Xuân về

 Kìa đoàn người nô nức đến chùa lễ Phật, cầu cho mưa thuận gió hòa; cầu sức khỏe, bình an, thành đạt, hạnh phúc,… Vậy bất hạnh, thất bại,… sẽ luôn đến với ai chẳng cầu xin chăng? Trong cuộc sống nhân thế, ai dám chắc mình mãi hạnh phúc, ai không hy vọng mình chẳng khổ đau? Nhưng nào ai chẳng có vui buồn lẫn lộn, như ngày qua rồi, đêm lại đến thôi.

Thời Phật còn tại thế, thanh niên Subha đã hỏi Thế Tôn: “Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, duyên gì, giữa loài người với nhau lại có người liệt, có người ưu? Có người đoản thọ, có người trường thọ? Có người nhiều bịnh, có người ít bịnh? Có người đẹp sắc, có người xấu sắc? Có người trí tuệ kém, có người trí tuệ đầy đủ? v.v…”. Thế Tôn đáp: “Này thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp. Nghiệp là thai tạng mà từ đó con người được sanh; nghiệp là quyến thuộc, là nơi nương tựa. Nghiệp phân chia các loài hữu tình, nghĩa là có liệt, có ưu. Ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay đàn ông sát sanh tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại. Do nghiệp ấy, khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, địa ngục. Ở đây, khi mạng chung nếu được đi đến loài người, chỗ nào nó sanh ra, nó phải đoản mạng. Nhưng nếu có người đàn bà hay đàn ông từ bỏ sát sanh, có lòng từ, sống thương sót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh. Do nghiệp ấy, khi thân hoại mạng chung, được sanh vào thiện thú, thiên giới ở đời. Ở đây, khi mạng chung nếu nó đi đến loài người, chỗ nào nó sanh ra, nó được trường thọ v.v…[1]

Vậy là mọi sự khác biệt nào do chư Phật hay thần linh định đoạt, ban phát được đâu! Chính ta mới là cứu tinh của ta. Cổ nhân đã dạy: “Tác nhân kết quả, vô sở đảo dã”, dịch thoát là: Gây nhân thành kết quả rồi / Vái cầu lễ lạy bồi hồi uổng công. Và “Dục hữu tương lai, mạc tác thất đức” (Tương lai muốn có an lành / Đừng làm thất đức mới thành ý mong).


Thanh niên Subha hỏi đức Phật do nhân duyên gì

giữa loài người có liệt có ưu, có đoản thọ trường thọ

Xuân về, từ nữ hoàng các loài hoa đến những em cỏ dại, đều xênh xang trong cánh áo mới để đón chào lữ khách viếng thăm. Nhưng,… bao mầm non trên cành như trẻ thơ cần nguồn sữa mẹ, đã rời cành, lịm dần sức sống để thỏa lòng những người muốn nhận lộc Trời đất ban cho. Nếu dựa theo lời Phật dạy: “Tất cả tài vật có chủ, dầu là của quỷ thần hay của kẻ giặc cướp, nhẫn đến một cây kim, một ngọn cỏ đều không được trộm cướp…”[2] thì chúng ta đã vô tình trở thành kẻ “trộm cướp”. Bạn ơi, xin để dành những chồi non, những bông hoa xinh đẹp trên cành, cho tôi vui ké niềm vui của bạn, cho muôn loài vạn vật giữ nét xuân sang.

Xuân về, nỗi nhớ quê nhà lại trỗi dậy mạnh mẽ trong lòng những người con xa xứ. Năm năm, mười năm,… rồi cả vài chục năm, vẫn chỉ là mong chờ! Không ít người như thế, tại Sài thành – nơi lượng người nhập cư vì mưu sinh ngày càng tăng. Ôi, pháo hoa bạc tỷ kia giá mà bắn ra thành những tiền xu, rơi xuống đất cho những người già không nơi nương tựa, cho những công nhân xa cả con thơ lên đô thành kiếm sống, cho những người vừa thất thế làm ăn,… để họ cảm nhận một mùa xuân hoan hỷ!

Đâu đó trong đêm khuya tĩnh lặng, bao em bé mồ côi đã nhờ hơi ấm mùa xuân sấy khô nhanh chiếc áo đẫm mồ hôi, khi tất bật đánh giầy cho khách vui chơi. Và làn gió nhẹ cũng khẽ vuốt hờ lên mái tóc, bờ vai, của những cô gái chờ “trao tình” cho kẻ “muốn thân”.

Xuân về, bao người trong số chúng ta sẽ quỳ dưới chân Phật đà hay Thánh nhân để cảm niệm ân đức của Người, để ôn lại đức hạnh của Người và thầm nguyện nối gót Người đã đi? Nguyện luôn tinh tấn học và hành theo những lời Người đã chỉ dạy?



[1] Kinh Phân Biệt Tiểu Nghiệp số 135, Trung Bộ Kinh, tập 3, HT. Thích Minh Châu, tr.360

[2] Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới – HT. Thích Trí Tịnh dịch, NXB Tôn giáo, tr. 20 – 21.