Vấn đề phát triển của Ni giới thông qua cơ hội tiếp cận các nguồn nhân lực

Tóm tắt: Trong những thập niên gần đây, các phong trào kêu gọi bình đẳng giới, các hoạt động nhằm phát triển và nâng cao vai trò của ni giới trong giáo hội có những kết quả tích cực. Các vấn đề về giới, cụ thể là nghiên cứu cơ hội tiếp cận các nguồn lực giới luôn được các nhà xã hội học quan tâm. Trong bài viết này, chúng tôi điểm lại bối cảnh xã hội, hệ thống tư tưởng của Đức Phật về việc hình thành giáo đoàn ni giới; tiếp đó, xác định cơ hội tiếp cận các nguồn lực của ni giới ở các khía cạnh: giáo dục, chính trị - xã hội, lao động – sản xuất trong bối cảnh hiện nay. Cuối cùng, thông qua việc tiếp cận cận các nguồn lực, chúng tôi cố gắng nhận diện vai trò của ni giới hiện nay.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Phần lớn mọi tôn giáo cũng như các hệ thống tổ chức xã hội trên thế giới đều đặt người phụ nữ ở vị trí thứ hai, thấp hơn nam giới. Sự phân biệt giới tính này diễn ra rất mạnh mẽ. Giống như trong phần lớn các xã hội cổ xưa, quyền của phụ nữ hoàn toàn bị đè nén. Nam giới nắm quyền lực xã hội, và họ xem phụ nữ như là đối tưởng để thỏa mãn vấn đề sinh lý, là người sinh con, người chăm lo công việc nội trợ hằng ngày trong gia đình. Trong hoàn cảnh xã hội đó, nhân phẩm và khả năng trí tuệ của người phụ nữ ít được quan tâm đến. Đức Phật đã thuyết phục xã hội thay đổi thái độ và cách hành xử đối với phụ nữ. Sự thừa nhận của Đức Phật về khả năng trí tuệ của phụ nữ ngang tầm với nam giới rõ ràng đã giúp xã hội thay đổi thái độ hẹp hòi đối với phụ nữ. Trong lịch sử nhân loại, đạo Phật là tôn giáo đầu tiên đề cập đến sự bình đẳng giữa nam và nữ. Đạo Phật cho rằng sự đi lên của thế giới này là sự tiến bộ song song của cả nam và nữ. Luận điểm này đã được chấp nhận rộng rãi và làm thay đổi thái độ, tầm nhìn của xã hội đối với nữ giới. Đức Phật không chấp nhận bất cứ sự đối xử phân biệt nào và luôn nhấn mạnh quan điểm không phân biệt trong triết lý của mình. Đức Phật cũng đề nghị xã hội cần phải có thái độ tôn trọng đối với người phụ nữ, công nhận khả năng trí tuệ của họ, và khuyến khích sự tham gia lãnh đạo trong các hoạt động xã hội của họ. Đổi lại, thái độ và cách cư xử này sẽ cải tiến các mối quan hệ xã hội lành mạnh giữa nam và nữ giới. Tuy nhiên, khi Phật giáo được truyền bá đến các quốc gia ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi hệ thống tư tưởng của quốc gia đó, từ đó làm cho Phật giáo tại một số quốc gia có xu hướng trọng nam và gia trưởng. Do đó, nữ giới thường bị coi nhẹ, bị đánh giá thấp, ít có ảnh hưởng và không được giữ chức vụ.

Trong bài viết này, chúng tôi điểm lại bối cảnh xã hội, quan niệm của Đức Phật về việc hình thành giáo đoàn ni giới; tiếp đó, xác định cơ hội tiếp cận các nguồn lực ở các khía cạnh: giáo dục, chính trị - xã hội, lao động – sản xuất của ni giới trong bối cảnh hiện nay. Cuối cùng, thông qua việc tiếp cận cận các nguồn lực, chúng tôi cố gắng nhận diện vai trò của ni giới trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay.

2. QUAN NIỆM CỦA ĐỨC PHẬT VỀ NI GIỚI VÀ THÀNH LẬP NI ĐOÀN

Hệ thống đẳng cấp rất thịnh hành và là nguyên tắc chính yếu trong xã hội Ấn Độ thời Đức Phật, hệ thống này quy định tình trạng hay vị trí của một người tùy thuộc vào dòng dõi mà người đó sinh ra và không bao giờ thay đổi. Đức Phật, Ngài tuyến bố rằng, con người có thể thay đổi giai cấp của mình, vì thế Ngài đã không do dự khi chấp nhận mọi người từ tầng lớp cao đến tầng lớp thấp kém trong xã hội xuất gia trong tăng đoàn của mình. Có quan điểm cho rằng m ột trong những thành công của Đức Phật là thành lập tăng đoàn (gồm 4 chúng – bao gồm cả giới xuất gia và tại gia), việc thành lập ni đoàn của Đức Phật là một hành động rất cách mạng trong bối cảnh Ấn Độ đầy định kiến với phụ nữ [1], trong đó có hai đặc điểm nỗi bật:

1.Không phân biệt giai cấp: Tăng đoàn đầy đủ mọi giai tầng xã hội trong hàng ngũ tăng đoàn: Upali (người thợ hớt tóc); Punnikà (con gái của một nữ tỳ của Cấp cô độc); Sunita- người hốt rác; Sati-đánh cá; Ambapali- gái giang hồ; Rajumallà- nông nô; Subhà- con gái người thợ rèn; Punna-nông nô … Có lần Đức Phật nói rằng: Ta không nên hỏi người khác về đẳng cấp hay nồi giống của họ để làm tiêu chí để làm tiêu chuẩn chấp nhận hay xa lánh người đó [2]. Và Ngài khuyến khích các đệ tử của ngài hãy để qua một bên vấn đề, nguồn gốc, đẳng cấp, giới tính, và vẻ bề ngoài khi lựa chọn người kết giao.;

2.Bình đẳng địa vị-giới tính: Tương tự, theo Phật giáo, giới tính cũng không phải là rào cản để người nam và người nữ không thể duy trì bất cứ mối liên hệ mật thiết nào vì mục đích chung. Ví dụ, các vị để tử xuất gia của Phật, tăng và ni, vẫn duy trì sự liên hệ thân thiết vì mục đích chung là đạt được sự thanh tịnh và truyền bá lời Phật dạy trong xã hội. Đức Phật cho nữ giới xuất gia, thành lập ni đoàn, mọi tầng lớp phụ nữ từ quý tộc như Mahàpajàpati Gotami, công chúa Gia Du Đà La, các công nương… cho đến tầng lớp thấp nhất như kỹ nữ Liên Hoa Sắc,… đều được sống trong Giáo đoàn của Đức Phật. Nhiều vị ni đã thăng tiến vượt bậc trên con đường đạo hạnh và chứng đắc Thánh quả A La Hán, tiêu biểu như ni sư Khemà và Liên Hoa Sắc (Uppalavanna) trở thành thập đại đệ tử ni[3].

Con số 602 Tôn giả Thánh Ni thời Đức Phật chứng đắc đạo quả Alahán là con số đủ sức thuyết phục để Ngài Acāriya Dhāmmapāla, người chú giải “Trưởng Lão Ni Kệ ” kết luận rằng:“Họ (chư vị Thánh Ni) chứng đắc giải thoát toàn bộ nhờ tuệ giác (Suvimuttapanno), nhờ am hiểu được chính mình và đã loại bỏ được tham, sân và si. [4]. Trong thế kỷ 6 trước Tây lịch, các Tôn giả Thánh ni là những người lãnh đạo tâm linh cũng như xã hội, các nữ tu si trong tăng đoàn của Đức Phật đã mang đến sự thay đổi cách mạng ở Ấn Độ. Người dân thường tìm về các ni viện để được hướng dẫn về tâm linh cũng như các vấn đề xã hội. Do đó, bất cứ ai có đủ phẩm chất như lời kết luận nêu trên cũng đều là bậc vô lậu. Có gì để phải vướng mắc về nam nữ? Đức Phật đã xác chứng pháp thành của người nữ khi Ngài Anan hỏi:

- Bạch Đức Thế Tôn, sau khi rời nhà, xuất gia, sống không nhà trong Pháp và Luật đã được Đức Như Lai công bố, người nữ có khả năng chứng đạt quả vị Nhập Lưu, hoặc quả vị Nhất Lai, hoặc quả vị Bất Lai, hoặc quả vị Alahán hay không?

- Này Ānanda, sau khi rời nhà, xuất gia, sống không nhà trong Pháp và Luật đã được Đức Như Lai công bố, nữ nhân có khả năng chứng đạt quả vị Nhập Lưu, hoặc quả vị Nhất Lai, hoặc quả vị Bất Lai, hoặc quả vị Alahán. [5]

Hay trong Kinh Chuyển luân vương, Đức Phật đã bảo các Tỳ-kheo rằng: “Này các Tỳ-kheo, hãy tự mình thắp lên ngọn đèn Chánh pháp. Hãy nương tựa nơi pháp của chính mình, chớ đừng thắp lên ngọn đèn khác, đừng nương tựa một pháp khác” và “Này chư Tỳ-kheo, nếu ai tự mình thắp lên ngọn đèn chánh pháp, tự nương tựa nơi pháp của chính mình, không thắp lên ngọn đèn khác, không nương tựa một pháp khác, thì có thể cầu học, được lợi và phước vô lượng”. Chính vì vậy, Phật giáo cho rằng bất kỳ ai cũng có thể phát triển khả năng tâm linh của mình và có thể đạt được sự chứng ngộ cao nhất. Theo luật nhân – quả thì sự phát triển về tinh thần và đạo đức không phải là đặc quyền cho một nhóm người hay một giai cấp nào chỉ vì dòng dõi của họ mà nó mở ra cho tất cả mọi người, trong tầm tay của mọi người. Để lý giải cho điều này, trong tư tưởng Phật giáo đã đưa ra năm luận cứ chính: luận cứ về sinh vật học, về tiến hóa, về xã hội, về đạo đức và về tinh thần để chống lại hệ thống giai cấp, bất bình đẳng nam nữ trong xã hội. Cho nên cái cần thiết trong việc phát triển nội tâm chính là lĩnh vực đạo đức, đây là thước đo của nhân loại được thừa nhận trong tư tưởng Phật giáo.

Có những nghi vấn đặt ra xung quanh vấn đề tại sao Đức Phật một mặt thừa nhận phụ nữ có khả năng thành tựu về mặt tinh thần như nam giới nhưng mặt khác đã cố ý trì hoãn việc cho họ xuất gia. Với sự kiên trì sau ba lần thỉnh nguyện của mẹ nuôi Đức Phật, bà Mahapajapatì và 500 nữ nhân, ngài mới chấp nhận cho nữ giới xuất gia, nhưng đòi hỏi các Tỳ-kheo ni phải tuân thủ “Bát kính pháp” (tám điều cần tôn kính), để sau này, xuất hiện một số phê bình, đó là có sự phân biệt đối xử với phụ nữ xuất gia. Để giải đáp thắc mắc này, nhà xã hội học Nandasena Ratnapala đã giải thích cụ thể như sau:

Khó khăn đầu tiên, công luận xã hội thời Đức Phật ảnh hưởng nặng nề bởi những quan niệm xã hội đối với người phụ nữ trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ luôn lệ thuộc, chịu sự kiểm soát…. vào người đàn ông. Và những quan niệm này được quy định trong luật Manu[6]cho nên khi phụ nữ yêu cầu được xuất gia, có lẽ Đức Phật đã suy nghĩ về thái độ tiêu cực của dân chúng (có thể là thái độ của ngươi nam đối với người nữ xuất gia) đối với việc đổi mới này và phản ứng của xã hội về điều này chính là mối bận tâm của Đức Phật. Vì rằng, sự tồn tại của hai chúng xuất gia Tỳ-kheo tăng và Tỳ-kheo ni phụ thuộc vào sự ủng hộ của người thế tục - nam, nữ cư sĩ - không có họ, cộng đồng xuất gia Phật giáo không thể hoạt động được. Khó khăn thứ hai, liên quan tới vấn đề tổ chức một đoàn thể Tăng già (bao gồm cả Tỳ-kheo tăng và Tỳ-kheo ni); “Dường như Đức Phật rất thận trọng khi chấp nhận cho nữ giới xuất gia, vì rằng điều này có liên quan đến vấn đề tổ chức cộng đồng thành một đoàn thể thống nhất. Rõ ràng là Ngài đã gặp sự chống đối mạnh mẽ về lập trường giải phóng phụ nữ. Nhưng vì quan tâm đến lợi ích chung của một đoàn thể thanh tịnh, hạt nhân của một tổ chức tôn giáo, phụ nữ chắc chắn phải chịu hi sinh một số mặt nào đó, thậm chí phải từ bỏ những gì có vẻ như là quyền lợi chính đáng của họ. Ta thấy rõ điều này qua Bát kính pháp như là những điều kiện cần thiết mà đức Phật quy định trước khi chấp nhận họ vào đoàn thể xuất gia”[7].Bên cạnh đó, còn có một nguyên nhân quan trọng khác là sự an toàn của phụ nữ. Cho phép phụ nữ xuất gia, sống đời sống không nhà thì đòi hỏi phải có rất nhiều những biện pháp phòng ngừa và bảo vệ. Phụ nữ luôn là nỗi thèm khát dục vọng của cánh mày râu, vì thế nguy hiểm luôn thường trực bên họ. Đức Phật rất lo về vấn đề này. Hơn thế nữa, Đức Phật khuyên các vị ni cần sống gần với cá vị tăng vì an toàn va để được tư vấn, và các vị tăng cần thuyền xuyên thăm viếng và trao đổi với các vị ni [8]. Sự liên hệ dựa trên sự hiểu biết về các mục tiêu của mỗi người hơn là sự bám víu lẫn nhau. Cả hai phái được khuyên cần phải chánh niệm về tình cảm của mình và luôn kiểm soát chúng. Và cuối cùng, phụ nữ được xem như nhân vật không thể thiếu trong việc nội trợ gia đình trong xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Nếu cho phép họ xuất gia thì sẽ có rất nhiều phụ nữ khác cũng xin xuất gia, điều đó gây ra một số vấn đề nghiêm trọng. Gia đình sẽ mất đi rường cột và ngay cả Tăng chúng cũng mất đi sự hỗ trợ của các nữ thí chủ vì sự hiện diện của phụ nữ trong gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ như cúng dường thực phẩm cho Tăng chúng. Rõ ràng rằng, sự lần lữa đối với việc thành ni đoàn của Đức Phật không phải vì quan niệm về vị trí thấp hèn trong xã hội của người phụ nữ. Phật giáo đã đặt vị trí của người mẹ và người cha ngang bằng nhau khi so sánh với trời.

3. TIẾP CẬN CÁC NGUỒN LỰC

Đức Phật đã dọn đường cho xã hội chấp nhận nhiều vai trò năng động và đầy ảnh hưởng của nữ giới. Nói chung, Ngài nhấn mạnh rằng mọi người cần phải chấp nhận, ủng hộ và tôn trọng khả năng trí tuệ, bản lĩnh, cũng như tay nghề, và vai trò năng động của nữ giới trong việc lãnh đạo xã hội và tôn giáo. Thái độ và cách cư xử tiến bộ này đã đem lại những quan hệ xã hội lành mạnh. Thực hiện lời dạy của Đức Phật, trong đời sống Phật giáo Việt Nam hiện nay, dưới sự lãnh đạo năng động của giáo hội và sự nỗ lực của nhiều chư n i đã làm cho cơ hội tiếp cận các nguồn lực của n i giới ngày càng được mở rộng. Qua đó, vai trò của n i giới ngày càng phát triển, có nhiều đóng góp tích cực cho Phật pháp và xã hội.

3.1. Trong hoạt động giáo dục

3.1.1 Cơ hội tiếp cận nguồn lực giáo dục và vai trò của Ni giới trong hoạt động giáo dục

Trong giáo dục, vẫn còn có quan niệm coi trọng nam giới hơn nữ giới, biểu hiện ở việc đầu tư giáo dục cho nam giới nhiều hơn nữ giới. Việt Nam cũng như nhiều nước trong khu vực châu Á còn ảnh hưởng này. Do đó, đời sông của ni giới ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi hệ thống tư tưởng này. Thêm vào đó, đời sống của chư ni thường vất vã vì gắng thêm công tác lao động sản xuất như làm nhan, bán thực phẩm chay, nhằm tạo thêm nguồn kinh tế để “nuôi chúng” và tham gia các hoạt động thiện nguyện cho nên các điều kiện đầu tư cho giáo dục ít nhiều có những khó khăn. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn đó, c n i nay đã có cơ hội tiếp cận nguồn lực giáo dục khá tốt, tiêu biểu như sự phát triển về mặt giáo dục của ni giới Phật giáo hệ phái Khất sĩ.

Bảng 1: Trình độ của ni giới Phật giáo hệ phái Khất sĩ hiện nay

STT Trình độ Số lượng
1 Hoằng pháp viên 34
2 Cao cấp Giảng sư 21
3 Trung cấp Giảng sư 6
4 Bồi dưỡng Giảng sư 19
5 Tiến sĩ 24
6 Thạc sĩ 10
7 Cử nhân và Cao đẳng 244
8 Đang học Sau đại học 28
 

Đang du học ở các nước Ấn Độ,

Trung Quốc, Miến Điện, Đài Loan

20

Nguồn: Báo cáo tổng kết Phật sự của Ni giới Phật giáo hệ phái Khất sĩ năm 2014

Các nghiên cứu cho thấy rằng, giáo dục là một trong những phương tiện để phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, đầu tư cho giáo dục sẽ tích lũy vốn con người. Trong đời sống thế tục, giáo dục thực hiện những chức năng sau đây: 1. Sự chuyển giao văn hóa; 2. Đào tạo để làm việc; 3. Sự lựa chọn xã hội; 4. Kiểm soát xã hội. Còn với người xuất gia, Kinh điển Phật giáo thường dùng từ “giáo hóa” để thay cho giáo dục. “Giáo hóa” là từ Hán-Việt được dịch từ“paripae”trong Phạn ngữ. Các sớ luận thường giảng rằng “giáo” là lấy thiện pháp mà dạy người ta, “hóa” là làm cho người ta xa rời ác pháp. giáo dục là để thiết lập một đời sống đạo đức căn bản trong bước đầu tu học. Cho nên, các chư ni trẻ hiện nay, trong tương lai cũng sẽ trở thành thầy, thành trụ trì. Mà hình ảnh người thầy sẽ luôn là điểm tựa của người đệ tử. Nếu điểm tựa đó không vững vàng, không đủ ấm áp thì người đệ tử sẽ bị chao đảo và có khi sẽ rơi ngã. Phong thái oai nghi, đĩnh đạc; đời sống phạm hạnh, chuẩn mực của người thầy sẽ tạo cho người đệ tử có niềm tin kiên cố rằng, đây sẽ là điểm tựa vững vàng để mình phát triển đời sống tâm linh giải thoát.

Với một xã hội văn minh, khoa học phát triển, tri thức được nâng cao, khi mà đời sống của người xuất gia chịu sự chi phối và tác động lớn lao từ những điều kiện xã hội bên ngoài, đòi hỏi việc đầu tư cho giáo dục cần được chú trọng hơn để làm sao việc truyền bá giáo pháp của Đức Phật đến mọi người được chấp nhận, nghe theo, thực hành theo. Khéo léo truyền bá giáo pháp phù hợp với khoa học, đúng với hoàn cảnh xã hội để mọi người phát khởi lòng tin và hành theo là yếu tố đòi hỏi cần phải có ở một tu sĩ trong tương lai.

Ở khía cạnh khác, mục tiêu và chức năng của giáo dục Phật giáo không chỉ có ở những khía cạnh đã trình bày trên mà còn đóng góp vào quá trình xã hội hóa giáo dục ở trẻ em thông qua lĩnh vực giáo dục mầm non. Từ lâu người Việt Nam đã quan niệm “dạy con dạy thuở còn thơ”. Tuổi thơ đây là thời niên thiếu, nhưng người Việt Nam còn đi xa hơn họ quan niệm ngay khi đứa bé chưa sinh ra, những hành vi, thái độ, tình cảm của người mẹ trong lúc mang thai cũng có ảnh hưởng lên những yếu tố thể chất và tâm lý của đứa trẻ sau này. Tuy nhiên, theo Báo Giác Ngộ: tính đến tháng 10-2014, cả nước có 269 trường mầm non, 905 nhóm, lớp mầm non độc lập do các tổ chức và cá nhân tôn giáo thành lập. Tính đến tháng 10-2014 đã có 39 tỉnh, thành phố có cơ sở giáo dục mầm non tôn giáo, các cơ sở giáo dục mầm non tôn giáo đã huy động khoảng 125.594 trẻ đến trường/lớp, chiếm tỉ lệ 3,06% so với tổng số trẻ đến trường mầm non trên toàn quốc (công lập và ngoài công lập), chiếm 18,3% so với trẻ đến trường mầm non ngoài công lập. Theo Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP.HCM, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có 144 cơ sở giáo dục mầm non (trường, điểm, nhóm, lớp) thu hút 37.628 cháu theo học do các tôn giáo quản lý hưởng ứng hoạt động xã hội hóa giáo dục mầm non thì chỉ có 3 cơ sở của Phật giáo. Tại tỉnh Lâm Đồng có 90 trường, lớp mầm non của cơ sở tôn giáo thì chỉ có 3 cơ sở thuộc các tự viện Phật giáo. Hay như ở Đà Nẵng, có 16 cơ sở do tôn giáo quản lý nhưng trường mầm non Phật giáo không hiện diện ở đây. Qua những con số “biết nói” này, những ai quan tâm đến giáo dục mầm non Phật giáo sẽ thật sự chạnh lòng khi có sự so sánh, đối chiếu các con số. Chỉ vài con số đơn cử ở 3 tỉnh, thành, nếu thống kê kỹ hơn sẽ thấy giáo dục mầm non Phật giáo không hiện diện ở một số nơi khác nữa. Điều này cho thấy, Phật giáo tham gia vào xã hội hóa giáo dục mầm non còn rất hạn chế so với các tôn giáo khác.”[9] Trước thực trạng đó, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM đã kết hợp với Trường Đại học Sư phạm TP.HCM liên kết đào tạo lớp sư phạm mầm non vừa học vừa làm cho chư ni và nữ Phật tử. Đồng thời, Học viện cũng ký liên kết với Phân ban Ni giới Trung ương hỗ trợ học phí cho chư ni trong suốt khóa học, tạo tiền đề cho chư ni và nữ Phật tử tham gia vào ngành mà mình quan tâm. Đây là công tác đáp ứng được số đông cũng như nguyện vọng và sở trường của ni giới nói chung và đặc biệt là thế hệ ni sinh trẻ tham gia vào công tác giáo dục mầm non, góp phần tham gia cho công tác xã hội hóa giáo dục ở trẻ em có sự đóng góp của các tôn giáo, trong đó có Phật giáo, qua đó thấy được vai trò to lớn của ni giới hiện nay.

3.1.2. Tham gia công tác Giảng dạy

Trước thực trạng các vị ni có đạo hạnh, có kiến thức, có khả năng không được phân bổ giảng dạy trong các trường Phật học có tăng ni học chung, không chỉ là một thiệt thòi cho các vị ni đó, mà còn thiệt thòi cho các trường Phật học, vì đã bỏ lỡ cơ hội tiếp nhận và sử dụng một nguồn chất xám của Tăng đoàn, có thể hỗ trợ cho các vị cao tăng làm tốt công việc giáo dục và hoằng pháp đối với thế hệ tăng ni trẻ. Trong khi đó, chư ni là một bộ phận nhân sự cấu tạo nên Tăng đoàn Phật giáo và là một trong hai thành phần quan trọng trong bốn chúng đệ tử Phật. Họ có tiềm năng Phật tánh, khả năng tuệ giác, năng lực tinh thần, và các năng khiếu ngang hàng với nam giới. Kết quả học tập của chư ni trong các trường Phật học, trong hai thập niên qua, không thua kém gì chư tăng. Có những vị ni tinh nghiêm giới luật, nỗ lực tu hành và trở thành những bậc hướng dẫn đời sống tâm linh tại các tự viện cho nhiều người tại gia nam nữ. Có những vị ni vào tu với niềm tin chân chánh, với nhiệt huyết tìm đạo, tinh tấn hướng thượng và sẵn sàng xả thân hy sinh vì đạo pháp. Có những vị ni đức hạnh và thông minh, có thừa năng lực, can đảm và ý chí sắc bén để đạt thành nguyện vọng dấn thân của họ. Có những vị ni không những có đủ kiến thức Phật pháp và thế pháp mà còn có đầy đủ bản lãnh đạo đức và trí tuệ có thể giúp nhiều người chuyển hoá và thăng tiến đời họ. Cho nên sự đóng góp của ni giới trong công tác đào tạo đã được giáo hội quan tâm, như tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM có nhiều chư Ni tham gia công tác giảng dạy, phụ trách đào tạo và quản lý, tiêu biểu như NS. TS. Thích nữ Huệ Liên - phó khoa Hoằng Pháp học; SC.TS. Thích nữ Như Nguyệt – phó khoa Ngôn ngữ và văn học Trung Quốc; SC.TS. Thích nữ Tịnh Vân – Phó trưởng khoa Pali; SC. TS. Liễu Pháp – Phó trưởng khoa Phật pháp Anh ngữ; Ni Trưởng Thích Nữ Huệ Từ - Trưởng khoa Giáo dục mầm non; và còn nhiều ni sư khác tham gia ở các lĩnh vực như giảng dạy, nghiên cứu, dịch thuật…

Qua vài số liệu trình bày trên đây, Ni giới đang đóng vai trò trung gian đưa nên giáo dục Phật giáo tiến gần hơn đến và đến sớm với xã hội. Ni giới đang có cơ hội thuận lợi để dấn thân thể hiện hạnh nguyện Bồ Tát đạo trong đời sống hiện tại qua việc học, xây dựng hệ thống giáo dục mầm non, đáp ứng tâm tư nguyện vọng của đông đảo bà con Phật tử. Bên cạnh đó, với phẩm chất thích hợp, ni giới mang dáng vọc của “mẹ từ bi” đã góp phần làm cho công tác đào tao tăng ni thêm màu sắc mới. Tuy nhiên, cần phải đầu tư và quan tâm hơn nữa đối với công tác đào tạo ni giới. Vì t heo tư tưởng chính trị Phật giáo, có năm thành phần tạo nên quyền lực. Năng lực vật chất hay tinh thần có thể khiến cho người khác làm những gì mà mình muốn, dù đối phương có đồng ý hay không. Đó chính là quyền lực. Quyền lực về vật chất; quyền lực về sự giàu sang; quyền lực về cộng đồng; quyền lực về dòng dõi; quyền lực về trí tuệ là năm loại quyền lực. Trong năm loại này, quyền lực thuộc về trí tuệ là quan trọng hơn cả. Sự hiện diện của nhân tố trí tuệ sẽ thúc đẩy và hướng dẫn các nhân tố quyền lực còn lại đi đúng hướng. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế của ni giới trong xã hội hiện nay.

3.2. Tiếp cận về mặt chính trị - xã hội

Trong tất cả các nước, bất kể xu hướng chính trị nào, phụ nữ luôn vấp phải nhiều trở ngại, kìm hãm sự thăng tiến chính trị của họ. Phần lớn những trở ngại này là sự thiếu đủ loại: thiếu thời gian, thiếu đào tạo và thông tin, thiếu tự tin, thiếu tiền bạc, thiếu sự ủng hộ, thiếu động cơ tinh thần, thiếu mạng lưới phụ nữ và tình đoàn kết giữa phụ nữ…Khi quan niệm phụ nữ luôn được coi thích hợp với việc bếp núc và trông nom con cái hơn là những cuộc họp hành[10]. Thiết nghĩ, c ả nam giới và nữ giới đều đóng nhiều vai trò trong xã hội. Vai trò giới của phụ nữ bao gồm các vai trò tái sản xuất, sản xuất và quản lý cộng đồng, trong khi vai trò của nam giới bao gồm vai trò sản xuất và hoạt động chính trị. Nam giới có thể tập trung vào một vai trò sản xuất cụ thể và thực hiện lần lượt các vai trò của mình. Ngược lại, phụ nữ phải thực hiện nhiều vai trò cùng một lúc và đảm bảo thực hiện trọn vẹn từng vai trò. Nhưng, trong khi nữ giới - ni giới có rất nhiều “cái thừa” tốt đẹp so với những “cái thiếu” thì vai trò của ni giới trong công tác quản lý, hay tiếp cận với chính trị - xã hội vẫn còn rất hạn chế. Cụ thể, tại Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, nhiệm kỳ VIIchỉ có 1 chư ni so với 60 chư tăng và Phật tử, tại Giáo hội Phật Giáo Tp.Hồ Chí Minh số chư Ni tham gia vào Ban Trị sự Giáo hội Tp.Hồ Chí Minh chỉ chiếm 20,6% [11], và không có chư ni nào trong Hội đồng điều hành Học viên Phật giáo Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2012 – 2017.

BieuDo

Những năm gần đây có thể nói ni giới của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đủ điều kiện phát triển, nhưng điều quan tâm ở đây là phát triển như thế nào cho được vững chắc và tồn tại lâu dài, hình ảnh ni giới xuất hiện tại Hội nghị nữ giới Phật giáo Thế giới, Đại lễ Vesak, các Hội nghị khoa học, …nhưng số lượng vẫn còn rất khiêm tốn. Điều đó cho thấy, nhận thức xã hội về tầm quan trọng của việc đưa ni giới tham gia vào đời sống chính trị và cộng đồng còn hạn chế. Sự hạn chế này, chúng tôi nhận thấy ít nhiều là có sự định kiến giới. Để giải quyết vấn đề này, thì chỉ có Giáo hội mới có có khả năng thay đổi các thiết chế, giảm các định kiến giới trong tăng đoàn để nâng cao vai trò của ni giới thông qua sự hiện diện của các ni giới ở các vai trò chủ chốt trong Giáo hội.

3.3. Trong lao động - sản xuất:

Đức Phật dạy, bổn phận của người tu đối với giới tu sĩ như sau:

1. Ngăn người cư sĩ phạm tội

2. Khuyến khích họ khởi lòng từ đến người khác, cầu chúc an lành đến với tất cả

3. Khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động được mọi người khen ngợi.

4. Nên giảng giải những gì mà họ chưa từng được nghe

5. Giảng giải giáo ly để họ thực sự hiểu, để họ thực sự không còn nghi ngờ

6. Nên chỉ cho họ con đường chánh đạo dẫn tới giải thoát khổ đâu

Ngược lại, bổn phận của hàng cư sĩ đối với các bậc tu hành như sau

1. Người cư sĩ nên thể hiện sự quý kính đối với các bậc tu hành

2. Nên nói với họ bằng những lời quý kính

3. Luôn cầu an lành đến họ

4. Nên cúng dường vật dụng thích hợp cho nhu cầu của họ

5. Cúng thường thực phẩm hàng ngày cho họ[12]

Các vị xuất gia là những người thực tập hạnh viễn ly, nghĩa là từ bỏ những thức thuộc vật chất và tinh thần không một chút vướng bận. Họ có thể hi sinh những thứ yêu thích của mình để đem lại lợi lạc cho người khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh Phật giáo hội nhập xã hội, các chư ni đang nổ lực tạo dựng cuộc sống hiện tại an lạc hạnh phúc, cũng như đảm bảo một cuộc sống an lành. Do đó, hoạt động của các chư ni ngày càng được mở rộng. Theo quan sát, hiện nay, chư ni thường tham gia vào ba hoạt động sau đây:

1. Hoạt động sản xuất: một cách tổng quát đó là các hoạt động kinh tế đem lại thu nhập bao gồm các hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Về hình thức tổ chức, đó có thể là những hoạt động sản xuất nhỏ.

2. Hoạt động tái sản xuất: bao gồm việc chăm sóc, xây dựng đạo tràng Tam Bảo, các công việc nội trợ tại trú xứ, chăm sóc sức khỏe cho mọi thành viên, nuôi nấng và dạy dỗ đệ tử.

3. Hoạt động cộng đồng: bao gồm những hoạt động như hoằng pháp, công tác xã hội… Các hoạt động này thường mang tính tự nguyện, không đem lại thu nhập và không được phân tích, tính toán trong các phân tích có ý nghĩa kinh tế. Tuy nhiên, đây là những hoạt động quan trọng cho sự phát triển của các cộng đồng.

Khi một cá nhân bất cứ làm công việc gì để kiếm sống cũng phải dự trữ một khoản thu nhập của mình. Phần tích lũy này sẽ được dùng đến khi cần thiết. Chỉ cần một phần tư số tiền kiếm được, chúng ta cũng có thể có một cuộc sống thuận lợi. Trong Phật giáo, nhu cầu cá nhân được hạn chế chỉ còn lại tám vật dụng thiết yếu tạo thuận lợi cho việc thực hành hạnh giải thoát trong đời sống. Thậm chí, trong cuộc sống của cộng đồng tu sĩ, khi một cá nhân có sự đền đáp hay tiền cúng dường, thì quyền sở hữu cá nhân đối với tài sản đó cũng giới hạn trong một hạn mức nhất định. Khi nghe người xuất gia mà còn tham gia sản xuất chắc quý vị cảm thấy không hài lòng. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, chúng tôi nghĩ rằng đây là một nét đẹp của Ni giới Việt Nam. Ở đâu đó mang hình ảnh tảo tầng, khéo léo, chịu khó của người phụ nữ mà chúng ta sẽ liên tưởng đến các mẹ, các chị, là bậc “Thấu hiểu tiếng khóc than của thế gian”.

Theo triết lý nhà Phật, Bồ tát đạo bao gồm 6 nguyên tắc: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Như vậy, bố thí, làm từ thiện chính là nguyên tắc đầu tiên của Bồ Tát đạo. Để thực hiện lời Ðức Phật dạy, người học Phật muốn thực hiện tốt công tác xã hội, thì không thể bỏ qua Tứ nhiếp pháp, đó là bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Pháp bố thí là tài thí, pháp thí, vô úy thí. Tài thí là đem vật chất ban tặng cho người để nuôi dưỡng về thể xác. Vậy hoạt động sản xuất ở đây chính là cách tạo ra của cải vật chất để bố thí, để thực hành công tác xã hội, để xây dựng Tam bảo, để nuôi chúng. Nhờ sự chủ đồng này, mà không biết từ lúc nào hoạt động công tác từ thiện xã hội đã trở thành nhiệm vụ vô cùng quan trọng, thể hiện lòng từ bi, chứng minh sự đồng cảm với dân tộc, đồng thời thể hiện tinh thần “vô ngã vị tha” của Phật giáo. Công tác từ thiện xã hội bao gồm những hoạt động như: Chăm sóc người già cô đơn không nơi nương tựa, chăm sóc trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ, trẻ em tàn tật; chăm sóc, ủng hộ bệnh nhân nghèo; chăm lo cho người nghèo; hoặc những nạn nhân do thiên tai, lũ lụt; nạn nhân chiến tranh, nạn nhân chất độc màu da cam và những nạn nhân của cơ chế thị trường, người nhiễm HIV/AIDS…

Mọi phương pháp tu tập đều bắt đầu bằng sự hào phóng, hành động bố thì từ bi. Nếu nguyên tắc đơn giản về bố thí không phải là một phần của đời sống tôn giáo, thì mọi người khó có thể đạt được sự giác ngộ bằng bất kỳ phương pháp nào [13]. Chính sự từ bi và hành động dấn thân của các chư ni hiện nay là sự thể hiện  trách nhiệm đối với xã hội của Phật giáo, không từ chối công việc khi cần thiết, nhất là công tác từ thiện mang đến lợi ích và an lạc cho mọi người, mang lại đời sống Phật pháp thật sự cho người đời nhằm tạo nên các mối dây liên kết bền chặt trong xã hội, giúp con người hướng thiện, tạo nên các giá trị trong phong tục tập quán cũng như lối sống.

KẾT LUẬN

Đối với Phật giáo hiện nay, cơ hội tiếp cận các nguồn lực của ni giới ngày các phát triển, ngày càng có nhiều chư ni thành những học giả, giảng viên và người lãnh đạo sáng ngời trong Phật giáo Việt Nam. Nhưng then chốt đối với sự phát triển ni giới cần dựa trên ba trục đó là đầu tư cho giáo dục – tham gia chính trị xã hội – tham gia lao động và sản xuất. Do đó, điều cần thiết đối với các chư ni là họ cần có một tầm mức học vấn ngang bằng với các chư tăng trong Tăng đoàn từ đó ứng dụng Phật giáo vào những vấn đề của xã hội hiện đại như trong công tác quản lý, hoạt động xã hội.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nghĩa khẳng định trong các nghiên cứu của mình: “Nhìn chung các vị sáng lập các tôn giáo đều có các thái độ ứng xử và ứng xử bình đẳng đối với phụ nữ, tuy nhiên, các tổ chức tôn giáo đã làm xơ cứng quan điểm cách mạng, nhân bản của các ngài. Vẫn còn đó khả năng thăng tiến của phụ nữ trong xã hội và giáo hội. Vấn đề đặt ra các giáo hội quan niệm đâu là cốt lỗi của truyền thống, đâu chỉ là hình thức bên ngoài truyền thống và chọn lựa hành động như thế nào trước căng thẳng của việc bảo lưu truyền thống và nhu cầu đổi mới bức thiết mà xã hội đề ra[14]. Do đó, chúng tôi thiết nghĩ, đứng trước xu thế phát triển của xã hội và nhân sinh, nếu vì một lý do nào đó, các nhà lãnh đạo Phật giáo không tự nỗ lực hoàn thiện những phẩm chất và năng lực chính mình mà còn để cho mình bị mai một, tụt hậu thì đây quả là một bất hạnh cho Phật pháp và chúng sanh. Đức Phật cũng dạy rằng để sống xứng đáng với phẩm giá của mình, người phụ nữ cấn thay đổi thái độ đối với bản thân. Đặc biệt là họ cần xác lập lại các khả năng và quyền lợi mà xã hội đã tước đoạt của họ. Với xã hội ngày nay, dòng văn hóa nào muốn tồn tại và phát triển cùng nhân loại thì cũng cần phải thực hiện một cuộc thoát xác, trút bỏ gông cùm hình thức để tự biến thành trẻ trung hùng mạnh, tạo dựng được một sức sống mới có gốc rễ, bắt bén được vào tâm hồn và hoài vọng của những con người đại diện cho xã hội mới.

-------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hoàng Bá Thịnh (2008), Giáo trình Xã hội học về giới, Nxb. ĐHQG Hà Nội

2. Nandasena Ratnapala (2010), Xã hội học Phật giáo, Nxb. Văn hóa Sài Gòn.

3. Tỳ kheo ni Như Nguyệt dịch (2015), Từ bi và Công bằng xã hội, Nxb. Tổng hợp TP. HCM. 

4. Nguyễn Xuân Nghĩa, "Phụ nữ, tôn giáo và vấn đề phát triển" (phần 1 và phần 2), tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 6-2005. 

5. Tỳ kheo, Tiến sĩ Basnargoda Rahula (2015), Lời dạy của Đức Phật về sự thành tựu trong gia đình, nơi công sở, ngoài xã hội, Nxb Lao động và Công ty Cổ phần sách Thái Hà.

6. Tăng Chi Bộ Kinh VIII: Phẩm Gotama: Kinh Gotama.

7. Chú giải Trưởng Lão Ni Kệ, bản Việt ngữ: Tỳ khưu Siêu Minh. NxB Tổng Hợp TP. HCM, 2008.

8. Tạng Luật, Tiểu Phẩm II, Cullavagga II, bản Việt ngữ: Tỳ khưu Indacanda. NxB Tôn giáo, 2005.

CÁC WEBSITE THAM KHẢO

1. http://thuvienhoasen.org/

2. http://giaohoiphatgiaotphcm.vn/

3. http://www.Nigioingaynay.com/

4. http://daophatkhatsi.vn/

5. http://www.vbu.edu.vn/

6. http://giacngo.vn/

 


[1] Nguyễn Xuân Nghĩa, "Phụ nữ, tôn giáo và vấn đề phát triển" (phần 1). Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 6-2005, tr.17.

[2] Samyutta Nikaya I (Tương Ưng Bộ Kinh I): Brahmana Samyutta: Kinh Sundanka, 263-263

[3] Thập đại để tử ni: 1.Nữ tôn giả Mahapajapati (nữ tôn giả là vị Tỳ kheo ni đầu tiên và là vị lãnh đạo Ni đoàn) ; 2. Nữ Tôn giả Khema (nữ tôn giả là vị có t tuệ đệ nhất trong Ni đoàn); 3.Nữ tôn giả Uppalavanna (nữ tôn giả là vị có thần thông đệ nhất); 4. Nữ tôn giả Dhammadinna (nữ tôn giả có khả năng thuyết p háp đệ nhất); 5. Nữ tôn giả Patacara (vị ni có thắng hạnh khổ hạnh đệ nhất); 7. Nữ tôn giả Bimba (vị Ni an trú tâm đệ nhất); 8.Nữ tôn giả Bhadda Kudalakesa (vị Ni lãnh hội ý pháp đệ nhất) ; 9. Nữ tôn giả Soma (vị ni có thắng hạnh tinh tấn đệ nhất); 10.Nữ tôn giả Nanda (vị ni thiền định đệ nhất).

[4] Trích trong Chú giải Trưởng Lão Ni Kệ, trang 651.

Trong Tạng Luật, Tiểu Phẩm II, Culllavagga II, trang 493, 494:

[5] Trích trong Tạng Luật, Tiểu Phẩm II, Cullavagga II, bản Việt ngữ: Tỳ khưu Indacanda. NXB Tôn Giáo, 2005, trang 481

[6] Luật Manu là tên gọi tổ tiên thần thoại của bộ lạc Manava, của tầng lớp tư si Bàlamôn, là những điều răn của Thánh Manu về hành vi, lẽ sống, được viết vào khoảng từ thế kỉ thứ II trước Công Nguyên đến cuối thế kỉ II sau Công Nguyên. Đây là một trong những sử liệu quan trọng nhất về xã hội và nhà nước Ấn Độ cổ đại, bộ luật quy định hầu như mọi quan hệ xã hội trong xã hội Ấn giáo. Trong xã hội đẳng cấp Ấn Độ, vị thế người phụ nữ rất thập và tùy thuộc vào nam giới. Toàn bộ Đạo luật có 2.685 điều Manu ; trích từ: Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam

[7] Nandasena Ratnapala, “Xã hội học Phật giáo”, Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2010, tr.87

[8] Tăng Chi Bộ Kinh VIII: Phẩm Gotama: Kinh Gotama

[9] Tại Hội nghị toàn quốc về các tôn giáo tham gia phát triển giáo dục mầm non do UBTƯ MTTQVN và Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD & ĐT) tổ chức vào ngày 8-11-2014 tại TP.HCM với sự tham dự của đại diện 12 tôn giáo.

http://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=1BE251

[10] Hoàng Bá Thịnh (2008), Giáo trình Xã hội học về giới, Nxb ĐHQG Hà Nội, tr.270. 

[11] Theo Quyết định số  508/QĐ.THPG ngày 16/11/2012 thành phần nhân sự các ban ngành ban Trị sự GHPGVN TP.HCM nhiệm kỳ VIII (2012-2017). 

[12] Nandasena Ratnapala, “Xã hội học Phật giáo”, Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2010, tr.52. 

[13] Thích nữ Như Nguyệt (2015), Từ bi và dấn thân xã hội: Những mô hình hỗ tương cho nữ giới Phật giáo Việt Nam, Nxb Tổng hợp TP. HCM, tr.299.

[14] Nguyễn Xuân Nghĩa, "Phụ nữ, tôn giáo và vấn đề phát triển" (phần 2). TC Nghiên cứu Tôn giáo, số 6-2005, tr.17.