Vĩnh Long: HT. Giác Toàn có lời chia sẻ trong Lễ bế mạc Khóa bồi dưỡng trụ trì

Sáng, ngày 27/05/ Bính Thân (01/07/2016), Hòa thượng Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương GHPGVN đã hoan hỷ quang lâm trở về Chùa Long Phước, phường 5, thành phố Vĩnh Long để chứng minh Lễ bế mạc Khóa Bồi Dưỡng Nhiệm Vụ Trụ Trì lần thứ 9 do BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long tổ chức.

boiduongtrutri6

Trong buổi lễ, Hòa thượng đã gởi lời viếng thăm và chúc sức khỏe đến chư Tôn đức trong BTS GHPG tỉnh Vĩnh Long. Việc tổ chức khóa học nhằm trao đổi kinh nghiệm Phật sự với các vị trụ trì để cho sự hiểu biết được tăng trưởng, cũng như ứng dụng và thực hành nơi mỗi tự viện cho được ổn định, như thế thì Phật giáo Việt Nam mới phồn thịnh và có lợi lạc cho chúng sanh.

Và chư Tôn đức đã thừa kế, phát huy lời của Thế Tôn dạy một cách trọn vẹn như trong kinh Đại Bát Niết Bàn: “Các Tỳ kheo! khi nào chúng Tỳ kheo thường hay tụ họp, tụ họp đông đảo với nhau, thời này các Tỳ kheo, chúng Tỳ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Và khi nào chúng Tỳ kheo tụ họp trong niệm đoàn kết, và làm việc Tăng sự trong niệm đoàn kết, thời này các Tỳ kheo, chúng tỳ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.” Chính tinh thần đoàn kết này là yếu tố quan trọng cho đoàn thể, tổ chức phát triển.

Trong thời kỳ đầu, khi đất nước mới thành lập thì Phật giáo cũng gặp nhiều khó khăn về mọi mặt, nhưng các bậc tiền hiền đã không ngại gian nguy, không từ lao nhọc làm cho Phật giáo từng bước đi vào ổn định. Giống như ngoài thế gian, ông bà đi trước chịu khổ cực hy sinh, gánh vác mọi gian nan để cho con cháu sau này được an vui, ấm no, hạnh phúc.

boiduongtrutri5

So với 40 năm trước thì ngày nay Phật giáo đã phát triển, cũng như có nhiều khởi sắc hơn. Và trong thời buổi này, việc làm cần thiết của chúng ta là nỗ lực tối đa để vượt qua chính mình về mọi phương diện, hầu mong đạo pháp mới được thạnh mãn xứng với lời dạy: “Trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng”

Việc tu tập của vị trụ trì góp phần xây dựng nếp sống an lành cho xã hội, như đối với nền đạo đức thì giúp cho con người được hiền lành, thuần lương hơn, còn về từ thiện thì chia sẻ những khó khăn, nghèo khổ đến với mọi người, …

“Trụ pháp vương gia” là ở trong ngôi nhà chánh pháp hằng che chở những tâm hồn thanh lương, thuần khiết cho nên ngôi chùa phải hội đủ Tam bảo uy nghiêm là Phật, Pháp, Tăng như câu nói: “Nơi nào có Phật thì ở đó có Pháp và Tăng, nơi nào có Pháp thì ở đó có Phật và Tăng, nơi nào có Tăng thì ở đó có Phật và Pháp”. Vì thế một vị Tăng trụ trì phải có những đức tánh như đức Phật và tỏa ra hương vị thanh cao của pháp thì Tam bảo được trường tồn vĩnh cửu. Nơi nào có Phật, Pháp, Tăng thì hẳn nhiên nơi đó có kinh, luật, luận.

Vị trụ trì có trách nhiệm thiêng liêng là thọ học, truyền đạt lại để cho tha nhân được lợi ích như Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Tu Bồ Đề, … cũng đều làm theo hạnh nguyện vốn có của mình. Và đặc biệt, các vị trụ trì phải mang theo trong người Phật, Pháp, Tăng – Kinh, luật, luận – Giới, định, tuệ thì cuộc sống bản thân luôn an lành, Phật pháp hằng thạnh mãn.

“Trì Như Lai tạng” là học hỏi, gìn giữ kinh, luật, luận một cách trọn vẹn. Và để nhận biết được người hành trì kinh, luật, luận qua chất từ, bi, hỷ, xả (Tứ vô lượng tâm) được thể hiện bên ngoài. Khi có những tố chất này, vị trụ trì dù ở chùa nhỏ hay to, lớn hay nhỏ, rộng hay hẹp, … cũng làm được lợi lạc cho mọi người. Bên cạnh việc hành trì kinh, luật, luận và có được tố chất từ bi hỷ xả, còn phải trau dồi thêm cho thuần thục bốn đức là thường, lạc, ngã, tịnh thì lời nói, hành động, ý nghĩa đều có đức Phật hay tánh giác soi đường như lời Tổ sư dạy:

“Thân trong sạch ấy là xứ Phật
Miệng trong sạch ấy là pháp Phật
Ý trong sạch ấy là con Phật
Tâm trong sạch tức là Đức Phật.”

Cuối cùng, Hòa thượng chúc sức khỏe đến với chư Tôn đức BTS GHPG tỉnh Vĩnh Long, cầu nguyện cho đạo pháp xương minh, chúng sanh an lành và chúc lành đến toàn thể đại chúng.

boiduongtrutri7          boiduongtrutri2

boiduongtrutri4