Vị Nư sư ở làng biển Vĩnh Châu

Đến thị xã Vĩnh Châu vào dịp đầu năm, chúng tôi mới thấu hiểu hơn về tấm lòng của cô Chu, tên thân mật của người dân dành cho NS. Tâm Liên, trụ trì Tịnh xá Ngọc Châu Như (phường 2, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng)…

Nặng lòng với người nghèo xứ biển

Sinh trưởng trong gia đình dân tộc Hoa với 8 anh em nên cô Chu chỉ học hết lớp 7 rồi nghỉ ở nhà phụ gia đình làm bánh. Trong một lần tình cờ, cô Chu đọc được cuốn sách nói về cách chẩn trị bệnh theo Đông y, từ đó bản thân cô mày mò tìm sách tự học. Sau 3 năm (lúc 21 tuổi), cô Chu đã biết cách bắt mạch, hốt thuốc, chữa bệnh cho bà con xung quanh. Từ đó, bàn tay “phục dược” của cô Chu chăm sóc không biết bao nhiều người nghèo.

NiSuNgocChauNhu

Ni sư Tâm Liên giúp người khiếm thị học nghề se nhang

55 tuổi, NS. Tâm Liên (cô Chu) mới bắt tay vào xây dựng Tịnh xá Ngọc Châu Như theo đúng như lời hứa thời trẻ với người hàng xóm. Người đó cũng chính là người tình nguyện hiến đất xây tịnh xá.

NS. Tâm Liên chia sẻ: “Lúc đầu tịnh xá chỉ là ngôi nhà mái lá, cột bằng cây so đũa nhưng bà con vẫn tìm đến nhờ bắt mạch, xem bệnh. Dần về sau, tịnh xá được mở rộng và khang trang từ nguồn đóng góp của Phật tử, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh, kể cả kiều bào ở nước ngoài”.

Tịnh xá tọa lạc tại khóm Cà Lăng A Biển, đây cũng là địa phương có đông bà con Khmer sinh sống, miếng cơm, manh áo gia đình đều cậy vào việc làm thuê của thành viên trong gia đình nên cuộc sống rất khó khăn. Có nhiều hộ khi người thân qua đời không đủ tiền lo việc mai táng, thấy vậy Ni sư còn hỗ trợ áo tang, áo quan, thực phẩm, tiền mặt để gia đình lo tang sự.

Cũng từ đó, hễ gặp khó khăn, họ lại tìm đến nhờ Ni sư giúp đỡ. Tiếng lành đồn xa, những việc làm thiện nguyện của Ni sư ngày càng được nhiều người biết đến và cứ thế hàng năm, hết đoàn từ thiện tỉnh này đến đoàn bác sĩ bệnh viện kia, mạnh thường quân trong và ngoài nước tìm đến tịnh xá Ngọc Châu Như để làm điểm kết nối giữa những nhà hảo tâm với bà con nghèo. Vì thế, cứ nói đến thị xã Vĩnh Châu là mọi người lại nhớ đến Tịnh xá Ngọc Châu Như.

Dạy nghề cho người mù Vĩnh Châu

Với người nghèo xứ biển Vĩnh Châu, sở dĩ họ xem Ni sư như một vị Bồ-tát vì ngoài giúp đỡ miếng cơm, manh áo thì một việc làm hết sức ý nghĩa, đầy tính nhân văn là đưa bà con (chủ yếu dân tộc Khmer) đi phẫu thuật ghép thủy tinh thể nhân tạo tại Bệnh viện An Bình, TP. Hồ Chí Minh, giúp họ thoát khỏi cảnh mù lòa. Bên cạnh đó, NS. Tâm Liên còn phối hợp cùng địa phương khảo sát, cất nhà tình thương, hỗ trợ chuồng, con giống, thức ăn cho hộ nghèo chăn nuôi với mong muốn giúp họ thoát cảnh khó khăn, xây dựng cầu bê-tông cho các em học sinh vui bước đến trường…

Hết lòng với người nghèo, giờ đây đã ngoài 70 tuổi, Ni sư vẫn nặng lòng vì lẽ: “Vĩnh Châu còn rất nhiều người nghèo mưu sinh bám vào việc làm hành tím với môi trường độc hại và thiếu kiến thức nên bị mù lòa, đặc biệt là nhiều trẻ em khuyết tật, khiếm thị”.

Để giúp người khiếm thị, hàng ngày có trên 45 người mù, trẻ em khuyết tật, mồ côi đang sinh sống trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu đến Tịnh xá Ngọc Châu Như học nghề xe nhang để có cái nghề, hy vọng thay đổi cuộc sống.

Chúng tôi có dịp gặp và trò chuyện cùng anh Lâm Văn Beo, người dân tộc Hoa, ngụ ở xã Hòa Đông, anh Beo xúc động chia sẻ: “Tôi bị mù bẩm sinh nên không giúp được gì cho gia đình, nhiều lúc khó khăn cũng nhờ Ni sư giúp đỡ. Đến khi Ni sư thành lập cơ sở dạy xe nhang và đã ưu tiên cho tôi một suất. Đến tịnh xá vừa được hỗ trợ ăn uống, tiền xe mà còn học lấy cái nghề”. Ngoài anh Beo, còn rất nhiều người có hoàn cảnh tương tự được NS. Tâm Liên tận tình giúp đỡ.

Những việc làm của NS. Tâm Liên đượm tính từ bi, cứu khổ của đạo Phật. Tháng Giêng nắng ấm ở làng biển Vĩnh Châu, tấm lòng vì người nghèo của NS. Tâm Liên thật sự thẩm thấu vào đời sống của từng người dân xứ biển... 

Nguồn: giacngo