Vài suy nghĩ về công tác hoằng pháp nơi vùng sâu vùng xa

1. Nhận định chung

Công tác hoằng pháp tại vùng sâu, vùng xa là một trong những công tác trọng yếu của Phật giáo mà Giáo hội rất quan tâm. Vì tính đặc thù của từng vùng mà những người hoằng pháp cũng phải trang bị những yếu tố cần thiết để đáp ứng phù hợp cho từng địa phương. Thực tế cho thấy, những vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh, nơi mà người dân có cuộc sống thường ngày là lên nương rẫy, xuống đồng ruộng, hòa mình trong những mảnh vườn điều, cà phê, hoặc cây mì, cây lúa, v.v... nơi mà phần lớn người dân còn khó khăn về vật chất từ miếng ăn, cái mặc cho đến thiếu thốn về đời sống tinh thần. Đương nhiên, nơi vùng sâu, vùng xa cũng không phải không có người giàu, người khá giả. Chính vì điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, mỗi cá nhân có khác nhau, trình độ dân trí cũng có sự khác biệt, do đó dẫn đến nhận thức và niềm tin vào Phật pháp cũng có sự khác biệt nhau. Nhiều người dân chỉ biết đến chùa lạy Phật cầu nguyện, mà không biết Phật pháp, lợi ích của đạo Phật là gì. Thậm chí, đời sống tinh thần của một số bà con còn mang nặng tính chất mê tín, dị đoan trong nhận thức và niềm tin.

Với những nơi xa xôi, hẻo lánh, thì nhiệm vụ của người hoằng pháp rất quan trọng, giúp cho người dân có niềm tin đúng đắn hướng về Tam Bảo, có cuộc sống an lạc và hạnh phúc, góp phần giáo dục xã hội, xây dựng đời sống tinh thần cho bà con là một vấn đề không đơn giản. Người hoằng pháp, ngoài việc định hướng cho bà con có được chánh tín, bài trừ mê tín dị đoan, hiểu được đạo lý nhân quả, thực tập lòng từ bi, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Thì người hoằng pháp còn phải tích cực thể hiện vai trò của Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, góp phần phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa. Và như thế, nhu cầu hoằng pháp đến vùng sâu, vùng xa là nhu cầu cấp thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu niềm tin của bà con tại những xa xôi này. Và tất nhiên, công tác hoằng pháp ở những nơi này chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, hoặc là đối tượng hoằng pháp; hoặc gặp khó khăn khi chưa kết hợp nhịp nhàng với chính quyền địa phương; hoặc khó khăn về phương tiện hoằng pháp, v.v…

Vì thế, để góp phần vào công tác hoằng pháp ở vùng sâu, vùng xa của Ban Hoằng pháp, thì người hoằng pháp cần có những đức tính mà Đức Phật đã dạy như sau.

2. Yếu tố cần thiết

Tinh thần từ bi và dấn thân…

Trong kinh tạng Nikaya Đức Phật đã từng dạy cho các thầy Tỳ-kheo rằng: "Này các Tỳ-kheo, hãy đi vì lợi lạc của nhiều người, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của trời và người..., hãy truyền bá chánh pháp. Này các Tỳ-kheo, chánh pháp toàn thiện ở phần đầu, phần giữa cũng như phần cuối, cả trong ý tứ và lời văn. Hãy tuyên bố về cuộc sống toàn thiện và thanh tịnh... Chính Như Lai cũng đi, … để hoằng dương giáo pháp. Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí, hãy truyền dạy giáo pháp cao siêu, hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác; được vậy, là các ông đã hoàn tất nhiệm vụ" (Ðại Phẩm).

Qua đó cho thấy, Đức Phật khẳng định việc hoằng pháp là nhiệm vụ của quý thầy Tỳ-kheo; làm lợi lạc cho số đông, đem hạnh phúc cho nhiều người là hạnh nguyện của người con Phật. Hơn thế nữa, Đức Phật còn lưu ý rằng “Này các Tỳ-kheo, chánh pháp toàn thiện ở phần đầu, phần giữa cũng như phần cuối, cả trong ý tứ và lời văn”. Nghĩa là, người hoằng pháp cần thông hiểu rõ ràng về đạo lý, về chánh pháp; từ nội dung cho đến việc sử dụng ngôn văn để chuyển tải đạo lý. Tức là cần trang bị hoàn thiện về kiến thức và kinh nghiệm, cũng như về kỷ năng, chuyên môn trong khi thực hiện công tác hoằng pháp.

Tinh thần nhẫn nại…

Khi một vị phát tâm đến với vùng xa xôi, hẻo lánh để hoằng pháp, đồng nghĩa vị này đã chuẩn bị tinh thần tiếp nhận những khó khăn, trắc trở phía trước. Để trách một số trở ngại trong việc hoằng pháp nơi vùng sâu, vùng xa; hoặc một số nơi mà hoàn toàn mới mẻ, thì người thực hiện công tác hoằng pháp trước tiên cần liên hệ với chư Tôn đức Ban Trị sự tỉnh, hoặc chư Tôn đức Ban Hoằng pháp tỉnh để được hổ trợ. Bên cạnh đó, cũng cần hiểu một số các Văn bản Pháp luật của nhà nước liên hệ đến vấn đề tôn giáo, nhờ đó mà chính quyền địa phương hổ trợ cho thuận lợi khi tiếp cận với bà con vùng sâu, vùng xa. Đó là những vấn đề chúng ta có thể chủ động được, còn nhiều vấn đề khó khăn, chướng duyên khác mà người hoằng pháp nơi vùng sâu, vùng xa phải gặp phải. Trong kinh Trung Bộ, bài kinh Giáo giới Phú Lâu Na, Đức Phật cũng đã từng hỏi Tôn giả Punna về việc hoằng pháp tại xứ Sunaparanta, khi bị những người ở đó đối xử thậm tệ, thậm chí bị đánh đập, thì Tôn giả đều trả lời rằng: “Bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ như sau: Thật là hiền thiện! Thật là chí thiện! Vì rằng họ chưa đoạt hại mạng con...” Đức Phật đã tán thán và khen ngợi rằng: “Lành thay, lành thay, này Punna! ông có thể sống ớ xứ ấy, khi ông có được đầy đủ sự nhiếp phục và an tịnh này”.

Ngay thời Đức Phật, cũng có nhiều nơi rất khó khăn trong việc hoằng pháp, nhưng có những con người thật sự dũng cảm, thật sự hy sinh vì sự lợi ích của nhân sinh, của số đông, mà chịu đựng những chướng duyên, những trở ngại vốn có tại một số địa phương để hoằng pháp lợi sanh. Đương nhiên, những vị này đã trang bị cho bản thân về nền tảng kiến thức và kinh nghiệm tu tập theo chánh pháp.

3. Thay lời kết

Đức Phật dạy “Này Ananda, thật không dễ gì thuyết pháp cho người khác. Để thuyết pháp cho người khác, trước tiên phải an trú được năm pháp, mới thuyết pháp cho người khác: Thuyết pháp tuần tự; Thuyết pháp với mắt nhìn vào pháp; Thuyết pháp vì lòng từ mẫn; Thuyết pháp không phải vì tài vật; Không làm thương tổn đến mình và người khác” (kinh Tăng Chi II). Đức Phật dạy, phải thông suốt đạo lý; vì lòng từ mẫn; không vì lợi lộc riêng tư, chỉ mong cho người nghe được lợi ích, an lạc; không nên bài bác, làm thương tổn đến mình và người khác.

Qua những đoạn kinh được đề cập ở trên, chúng ta thấy để hoằng pháp nơi vùng sâu, vùng xa, thì đội ngũ hoằng pháp cần phải có nhiệt huyết, biết hy sinh, không kể gian lao, không từ khó nhọc, sẵn sàng đi đến nơi đâu mà người dân cần; đồng thời phải hoàn thiện về kiến thức và kinh nghiệm tu tập. Ngoài ra, cũng cần tìm hiểu những văn bản Pháp luật và Hiến chương Giáo hội, Nội quy của các ban ngành Trung ương Giáo hội để thuận lợi hơn trong khi hoằng pháp. Nhất là, liên hệ đến chư Tôn đức Ban Trị sự, chư Tôn đức Ban Hoằng pháp các tỉnh thành, cũng như chính quyền địa phương nơi đến, nhằm tạo sự đồng bộ, trợ duyên, giúp đỡ để công tác hoằng pháp được thuận lợi hơn.

(Bài tham luận tại Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc tại Bà Rịa – Vũng Tàu 2015)