Khóa BDTT PL.2569: Thượng tọa Thích Phước Nguyên chia sẻ về việc ứng dụng quản trị trong đời sống tu hành

Khóa BDTT PL.22569 tại Pháp viện Minh Đăng Quang (P.Bình Trưng, TP.HCM) đã bước vào ngày học thứ 5. Theo đó, sáng 9/7/2025 (15/6/Ất Tỵ), khóa học đã cung đón sự quang lâm của TT. Thích Phước Nguyên – Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 TƯGH, đến thăm và chia sẻ về “Quản trị: Khái niệm và ứng dụng trong đời sống tu hành”.

TT. Thích Phước Nguyên mở đầu bằng một định nghĩa ngắn gọn: “Quản trị là một hệ thống các giải pháp nhằm đạt mục tiêu vận dụng tối đa từ nguồn lực hữu hạn”. Nếu mục tiêu tối hậu của người tu là giác ngộ, thì quản trị là công cụ giúp đạt các mục tiêu ngắn hạn và trung hạn như quy tụ tín đồ, xây dựng Tăng đoàn, duy trì sinh hoạt tu học, quản lý tự viện, giáo dục Tăng tài kế thừa.

Thượng tọa nhấn mạnh: “Quản trị không phải lý thuyết suông, mà là một thực tại sống động, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả, thành bại, sự thịnh suy của cơ sở tự viện. Thiếu quản trị, một ngôi chùa dù tâm nguyện lớn cũng có thể rơi vào tình trạng lộn xộn, hao tán nguồn lực, đánh mất lòng tin từ đại chúng”.

Đồng thời, Thượng tọa cũng nhận định, trong khi các tổ chức kinh tế, chính trị đã vận dụng quản trị từ lâu, Phật giáo Việt Nam chỉ mới chính thức đưa khái niệm “nâng cao năng lực quản trị” vào nghị quyết trong nhiệm kỳ Giáo hội gần đây. Việc bỏ cấp trung gian quận huyện, chỉ còn lại cấp Trung ương - tỉnh - cơ sở, đã khiến tự viện trở thành một đơn vị quản trị độc lập, với trụ trì là người đứng đầu.

Do đó, trụ trì không chỉ là người tu, mà còn là người lãnh đạo, quản lý và điều hành toàn bộ cơ sở Phật giáo, từ lễ nghi đến tài chính, nhân sự đến hành chính, đối nội đến đối ngoại. Các hoạt động như quy y, thuyết pháp, cầu an, tang lễ... nếu không có kế hoạch và quản trị hợp lý sẽ trở nên lãng phí thời gian, thậm chí gây mất niềm tin từ Phật tử.

TT. Thích Phước Nguyên chỉ ra rằng, nhiều Tăng Ni chưa quen với tư duy quản trị, thường điều hành tự viện theo quán tính, tự phát hoặc bằng sự “tự giác”, thiếu phương pháp cụ thể. Trong khi đó, việc điều hành một cơ sở tu học bao gồm vô số đầu việc: điện nước, bếp núc, pháp hội, tiếp khách, vệ sinh, an ninh... Đặc biệt, Thượng tọa lưu ý đến tình trạng chuyển giao không có kế hoạch, dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp sau khi vị trụ trì viên tịch. Đây là điều cần cảnh tỉnh các vị đang và sẽ đảm nhiệm trọng trách trụ trì.

Thượng tọa nhấn mạnh một số nguyên lý quan trọng trong công tác quản trị như:

Theo Thượng tọa, người trụ trì phải phát huy trí tuệ, đạo đức, tư duy bền bỉ và khả năng truyền cảm hứng cho đại chúng. Với kinh nghiệm điều hành Văn phòng Trung ương và trụ trì nhiều tự viện, TT. Thích Phước Nguyên thấu hiểu những gian nan của người làm trụ trì. “Người trụ trì như một nhà quản trị cấp cao, cần có kế hoạch, có mục tiêu và có người kế thừa”, Thượng tọa chia sẻ.

Kết thúc buổi giảng, TT. Thích Phước Nguyên cho biết sẽ soạn thành giáo trình giảng dạy chuyên đề quản trị trong Phật giáo, để giúp Tăng Ni, nhất là trụ trì trẻ, có công cụ và tầm nhìn rõ ràng hơn, hướng đến sự phát triển bền vững và chuyên nghiệp cho Phật giáo Việt Nam.

 

Một số hình ảnh được ghi nhận: