Vấn đề hiến cơ thể và hiến xác

Ngay từ khi mới du nhập, những bài giáo lý mang đậm tính giáo dục và nhân văn cao cả như Thiện ác Báo ứng, Luân hồi Nghiệp báo hay Tứ Đế, Nhân duyên... của Phật giáo đã rất phù hợp với phong tục tập quán của dân tộc ta và đều mang ý nghĩa giáo dục rất cao. Do vậy nên mọi giới đều biết đến Phật giáo như là một nền giáo lý đưa đến sự giải thoát khổ đau trong cuộc sống. Phật giáo buổi đầu có thể được tiếp nhận, được học hỏi nhanh chóng như vậy thì chắc chắn giáo lý này đã có những lợi ích thiết thực nào đó cho dân tộc ở nơi đây. Sự lợi ích đó ngày nay đã được khoa học chứng minh, xã hội thừa nhận khi họ quan tâm nghiên cứu rồi học hỏi và thực tập theo những lời dạy cao quý bằng những hành động thực tế, không phải với niềm tin mù quáng, bốc đồng. Trong phạm vi bài viết bày, người viết xin bàn về “Việc hiến bộ phận cơ thể và hiến xác” theo quan niệm của đạo Phật để thấy sự ứng dụng thiết thực của giáo lý đạo Phật trong đời sống hằng ngày.

Theo quan điểm cá nhân, vấn đề hiến xác và các bộ phận cơ thể là một trong những hành động đáng tuyên dương của loài người ngày nay. Đối với xã hội thì đây là vấn đề mới mẻ, gan dạ, còn với Phật giáo thì đây là vấn đề trải nghiệm thực hành pháp bố thí nội tài mà Đức Phật chúng ta đã làm cách đây hơn 2.500 năm. Lúc này đây, chúng ta bàn về vấn đề này là để mọi người thấy được nhân cách cao thượng, tri kiến siêu việt của Đức Phật, dù đã cách đây rất lâu nhưng những hành động và tuyên ngôn của Ngài vẫn luôn phù hợp với khoa học, với đạo đức căn bản của con người. Ngày nay, vấn đề này đã được khoa học chứng minh như là việc bố thí thân mạng và những hành động cứu thế thiết thực khác, đều rất phù hợp chân lý và phù hợp với tình người, mang đầy tính nhân văn nhân đạo.

Tất cả những giáo lý của Đức Phật đều nhằm chuyển mê khai ngộ cho chúng sanh thoát khỏi khổ đau vào cảnh Niết-bàn nên Ngài tùy duyên thuyết pháp. Những pháp môn Ngài tuyên thuyết đều khế hợp với căn cơ, trình độ, không có giai cấp nào không được nhận lãnh nguồn suối pháp vi diệu. Vả lại, những gì Ngài chỉ dạy đều từ tự thân thực nghiệm và nhận thấy có thể đem lại lợi lạc cho bản thân, cho xã hội trong hiện tại và tương lai thì Ngài mới khuyến khích chúng ta làm theo. Đó chính là dùng phương pháp thân giáo và khẩu giáo mà Đức Phật sử dụng để độ sanh.

Sự khác biệt giữa đạo Phật và tất cả học thuyết khác từ xưa đến nay chủ yếu dựa trên tinh thần Trung đạo hay Duyên khởi và bắt nguồn từ đó, Đức Phật chỉ cho chúng ta con đường đi vào nhận thức các pháp vô ngã. Nhờ vậy, chúng ta có thể dễ dàng chấp nhận sự buông xả các pháp và buông xả cả cái ta bằng hành động hiến tặng y học các bộ phận cơ thể và hiến tặng chính thân thể của mình để phục vụ công tác cứu người. Một khi buông xả được tất cả, chúng ta sẽ cảm nhận dư vị giải thoát ngay trên cuộc đời này, ngay trên tấm thân ngũ uẩn nhỏ bé với mạng sống vô thường và ngắn ngủi này... Đó chính là những bài học để chuyển hóa tâm thức, làm thay đổi, hạn chế dục vọng, tham trước của con người trong xã hội này.

Tham ái và chấp thủ là hai tâm sở bất thiện đưa đẩy con người đi đến thói quen gom góp, tích lũy từ vật chất tới tình cảm, thích được nhận vào mà chẳng muốn cho ra. Do vậy, với giáo lý Nhân quả - Nghiệp báo hay hành động bố thí Ba-la-mật của Đức Phật đều nhằm chỉ ra cho chúng ta một phương pháp tu tập hạnh buông xả sự chấp trước về pháp và ngã. Trong Lục độ Ba-la-mật của Phật giáo, Bố thí là pháp tu đầu tiên. Bố thí không chỉ ban tặng vật chất bình thường mà là cách tu tập để thực hành hạnh xả bỏ từ ngoại vật đến nội thân, có khi phải từ bỏ cả mạng sống của mình vì lợi ích của kẻ khác. Đó mới chính là tinh thần Bố thí Ba-la-mật của Phật giáo. Bố thí có 3 loại là:

- Tài thí: tức là bố thí tiền tài, vật chất.

- Pháp thí: tức là bố thí Phật pháp, nghĩa đen là dạy giáo lý nhà Phật cho người ta biết đường tu hành để giác ngộ giải thoát.

- Vô úy thí: tức là giúp cho người ta qua khỏi sự sợ hãi trong tâm.

Trong ba loại bố thí đó, Tài thí có hai loại là ngoại tài và nội tài. Ngoại tài là pháp bố thí bình thường nhất, ai ai cũng có thể làm được. Còn bố thí nội tài cần phải là những người có tâm lượng vĩ đại mới có thể đem những vật chí thân, quí báu nhất của mình như là các bộ phận trên thân thể hay thân mạng, đời sống của mình cho kẻ khác được vui. Loại bố thí này làm mà không đắn đo thiệt hơn, không cần sự đáp trả, chỉ biết dùng tình thương cao cả của mình giúp người khác được sống an vui và hạnh phúc hơn là đủ rồi. Trong các câu chuyện tiền thân của Đức Phật Thích-ca, chúng ta đã thấy nhiều gương bố thí này như câu chuyện người lái buôn khi đi biển, khi thuyền sắp chìm, thay vì bám chặt cột buồm để may ra thoát hiểm, Ngài đã buông tay nhường chỗ cho những hành khách khác, hay mẫu chuyện Tu-đại-noa bố thí vợ con thân thể... Đây là một nghĩa cử cao đẹp nhất mà Đức Phật chúng ta đã từng vô lượng kiếp thực hành. Ngày nay, các nhà khoa học đang vận động khuyến khích xã hội hiến các bộ phận và cơ thể để giúp khoa học, y học phục vụ công việc cứu người.

Văn hóa Việt Nam cấm kỵ mọi sự xâm phạm vào thi hài sau khi chết. Nhưng nhờ sự can thiệp của Phật pháp và sự kêu gọi của y đức mà nhiều người phát tâm hiến xác. Theo sự thống kê, tính từ 1993: Đại học Y dược TP. Hồ CMinh đã có hơn 15.000 người đã nộp đơn tại dây. Bộ môn giải phẫu của Trường đã nhận được trên 400 thi hài lưu trữ phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học và giảng dạy và cứu chữa bệnh.

Khoản 1 điều 30 về điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết: Thứ nhất, phải có sự sự đồng ý của thân nhân người chết, trong trường hợp người chết không có di chúc để lại; Thứ hai, trường hợp người chết có di chúc để lại theo khoản 2 điều 30 BVSKND. Điều kiện của việc ghép mô, bộ phận cơ thể phải được sự đồng ý của người bệnh hoặc người giám hộ của người bệnh chưa thành niên (BVSKND, khoản 2, điều 30).

Điều 10: “Về lấy và ghép mô bộ phận cơ thể người sống phải được người đó tự nguyện và viết thành văn bản hoặc khi người chết có di chúc để lại đồng ý cho mô hoặc một bộ phận cơ thể của họ. Trường hợp người chết không có di chúc nhưng được thân nhân người chết đồng ý cho bằng văn bản ... hoặc những người chết vô thừa nhận.

Quan điểm của Phật giáo

Theo quan điểm của Phật giáo, việc hiến xác hoặc các bộ phận cơ thể cho khoa học là một hành động nhân văn, nhân đạo cao cả, đáng được tôn vinh. Đây là hành động hoàn toàn phù hợp với văn hóa và đạo đức con người. Phật giáo khích lệ, tán dương và tích cực tuyên truyền việc hiến các bộ phận và xác. Vì rằng khi chết đi, thân xác trở về cát bụi, nếu có thể dùng thân tứ đại làm các điều lợi lạc cho xã hội thì nên mạnh dạn làm. Bố thí nội tài (cơ thể, bộ phận, thi hài) này là cách để thể hiện: 1) Tinh thần vô ngã và vị tha. 2) Tâm từ bi. 3) Tâm buông bỏ và đức hy sinh cao cả.

- Ba điều nên tránh:

1.Trước khi làm: Không chần chừ, do dự. 2. Đang khi làm: Hoan hỷ và phát tâm. 3. Sau khi làm: Không tiếc nuối, hối hận, không bị tác động tiêu cực. Như vậy sẽ giúp chúng ta thấy cuộc sống hiện tại của ta mang ý nghĩa và cái chết trở nên có giá trị hơn.

Phật giáo với tinh thần từ bi, bác ái, xem việc phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật để nêu cao ý thức trách nhiệm phục vụ này như là một phương châm cần quan tâm để truyền bá rộng. Nếu muốn một nền giáo lý Phật giáo không bị nhòa đi giữa thời đại thông tin bùng phát này, mỗi Tăng Ni chúng ta cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa năng lực và tinh thần phục vụ chúng sanh trong những vấn đề xã hội tương tự như việc hiến tặng thân xác sau khi qua đời để phục vụ tha nhân. Hơn hai ngàn năm hòa nhập, gắn bó với đất nước và dân tộc đến nay, Phật giáo với phương pháp tùy duyên vẫn luôn sống động và thích ứng. Phật giáo đã trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mọi người. Dẫu có lúc thăng, lúc trầm, nhưng tinh thần đại hùng, đại lực, đại từ bi, bản chất nhân đạo, biết từ bỏ bản thân của Phật giáo vẫn thường hằng, và đã có những đóng góp không nhỏ trong việc cải biến một xã hội vốn đầy tham ái và chấp thủ này.