Vấn đề cải đạo và giải pháp giúp tăng trưởng tín tâm người Phật tử

Cải đạo có nghĩa là chối bỏ đạo gốc của ông bà tổ tiên, thay đổi tín ngưỡng để theo một tôn giáo khác, hay là chính mình tự từ bỏ tôn giáo trước đây mình đã quy y như Phật giáo chẳng hạn, để theo tôn giáo khác. Hiện tượng cải đạo hiện nay khá phổ biến, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Tại sao lại có hiện tượng này?

Hôm nay Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương tổ chức hội thảo hướng dẫn Phật tử toàn quốc tại thành phố Đà Nẵng với chủ đề: PHẬT HÓA GIA ĐÌNH & ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI. Ban Tổ chức gợi ý 22 tiêu đề tham luận và góp ý cho cuộc hội thảo. Tiểu ban Phật tử Hệ phái Khất Sĩ xin phép trình bày tham luận: Vấn đề cải đạo - giải pháp nào bảo vệ tín tâm người Phật tử.

A. VẤN ĐỀ CẢI ĐẠO

Có 4 lý do khiến người Phật tử dễ dàng cải đạo:

1. Vấn đề kinh tế

2. Xu hướng

3. Niềm tin Tam Bảo không kiên cố

4. Bất mãn

1. Vấn đề kinh tế: Theo thống kê, hiện nay khoảng 70% gia đình Phật tử thuộc diện bình dân lao động, kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, những hộ nghèo họ rất cần được sự giúp đỡ về vật chất, từ những nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, các tổ chức nhân đạo, v.v… để đời sống bớt cơ cực, con cháu được học hành. Một số các tôn giáo khác họ thấy được mặt yếu của thành phần này, họ sẵn sàng tung tiền ra tài trợ giúp đỡ, chỉ một điều kiện đơn giản là phải theo tôn giáo của họ mà thôi, trong lúc ngặt nghèo mà có người giúp đỡ như vậy làm sao khỏi cải đạo được?

2. Xu hướng: Vấn đề thứ hai của việc cải đạo là vì xu hướng theo bạn bè tuyên truyền theo đạo này mới linh, mới được giúp đỡ, chớ theo đạo Phật chỉ thấy tốn tiền mà không linh hiển gì v.v…

3. Niềm tin Tam Bảo không kiên cố: Người Phật tử đã quy y Tam bảo rồi nhưng vẫn còn mê tín, vẫn còn tin vào thần quyền, dị đoan, đồng bóng, xin xăm, coi bói, coi ngày giờ tốt xấu, v.v… họ sẵn sàng rủ nhau đi núi Bà Đen xin xăm cầu may mắn, họ sẵn sàng đi vía bà Châu Đốc vay tiền để làm ăn cho được khá giả giàu có v.v… Nếu nhân duyên trùng hợp làm ăn được phát đạt thì họ không ngần ngại bao xe đi trả lễ, họ so sánh cúng Phật một nải chuối cầu vái không linh, vay tiền của bà linh hơn, như vậy làm gì mà không bỏ đạo Phật để theo bà Chúa Xứ.

4. Bất mãn: Một số Phật tử không hài lòng về phẩm hạnh của một số ít vị xuất gia mà buông lung giới luật, không xứng đáng là chỗ dựa tinh thần cho họ, một số Phật tử nghèo mỗi lần đến chùa thì nghe thầy trụ trì vận động tài chánh làm việc này việc nọ, họ mặc cảm vì không có tiền cúng dường nên trốn luôn không đi chùa nữa, một số khác do vì tư cách đối xử khinh trọng của trụ trì nên họ nản lòng.

Trên đây chúng tôi tạm nêu vài trường hợp đã và đang diễn ra hằng ngày rải rác nơi này hoặc nơi khác, nhưng phần nhiều là vùng nông thôn nghèo khó, nếu không sớm có biện pháp khắc phục thì việc cải đạo Phật tử chắc chắn về lâu về dài sẽ là cấp số nhân.

B. GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC

Khi chúng ta đã đặt ra vấn đề, thì cần phải có biện pháp khắc phục.

1. Giải quyết vấn đề kinh tế: Như trên đã nói, theo thống kê có khoảng 70% gia đình Phật tử còn gặp nhiều khó khăn trong đời sống, nhưng chưa hẳn vì khó khăn trong đời sống mà họ cải đạo! Có nhiều lý do rất đơn giản mà chúng ta không để ý. Ví dụ như khi chúng ta vận động làm từ thiện, giúp đỡ cho người nghèo, khi đến địa phương đó tại sao chúng ta không chọn số Phật tử nghèo ưu tiên được giúp đỡ trước, mà chúng ta cứ theo danh sách địa phương cung cấp mà vô tư phát đều, ai cũng lãnh, biết đâu nơi đó còn một số Phật tử nghèo lại bỏ rơi? Các tôn giáo khác họ giúp cho tín đồ của họ đủ rồi họ mới cho người khác. Lẽ nào chúng ta không làm được điều này?

Một vấn đề nữa khi gia đình Phật tử nghèo có đám tang, họ đến chùa thỉnh quí thầy, có nơi thì “ra giá”, có nơi thì “gợi ý” về tiền bạc để chi cho nhạc lễ tụng niệm v.v… Có những tôn giáo khác họ nghe nhà có đám tang tự động họ đến trợ niệm, cung cấp xe nhà giàn đưa đám đi chôn mà chẳng hề nói đến tiền bạc, dẫu biết rằng người chết này không phải là tín đồ của họ! Còn ta thì sao? Phật tử suốt đời họ gắn liền với Tam Bảo lẽ nào khi hữu sự họ cần đến mình thì mình lại mặc cả! Nếu mình biết thương Phật tử bất chấp gian lao khổ nhọc vì chúng sinh ta phục vụ thì làm gì Phật tử bỏ chùa, bỏ đạo được! Nếu có điều kiện cũng nên khuyến khích giúp đỡ cho Phật tử trong công ăn việc làm, đặc biệt là khi gia đình họ có hữu sự, ta phải hết lòng quan tâm giúp đỡ.

2. Khắc phục xu hướng: Biết rằng hiện nay Phật tử thường xu hướng theo bạn bè, hoặc những người thân của họ, họ sẵn sàng theo bạn đi nơi này nơi nọ để cúng kiến hoặc sinh hoạt những việc mê tín, biết rằng nơi đó không phải tín ngưỡng đạo Phật. Lỗi này không hoàn toàn do Phật tử mà một phần là do vị trụ trì, vì trụ trì không thường xuyên giảng giải những điều chính yếu trong kinh điển, nghĩa lý rốt ráo cao thượng, để cho Phật tử hiểu một cách chính xác giáo lý nhân quả nghiệp báo, không phải cầu vái, cúng dường nhiều mà Phật hay Bồ-tát gia hộ cho làm ăn phát đạt, mà nó còn tùy thuộc vào việc làm trong quá khứ thiện, ác chi phối. Vì không thông hiểu giáo lý Phật dạy nên họ mới có xu hướng, nghe đâu theo đó không thông chánh tà, nếu trụ trì mỗi tuần hoặc mỗi kỳ sóc vọng chịu khó chỉ dạy giáo lý cho Phật tử thâm hiểu tận tường, thử hỏi họ có bị xu hướng hay không? Phật tử mà hiểu biết tường tận đạo lý nhân quả thì dầu có ai xúi giục hay dụ dỗ họ cũng không bao giờ bỏ đạo.

3. Củng cố niềm tin Tam Bảo: Số lượng Phật tử đã quy y Tam Bảo khá đông, nhưng mục đích quy y của họ là để khỏi bệnh tật, giải tai nạn, làm ăn gặp may mắn, gia đình được bình an, sau khi chết được về Tây phương v.v… chứ không phải vì giác ngộ cuộc đời vô thường mà họ đến với đạo. Họ tụng kinh, niệm Phật để Phật gia hộ cho họ và gia đình được mạnh giỏi bình an. Có mấy lý do sau đây khiến người Phật tử đã quy y Tam Bảo mà vẫn bị thối tâm:

- Thầy trụ trì không giảng rõ ràng cho Phật tử hiểu biết về sự và lý quy y Tam Bảo, không giảng rõ về lợi ích của việc thọ trì 5 giới cấm.

- Kinh tụng âm Hán quá nhiều, tụng đọc không thông hiểu nghĩa lý.

- Một số ít tự viện thầy trụ trì chú trọng việc hướng dẫn Phật tử tụng kinh, niệm Phật, xem nhẹ việc thuyết giảng giáo lý cho Phật tử.

Phật tử đến với đạo bằng sự giác ngộ tốt hơn bằng sự tín ngưỡng. Đức Phật đã nhiều lần khẳng định: “Đạo của Ta đến để mà thấy chớ không phải đến để mà tin.”

Chúng tôi xin trích một đoạn trong Phẩm Giáo hóa bệnh, kinh Trung A Hàm, nhân duyên Ông Cấp Cô Độc quy y Tam Bảo.

“Bấy giờ Đức Thế Tôn vừa đi đến cuối đường kinh hành, liền trải Ni-sư-đàn, ngồi kiết già. Lúc ấy, con đảnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi sang một bên. Đức Thế Tôn thuyết pháp cho con, khuyên bảo, khích lệ, thành tựu hoan hỷ cho con rồi, như pháp thông lệ của chư Phật, trước nói pháp đoan chánh, để người nghe hoan hỷ. Đó là nói thí, nói giới, nói pháp sanh thiên, chê dục vọng là tai hoạ, sanh tử là nhơ uế; ngợi khen vô dục là đạo phẩm vi diệu, bạch tịnh. Đức Thế Tôn nói những pháp như vậy cho con nghe rồi, Đức Phật biết con có tâm hoan hỷ, tâm cụ túc, tâm nhu nhuyến, tâm kham nhẫn, tâm vươn lên, tâm chuyên nhất, tâm không nghi, tâm không che lấp, có khả năng kham thọ chánh pháp, nghĩa là những điều chánh yếu nào mà chư Phật nói ra; Thế Tôn liền nói: Khổ, Tập, Diệt, Đạo cho con. Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, ngay khi con ngồi đấy đã thấy được bốn Thánh đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng như tấm vải trắng dễ nhuộm thành màu sắc, con cũng như vậy, ngay trên chỗ đang ngồi đã thấy bốn Thánh đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, con đã thấy pháp, đắc pháp, giác ngộ pháp bạch tịnh, đoạn nghi, độ hoặc, không còn tôn sùng ai, cũng chẳng theo người khác, không còn do dự, đã trụ nơi quả chứng, được sự không sợ hãi đối với giáo pháp Đức Thế Tôn, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Đức Thế Tôn bạch rằng:“ Bạch Thế Tôn, con hôm nay tự quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Xin Thế Tôn chấp nhận cho con làm Ưu-bà-tắc; bắt đầu từ hôm nay cho đến lúc mạng chung”.

Nếu mỗi vị trụ trì biết khéo léo áp dụng phương pháp dẫn dắt người Phật tử hiểu đạo từ thấp đến cao như Đức Phật giáo hóa ông Cấp Cô Độc thì làm gì Phật tử bỏ đạo được.

4. Không để Phật tử bất mãn: Thông thường hàng Phật tử tại gia ngoài việc đến chùa tụng kinh niệm Phật làm công quả nghe pháp, họ còn chú ý đến đời sống phạm hạnh, ly dục của bậc xuất gia. Cho nên vị tu sĩ phải làm gương mô phạm cho hàng Phật tử. Điều thiết yếu là phải tinh tấn nghiêm trì giới luật, mình dạy Phật tử giữ giới mà mình phạm giới thì Phật tử dễ bất mãn. Vấn đề thứ hai là không nên lạm dụng sự tín tâm của Phật tử mà vận động tài vật quá nhiều, nên khuyến khích Phật tử tinh tấn tu học, hơn là khuyến khích cúng dường. Một vị xuất gia với lý tưởng chân chính “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”, thì làm gì không nhiếp phục Phật tử được.

Tóm lại, vấn đề cải đạo của Phật tử hiện nay tuy có chiều hướng phổ biến nhưng không đáng ngại, chỉ ngại đời sống phạm hạnh không thể hiện rõ nét về thân giáo, khẩu giáo, ý giáo của hàng xuất gia mà thôi. Chỉ có đời sống phạm hạnh, thanh cao, nghiêm trì giới luật của hàng xuất gia mới có thể bảo vệ tín tâm của người Phật tử được.