Vấn đáp về chữ hiếu

 

tuketinhtam-A

VẤN ĐÁP VỀ CHỮ HIẾU

(người đi tu có bất hiếu không?)

 

VẤN:

Kính thưa sư, xin sư giùm giảng giải

Tại vì sao trong sách Thánh có câu:

Trăm hạnh lành, hiếu thuận đứng làm đầu

Và lại nói, câu “Dưỡng nhi đãi lão”

 

Nếu nói thế, người tu vô hiếu thảo?

Vì không tròn câu đắp lạnh quạt nồng

Vậy người tu có bất hiếu hay không?

Xin giải rõ, đáp lòng tôi nghi vấn.

 

ĐÁP:

Này quý vị, lắng nghe cho tường tận

Đây đáp lời đạo tâm hỏi như trên

Chính người tu, là mong để đáp đền

Ơn muôn một, mới vẹn nền hiếu tử

 

Kìa gương báu còn ghi trong sách sử

Đức Thích Ca, là Thái tử Đông cung

Ngài đi tu, tầm đạo tận sơn trung

Bỏ vợ đẹp, con thơ cùng cha yếu

 

Nếu Ngài đã vong ân và bất hiếu

Thì sao Ngài được chứng đạo Bồ-đề

Thì sao Ngài đặng ngôi vị cao xuê

Là Toàn giác, là Cha lành bốn loại

 

Trong kinh điển, theo như lời Ngài dạy

Là người tu mới báo hiếu vẹn toàn

Trong sách Nho, cũng có dạy rõ ràng

Muốn báo hiếu, phải lập thân hành đạo

 

Còn nếu nói: “Dưỡng nhi là đãi lão”

Kẻ thi ơn mà cầu báo hay sao?

Công mẹ cha dưỡng dục lắm khổ lao!

Nuôi với dưỡng thế nào mà gọi trả?

 

Còn người tu, khi đến ngày đắc quả

Thì ơn muôn, chỉ đền trả một lần

Bát-nhã thuyền vượt ra giữa biển trần

Vớt tất cả những người đang trầm lụy!

 

Lời Phật dạy, kể từ đời vô thủy

Đến ngày nay ta nhiều kiếp trải qua

Có trăm ngàn muôn triệu mẹ cùng cha

Vậy hiện tại chúng sanh là cha mẹ

 

Trên pháp tọa, những người tu cặn kẽ

Giải chỉ rành, những lý lẽ cao thâm

Phá vô minh, san phẳng hố mê lầm

Phương pháp ấy mới vẹn toàn chữ hiếu

 

Người chẳng rõ mới khinh chê đàm tiếu

Cho người tu là bất hiếu vô nghì

Cho người tu là lỗi đạo thê nhi

Hiếu chẳng vẹn, tu làm chi khổ cực?

 

Này đạo tâm, lắng nghe và nhận thức

Kìa gương xưa, Đại đức Mục Kiền Liên

Phận làm con gặp phải mẹ không hiền

Mà Ngài vẫn giữ vẹn niềm hiếu tử

 

Bà Thanh Đề, khi lỡ gây nghiệp dữ

Nhờ Ngài tu mà cứu khỏi xiềng gông

Đức Thích Ca hiếu nghĩa cũng tròn xong

Tu chứng đắc, làm đẹp lòng phụ mẫu…

 

Kìa những kẻ hung hoang và hỗn ẩu

Bỏ mẹ cha, đi du hý điếm đàng

Để tiếng nhơ cho cha mẹ vương mang

Những kẻ ấy mới gọi là bất hiếu…

 

Cũng như kẻ bị người đời sỉ tiếu

Tham công danh mà quên lãng đạo nhà

Vì vợ con mà hất hủi mẹ cha

Những kẻ ấy, mới gọi là nghịch tử

 

Còn người tu, tuy là xa cố xứ

Không vẹn toàn câu đắp lạnh quạt nồng

Nhưng ân thâm, nguyền khăn khắn bên lòng

Dầu biển cạn, núi mòn không phai lãng

 

Cha cùng mẹ, khi đến ngày quá vãng

Con biết tu, chỉ chú nguyện tâm thành

Thì mẹ cha Cực Lạc được vãng sanh

Và sẽ được thơm danh trong vạn thuở

 

Làm cha mẹ, con tu đừng cản trở

Kìa trong kinh, Đức Phật có dạy rằng:

Con được thành thì cha mẹ siêu thăng

Một hoa trổ, muôn hoa đều ảnh hưởng

 

Hồi xét lại theo lòng tôi nghĩ tưởng

Sống làm chi mà chìm đắm ái hà?

Rồi ngày kia, cha mẹ chết con già

Đường tiến hóa phải đành cam ngưng trệ

 

Người khất sĩ hòa mình trong bốn bể

Sống chung cùng với vạn vật hàm linh

Cả chúng sanh là cha mẹ của mình

Nên khất sĩ có tình thương bao quát

 

Nói tóm lại, những người tu giải thoát

Mới hoàn toàn hiếu thảo với mẹ cha

Mới hoàn toàn ngay thảo với ông bà

Đời hiện tại cũng như đời vô thủy

 

Này đạo tâm! Nếu nhận là đúng lý

Hãy mau mau cắt ái với ly gia

Rán tầm tu hầu đáp nghĩa mẹ cha

Và góp sức lập đời chân-thiện-mỹ…

 

Hãy nỗ lực đắp xây nền chơn lý

Hãy thệ nguyền phụng sự chúng sinh chung

Hãy hy sinh đến phút cuối cùng

Hãy mạnh tiến trên con đường Khất Sĩ

 

Đó mới gọi bậc tang bồng hồ thỉ

Mới gọi là chí khí đấng trượng phu

Mới gọi là thoát khỏi thế gian tù

Và mới gọi là: đền ơn phụ mẫu…

 

Điều thắc mắc, đạo tâm đà rõ thấu

Hiếu hay không, đạo tâm đã am tường

Kể từ nay, đã thấy rõ con đường

Mau giải thoát làm Du Tăng khất sĩ.

 

Cai Lậy, 12-11 Canh Tý (1961)

MỘT VỊ SƯ KHẤT SĨ

 

Tỉnh ngộ thoát ra khỏi lưới trần

Dứt lìa đau khổ cảnh mê tân

Mau chân bước đến nương thuyền giác

Cõi Phật thanh cao sẽ được gần.