Vu Lan vừa qua, dư âm còn đọng lại

Sáng nay, sau bữa điểm tâm với thầy Trụ trì trẻ tuổi của Thiền viện Pháp Thuận ở một vùng đồi núi khá hoang sơ. Con đường nhỏ chạy ngang qua có cái tên dễ thương là Đường Lâu Đài Cổ (Old Castle Road).

Nhàn nhã và thành thơi, người viết những dòng chữ này thưởng thức ánh nắng ban mai, sáng mà không chói, ấm nhẹ pha với tí sương nên vừa đủ ôn độ cần thiết cho cơ thể vật lý.

Người viết nghiêng người chênh chếch trên chiếc võng đong đưa, bên ngoài mái hiên gian hiền thất, dưới tán lá của một cây cổ thụ không tên không tuổi. Tất cả làm cho buổi sáng trở nên đậm chất nguyên sơ của ngàn năm trầm mặc.

Vài con chim ruồi, loại cực nhỏ, lặng lẽ chuyền cành, có lẽ cũng đang thưởng thức làn không khí nhiệm mầu. Tia mặt trời xuyên qua những mảng tơ nhuyễn giăng bâng quơ đây đó, thi thoảng có những sợi to hơn, thẳng hơn, long lanh óng ả hòa quang phản chiếu.

Mầu nhiệm đâu cần những điều phi thường, siêu nhiên và kỳ lạ. Mầu nhiệm đang hiện hữu nơi từng chi tiết thật nhỏ ngay đây. Chỉ cần để tâm lặng lẽ, dứt các phan duyên, trả đôi mắt về với chức năng đơn sơ của nó, trả đôi tai về với chức năng đơn sơ của nó, để mà thấy mà nghe. Mầu nhiệm đang có mặt. Cả vũ trụ đang vận hành. Mắt và tai tiếp nhận được từ cái tầng gần nhất đến cái tầng xa xôi diệu viễn nhất, vũ trụ thiên hà.

Chuyển người, vươn duỗi hết độ dài của xương sống cho đến khi các khớp đạt đến độ dài tối đa. Để yên vài phút cho ánh sáng ban mai thấm vào. Độ thư thái tăng dần lên, tai mắt tinh tường hơn, nghe được cả những tầng âm vực của mênh mông thăm thẳm, nhìn thấy cả những hạt bụi đang rơi của một hiện thực đa tầng. Vài con côn trùng nhĩnh hơn hạt bụi thế mà có đầy đủ lông cánh bay lượn trong nắng sớm. Mầu nhiệm đang có mặt. Thật sự mầu nhiệm đang có mặt, phủ kín mọi chiều của thời gian và mọi điểm của không gian. Con người ta không có thời giờ tĩnh lặng để nghe thấy và độ nguyên sơ tinh khôi để nhận ra mà thôi.

Quỹ đạo bay của hạt bụi là đáng nể. Tốc độ và quỹ đạo bay vừa ngẫu nhiên vừa độc đáo của những con côn trùng nhỏ như hạt bụi là đáng nể. Mầu nhiệm đang có mặt nơi những quỹ đạo xuyên thẳng hay ngoằn ngoèo, ngẫu nhiên bất kỳ hay đã định đặt từ trước, đều đáng nể. Những con côn trùng trở nên kỳ vĩ, những hạt bụi long lanh kỳ vĩ, những sợi tơ lấp lánh kỳ vĩ. Trong thế giới mầu nhiệm kỳ vĩ đó, từng con người chắc chắn cũng kỳ vĩ, có nhận ra hay không có nhận ra mà thôi.

Con người đã làm thay đổi bề mặt quả địa cầu nhiều nhất so với những sinh vật còn lại. Không kỳ vĩ sao được khi con người làm thay đổi bộ diện của bề mặt đại dương với đủ loại thuyền bè và hàng không mẫu hạm; bộ diện dưới mặt nước với tàu ngầm và thủy lôi, cáp quang thông tin các loại; trên bầu trời với các loại máy bay nhanh chậm khác nhau; và trong không gian với những vệ tinh, những phương tiện phi hành và những trạm dừng chân dưỡng sức. Sức chinh phục thế giới bên ngoài đã là kỳ vĩ. Vì sao? Vì mầu nhiệm đang có mặt.

Sức chinh phục thế giới bên trong cũng đã từng và đang là mầu nhiệm. Những thiền giả đỉnh cao ngày xưa đã giải mã thế giới tâm thức. Có những lần giải mã mạnh đến đỗi đã tạo nên những cơn "địa chấn sáu (6) cách", tháo tung xiềng xích từng trói chặt con người hàng nhiều chục ngàn năm để xuất hiện một Sĩ Đạt Ta hiển thánh ở mức độ cao nhất của một lộ trình hiển thánh vĩ đại nhất.

Đã có một Lão tử, một Khổng tử thời cổ đại, một Phật hoàng Trần Nhân Tông thời trung đại với những mức độ hiển thánh kỳ vĩ khác nhau. Mầu nhiệm có mặt, trọn vẹn và tinh khôi. Chỉ có mức độ mở mắt và kiểu lóng tai là khác biệt đủ kiểu mà thôi.

* * *

Người viết chợt nhớ đến Khoa Hoằng pháp, Học viện Phật giáo Việt Nam, Khóa XI. Bây giờ là học kỳ thứ tám của khóa này, tức là học kỳ chót. Mầu nhiệm có mặt, sau giai đoạn ngắn ngủi ngỡ ngàng lạ lẫm thì tình pháp lữ đã chan hòa và càng lúc càng rõ nét.

Hoằng pháp là hoạt động chủ yếu và cốt lõi trong sự nghiệp cứu độ nhân sinh, cho "Âm siêu dương thới", nói theo kiểu tín ngưỡng thờ lạy. Vài hôm nữa là lễ Vu Lan, một lễ hội cũng đậm đặc màu sắc "Âm siêu dương thới". Lễ hội có trọng tâm là chữ Hiếu, một phiên bản có mức độ phá cách của hành trì Phật giáo. Gọi là phá cách vì, nói một cách an toàn hơn, nhà Phật có trọng tâm là chữ Giải thoát. Giữa chữ Giải thoát và chữ Hiếu có một khoảng cách nhất định. Lý tưởng Bồ tát đã thu hẹp và xử lý thành công khoảng cách này về phương diện tư tưởng và cả về phương diện thi thiết triển khai tư tưởng vào hiện thực đời sống hành trì. Mầu nhiệm có mặt, tổng nhiếp và viên dung.

Sự tiếp cận nội dung của lễ Vu Lan có thể chia thành ba tuyến: Tuyến tình cảm thiêng liêng, tuyến đạo đức nhân nghĩa và tuyến tuệ giác siêu việt. Ba tuyến này bổ sung tương tác với nhau để tạo thành một Lễ hội Vu Lan có nội dung toàn vẹn nhất. Tình mẹ con là đại diện tiêu biểu nhất trong thế giới của tình cảm thiêng liêng. Hai sự sống từng là một theo nghĩa vật lý và cảm xúc.

Thuở ấy, con nằm trong bụng mẹ
Đói no, ấm lạnh, hưởng như nhau
Thân con, thân mẹ, thân là một
Cùng một niềm vui, cùng nỗi đau.

Thế mà khi con lớn lên, thông thường của thói đời sẽ diễn ra:
Cha mẹ nuôi con hải hà lai láng
Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.

Khác xa với thói đời là một người con có hiếu:
Mẹ ơi mẹ, tiếng ngọt ngào
Trăm ngàn năm vẫn làm nao cõi lòng.
Cha ơi cha, bóng quê hương
Trời biển rộng vẫn còn thương nhớ hoài.

Tuyến đạo đức nhân nghĩa thể hiện sâu sắc đậm đà trong truyền thống văn hóa phương Đông. Trung tâm của truyền thống đạo đức là chữ Hiếu. Một người không giữ được đạo nghĩa trước sau đối với cha mẹ thì khó có thể tin rằng người đó sẽ giữ được đạo nghĩa trước sau trong những mối quan hệ xã hội khác. Nói gọn hơn, đối xử tệ bạc với cha mẹ thì khó mà đối xử tử tế với người khác. Đối với người đó, chuyện trước sau nhân hậu là chuyện xa vời. Trường hợp một người không giữ được đạo đức tối thiểu đối với cha mẹ thì nguyên lý nhân quả của nhà Phật cảnh giác người đó rằng:

Hiếu thuận hườn sanh hiếu thuận tử
Ngỗ nghịch hườn sanh ngỗ nghịch nhi
Bất tín đản khán diềm đầu thủy
Điểm điểm đích đích bất sai di.

Tuyến trí tuệ siêu việt đã được kinh tạng truyền thống trình bày chuẩn mực và rõ ràng. Kinh Tăng Chi, chương Ba pháp, phẩm Sứ giả của trời nói như sau:

Cha mẹ gọi Phạm thiên
Bậc đạo sư đời trước
Xứng đáng được cúng dường
Vì thương đến con cháu

Do vậy bậc hiền triết
Đảnh lễ và tôn trọng
Dâng đồ ăn đồ uống
Vãi mặc và giường nằm
Thoa bóp cả thân mình
Tắm rửa cả tay chân
Với sở hành như vậy
Đối với mẹ và cha
Đời này người hiền khen
Đời sau hưởng thiên lạc.

Tăng Chi bộ kinh, chương Hai, phẩm Tâm thăng bằng nói như sau: Này các Tỷ kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú cha mẹ an trú vào lòng tin; đối với cha mẹ theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú cha mẹ vào thiện giới; đối với cha mẹ xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú cha mẹ vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác tuệ, khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ vào trí tuệ. Như vậy là làm đủ cho mẹ và cha.

Cốt lõi của chữ Hiếu trong đạo Phật rõ ràng và chuẩn mực như con dấu của đấng quân vương đóng vào cuối trang của mối quan hệ cha mẹ với con cái trong gia đình của nền văn hóa lưu vực sông Indus nhiều ngàn năm về trước. Xuất phát từ nền văn hóa đạo đức đó, đạo Phật lan tỏa theo những tuyến di chuyển và di trú của con người và đã chạm đến một trong những nền văn hóa lâu đời khác. Đó là nền văn hóa lưu vực sông Dương Tử. Hai nền văn hóa đạo đức gặp nhau và đối thoại với nhau.

Chữ Hiếu của Phật giáo và chữ Hiếu của Khổng giáo có độ chênh nhau. Phật giáo tinh tuyền thời xuất phát mà ngày nay gọi tên theo thuật ngữ hóa học hay luyện kim là Phật giáo nguyên chất. Phật giáo nguyên chất có cái nguyên chất hay xương tủy là Giải thoát.

Chữ Hiếu trong đạo Phật nguyên chất vì vậy có nội hàm là phẩm tính giải thoát được thể hiện trong tuyến Trí tuệ siêu việt, vì vậy mà có mức độ xung đột nhất định với chữ Hiếu trong đạo Khổng có nội hàm là tính chất ràng buộc. Giải thoát và ràng buộc vốn là hai từ vựng phản nghĩa với nhau.

Trong đạo Khổng, chữ Hiếu được cường lực hóa, thép hóa và cụ thể hóa bổn phận của người con. Đối nghịch nặng nề với chữ Giải thoát là "Bất hiếu hữu tam vô hậu chi đại". Ý tứ nói rằng bất hiếu có ba cấp độ trong đó một người con không lập gia đình rồi sinh con nối dõi tông đường mà để cho dòng họ phải tuyệt tự là cấp độ bất hiếu cao nhất.

Trong đạo Phật, chữ Giải thoát lại là chữ mở xiềng, tháo khóa, nhà chùa gọi là "đậu hủ hóa" mối quan hệ với gia đình. Lý tưởng hay phẩm tính giải thoát bên này sông với lộ trình "Phát túc siêu phương" bắt đầu bằng hành động cắt ái ly gia. Thực ra đó là cắt rời mối quan hệ mang tính bổn phận đối với gia đình, cắt đi bổn phận đối với cha mẹ, ít nhất là bổn phận "Hữu hậu chi đại". Bổn phận nhẹ nhàng hơn, nói theo chữ nghĩa của Khổng giáo, đó là bổn phận "Thần tỉnh mộ khan" hay sớm thăm tối viếng. Nên nhắc lại rằng vị "hiền triết" mà kinh Tăng Chi vừa nhắc đến trong bổn phận Thoa bóp cả thân mình, tắm rửa cả tay chân, chắc chắn không phải là vị xuất gia giải thoát đúng nghĩa mà là một cư sĩ hàng ngày thoa bóp cả thân mình... tắm rửa cả tay chân cho cha mẹ.

Sĩ Đạt Ta cũng đã khởi động lộ trình Phát túc siêu phương bằng cách cắt đứt một loạt những bổn phận đối với cha mẹ, vợ con, và sự nghiệp mà tổ tiên để lại. Sau khi thành đạo đức Phật có trở về hoàng cung nhưng Ngài trở về với tư cách của bậc đạo sư mang sứ mệnh giáo hóa là chủ yếu và không hề nối lại một cách có thực chất những mối quan hệ đã cắt lìa.

Phía bên kia dòng sông văn hóa, chữ Hiếu của Trung Hoa lại là chổ khởi động của một bậc chính nhân quân tử với chí lớn "Bình thiên hạ". Lộ trình thực hiện chí lớn không có xuất phát điểm là bỏ nhà vượt sông A-nô-ma để vào rừng mà xuất phát điểm là "Tề gia". Tề gia có thể hiểu là đáp ứng đúng và đủ bổn phận trong các mối quan hệ gia đình gồm cha mẹ, vợ con, và sự nghiệp mà tiền nhân để lại.

Đạo Phật muốn vượt qua dòng sông văn hóa cách trở đôi bờ thì đạo Phật phải chuyển mình để làm mờ đi khoảng cách khác nhau giữa cắt và cột, giữa khóa chặt và tháo gỡ, hóm hĩnh một chút, giữa thép hóa và đậu hũ hóa các mối quan hệ. Để làm việc này đạo Phật đã cải biên và sáng tác với ít nhiều phá cách. Đạo Phật đã viết lại tự điển văn hóa, tự điển triết học... (trong quá trình phát triển đây là chuyện mà đạo Phật làm khá thường xuyên). Trước tiên, đạo Phật tháo tung cái khung nhỏ hẹp của chữ Hiếu phong cách Trung Hoa và làm một cái khung mới "to đùng" chứa đựng tất cả sinh linh hiện đời và nhiều đời nhiều kiếp theo phong cách của đạo Phật đã cải biên ít nhiều. Trong cái khung mới của chữ Hiếu, ai cũng có thể là cha mẹ trong vô lượng kiếp luân hồi. Với cái khung mới này, đạo Phật nhận được vô số những cái mĩm cười hoan hỷ. Ông hàng xóm bên này sông, tuổi tác ho sù sụ, mặt nhăn nhó cũng mĩm cười với đạo Phật. Bà góa bụa bên kia sông, tính khí quay quắc, chanh chua, đanh đá cũng mĩm cười với đạo Phật. Vì sao? Vì cả hai đều được đưa vào danh sách cha mẹ "cố tổ" nhiều đời của những người con Phật có tấm lòng.

Hiện thực hóa khung nhìn đó, đạo Phật thiết kế một lễ hội hoành tráng mang đặc nét Trung Hoa, một lễ hội lan tỏa rộng khắp vì có sức lay động lòng người từ hang cùng ngõ hẻm đến phủ đệ vương cung. Nhân vật Mục Kiền Liên xếp lại pháp phục kiểu tam y nhất bát, rày đây mai đó, vô sản ở mức cao nhất, của một vị A la hán để khoác lên chiếc áo của nhân vật chính hay nhân vật trung tâm của lễ hội Vu Lan, có tiền của và có điều kiện. Đó là một đại gia thí chủ với năng lực tài chính và của cải vật chất, đủ để tổ chức một đại trai đàn, chi phí hàng nhiều chục triệu đồng (tùy thuộc vào thời giá và tỷ giá), thỉnh mời hàng ngàn vị tăng. Sứ mệnh mới không phải là hoằng truyền đạo giải thoát nguyên chất một cách trực tiếp mà là phổ truyền chữ Giải thoát một cách gián tiếp ngang qua chữ Hiếu mang nội hàm vào tâm hồn con người theo nghĩa dung thông nhất. Đạo Phật đã thành công, đã vượt qua được dòng sông văn hóa từng ngăn cách đôi bờ. Đạo Phật đã mở toang cánh cửa lòng người và cắm những chiếc rễ tâm linh vững chải vào nền văn hóa Trung Hoa, ảnh hưởng cả một khu vực văn hóa rộng lớn.

Đại lễ hội Vu Lan phá tan cửa ngục xóa tội vong nhân, mở rộng cửa lòng các đấng sinh thành và những người con hiền hiếu. Hơn hết, đại lễ hội Vu Lan đã nối kết giao hòa hai dòng sông văn hóa Ấn-Hoa, tạo thành một chỉnh thể đạo Phật vô ngã vị tha, viên dung vô ngại, tốt đạo đẹp đời, lợi lạc nhân sanh.

* * *

Mầu nhiệm đã có mặt trong từng bước chân thanh thoát của đạo Phật với tinh hoa giải thoát hòa quyện với đức tính vô ngã vị tha. Hành giả nhà Phật chỉ cần mở con mắt thứ ba, con mắt tỉnh thức không rơi vào thiên kiến hai bên thì sự mầu nhiệm ùa vào.

Tiếng chào nhau giữa vị thầy trụ trì trẻ tuổi và một nhóm huynh đệ Phật tử ở tuổi lục tuần vang đến khiến người viết rời khỏi dòng chảy của câu chữ và quay về tiếp xúc với thế giới tương giao giữa những người pháp lữ. Ngẫu nhiên và kỳ diệu, nhóm năm (5) huynh đệ Nhuận Châu, Nhuận Hiếu, Thiện Bảo, Chơn Văn và Như Tâm đã không hẹn mà gặp lại nhau ở một nơi đáng được gọi là "chân trời góc bể", "hoang sơ lạc hậu", của một đất nước văn minh bậc nhất. Người viết đứng lên chỉnh sửa chăn áo, chào hỏi và châm trà. Câu chuyện bắt đầu râm ran, trong đó có câu chuyện về những điều mầu nhiệm mà người viết vừa mới trải trên mặt giấy trắng tinh khôi.