Vị Ni nặng tình với học trò nghèo

Gặp Ni sư vào một buổi chiều mưa nặng hạt, tại ngôi tịnh xá Ngọc Phương (Q.Gò Vấp, TP.HCM) trầm lặng. Chúng tôi thấy từ xa có dáng người nữ nhỏ nhắn, nụ cười hoan hỷ tiến lại gần, đó là Ni sư Tín Liên. Từ lâu đã nghe tiếng của Ni sư, một người với nhiều hoạt động thiện nguyện giúp đời.

Dù cương vị là Phó Thư ký Phân ban Ni giới T.Ư hay Đại biểu Quốc hội, Ni sư vẫn dành tình cảm đặc biệt quan tâm đến đời sống của Tăng Ni trẻ cũng như những nghĩa cử cao đẹp dành cho người dân.

NS. Tín Liên, sinh 1951, thế danh Nguyễn Thị Yến, trong  một gia đình trung nông tại xã Tân Thành A, H.Tân Hồng (Đồng Tháp), gia đình có 8 anh chị em, Ni sư là người con thứ ba trong gia đình. Sinh trưởng và lớn lên trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh, đời sống người dân còn nhiều khốn khó nhưng tình yêu với con chữ, mái trường vẫn vẹn nguyên trong lòng cô Ba Yến. Sau mấy bận chưa đủ nhân duyên với cửa thiền, cô Ba đi tu, rồi về lại với gia đình vì người cha chưa cho phép do mẹ và bà nhớ thương con.

NSTinLien GH
HT.Thích Thiện Tánh trao hoa chúc mừng NS.Tín Liên đắc cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV - Ảnh: B.Toàn

Mãi đến năm 32 tuổi khi nhân duyên đầy đủ, cô Ba Yến lặn lội lên Sài Gòn xuất gia, thọ giới cùng Ni trưởng Huỳnh Liên tại tịnh xá Ngọc Phương (đường Lê Quang Định, P.1, Q.Gò Vấp, TP.HCM).

Ý chí học tập từ thuở nhỏ

NS.Tín Liên nhớ lại: “Ngày ấy, cả làng Tân Thành chỉ có hai gia đình cho con ra tỉnh học. Cha hay nói với các anh chị em trong nhà, đời cha đã học ít, nay chỉ biết ra đồng, không thể nào tới lượt cháu con mình cũng y vậy. Phải có kiến thức, trình độ để mai này giúp dân, giúp nước”.

Từ lời dạy của cha và bản thân cũng đam mê học tập, năm nào Ni sư cũng được phần thưởng. Từ thời trung học, Ni sư đã sống xa gia đình. Sau khi rời Trường Trung học Thủ Khoa Nghĩa (thị xã Châu Đốc), Ni sư bước chân vào giảng đường Viện Đại học Cần Thơ (nay là Trường ĐH Cần Thơ).

Năm 23 tuổi, Ni sư tốt nghiệp ngành Sinh học và về giảng dạy tại Trường Trung học đệ nhị cấp 3 Nguyễn Chánh Sắt - Tân Châu (nay là Trường THPT Tân Châu, thị xã Tân Châu, An Giang) và Trường Trung học bán công Tân Châu.

Sau năm 1975, Ni sư chuyển công tác trở thành Bí thư Chi đoàn ấp Long Thị A, rồi lên Huyện đoàn Phú Châu, Ủy viên Ủy ban MTTQ huyện Phú Châu. Là người ham học từ nhỏ và nhớ lời cha dạy không để mình dốt, phải biết chữ để giúp dân, giúp nước nên tuổi trẻ của Ni sư là những tháng ngày dù mưa hay nắng cũng lặn lội vận động người dân cho con em ra học tại các lớp bình dân học vụ.  Trong tâm trí mình, Ni sư nghĩ rằng phải đưa con chữ đến với các em để nhờ đó các em có thêm hiểu biết, sống tốt hơn và điều quan trọng nữa, các em chính là trụ cột của đất nước sau này.

Nặng tình với học trò nghèo

Là một trong số 7 Tăng Ni sinh xuất sắc được cố Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu (nguyên Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN, nguyên Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM) chọn đi du học tại Ấn Độ, Ni sư rất xúc động, vui mừng nhưng cũng nhiều lo lắng về khả năng bản thân, không biết mình có đủ sức để học tập hay phụ lòng thầy tổ tin cậy.

Tuy vậy, Ni sư vẫn muốn thử sức và sẵn có trong người tinh thần ham học nên quyết định ra đi. Gần 9 năm xa quê hương, cuối năm 2000, Ni sư nhận bằng tiến sĩ Phật học tại Ấn Độ, sau đó tiếp tục tu thiền tại Myanmar.

Đến năm 2002, Ni sư về nước, Ni sư được mời làm giảng viên tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, tham gia Viện Nghiên cứu Phật học VN và là Ủy viên Ủy ban MTTQVN (2002-2007), (2007-2012), Ủy viên BCH Hội Phụ nữ TP.HCM. Trong Giáo hội, Ni sư giữ các chức vụ Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Thư ký Phân ban Ni giới T.Ư.

Đứng trên cương vị nào, Ni sư vẫn không quên và luôn nặng tình với học trò nghèo khắp nơi, nhờ sự kêu gọi và ủng hộ từ quý Tăng Ni, Phật tử gần xa. NS.Tín Liên đã thành lập được hai quỹ dành cho học sinh nghèo hiếu học (Quỹ Sinh viên nghèo 170 triệu đồng, Quỹ Vì người nghèo 110 triệu đồng).

“Số tiền đó tôi gửi ngân hàng, mỗi tháng rút ra giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, ít thì quyên góp thêm”, Ni sư mỉm cười chia sẻ. Bên cạnh đó, Ni sư còn tặng thẻ bảo hiểm y tế, ủng hộ xây cầu, đắp đường và cứu trợ đồng bào miền Trung mỗi khi lũ về.

Trở thành đại biểu của nhân dân

Trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 22-5-2016, Quốc hội khóa XIV, sau khi có kết quả NS.Thích nữ Tín Liên đã trúng cử với số phiếu cao nhất tại đơn vị bầu cử số 8 (Q.12, Q.Gò Vấp), Ni sư chính thức trở thành Đại biểu Quốc hội nước CHXHCNVN và là một trong số những gương mặt Ni giới hiếm hoi trở thành Đại biểu Quốc hội tính đến thời điểm hiện tại.

Trên nghị trường, với tiếng nói của một người đại biểu, đại diện cho Ni giới, Ni sư đã mạnh dạn phát biểu về quyền lợi Ni giới và đóng góp vào dự thảo Luật Tín ngưỡng - tôn giáo. “Những điều tôi sẽ phát biểu trước Quốc hội là vấn đề cư trú, mua, tặng (đất) và điều kiện nào để trở thành một cơ sở tôn giáo. Nếu không có sự tu tập, tín ngưỡng tại nơi cần đặt cơ sở tôn giáo thì làm sao chuyển từ tín ngưỡng sang cơ sở tôn giáo”.

Về vấn đề của đất nước, Ni sư chia sẻ: “Người dân đang bức xúc vấn đề khiếu nại, tuy tình hình có cải thiện nhưng còn nhiều việc mà lãnh đạo vùng vẫn bỏ ngỏ hoặc im lặng trước dân”.

Trên nghị trường “Tôi sẽ phát biểu - nếu có cơ hội, một đất nước phát triển cần phải đẩy mạnh giáo dục là hàng đầu, phải giáo dục từ lúc các em còn học mầm non, phải động viên, khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho con em đến trường. Tôi rất trăn trở khi tiếp xúc người dân, họ kiến nghị, nơi họ sống đa phần là công nhân, có con nhỏ, họ cần có một mái trường mầm non để an tâm đi làm nhưng ngần ấy năm mà vẫn không có được”.

Bên cạnh đó, Ni sư cho biết, muốn thành lập câu lạc bộ thanh thiếu niên và trại hè tại các chùa để các em nhỏ tại địa phương có thể gieo duyên Phật pháp và có những hoạt động vui chơi bổ ích.  

Nguồn: giacngo.vn