Vài ý pháp Phật giáo Nguyên thủy trong Chơn lý của Tổ sư

04 Copy

Sau khi Đức Phật thành đạo dưới cội Bồ-đề, Ngài đến vườn Nai, thành Ba-la-nại độ cho năm anh em Kiều-trần-như. Kế đến, Ngài hóa độ Da-xá và 55 người bạn của ông, và Tăng đoàn được hình thành từ đây. Lúc bấy giờ Đức Phật dạy chư Tỳ-kheo: “Hãy ra đi mỗi người mỗi phương, vì hạnh phúc, vì an lạc cho đời, vì hạnh phúc vì an lạc cho chư Thiên và loài người, các ông hãy công bố giáo pháp tốt đẹp trong giai đoạn đầu (nói về giới), tốt đẹp trong giai đoạn giữa (nói về định), tốt đẹp trong giai đoạn cuối (nói về tuệ)”. Thế rồi, Đức Phật cùng Tăng đoàn đã đem giáo pháp mà Ngài vừa công bố, truyền bá rộng khắp đất nước Ấn Độ, mang lại niềm an lạc cho tất cả chúng sanh thời bấy giờ. Ấy là Phật giáo thời nguyên thủy.

Vào thập niên 40, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang với chí nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” đã kế thừa con đường của Đức Phật. Đó là giáo lý Y bát chơn truyền, tức tu tập theo con đường Tứ y Chánh pháp, mỗi ngày trì bình khất thực, du phương giáo hóa, giải thoát khỏi sự ràng buộc của ăn, mặc, ở, bịnh. Đây cũng là con đường thực hành Thánh giới, Thánh định và Thánh tuệ.

Sự ăn, mặc, ở và bịnh của người Khất sĩ do tín chủ thành kính cúng dường, người thọ nhận với tâm thanh tịnh không đòi hỏi mong cầu. Về chỗ ở, cuộc sống rày đây mai đó, tạm nghỉ nhờ nơi đình chùa am miếu, gốc cây hoặc ngôi nhà trống, với tinh thần:

Cơm rau đỡ dạ đói,

Nhà cỏ che gió sương,

Người đời nếu biết đủ,

Phiền não chẳng còn vương.

Cũng như trong quyển Chơn lý “Chánh pháp”, Đức Tổ sư có dạy: “Tứ y pháp là pháp Trung đạo Chánh đẳng Chánh giác, không thái quá bất cập, nhờ đó mà chư Phật mới đắc tâm chơn thành Phật. Các ngài khi vào xóm thì xin ăn học và dạy lại người, khi ở rừng thì nhập định chơn như nín nghỉ. Đức Phật nào cũng y như thế. Ngoài Tứ y pháp ra, thì không phải đạo Phật, không giống chư Phật chư Tăng và không phải là giáo pháp chánh chơn của Phật. Vì vậy cho nên, Tứ y pháp là đứng đầu trong tạng Luật, và khi xưa kẻ mới tu nhập đạo, Phật dạy cho Tứ y pháp là trước hết và dạy cho biết đạo Phật là đạo Khất Sĩ vậy”.[1]

Giữ giới y bát gồm đầy đủ năm chi phần của giới theo trong kinh văn như: Giới bổn Patimokkha, Giới thu thúc lục căn, Giới tiết độ ăn uống, Giới chú tâm cảnh giác và Giới chánh niệm tỉnh giác. Nhờ nghiêm trì giới luật tinh chuyên như vậy nên người tu tập được giải thoát mọi điều trói buộc phiền não ô nhiễm, hằng được thong thả rảnh rang, ở trong cái thật, cái không xao động, chỉ còn nhập định và tham thiền, tức vừa tìm học trong trí não, vừa để tâm yên lặng đứng ngừng. Người tu tập lần lần giữ 10 giới, 250 giới, oai nghi hạnh kiểm, cử chỉ đoan trang, nết na đằm thắm, không chung lộn với kẻ vạy tà. Nơi cốc am, ngoài đường sá, vào xóm, nơi rừng, đi đứng ngồi nằm, ăn mặc nói làm, thức ngủ sống chết, thân tâm trí tánh, thảy ôn hòa nhã nhặn, từ bi trống rỗng. [2] Đây là sự toàn hảo về giới mà Đức Tổ sư đã thực hành theo đúng như pháp Đức Phật đã dạy cho các Tỳ-kheo.

Trong “Đại Kinh Xóm Ngựa” thuộc Kinh Trung Bộ, tập I, Đức Phật nhấn mạnh đến các pháp tác thành giới học, định học và tuệ học của một vị Sa-môn. Cũng thế, trong Chơn lý, Đức Tổ sư giảng giải giữ hạnh Khất sĩ tương ưng với hành trì giới định tuệ rất cặn kẽ. Giới luật là Y bát, là Khất sĩ. Khất sĩ là định huệ. Nếu Khất sĩ không tu về định - huệ, dầu có trì giới đi nữa cũng chưa được gọi là Khất sĩ, vì chữ “sĩ” đây là sự học đạo lý với quả linh bằng pháp tu định huệ. Tu tức là học, hay học tức là tu, tu học định huệ là từ tu Giới Y bát Khất sĩ.[3] Thế cho nên, người hành y bát mà không tu định huệ thì chưa trọn đủ. Như trong Kinh Pháp Cú, câu 266, Đức Phật có dạy:

Chỉ khất thực nhà người,

Đâu phải là Tỷ-kheo,

Khất thực không, không đủ,

Phải hành pháp toàn diện”.

Hay như trong “Đại kinh Khu rừng sừng bò” thuộc Kinh Trung Bộ, Đức Phật dạy một vị Tỳ-kheo có thể làm chói sáng khu rừng Gosinga: “Vị Tỷ-kheo sau khi đi khất thực về, sau buổi ăn, ngồi kiết-già lưng thẳng, an trú chánh niệm trước mặt cho đến khi tâm được khéo giải thoát hoàn toàn các lậu hoặc”.[4] Đức Phật luôn nhắc nhở và tán thán chư Tỳ-kheo phải giữ giới và nỗ lực tu định. Định lực viên mãn, thành tựu được tâm giải thoát và tuệ giải thoát.

Trong Chơn lý “Nhập định”, Đức Tổ sư cũng tán thán lợi ích của định: Định là yên lặng, Chơn lý của võ trụ là yên lặng, yên lặng là lẽ thật, là huyền bí, là không vọng động, nên cũng gọi là chơn như hay sự kín đáo”.[5]

Có định trí mới nhớ chứa xa, đựng gồm lớn, nhờ nhớ đựng bao việc quá khứ hiện tại mà thấy rõ các pháp vị lai, xét rõ được việc đời, nhìn xa được tâm lý, nghe rõ được trình độ, diệt dứt được phiền não mà chứng được an hòa”.[6]

“Có định thì cái hình bóng của biết mới cứng vững chắc và to lớn tốt tươi không hư hoại. Định là một sức mạnh thần thông, nhờ yên lặng cái ý mới mạnh mẽ mà điều khiển sự biến hóa linh nghiệm. Thế cho nên ai cũng biết sự nhập định là vui sướng ích lợi sống đời. Trong định trí mới huệ, có huệ trừ vọng mới chơn. Mà muốn định thì phải có giới và chỉ có giới xuất gia Khất sĩ mới vào đại định, không làm Khất sĩ khó định được”. [7]

Đức Tổ sư cũng chỉ cho chúng ta biết “Mục đích của định là để đến chơn như, tức định huệ song tu, hay Ngài chỉ dạy đi thẳng định huệ vào đạo quả giải thoát bằng con đường Tứ y pháp thì chơn như toàn giác mới sống đời đúng theo chơn lý lẽ thật, tức là Chánh đạo. Như thế nghĩa là chúng ta phải định, phải nhập định, phải tìm cảnh tịnh, tâm cảnh phải tịnh định luôn luôn, thì chơn như mới xuất hiện, chơn như tức là định yên lặng hay quả Niết-bàn. Đó mới là chỗ đến, kết quả, mục đích của chúng sanh vậy.

Chính vì thế mà người Khất sĩ phải là học trò khó đi xin ăn tu học. Nhưng muốn học không phải ở một chỗ, mà cần phải bước lên đi tới, phải đi theo thời duyên cảnh ngộ của nước gió không ngừng chớ đừng cố cượng. Chính sự ở một chỗ, giữ một bài, một lớp, là khổ não, vô minh, si mê, thất học. Càng đứng ngồi nằm một chỗ, càng thấy nóng nảy sân hờn, và bụi lắp xấu dơ, tham lam đen nặng. Vậy muốn được học, thì phải ra người Khất sĩ, khó hèn, để hạ lòng tự cao dốt nát, đặng rèn nuôi chí nhẫn và thong thả học hành, ngao du thiên hạ. Vừa là tự mình đi tới, và dắt lần những kẻ khác cùng theo, cho đúng theo lẽ trước sau thời gian khách tạm vô thường vô ngã”.[8]

Trong “Kinh Căn bản pháp môn” thuộc Kinh Trung Bộ, tập I, Đức Phật cũng có dạy rằng, muốn có chánh kiến chúng ta phải thường xuyên đến yết kiến bậc Thánh, bậc chân nhân, học hỏi pháp các bậc Thánh, bậc chân nhân, tu tập pháp các bậc Thánh, bậc chân nhân, thuần thục pháp các bậc Thánh, bậc chân nhân. Nhờ thấy như vậy, nhờ biết như vậy, các lậu hoặc được đoạn trừ.

Cũng thế, trong Chơn lý, Đức Tổ sư dạy rằng: “Học đây là học chơn lý để biết rõ chúng sanh, vạn vật và các pháp đặng đem lại một cái sống như thân hình võ trụ, nối thay cùng tạo hóa dạy khắp muôn loài. Một địa vị toàn giác, toàn năng, tối cao hơn trời đất cứu độ cả chúng sanh, khắp thế giới chúng sanh thảy tự đem mình tôn kính”.[9]

Không những ngày nay mà từ ngàn xưa, kẻ đã giác ngộ như Phật Tiên Hiền Thánh, thảy đều bát cơm bầu nước, bay khắp non sông, trôi vòng thế giới, để đến với danh từ Khất sĩ, hầu hưởng quả Vô thượng sĩ ngày mai ”.[10]

Nói tóm lại, Đạo Phật Khất Sĩ là con đường tu tập của Phật Tăng xưa mà Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã khơi lại và nối truyền, người tu Khất sĩ ai ai cũng y theo đó mà tu hành.

Chính khi xưa Phật và chư Tăng đều hành theo Tứ y pháp chớ không có giới luật chi cả, vì hành Tứ y pháp tức là giữ giới luật rồi. Tứ y pháp, ai thật hành đúng và thấu đạt cả lý nghĩa tức là đắc đạo vậy.

Trong suốt 45 năm thuyết pháp giáo hoá, Đức Phật cũng chỉ nói đến sự khổ và sự đoạn tận khổ[11] bằng con đường tu tập Thánh giới, Thánh định và Thánh tuệ:Đây là giới, đây là định, đây là tuệ. Định cùng tu với giới sẽ đưa đến quả vị lớn lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với định sẽ đưa đến quả vị lớn hạnh phúc lớn. Tâm cùng tu với tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc tức là dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu”. [12]

Như vậy, giới - định - tuệ là pháp môn phương tiện để đạt đến mục đích chớ không phải là mục đích. Chúng sanh khổ trôi lăn trong sanh tử luân hồi là do tâm tham sân si chưa được diệt trừ chớ không phải là do hoàn cảnh hay vật chất bên ngoài. Thế cho nên ngày nay, tuy chư Tăng Ni ít còn ở bộng cây, vườn rừng, mặc y phấn tảo, khất thực từng nhà như Phật Tăng xưa, nhưng tinh thần Tứ y pháp vẫn không mất trong tâm tức tâm không đắm nhiễm tham chấp trong ba cõi, nên con đường giải thoát sẽ hiển bày như mũi tên theo đường nhắm đúng.

Cũng như trong bài Kinh Không uế nhiễm thuộc Kinh Trung Bộ, tập I, Đức Phật có chỉ rõ hình ảnh hai vị Tỳ-kheo như sau:

- Vị Tỳ-kheo thứ nhất sống ở rừng, mặc y phấn tảo, ăn đồ ăn khất thực, nhưng trong tâm còn đầy ứ tham sân si. Vị Tỳ-kheo này cũng như cái bát bằng đồng bên ngoài sáng bóng mà bên trong đựng đầy xác rắn, xác chó, người đói thấy còn nhờm gớm bỏ đi, hà tất là người no.

- Vị Tỳ-kheo thứ hai sống ở chợ, mặc y tín chủ cúng, ăn biệt thỉnh thực, nhưng trong tâm thanh tịnh trong sạch, không tham sân si. Vị Tỳ-kheo này cũng như cái bát bằng đồng bên ngoài sáng bóng, bên trong đựng đầy cơm trắng thơm, những hạt đen đã được lượm ra, người no thấy còn muốn ăn, hà tất chi người đói.

Tuy nhiên, người tu buổi ban đầu vào đạo, tâm chưa thuần thục, muốn đoạn dứt phiền não tham sân si, việc ở vườn rừng, chòi tranh cốc hẹp, giảm thiểu phương tiện xài tứ vật dụng vẫn thù thắng hơn vậy. Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã nhận ra được giáo pháp cao siêu ấy tức con đường thực hành Tứ y Chánh pháp của chư Phật, nên đã khởi xướng thực hành và nối truyền. Cho đến nay, ngót 70 năm chư Tăng Ni Khất sĩ vẫn luôn cố gắng gìn giữ và hành trì truyền thống thiêng liêng cao đẹp này.  

Ni sư Yến Liên
Giáo phẩm Ni giới thuộc Giáo đoàn I
TX. Ngọc Chơn – Vĩnh Long


[1] Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang, Chơn lý “Chánh pháp”, Nxb TP. HCM, 1998, tr. 12.

[2] Sđd, tr. 309.

[3] Sđd, tr. 319

[4] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ I “Đại kinh Khu rừng sừng bò”, Viện NCPHVN, 1992, tr.478.

[5] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý “Nhập định”, Nxb TP. HCM, 1998, tr. 335.

[6] Sđd, tr. 358.

[7] Sđd, tr. 368, 380.

[8] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý “Khất sĩ”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2004, tr. 275.

[9] Sđd, tr. 274.

[10] Sđd, tr. 168.

[11] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ I, Học viện PGVN, TP. HCM , 1992, tr. 318.

[12] Sđd, 1991, tr. 555.