm Phật học trong bộ Chơn lý

Vào những thập niên 40 của thế kỷ XX, bắt nguồn từ hai tông phái lớn của Phật giáo là Nam tông và Bắc tông, Đức Tổ sư đã chắt lọc tinh hoa từ hai tông phái này để hình thành nên một hệ tư tưởng mang đậm tính dân tộc bởi hình thức tu học, phương pháp hành trì, kiến trúc đạo tràng thờ phượng… Tất cả đều đậm nét Việt Nam, thể hiện được tính phổ biến, gần gũi và dễ hiểu, dễ học, dễ hành trì đối với người miền Nam Việt Nam.

Những tư tưởng chính của Tổ về giáo lý, về mọi vấn đề của xã hội,… được trình bày rõ ràng, đầy đủ trong bộ Chơn lý. Bài viết này chỉ rút ra một số quan điểm tư tưởng quan trọng, thể hiện sự đóng góp lớn lao của Tổ cho sự củng cố giới hạnh trong Tăng đoàn cũng như truyền bá Phật pháp đến với mọi người.

7

1. Quan điểm về vũ trụ

Nguồn gốc của con người và thế giới theo Thiên Chúa giáo là do Thượng đế tạo ra. Truyền thuyết Việt Nam nói rằng Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ trăm trứng nở ra trăm người con. Nguồn gốc con người theo quan niệm của tôn giáo nhất thần và của tín ngưỡng dân tộc là như vậy, nhưng theo Phật giáo thì nguồn gốc con người từ nhiều nguyên nhân: do 12 nhân duyên, do nghiệp lực, nguyện lực, do tứ đại hợp thành. Trong Chơn lý“Võ trụ quan”, Tổ sư cho rằng:

“Chúng sanh là tiến hoá từ địa ngục đến Niết-bàn do nhơn duyên chuyền níu, sanh ra từ nơi không sanh ra có, nhỏ tới lớn, có rồi có mãi, không hết không rồi mượn vật chất làm thân để nuôi tâm, còn thân trả lại tứ đại, đời kiếp không dư thiếu” .

“Chúng sanh chẳng phải lưng, Phật Thánh chẳng phải đầy, dầu đến bao lâu xem ra cũng vậy, thật là vũ trụ mênh mông mà như tuồng sắp đặt”.

“Kìa như sắc ấm đất nước lửa gió sanh thọ là sự sống, ấm của đất sanh nhựa chỉ, nhựa chỉ đất nước sanh rễ cỏ cây thú, cỏ cây có giống là hột, thú có giống là tinh ba mà sanh sản”(tr. 21).

Vũ trụ này là một khối chuyển động, vật trong vũ trụ ấy cũng chuyển động, như ngũ uẩn, lục căn của con người từng giây từng phút chuyển động không ngừng để tự hoàn thiện mình.

“Ngũ uẩn hay ngũ ấm có ra là nương sanh bởi pháp này và pháp kia như đất nước lửa gió nóng lạnh dung hợp sanh thọ cảm, thọ ấm dung hợp với sắc ấm tứ đại mà sanh tưởng ấm, tưởng ấm dung hợp với sắc ấm thọ ấm mà sanh hành ấm. Hành ấm dung hợp với sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm mà nảy sanh thức ấm. Thế là ngũ ấm nương sanh lấy nhau vì ấm là sanh nảy giữa cái này và cái kia” (tr. 25).

Lục căn cũng là một phần trong những phần tạo nên nguồn gốc con người. Không có lục căn thì chưa thể gọi là một con người. “Vì loại nào cũng vậy, thức như đầu, căn như mình, trần như chân gồm đủ ba phần gọi là một thể” (tr. 40).

Từ chân lý sống động về thân tứ đại của con người như Ngũ uẩn, Thập nhị nhân duyên, Tứ đế, Tổ sư Minh Đăng Quang đặt vấn đề nghiên cứu về vũ trụ quan. Như vậy, Tổ sư không chỉ tiếp nối ánh sáng ngọn đèn của chư Phật mà còn làm cho ánh sáng của ngọn đèn ấy đa dạng thêm, sinh động thêm.

2. Quan điểm về nhân sinh

Trong Tam Bảo tại thế gian này, Pháp bảo có tác dụng phá tan màn vô minh của chúng sanh, đưa người qua bể khổ cuộc đời. Đức Phật đã để lại cho thế gian Tam tạng Pháp bảo Kinh, Luật, Luận là nền tảng để chư Tăng từ đó giảng giải rộng ra cho hàng hậu học hiểu một cách thấu đáo và hành theo để được lợi ích. Tăng bảo thay Phật dìu dắt, chỉ cho chúng sanh thấy khổ, con đường đưa đến khổ và con đường diệt khổ.

Tổ sư Minh Đăng Quang đã lý giải về con người, về thiên nhiên qua Thập nhị nhân duyên, Có và không, Sanh và tử,… tạo thành một chuỗi mắc xích từ vô minh đến sanh lão tử. Và con người vì vô minh nên mãi lầm tưởng cho rằng ta là trung tâm điểm, cái ta là quan trọng cần phải lưu tâm, cần phải làm tỏ rõ cái ngã to lớn trong ta.

Bộ Chơn lý là tư tưởng giáo lý, là tâm huyết của Ngài đã để lại cho đời tiếng vang ngân dài. Ngài nói rằng vòng xích 12 nhân duyên từ vô minh… đến sinh tử là 12 nhân duyên của tứ đại, còn đây là 12 nhân duyên của chúng sanh.

“Vô minh là thuở chưa có thai, chưa biết được, sanh ra hành là sự giao hiệp, sanh ra thức là cái biết cái sống trong thai bào sanh ra danh sắc là tên gọi và sắc thân sanh ra xúc, xúc là sự cảm xúc, xúc tiếp, xúc động, xúc giác, xúc đối. Sanh ra thọ là ưa chịu muốn ham, sanh ra ái là thương yêu trìu mến kẻ khác, sanh ra thủ là lấy giữ vợ chồng làm của riêng, ích kỷ tư lợi thói xấu, sanh ra hữu là có thai, có gia đình riêng tư có tham sân si độc ác, có sự nghiệp, cái có do mình sanh ra, sanh là sanh con đẻ cháu, sanh thêm tội ác, nghề nghiệp chơi bời khổ trược” (tr. 81).

Con người từ khi bắt đầu sanh ra thì cái ngã cũng đã hình thành. Cái ngã lớn theo thân tứ đại, và cái ngã này khó hạ được vì bị sự cố chấp quá chặt khiến cho tâm trí con người luôn bị vướng mắc sai lầm không tự  giải  được.

Và trong Chơn lý “Thập nhị nhân duyên” cho rằng chúng ta ai cũng có riêng một sở chấp, thói quen trong 12 nhân duyên ấy. Vậy nên chúng ta muốn hết khổ luân hồi thì tuỳ sự xét thấy mình ở cửa nào hãy lui ra ở cửa đó, quay đầu lại là xong, chớ đừng mãi đi tới và tuồng luông, để chịu khốn họa. Nếu nắm lấy 12 nhân duyên đi tới thì càng vọng động khổ sở, bằng buông tháo trở lại thì càng chơn như vui sướng, miễn giác ngộ là được.

Sống giữa thiên nhiên, con người là loài hữu tình, vạn vật là loài vô tình, tuy vậy chúng có sự sống:Sự sống của mọi vật cũng như cái máy đồng hồ mỏng giây lại vặn, mạnh rồi yếu, yếu rồi mạnh, mỗi một lần thay đổi là tiến tới một khoảng đường cũng như sáng mai hơn chiều nay, tiếp tới sẽ hơn đời này” (Chơn lý, “Có và không”). Sanh và tử là hai phạm trù cũng như các cặp phạm trù “có và không”, “sanh và diệt”. Những cặp phạm trù này luôn hiện diện trong tư tưởng, trong cuộc sống mỗi chúng ta. Mỗi con người trong vũ trụ đều chịu định luật này. Bậc Phật Thánh đã thoát khỏi các cặp phạm trù này không còn trở lại cõi Ta-bà. Vì vậy ai còn trong vòng sanh tử là còn đau khổ, còn triền phược, còn bị chi phối bởi sanh già bệnh chết.

“Muốn không xác uế thoát thai phàm,

Lục dục tiêu trừ dứt muốn ham”.

Lẽ sanh diệt của tạo hoá có chi lạ, thân cũng vậy mà tâm cũng vậy, chớ nếu càng sanh mà không diệt thì xưa nay đất đâu mà chứa hết chúng sanh? Nào riêng loài người, loài thú, cây cỏ mà sao không ai nghĩ đến mà thương xót. Làm ác giết người, thân mà còn tâm, trái lại (còn ủng hộ theo làm những việc bất thiện), cái tâm đã chết, hột giống tâm đứt còn thân thì sau sự vay thì phải trả phải đền bù bằng cái chết. Thế là rõ ràng mình tự giết thân tâm mình đó! Sự thật xưa nay nào ai dám nghĩ đến, hoặc nhắc cho lẽ ấy, nhưng sao ta làm ác lại lo hoài và nhớ mãi, chỉ nhớ tới mà chẳng tin rằng là có sự lui, trong đời đâu có lẽ tốt hảo tuyệt đối cho riêng ta vậy (tr. 176).

3. Tư tưởng về nhân quả và đời sống đạo đức

Trong Chơn lý “Công lý võ trụ”, Đức Tổ sư viết: “Công lý cũng tức là chơn lý, hay lẽ Chánh đẳng Chánh giác, Trung đạo dung hòa của võ trụ. Công lý nghĩa là lẽ không thêm, không bớt, bằng nhau, đạo lý rất công bằng, không chênh lệch thiên tư về mặt nào. Thể của công lý là sự không lượng không biên, không cố chấp, vô cực. Tướng của công lý là hình thể của vạn vật các căn. Dụng của công lý là luật pháp giáo lý tương đối biến hóa. Lý của công lý là tự nhiên, vắng lặng, bằng thẳng, mát mẻ”.

Đức Tổ sư phân tích thật rõ ràng về thể, tướng, dụng và lý của công lý. Công lý vốn không thiện ác, cũng không thưởng phạt kẻ làm ác hay làm thiện. Chính luật nhân quả hỗ trợ cho công lý vũ trụ. Kẻ làm ác chịu quả báo xấu, người làm thiện được quả báo tốt lành.

Tổ sư dạy tiếp rằng: “Cũng lắm kẻ cho rằng không có công lý nên tha hồ làm ác phải chịu tai họa, chính công lý là một sức mạnh huyền bí chớ không phải quyền thế sức mạnh là người ta ai ai mà lắm kẻ lại áp dụng để hiếp đáp người nhưng đã là công lý như bóng theo hình, kẻ trèo cao té nặng, người xảo trá lại được bình yên mãi đâu? Đối đầu mới biết mình thất bại, tự mình hại lấy mình, không than trách vậy nên ta nhớ rằng trong đời chẳng có ai hơn và chẳng có ai thua cả thảy, sau trước vẫn bằng nhau mà thôi” (tr. 129).

Như thế, Đức Tổ sư đã nhắc nhở, làm người sống chung hòa hợp với nhau, hiểu rõ lý lẽ công bằng chi phối vạn vật, hãy biết sợ nhân quả, đừng tạo oán thù, ganh ghét hại khổ lẫn nhau, biết sám hối ngăn ngừa mọi tội lỗi là sống đời đạo đức. 

4. Quan điểm về một xã hội an lạc, thanh bình và đạo đức

Xây dựng xã hội hòa bình, an lạc làyếu chỉ của nhiều tôn giáo. Về mặt tinh thần, nhiều tôn giáo chủ trương xoá bỏ sự bất bình đẳng giai cấp con người mở ra con đường đạo đức cho nhân loại. Phật giáo lấy tâm làm nơi khởi điểm và cũng là nơi dừng chân cuối cùng. Khi tâm buông xả hai phạm trù đối đãi thường tình, niềm an lạc , hạnh phúc tự nhiên có mặt. Một xã hội người người biết buông xả, không bao lâu hoà bình, hạnh phúc sẽ tràn ngập trong từng nhà, từng góc phố. Tổ sư Minh Đăng Quang đã khẳng định điều ấy bằng sự trải thân thực nghiệm. Nếp sống của người k hất sĩ góp phần xây dựng xã hội trong mọi phương diện. Tổ sư đã xoá bỏ mê tín tà kiến xưa, đem ánh sáng trí huệ của Giới Định Tuệ t ô điểm cho xã hội, con người. Thời khắc tu tập của Tăng đoàn là một bài học để xã hội noi theo. Đời sống chư Tăng thanh tịnh nhẹ nhàng không bon chen tranh đua với đời, vượt ra ngoài vòng đối đãi của thế gian , làm mô phạm cho nhân loại. Giáo lý khất s ĩ là tiếng chuông cảnh tỉnh gọi chúng sanh giác ngộ:Cõi bình đẳng về sắc thân không ai hơn kém, chỉ dùng đức hạnh làm cây thước để đo trình độ thấp cao. Trong đạo cả thảy sự sống như nhau, một tiếng khất sĩ như nhau, cõi không hình phạt, không quyền, không trợ, chỉ có một sự dạy mà tất cả được yên. Giữa lúc cõi đời chết khổ, khất sĩ là chất nhựa sống gắn liền các khối chia rẻ riêng tư. Khất sĩ là con đường chơn lý võ trụ, đúng theo trung đạo, ánh sáng, không thiên về một bên lề mé.Khất sĩ tượng trưng giáo lý đại đồng (tr. 471).

Nếu trong xã hội, con người tuân thủ theo pháp luật, giữ gìn kỷ cương phép tắc để đời sống cộng đồng không rơi vào tình trạng bất an, xung đột, thì nhà Phật nói chung, Đạo Phật Khất Sĩ nói riêng , ngang qua giới luật cũng góp phần củng cố đạo đức, cùng xây dựng một xã hội yên bình , ấm no, hạnh phúc, bớt trộm cắp, rượu chè, tà hạnh. Đơn cử là năm nguyên tắc đạo đức:

1. Không nên sát sanh hại mạng người, thú cùng cây to hay cỏ nhỏ.

2. Không nên trộm cướp, giựt mượn không trả của người ta.

3. Không nên dâm dục, lếu quấy nam nữ đực cái với nhau.

4. Không nên nói dối, chửi rủa với nhau, hay khoe khoang đâm thọc.

5. Không nên uống  rượu, cùng tham lam, sân giận, si mê .

(tr.376)

Tổ sư còn dạy rằng: “Bây giờ mỗi khắc qua là mỗi trái tim cùng đập mạnh, dù chúng nó chưa biết phải học cái chi… đã biết rằng khi vào đó rồi thì không còn những sự lo ăn chơi, không còn chiến tranh nhau, không còn tự do ác quấy mê chơi, nơi chỗ học với cái tiếng học, cái học sẽ đánh đổ cái ăn cái ác, cái tranh cái tham cái chơi tất cả, cái học cũng như bức tường, nó cản đường hết thảy cả những ngọn gió thì những lá cây không còn dao động, cái tiếng học nó thắng tất cả sự hơn thua mê muội, người ngó ngang nơi cái học làm mục đích là sẽ không còn tham sân si chi nữa hết, thế giới tất sẽ bình yên (tr. 378 ).

Chấp tự ngã là một chướng duyên lớn nhất và nguy hiểm nhất đối với con người trên đường đi đến chân thiện mỹ. Chúng cùng với ngã mạn, tật đố… cấu kết nhau làm cho con người phát triển theo chiều hướng bất thiện. Chư Phật ba đời và chư Tổ đều dạy chúng ta dẹp bỏ cái ngã, diệt trừ ngã mạn, kiêu căng, phải tập tánh khiêm hạ hoà ái.

“Trong sự học cần phải biết tự cao là dốt nát, vì mình tự cao là mình sẽ không còn học thêm và cũng chẳng ai dám dạy mình nữa, mà chính mình phải tập khiêm nhường mới mong tấn hoá được” (tr. 380).

Một đời sống lành mạnh thanh tịnh và hoà hợp sẽ đem đến lợi ích thiết thực không chỉ cho mình mà còn cho người, cho cả xã hội. Đời sống đạo đức của chư Tăng trở nên một biểu tượng cho số đông quy ngưỡng, bởi lẽ giữa cảnh đời bon chen tội lỗi, nếp sống vô ngã vị tha sẽ nhen nhóm ngọn lửa ấm áp cho mọi người, biết nhận ra chân giá trị đích thực của cuộc sống, không có gì tồn tại bền lâu ngoài phước đức và trí tuệ vô lậu. Của cải tài sản thế gian là của năm nhà vốn mang tính vô thường, luôn biến đổi, không bền vững, chỉ có tài sản xuất thế là hằng hữu. Quy y Tam Bảo, tinh tấn tu tập, Giới Định Tuệ phát sanh mới xa lìa được ba đường khổ. Tài sản phước đức ấy không rời xa người đã giác ngộ, biết tu tạo công đức lành. Làm tăng trưởng tài sản ấy giúp xã hội ngày càng thịnh vượng và hòa bình hơn.

Lối sống của Tăng chúng Đạo Phật Khất Sĩ vẫn luôn noi theo lối sống giải thoát mang lại lợi lạc cho mình cho người như sự hành trì của Tăng đoàn thời Đức Phật còn tại thế:

1. Chiều 5 giờ tới 7 giờ tu tịnh ngủ nghỉ, hoặc gốc cây vườn rừng, hoặc chùa am hang cốc tuỳ theo phương tiện.

2. Sớm mai khất thực theo đường dài xóm làng thành thị.

3. Buổi trưa độ cơm.

4. Xế chiều thuyết pháp, giảng đạo cho tứ chúng.

5. Đi đến mỗi nơi trình sổ Giáo hội Du tăng và chương trình cho nhà đương quyền tại đó.

6. Tuỳ tiện dọc đường giúp ích pháp thí cho những sự bất hoà, những nơi nhóm đông hữu sự cùng xin phép giảng đạo khuyến tu, các nơi bệnh viện, đề lao, công sở, nhà đương cuộc, tông giáo, đảng phái v.v…

Đời sống thường nhựt của Tăng đoàn hoàn toàn thanh tịnh, an lạc, bấy nhiêu đó đủ để làm mô phạm cho trời và người học tập. Sự thanh bần giản dị, thiểu dục tri túc luôn là phương châm sống của người hành hạnh Khất sĩ. Mọi phương tiện sinh hoạt ăn , mặc,, bệnh đều từ thiên nhiên, từ bá tánh, không có gì là của ta, thế nên người Khất sĩ ở đâu cũng được, tự tại giải thoát, nơi gốc cây vườn rừng, hang cốc hay chùa am cũng hoan hỷ, không lưu luyến chấp giữ về mình. Người Khất sĩ hành pháp khất thực bình đẳng không phân biệt nghèo giàu, thọ thực vừa đủ không phân biệt ngon dở, mọi thời đều luôn tinh tấn giữ giới hạnh, nghiên tầm đạo lý, thuyết giảng giáo pháp, xoa dịu nỗi đau bất hạnh, bất an của chúng sinh.

Giáo lý Khất sĩ phải là tiếng chuông cảnh tỉnh ngân nga vang dội, gọi thức quần sanh, kêu khuyên người trí, tiếp độ kẻ hiền. Do đó mà cuộc đi du hành, sau khi giác ngộ sẽ lan dần ra các xứ, ban đầu đi quanh xứ Việt miền Nam kế đó lần ra Trung Bắc cùng khắp cõi Đông Dương, nếu con đường thuận tiện và Giáo hội sẽ đi với số đông y như Phật Tăng ngày xưa đi hành đạo khắp xứ ngoài nữa (tr. 374).

5. Sự dung hòa giữa hai truyền thống Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền

Đức Tổ sư Minh Đăng Quang dung nạp hài hòa hai hệ tư tưởng Phật giáo Bắc tông và Nam tông, tạo nên sắc thái trung đạo của Hệ phái Khất sĩ, một trong những Hệ phái mang bản sắc Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ.

Giáo lý của Đạo Phật Khất Sĩ vẫn gìn giữ nguyên bản những giáo lý chủ đạo được hai hệ phái Phật giáo lớn đề cao như Tam pháp ấn; Uẩn,X, Giới, Tứ thánh đế, Bát chánh đạo, Lý Duyên khởi, Tam vô lậu học.

Luận về chư Phật, trong Chơn lý “Chư Phật”, Tổ sư xác định: "Tất cả chúng sinh là chư Phật", đó là cách xác quyết tương đồng với quan điểm “nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh” và “tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật” của Phật giáo Đại thừa. Cũng như phần Chơn lý “Giác Ngộ”, Ngài nói: “... Bằng thiếu sự toàn giác của bậc sơ giác, độc giác, hay đại giác, thì nhập định chưa bền lâu, ắt còn phải đi tu thêm hạnh tự giác, giác tha ở trong đời, để cho thành tựu sự giác mãn, tức là tu hạnh Bồ-tát...”. Như thế, tinh thần Bồ-tát đạo trong bộ Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang đã nói lên sự dung hòa giữa hai truyền thống lớn trong đạo Phật.

Phần Chơn lý  “Ăn chay”, Ngài cũng định nghĩa rất rõ: "Ăn chay theo chữ Hán gọi là thực trai, ở đây có nghĩa là món ăn trong sạch vậy. Ăn chay là trong sạch với miếng ăn, không tham ăn, không vọng ăn, không cố chấp kén chọn món ăn, tâm không nhơ bẩn vì miếng ăn"... Nội dung toàn bài “Ăn chay” xoay quanh tinh thần tôn trọng luật công bình, không ỷ mạnh hiếp yếu, tôn trọng sự sống của nhau; không vì chữ hiếu mà sát sanh hại vật để cúng hiến cho cha mẹ... Ăn chay thể hiện lòng từ bi đối với các sinh vật nhỏ dại hơn ta, khuyến khích ý chí điều phục tự thân.

Đức Tổ sư khéo kết hợp quan điểm của Phật giáo Phát triển và Phật giáo Nguyên thủy hình thành một đường lối tu tập đúng với tinh thần từ bi, trí tuệ, giải thoát của Bồ-tát đạo.

Kết luận

Nhìn chung, tư tưởng chính của Đức Tổ sư là khôi phục y bát chân truyền và cố gắng tu tập sinh hoạt đúng nguyên mẫu của Tăng đoàn lúc Phật còn tại thế. Trải qua thời gian hơn 2500 năm lịch sử, giáo pháp Phật lưu truyền theo hai hướng: Bắc và Nam , vì thế mới có danh từ Bắc truyền là Đại thừa hay Phật giáo Phát triển; Nam truyền xưa gọi là Tiểu thừa, hay còn gọi Phật giáo Nguyên thủy. Do tính truyền thống trung thành tuyệt đối, bảo vệ nguyên gốc giáo lý của Đức Phật nên gọi là Nguyên thủy; do tính bảo thủ mà khó phát triển nhanh. Tuy nhiên, Phật giáo Đại thừa có ưu thế dễ thích nghi từng thổ nhưỡng, từng quốc độ, dễ hòa nhập, dễ phát triển, nhưng cũng dễ đi xa lời dạy chính thống mà Đức Phật Thích -ca Mâu- ni để lại.

Qua thời kỳ Bắc thuộc, cao Tăng Thánh đức đã khai triển được giáo lý và nâng cao giá trị tu tập cho bản giáo, giúp đất nước thịnh hưng. Thời Pháp thuộc, vì bị nền văn hóa xa lạ xâm nhập, xã hội bị xáo trộn và nét văn hóa truyền thống cha ông bị lai tạo, Tăng quy chưa kịp định hình, tổ chức tu tập sinh hoạt chưa được chỉnh đốn để thích nghi với trào lưu, một số bậc chân tu đã ẩn non cao núi thẳm, số còn lại ở thị thành phải chật vật bon chen cuộc sống, nên sắc màu Phật giáo bị biến dạng.

Trong tình hình xã hội rối ren, một số tổ chức chống ngoại xâm ra đời, đồng thời cũng xuất hiện nhiều hình thức tín ngưỡng tôn giáo nội sinh kết hợp với chính trị để bảo vệ Tổ quốc. Trong hoàn cảnh đó, Tổ sư Minh Đăng Quang xuất hiện làm sống lại, tươi nhuận cho một đạo Phật tưởng chừng bị biến dạng song song với trào lưu chấn hưng Phật giáo khắp nơi. Việt Nam đã có một hệ phái Phật giáo kết hợp hài hòa giữa hai truyền thống Nam và Bắc truyền, từ hình thức đến nội dung. Để Phật giáo Việt Nam mới mẻ hơn, thích hợp với trình độ dân trí và hoài bão của người dân Nam Bộ lúc bấy giờ, kinh điển của Đạo Phật Khất Sĩ được chuyển dịch sang văn vần giản dị, trong sáng.

Hệ phái Khất sĩ ra đời không những đóng góp tích cực trong lãnh vực tôn giáo tín ngưỡng, mà còn làm phong phú nền văn hóa dân tộc trong thế kỷ XX. Trăm hoa đua nở, các hệ phái tôn giáo ra đời, báo hiệu dân tộc sớm hưởng cảnh bình minh của đất nước sau thời gian dài tăm tối bởi ngoại xâm. Ngày nay, Hệ phái Khất sĩ vẫn luôn song hành cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam để trang nghiêm Giáo hội, xây dựng đất nước ngày thêm giàu mạnh. Tăng-già Khất sĩ không những là hệ phái nghiêng về hướng chuyên tu mà còn cập nhật kiến thức thời đại, luôn năng động phụng sự xã hội trên mọi mặt nhưng vẫn giữ được nét đặc thù của chính mình.

TN. Liên Chúng
Tịnh xá Ngọc Túc – An Khê – Gia Lai

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý , Nxb. TP. HCM, 1998.

2. Nguyễn Du, Truyện Kiều, Nxb. Thanh niên, 1999.

3. Chu Xuân Diên, Cơ sở Văn hóa Việt Nam (Tài liệu giảng dạy trường ĐHKHXH & NV).

4. Ni trưởng Huỳnh Liên, Lời tựa Kinh Tam Bảo, Nxb. Tôn giáo, 2000.

5. Trần Hồng Liên, Phật giáo Nam Bộ, Nxb. TP. HCM, 1996

6. Giáo sư Minh Chi, Nhân minh luận (Tài liệu giảng dạy HVPGVN TP. HCM).