Xuân về trong đời tôi

Cánh én nhỏ chao liệng trên bầu trời như báo hiệu mùa đông đã đi qua, nhường chỗ cho ngày xuân lại đến. Một lần nữa, xuân lại về với đạo tràng Tịnh xá Ngọc Tân thân yêu. Thời gian như ngừng trôi, không gian như lắng động, để cho những tâm hồn lặng lẽ, luôn hướng về Đấng Từ Phụ, có dịp để trải lòng, cảm niệm về mùa xuân bất tận.

ntan longan 1

Mùa xuân trăm hoa đua nở, biểu hiện một cái gì đó vui tươi, tràn đầy sức sống. Ngày xuân đầu tiên của tôi là ngày tôi vừa đặt chân đến Tịnh xá Ngọc tân, ngày mùng 1 tháng 2, ngày kỷ niệm Đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, cách đây đã hơn hai mươi năm. Tịnh xá Ngọc Tân đón nhận và ươm mầm giải thoát cho một sinh linh bé nhỏ, vừa ngoi lên khỏi mặt nước bùn lầy của vô minh đen tối. Cũng kể từ đó đánh dấu một sự biến chuyển lớn trong một cuộc đời.

Năm đó mái tóc tôi không còn dài nữa, và lớp áo nâu sòng hoại sắc là lẽ sống của đời tôi. Tôi hân hoan và vô cùng hạnh phúc khi được sanh ra trong ngôi tịnh xá này, được bậc Thầy đầy đức độ, từ bi và trí tuệ giáo dưỡng. Ngài rất bình đẳng và nối tiếng là giới luật tinh nghiêm. Huynh đệ chúng tôi trên hai mươi vị, không ai được lớn tiếng với ai,…. mỗi người đều sống trong giới luật, lấy giới luật làm Thầy. Ngài từng dạy: “Phải giữ gìn giới luật, oai nghi đạo hạnh, vì có giới mới năng sanh định, có định mới năng phát huệ, có huệ mới minh tâm kiến tánh thành Phật”.

ntan longan 2Thầy giữ vững giềng mối của đạo, dạy Ni chúng đi bát ăn tu, khất thực mỗi ngày, tu tập thiền định, không học giáo lý mênh mông, cần cầu chân lý. Thầy nói: “Chính quyển Chơn Lý là bộ xương của Đức Tổ sư để lại, phải theo đó mà thực hành, nhất định sẽ thành công đắc quả”. Niềm tin của Thầy đối với giáo pháp Khất Sĩ không gì có thể lay chuyển được. Thật là một niềm tin kiên cố và bất động.

Những ngày sau đó là cảnh thiên đường cực lạc, những nghịch cảnh không là gì đối với chí nguyện lớn lao mà tôi hằng ấp ủ. Vì khi còn là cư sĩ, vừa xếp lại trang sách học trò, từ giã thầy cô, bạn bè và mái trường nhiều kỷ niệm, tôi hữu duyên gặp được “Ánh đạo vàng”. Tôi vô cùng khát ngưỡng giáo pháp, có một động lực vô cùng mạnh mẽ thúc giục, đẩy tôi đi, đi tìm sự bình an nội tại. Nhưng đời sống tại gia bận bịu, không thể sống trọn vẹn cho lý tưởng của mình, tôi ước mong sao mình được xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình, sử dụng hết thời gian cho sự tu tập. Đáp lại sự mong mỏi đó, ba năm sau được sự đồng ý của ông bà thí chủ (ba mẹ của tôi), ước nguyện của tôi được thành tựu. Mặc dù sự ra đi gặp nhiều trắc trở, nhưng tôi cảm nhận Phật trời đã gia hộ, giúp cho tôi hoàn thành chí nguyên của mình.

Khi được cắt mái tóc xanh, quy y cửa Phật là mùa xuân lần thứ hai trong cuộc đời tôi. Tôi được nhập chúng tu học, trở thành sư đệ ngoan hiền, được các sư huynh thương yêu dìu dắt, mỗi cử chỉ hành động đều cố gắng không để cho sai lầm, thiếu sót. Nếu như trong huynh đệ có sơ thất điều chi, khi Thầy quở trách là tôi chú ý lắng nghe, nghe thật kỹ để biết điều đó là điều không nên làm. Tôi khắc kỷ từng ngày chuyên tâm tu tập. Mặc dù vậy, nhưng vì nghiệp dày phước mỏng, tâm bất giác, thất niệm là điều không tránh khỏi, nên đôi khi tôi cũng vi phạm lỗi lầm. Được Thầy chỉ dạy đó cũng là điều hạnh phúc lớn lao.

Trải qua thời gian không bao lâu, tôi được đắp y mang bát, đây là mùa xuân lần thứ ba của tôi. Một cảm giác lâng lâng khó tả lan tỏa trong tâm hồn. Giờ đây, tôi có thể vững vàng, tiến bước trên con đường mình đã chọn. Tôi đã làm cho mọi người đặt niềm tin, nhất là bà thí chủ của tôi, trải qua một thời gian dài phập phồng lo sợ. Bà sợ tôi cực khổ, không theo nổi quy luật của chùa mà thoái lui rồi hàng xóm chê cười. Vì trước đó quê tôi có nhiều người đi tu, nhưng vì không thắng phục được nghiệp lực, họ xa rời đoàn thể, chẳng còn thiết tha với đạo. Họ trở lui cuộc sống thế tục và hành xử rất ư là thế gian. Bà thí chủ không hiểu đạo nhiều, nên rất lo cho tôi. Hôm nay, tôi đã được đắp y mang bát, dầu chỉ là Sa-di nhưng tôi có thể chứng minh cho bà thí chủ thấy quyết tâm của mình và trong lòng thầm nói rằng: “Bà hãy an tâm, con không làm bà thất vọng”.

ntan longan 3Vài ngày sau đó tôi được dạy đi trì bình khất thực, niềm vui lại đến, mùa xuân lại về với tôi. Mùa xuân đối với những tâm hồn bé nhỏ, đang tập làm sứ giả của Như Lai. Vị đầu tiên dẫn tôi đi là Thầy phó (NT. Hạnh Liên). Tôi đã được dạy rất kỹ từ cách lấy bát ra, ôm bát như thế nào, để bát vô làm sao. Không những thế, từ ánh mắt, bước đi, từ cái giở nắp bát ra để nhận thức ăn… cũng được tập kỹ lưỡng từ những hôm trước. Buổi sáng đó tôi bước đi rất ung dung nhẹ nhàng. Tôi nhớ tấm gương của Ngài A-sa-di (Mã Thắng), một trong năm anh em Kiều Trần Như, vị Tôn giả này với dáng đi thanh thoát đã cuốn hút, thâu phục Xá lợi-phất đến với Tăng đoàn Đức Phật. Suốt thời đi bát tôi luôn chánh niệm, thu thúc lục căn, cắt bỏ tất cả những gì còn gắn với ngã, ngã sở, bủa tâm từ đến tất cả chúng sanh. Tôi cảm thấy hạnh phúc, thảnh thơi, khỏe nhẹ trong tâm hồn.

Đến năm 1995 tôi được đắp y Thức-xoa, năm 2000 tôi được lên giới Tỳ-kheo-ni. Mỗi lần được đắp y lên giới là một mùa xuân lại đến. Cứ mỗi lần như thế, tôi nguyện sống xứng đáng với chiếc y mình đã mang, sống trọn vẹn với giới thể mình đã nhận. Thời gian thấm thoát trôi, tôi lớn dần trong giáo pháp. Một ngày kia, Thầy dạy huynh đệ nhỏ chúng tôi thay phiên nhau thuyết giảng. Được Thầy dạy nói pháp, ấy cũng là niềm vui của tôi. Mặc dù rất sợ nhưng chúng tôi cũng cố gắng hết mình, quyết không cô phụ kỳ vọng của Thầy dạy dỗ. Như những chú chim non vừa tập bay tập hót, tất cả đều được sự đỡ nâng của Thầy. Và chúng tôi đã có những bài pháp cho những Phật tử sơ cơ trong những buổi lễ Trai Tăng nhỏ và cũng kể từ đó tôi dạn dĩ thêm lên.

Mười bốn năm bên Thầy, mười bốn năm hạnh phúc. Cứ tưởng rằng Thầy còn trụ thế với chúng tôi. Thế nhưng, Phật đã dạy rồi: “Không có gì tồn tại mãi với thế gian”. Định luật vô thường khắc nghiệt đã cướp đi người Thầy kính yêu của tôi. Thầy đã sống trọn vẹn cho lý tưởng giải thoát. Hôm nay Thầy đã về với Phật, về bên Đức Tổ sư, nhưng tôi cảm thấy như mất đi một cái gì đó, quý báu nhất trên cuộc đời. Ngày viếng tang Thầy, chư Tôn đức Tăng Ni cùng Phật tử rất đông, chật cả tịnh xá, nhưng sao tôi như cảm thấy, mình lạc lõng giữa chốn không người. Huynh đệ chúng tôi lặng lẽ đứng bên kim quan, mặc tình cho những giọt nước mắt lăn dài trên má. Huynh đệ chúng tôi tự hứa với lòng rằng: biến đau thương thành nguyện lực, hãy sống xứng đáng, noi gương Thầy, tiếp tục đi trên con đường Thầy đã từng đi, hành trì những gì Thầy đã từng hành. Nương tựa chư Tăng để được nghe lời giáo huấn.

Thầy trưởng đã ra đi, Thầy phó cũng là vị giúp cho tôi trưởng thành khôn lớn trong đạo. Mặc dù, Ngài không dạy như Thầy trưởng, nhưng thân giáo của Thầy phó cũng là bài học không lời đối với cuộc đời tu tập của tôi.

Thầy trưởng rất trung thành với bộ Chơn Lý, nên huynh đệ chúng tôi không được phép vào một trường Phật học nào. Biết ý Thầy, không ai dám xin đi học. Đến khi Thầy về với Phật, tôi muốn kiểm tra lại sự thấy biết của mình, xem có trùng với ý của các bậc Tôn túc Giáo thọ hay không, tôi muốn được đến trường. Thế là tôi được phép đi. Tám năm nương trường Phật học, tôi cũng tiếp thu nhiều điều quý báu, nhưng bộ Chơn Lý vẫn là pháp bảo quý giá nhất trong đời tôi. Nói đến đây tôi chợt nhớ lại mỗi buổi chiều đọc Chơn Lý, có lần Thầy hỏi tôi: “So với những băng giảng của quý Thầy giảng sư và những lời dạy trong Chơn Lý này, con thích nghe cái nào hơn?” Tôi đáp rằng: “Con thích nghe Chơn Lý, vì đây là pháp hành, thực tế, giải thoát hiện tại”. Thầy gật đầu cười nhẹ như tỏ ý bằng lòng.

Gần mười năm trôi qua, mặc dầu vị Thầy kính yêu không còn nữa, nhưng tôi cứ ngỡ là Thầy vẫn còn đó, những lời dạy của Thầy vẫn còn văng vẳng bên tai. Ân giáo dưỡng của Thầy như trời cao biển rộng, dù có nỗ lực đến đâu cũng không sao đền đáp được. Tôi nghe như đâu đó có lời thơ rằng:

“Biển sâu chứa đựng ân dầy,

Trời cao bàn bạc lời Thầy dạy khuyên”.

Mỗi khi tôi đến nơi nào mà Thầy đã từng đến, là tôi liên tưởng đến Thầy, dáng đi của Thầy, lời nói của Thầy, nụ cười của Thầy, sao mà từ bi quá. Tôi có cảm giác Thầy ở bên tôi. Mỗi lúc gặp những việc khó khăn, tôi đều hết sức cố gắng và tin tưởng rằng: mình sẽ làm được, quả nhiên cũng đúng như vậy. Tôi tự nghĩ có lẽ Thầy đã gia hộ cho tôi, chư Phật, chư Tổ cũng thầm gia hộ cho tôi.

Giờ đây, tôi đã trưởng thành đôi chút. Tôi nguyện đem tất cả sự hiểu biết của mình chia sẻ cho người, nhất là những người hữu duyên để họ được hiểu phần nào Phật pháp, để cuộc đời bớt đi khổ đau, tìm được nguồn hạnh phúc. Tôi nguyện nối tiếp các bậc Tôn đức, bước đi trên con đường xả kỷ vị tha để đắp bồi công đức cho mình, vun trồng công đức cho người theo tinh thần tự độ, độ tha. Thực hiện lời dạy của Đức Tổ sư: “Vừa là tự mình đi tới, và dắt lần những kẻ khác cùng theo, cho đúng theo lẽ trước sau thời gian khách tạm vô thường vô ngã”.

Những năm gần đây, Ban Quản chúng Ni thống nhất mở ra những khóa học, khóa tu cho Ni chúng. Tôi được dịp cùng huynh đệ trong giáo đoàn, cùng nhau sống chung tu học, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong sự học sự tu, cùng dắt dìu nhau tiến bước, theo đúng như lời Đức Tổ sư Minh Đăng Quang chỉ dạy: “Cái sống là phải sống chung, cái biết là phải học chung, cái linh là phải tu chung”. Có sống chung tu học mới có sự trải nghiệm. Mỗi lần chiến thắng được tâm mình là mùa xuân lại đến, đạt được một ý pháp là mùa xuân lại về. Xuân đến, xuân về, cứ như thế mà vui xuân. Xuân ngoài thiên nhiên, xuân trong tâm hồn, quả là những ngày xuân bất tận.

ntan longan 4

Thật vậy:

Xuân về cây cỏ sum suê,

Lá hoa khoe sắc xinh tươi muôn màu.

Xuân lòng hơn hẳn xuân nao,

Thân tâm thường lạc xuân nào vui hơn?