Vu Lan - Lễ hội tình người

chameKhi những đóa cúc vàng ngấp nghé khoe sắc trước thềm hoa, những hạt mưa thu lất phất rơi trên từng khóm lá, trời đất trở nên giao hòa, cũng là lúc nhân loại biết rằng mùa thu đã thật sự đến trên mọi miền quê hương, đất nước.

Thoáng chút bâng khuâng, se thắt cõi lòng khi chợt nghĩ về một miền thương nhớ xa xăm, nơi có bóng dáng thân thương, yêu kính của cha và mẹ.

Tháng Bảy là tháng trở về nguồn cội tâm linh,là tháng dành cho những người con hiếu thảo tưởng nhớ, hoài niệm, yêu thương và làm tất cả những gì để tỏ lòng hiếu kính đối với cha mẹ – bậc đã nuôi dạy chúng ta nên người.

Cũng vào những ngày này, cách đây hơn 2.500 năm về trước, Đức Đại hiếu Mục Kiền Liên sau khi tu hành đắc đạo, lòng bùi ngùi thương nhớ mẫu thân, Ngài đã vận thần thông đi khắp các cõi tìm kiếm mẹ. Lòng Ngài quặn thắt khi thấy mẹ bị đọa, bị hành hạ trong cảnh ngạ quỷ đói khát. Dù đã vận dụng tất cả những gì có thể, nhưng Mục Kiền Liên vẫn không giúp mẹ thoát khỏi nỗi khốn cùng:

“… Chua xót căn nguyên đường ngạ quỷ,

Ngẩn ngơ hình phạt chốn u minh,

Bát cơm dâng mẹ nhìn tha thiết,

Hóa lửa, than ôi! Thảm sự tình!”

Đau lòng, Mục Kiền Liên quay lại cõi dương gian, thỉnh cầu Đức Phật tìm phương cứu mẹ. Đức Phật dạy: “Rằm tháng Bảy là ngày Tự Tứ, chư Tăng sau ba tháng An cư kiết hạ, giới hạnh trang nghiêm, thanh tịnh, giới, định, tuệ tăng trưởng, công phu tu tập tròn đầy. Ông nên nương nơi công đức đó, cùng với tấm lòng chí thành chí hiếu, sắm sanh lễ vật cúng dường chúng Tăng. Nhờ vào oai lực của đại chúng cầu nguyện, mẹ của ông sẽ thoát khỏi cảnh ngạ quỷ đói khát, sanh vào cõi an lành Thánh thiện”. Từ đó, lễ Vu Lan Bồn được thiết lập.

Đã hơn 2.500 mùa lá rụng đi qua, dòng thời gian đã trải qua biết bao thăng trầm, suy thịnh; có biết bao lớp người thay nhau xuống lên ba nẻo sáu đường trong tam giới. Vũ trụ mênh mông, thiên nhiên bao la, cả ánh trăng kia cũng từng chứng kiến con người lần lượt ra đi:

“Cổ nhân bất kiến kim thời nguyệt,

Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân”.

(Người xưa không thấy được ánh trăng của ngày nay, nhưng ánh trăng ngày nay đã từng soi thấu đến người xưa ấy)

Ngày nay, khoa học đã vươn đến cung trăng với những nghiên cứu tối tân giúp con người cải tạo cuộc sống…, thế nhưng, vẫn chưa có một nhà khoa học nào tìm ra “Cảnh sống của người đã chết”, ngoại trừ Đức Phật và các vị Thánh Tăng.

Do đó, nhớ lời Phật dạy, với lòng từ hiếu của người con Phật, cứ mỗi độ thu về, mùa Tự Tứ của Tăng-già, mùa Vu Lan hiếu hạnh hay còn gọi là mùa của mẹ của cha, vẫn được Tổ Tổ tương truyền, người người tiếp nối, không bao giờ mất đi và chưa bao giờ phai nhạt.

Vào ngày này, những người con thường tổ chức lễ chúc thọ, cài hoa, dành tặng cha mẹ những món quà kính quý tại tư gia, gọi là chút tình thâm trong muôn ngàn ân đức cao vời đó. Tại các ngôi chùa, tịnh xá, thường tổ chức Đại lễ Vu Lan báo hiếu, bao gồm những nghi thức như: cài hoa hồng, dâng cúng pháp y, cúng dường Trai Tăng, chẩn thí cho người còn sống và những người đã khuất, lập đàn tràng tụng kinh Vu Lan báo hiếu… Mỗi ngôi chùa, tịnh xá là nơi tạo điều kiện để thí chủ gần xa trở về với nghĩa Linh Sơn, với tình cốt nhục, làm điều phúc lành để báo đáp Tứ ân. Trong đó, ân cha mẹ là ân đặc biệt sâu nặng, bởi: “Cha mẹ có nghĩa là duy nhất, một bầu trời, một mặt đất, một vầng trăng. Cha mẹ có nghĩa là mãi mãi, là cho đi không đòi lại bao giờ”.

Trong ngày ấy, từng đóa hồng được cài lên áo anh, áo chị, áo em; không phân biệt ranh giới, màu da, giai cấp…. Ai cũng có quyền nhận cho mình một đóa hồng hiếu kính. Thật hạnh phúc cho những ai đang còn cha, còn mẹ, để hòa cùng niềm vui chung với cuộc đời, đón nhận đóa hồng thắm tươi trên ngực áo. Niềm vui chợt tràn về khi biết cha mẹ vẫn còn đây, xung quanh ta, bên ta và trong tim mỗi chúng ta.

Và thật bất hạnh cho những ai khi đón nhận cho mình đóa hồng trắng buồn man mác. Cha mẹ mất rồi ta như mất cả một bầu trời thiêng liêng, trở thành kẻ mồ côi lạc lõng giữa cuộc đời dâu bể:

“Hoa hồng đó một màu thắm đỏ,

Dành cho ai còn mẹ trong đời.

Và một trắng dành cho ai đó,

Mất mẹ rồi, trọn kiếp đơn côi!”

Và:

“Hạnh phúc nhỉ! Những người còn mẹ,

Còn mẹ, con còn cả đất trời.

Đau xót nhỉ! Những người mất mẹ,

Mất mẹ rồi, mất hết con ơi!”

Do vậy, chúng ta có bổn phận làm tất cả những công đức lành để hồi hướng cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được tăng long phước thọ, an lạc trong cuộc sống. Đồng thời, hồi hướng cho cha mẹ trong bảy đời quá vãng, cho tất cả hương linh, vong linh được siêu sanh về miền tịnh cảnh:

“Tiết đầu thu lập đàn giải thoát,

Nước tĩnh đàn sái hạt dương chi,

Muốn nhờ Đức Phật từ bi,

Giải oan cứu khổ độ về Tây phương”.

Lễ hội Vu Lan – Lễ hội của tình người. Tình của người con dâng lên cha mẹ, tình của người sống hướng về kẻ khuất, như lời của cố HT. Thích Trí Thủ dạy:

“Rằm tháng Bảy, một ngày hội âm thầm của những oan hồn mà sống đã không nói được khát vọng của mình, và chết cũng không có lời để ta thán. Nếu dương gian còn phảng phất một chút tình người, còn tưởng nhớ đến ân tình một thuở, thì một hạt muối và một bát nước trong cũng đủ rửa sạch cái oan khí tương truyền ngàn năm treo ngược” (Nội San Bát Nhã số 5/ 1975).

Qua đó, chúng ta như thấy trái tim mình đang thổn thức bởi những tấm lòng vị tha rộng mở. Thật đáng trân trọng biết bao với ý nghĩa to lớn của ngày lễ Vu Lan – Rằm tháng Bảy. Đây là một lễ hội tình người mang đậm nét nhân văn, đã ăn sâu vào nền văn hóa của dân tộc. Và mong rằng, cho đến ngàn sau, nét văn hóa tốt đẹp này vẫn được lưu giữ, tồn tại và phát triển trong mỗi trái tim người con đất Việt:

“Vu Lan về con xin cài lên ngực,

Đóa hoa hồng báo hiếu mẹ cha.

Tháng bảy mưa ngâu hay nước mắt nhạt nhòa,

Của những đứa con nhớ về cha mẹ”.

TX. Ngọc Phú, ngày 02.06. Giáp Ngọ