Quảng Nam: Chư hành giả khóa tu truyền thống Giới - Định - Tuệ lần thứ 34 trình bày về “Sự quân bình trong 5 căn lành tu tập”

Trong ngày 19/04/2024 (nhằm ngày 11/03 Giáp Thìn), ngày thứ 9 của khóa tu truyền thống Giới - Định - Tuệ lần thứ 34, TT. Giác Nhẫn trực thuộc GĐ.V, đã có phần trình bày về “Sự quân bình trong 5 căn lành tu tập – Tín, tấn, niệm, định, tuệ”.

Theo Thượng tọa, đây là 5 pháp (chi phần) trong 37 phẩm trợ đạo và cho biết: “Là người tu tập, khi quán xét các tâm sở hành hoạt, có thể thấy chúng thể hiện trách nhiệm chức năng khác nhau. Nếu hướng chúng đến nhiệm vụ thiện lành thì chúng trở nên tốt đẹp và ngược lại. Chúng thực hiện công việc của mình đúng vai trò của chúng. Cho nên làm sao để cân bằng 5 chi phần này là điều vô cùng quan trọng”.

Khi mới nghe qua “tín, tấn, niệm, định, huệ”, chúng ta thường cho rằng, muốn cân bằng chúng cần có sự tu tập quán chiếu sâu sắc. Trong đó, TT. Giác Nhẫn trình bày về từng đề mục như sau:

Tín: Trong kinh dạy rõ, tín là mẹ của mọi thiện lành, nó không chỉ được hiểu đơn giản là sự tin tưởng lẫn nhau, mà tín là niềm tin đi kèm với trí tuệ, mang tính chất hài hòa với sự tu tập. Niềm tin đó là đối với Đức Phật, giáo pháp (chân lý, phương pháp đang hành trì) và đối với Tăng (4 đôi và 8 chúng). Vì nếu không tin chắc thì khó có thể đạt đến thành công. Thế cho nên niềm tin thật sự tối quan trọng.

Tấn căn: Muốn cho sự tu tập tốt đẹp, chúng ta cần có sự tinh tấn, làm động lực theo sau niềm tin. Như Tổ sư Minh Đăng Quang dạy trong bài kệ Ý rằng, sự theo dõi 5 căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, qua đó, hành giả tu tập cần phải hành chánh niệm quan sát đối với mọi oai nghi. Tinh tấn không phải trên phương diện vật chất mà là pháp hành, từng oai nghi, hành động. Như vậy, chúng ta cần quán chiếu rõ ràng, sự thay đổi mọi oai nghi, để sát sao rõ biết liên tục, đặng làm cho trạng thái tâm luôn an trú trong hiện tại lạc trú.

Niệm: Ý thức rõ ràng trên đối tượng chúng ta đang sống. Trích trong kinh Nhất Dạ Hiền giả: “Quá khứ không truy tìm / Tương lai không ước vọng / Quá khứ đã đoạn tận / Tương lai lại chưa đến / Chỉ có pháp hiện tại / Tuệ quán chính ở đây / Không động, không rung chuyển. / Biết vậy, nên tu tập, / Hôm nay nhiệt tâm làm / Ai biết chết ngày mai? / Không ai điều đình được, / Với đại quân thần chết. / Trú như vậy nhiệt tâm, / Đêm ngày không mệt mỏi, / Xứng gọi Nhất Dạ Hiền, / Bậc an tịnh, trầm lặng”. Chánh niệm ở đây, an trú trong trong hiện tại, rõ biết liên tục bằng tuệ quán là vậy.

Định: Nghĩa là chuyên chú, gom tâm vào đề mục. Trích Chơn lý: “Định tức là mật, trong mật định có chứa linh, giác và thần. Cho nên gọi định năng sanh chơn huệ và giới. Định là chánh, loạn là tà, nên mới có tên chánh định; và cũng là có chánh mới có định...” (Chơn Lý 14 - Nhập định).

Tuệ: Là sự hiểu biết, thấy rõ bản chất sự thật, rõ các pháp là vô thường, khổ và vô ngã, nhưng trước đó chúng ta phải quán sát cho chúng hài hòa. Tuệ thường đi chung với tín; định với tinh tấn để cho nó cân đối. Tin với trí tuệ khác với người có niềm tin mà không có tuệ, ví như tin Phật mà không hiểu Phật sẽ trở nên phỉ báng Phật và ngược lại, nếu cân bằng cả hai sẽ trở nên bất hoại. Định và tinh tấn cũng vậy, cố gắng muốn làm pháp hành tốt đẹp, mà đi quá mức sẽ dẫn đến thiếu quân bình, định tâm cũng không ổn; trong khi có định thiếu tinh tấn sẽ gây hôn trầm. Thế nên cả định và tinh tấn cần nương nhau làm cho hài hòa cân đối. Còn với niệm càng nhiều càng tốt.

Có ba loại định: cận định, an chỉ định, sát na định. Cận định an chỉ dùng trong thiền chỉ, sát na định dùng cho thiền quán. Khi tâm trong sát na định, chúng ta dùng cho thiền quán. Trong khi đó, cận định dành cho thiền chỉ, như chúng ta biết, thường thấy 40 đề mục thiền định (vd: thường thấy – hơi thở) nhằm đạt được tứ thiền sắc và vô sắc, từ đó phát triển thiền quán để rõ sự vô thường, khổ và vô ngã của chúng.

Khép lại phần trình bày, TT. Giác Nhẫn khẳng định: “Người tu tập cần phát triển ngũ căn, điều tiết các chi phần cho được thăng bằng hài hòa, từ đó làm cho tiến độ ngũ căn phát triển thành ngũ lực”.

 

Một số hình ảnh của ngày tu thứ 9: