Ý nghĩa An cư kiết hạ

A. DẪN NHẬP

Trong cuộc sống, không ai không mong muốn nối nhịp cầu bằng hữu tương giao hay vun đắp tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình, cũng như xã hội. Một quốc gia sở dĩ được vinh dự đứng trên trường quốc tế, được yên ổn sống trong khung cảnh hưng thịnh, phú cường là nhờ ở nơi đó có những người công dân có lương tâm, có hiểu biết và biết thực hành các nghĩa vụ của chính bản thân mình. Một gia đình đầm ấm cùng sống trong sự hòa thuận, tin yêu, vui vẻ không thể không đòi hỏi các nghĩa vụ của từng thành viên trong gia đình đó. Cũng vậy, trong Phật giáo, đức Phật của chúng ta đã chế định pháp An cư kiết Hạ cũng không ngoài những lý do trên nhằm để chúng đệ tử có dịp sống chung tu học, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, được sự sách tấn của bạn đồng tu mới trở nên con người “thành nhân chi mỹ”, đem lại sự tốt đời đẹp đạo, tăng thêm vẻ đẹp cho Tăng đoàn.

Phat Ancu

B. NỘI DUNG

I. KHÁI NIỆM VỀ AN CƯ VÀ NGUYÊN NHÂN PHẬT CHẾ PHÁP AN CƯ

1. Khái niệm về An cư kiết Hạ

An cư kiết Hạ: Tiếng Phạn là Varsika, Pàli là Vassa, Hán dịch là vũ kỳ, hạ an cư, vũ an cư, tọa hạ, hạ tọa, kết hạ, tọa lạp, nhất hạ cửu tuần, cửu tuần cấm túc, kết chế, kết chế an cư; đây là một truyền thống được duy trì liên tục trong Phật giáo. Đó là khoảng thời gian ba tháng, hàng đệ tử xuất gia sống tập trung cố định thành những hội chúng trong các trú xứ.

Theo Luật Tứ phần san bổ tùy cơ yết-ma, quyển 4 giải thích như sau: “Thân và tâm tĩnh lặng gọi là an. Quy định thời gian ở một chỗ gọi là cư”.[1]

Về thời gian bắt đầu An cư, từ ngày 16 tháng 4 al theo Phật giáo Bắc tông, còn theo truyền thống Nam tông xác định ngày mùng 1 của tháng Asàlha (chính là ngày 16 tháng 6 al).

2. Nguyên nhân Phật chế định pháp An cư kiết Hạ

Theo Tứ Phần luật 37, An cư ký đệ, nhân duyên Phật chế định An cư là do có một số Tỳ-kheo, nhất là nhóm 6 Tỳ-kheo du hành trong mùa mưa, khiến dân chúng than phiền: “Các Sa-môn Thích tử du hành trong mùa lạnh, mùa nóng và cả trong mùa mưa. Ngay cả các du sĩ ngoại đạo hằng năm vẫn có 3 tháng ở cố định trong mùa mưa, những con chim sau khi làm tổ trên ngọn cây cũng sống cố định trong mùa mưa. Còn các Sa-môn Thích tử lại du hành trong mùa mưa, các vị ấy đã giẫm đạp lên cỏ xanh, đang làm hại mạng sống của các loài côn trùng”. Do sự than phiền của quần chúng, đức Phật khuyến giáo cho chư Tăng phải có ba tháng An cư vào mùa mưa. Ngoài vấn đề tránh dẫm đạp côn trùng sinh sôi nẩy nở, thể hiện lòng từ, ba tháng An cư còn có ý nghĩa các Tỳ-kheo phải giáo giới lẫn nhau, chỉ điểm và sách tấn nhau, t húc liễm thân tâm, trao dồi Tam Vô lậu học.[2]

II. MỤC ĐÍCH AN CƯ KIẾT HẠ

Tập sống chung tu học

Ngạn ngữ nhà Thiền có câu: “Tăng ly chúng Tăng tàn, hổ ly sơn hổ bại”. Thật đúng như vậy, sống chung tu học trong một tập thể luôn luôn mang lại rất nhiều lợi thế cho chúng ta. Trong kinh Trường bộ, đức Phật đã dạy: “Này các Tỳ kheo! Khi nào chúng Tỳ kheo tự thân an trú chánh niệm, các bạn đồng tu chưa đến muốn đến ở, và các bạn đồng tu thiện chí đến ở, được sống an lạc, thời này các Tỳ kheo, chúng Tỳ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”.[3] Nếu chúng ta có điều kiện ra riêng thành lập một cái thất ở một mình, tự do muốn làm gì cũng không ai nói, không ai sách tấn cho mình, còn ngược lại, sống chung trong chúng tu học tập thể, tuy mình mất tự do về mọi mặt từ sự sinh hoạt tu học hằng ngày nhưng bù lại là được trao rèn, gọt giũa để chúng ta thanh lọc cái sở ý riêng, loại bỏ đi cái bản ngã thấp hèn của mình. Ở thất một mình nếu không có tinh thần tự giác cao độ, ta sẽ dễ dàng bị cuốn trôi bởi thói tự do phóng túng muốn ăn thì ăn, muốn ngủ thì ngủ không có thời khóa quy định, lại còn không có cơ hội để học hỏi những điều hay lẽ phải nơi người khác. Có sống chung mới có va chạm, có sống chung mới giúp mình nhận biết được sức chịu đựng nhẫn nhục của mình đến đâu. Chúng ta cứ hình dung ví như: “Để trở thành cây kiểng có giá trị trong mắt mọi người thì cây ấy phải chịu sự cắt tỉa chăm sóc từ bàn tay nghệ nhân, nếu không thì nó chẳng khác gì những cây trong rừng mọc cành lá sum xuê tự do nẩy cành sanh nhánh”. Cũng vậy, người xuất gia chúng ta không có cơ hội sống chung tập thể, không được sự quan tâm, không được sự xây dựng của chúng bạn đồng tu, chẳng khác nào loài cây rừng chỉ lớn cao um tùm cành lá không trở thành cây kiểng đẹp được. Trong chúng tuy có những ánh mắt liếc ngang, liếc dọc, tuy có những lời mỉa mai chua chát của những người chung quanh làm cho mình phiền lòng, nhưng đó mới là điều mà ta cần giữ hạnh tu tập mỗi ngày.

Xây dựng tinh thần Lục hòa cộng trụ

Khi nói đến câu “Lục hòa cộng trụ” là chúng ta hình dung về một tổ chức tập thể sống chung, làm chung, ăn chung, ở chung, trong đó mỗi người đều ý thức tinh thần Lục hòa đứng đầu. Nếu tổ chức ấy thiếu đi tinh thần Lục hòa, sớm hay muộn cũng bị phân hóa. Tinh thần Lục hòa là chất keo, là nhựa sống nối liền những tâm hồn cùng hướng chung một mục đích. Nếu cùng một trú xứ mà không có tình yêu thương hòa thuận, trú xứ ấy không duy trì lâu dài hoặc có duy trì thì cũng chỉ là hình thức hay vì một lý do bất khả thi nào đó.

Nếu chư Tăng, chư Ni sống chung trong một ngôi chùa hoặc tịnh xá có tinh thần hòa hợp, Phật pháp truyền bá rất dễ dàng. Chúng ta chỉ cần thân giáo cũng đã đủ chưa nói đến việc thuyết pháp cho Phật tử nghe. Chỉ cần nhìn thấy nếp sống của chư Tăng Ni, trên dưới hòa thuận vui vẻ, họ liền quý mến. Nếu như chúng ta thuyết pháp hay, người nghe nể phục, nhưng khi họ tới chùa mình thấy lục đục, kẻ phiền người giận, tất nhiên Phật tử sẽ thối Bồ-đề tâm. Thế nên, trọng tâm của người tu, dù không giỏi nhưng khéo sống đúng với tinh thần Lục hòa của đạo Phật, việc tu tập sẽ được tiến triển. Đồng thời, giúp cho tín tâm Phật tử ngày càng sâu đối với Tam bảo, nhất là Tăng bảo. Nếu chúng ta không tập sống Lục hòa, sự tu chỉ có hình thức thôi, niềm an vui lợi lạc không được bao nhiêu.

III. LỢI ÍCH CỦA VIỆC AN CƯ KIẾT HẠ

Giúp hành giả soi sáng bản thân

Thông thường trong một hội chúng đông cùng tu học luôn luôn có những việc bất như ý xảy ra mà việc giúp cho thành công không phải ít. Do đó để tốt hơn ta nên lấy cái sai cái quấy của người làm bài học cho mình tránh né, lấy cái tốt cái hay của người làm hành trang tư lương cho chính mình. Để giúp mình soi sáng bản thân thì hành giả ấy phải trang bị cho mình đức tánh tự giác cao độ, nhẫn nhục, khoan dung… Đôi khi thấy người thành công mình lại có tâm hiềm khích, thấy người thất bại mình vui cười trên nỗi đau khổ của họ. Đây là tâm ích kỷ nhỏ nhoi nên tránh, mà phải tâm niệm “xin cho con vui sướng khi thấy người thành công và tích tạo phước lành như chính con làm được”. Hễ sống chung một người là ta có một đề mục để soi sáng, sống chung 2,3,4,5 người, ta có đến 2,3,4,5, điều để soi lại bản thân ta. Ngược lại ta ở một mình, ra vào một mình không va chạm với ai, lấy ai soi sáng lỗi lầm. Sở dĩ đức Phật thành Chánh đẳng Chánh giác là Ngài trải qua bao thử thách cam go trong cuộc đời mới có ngày thành đạo. Ngài cũng gặp Ma vương quấy phá, bị ma nữ cợt trêu, ngoại đạo hiềm kích, v.v… Nhờ đó, Ngài mới hàng phục nội ma ngoại chướng, thanh lọc thân tâm đắc thành Chánh giác.

ACNDiem 10

Học hỏi chia sẻ kinh nghiệm

Có lẽ ai cũng cảm nhận được câu nói nhân gian rằng: “Học thầy không tày học bạn”, hay câu: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” quả thật là thâm thúy. Con người sống trên đời dù là hữu tình hay vô tình cũng không ai có thể tự lập mà sống. Do đó, sự học hỏi sách tấn của bạn bè luôn là động lực thúc đẩy cho ta tiến bước.

Ở trong chúng, hạnh lắng nghe cần nên phát huy. Các sư tỷ, sư huynh phải thường xuyên giao lưu và lắng nghe tâm sự của những vị sư em. Có lúc quý Ni trưởng, Ni sư cũng đóng vai trò như người bạn để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của chúng đệ tử. Trong thực tế chúng ta thường thấy, có những chuyện người đệ tử không dám nói với sư phụ mình về những tâm tư tình cảm của mình mà chỉ nói với bạn bè huynh đệ đồng tu. Vì nói với Thầy Tổ hay người trong cùng trú xứ sợ bị la rầy quở trách, nói với bạn đồng tu có thể sẽ thoải mái hơn, không phải lo sợ bị trách mắng. Phàm làm người, không ai không phạm sai lầm, chúng ta cũng vậy, làm người phải có lòng khoan dung, biết tha thứ cho người những lúc phạm lỗi lầm. Điều quan trọng là chúng ta phải làm thế nào giúp họ biết được điều họ làm là sai trái và không bao giờ tái phạm, đó mới là việc làm đúng đắn.

Lòng khoan dung của người lớn giúp cho họ hun đúc được tính tự giác và tinh thần trách nhiệm trước mỗi hành động của mình. Thay vì chối cãi, không chấp nhận lỗi về mình để tránh bị hình phạt, nhân sự ấy có tinh thần tự giác cao độ biết tự sửa đổi lỗi lầm. Nhập Hạ An cư sẽ có điều kiện cho những vị tân, cựu Tỳ-kheo có cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm của chư vị Tôn túc truyền trao để hàng hậu học lấy đó làm hành trang cho mình trên bước đường tu học.

Sách tấn cho nhau trên bước đường tu học

Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta gặp được bạn lành bạn tốt. Sở dĩ xung quanh ta hiền lương thì ít mà dữ ganh thì nhiều, là do ta không có duyên may để gặp thiện tri thức. Như trong kinh Pháp cú, đức Phật dạy: “Người ngu dầu trọn đời, thân cận bậc hiền trí, không biết được Chánh pháp, như muỗng với vị canh[4]. Vậy nên trên bước đường tiến thân, cơ hội tốt gặp được bạn đồng tu gặp được thiện tri thức rất quý báu. Tham dự khóa An cư là một cơ hội may mắn để chúng ta xích lại gần nhau hơn, được gặp nhiều thiện tri thức. Một mùa An cư trôi qua để lại cho ta rất nhiều kỷ niệm thân thương. Ba tháng An cư không nhiều cũng không quá ít là cơ hội để mỗi chúng ta tiến tu Tam Vô lậu học. Ba tháng ấy là thời gian cho chúng ta được tận hưởng suối nguồn pháp âm vi diệu từ chư vị Tôn túc Giáo thọ sư, từng lời nói, từng cử chỉ của chư huynh đệ,… và rồi cũng từ nơi đó, chúng ta học hỏi được nhiều điều mới lạ. Người xưa có câu: “Trăm nghe không bằng mắt thấy”. Học nhiều sách vở không bằng nhìn thấy người làm. Thế nên, khi được sống chung tu học, chúng ta hãy tranh thủ tận dụng thời giờ quý báu ấy để trang nghiêm tự thân, trang nghiêm đạo tràng. Một vần thơ, một mẩu chuyện nhỏ, một đoạn văn cảm nhận từ nơi ba tháng tu tập được đúc kết nhân ngày bế mạc, gởi vào kỷ yếu, sẽ là lời pháp nhủ gởi lại bạn hiền khi về trú xứ, ít nhiều cũng khích lệ cho nhau tiến tu trên con đường giải thoát.

IV. CẢM NIỆM VỀ BA THÁNG AN CƯ

Qua ba tháng học tu cùng đại chúng, chúng con nhận thấy rằng: Chúng con còn quá nhiều yếu kém, đồng nghĩa với việc không thể tự mình bước đến đỉnh cao của sự thành công nếu không có sự dìu dắt, dạy dỗ ân cần của chư vị tiền bối, của bạn bè đồng phạm hạnh, tình pháp lữ như sữa hòa với nước. Chúng con nguyện toàn tâm, toàn ý phấn đấu, nỗ lực để không phụ công ơn dưỡng dục của cha mẹ, công lao dạy bảo của Tổ Thầy và những lời sách tấn khuyên dạy của chư Giáo thọ sư, quý Ni trưởng, quý Ni sư đã giáo hóa chúng con trong tinh thần vô ngã, vị tha. Chúng con nguyện khắc cốt ghi tâm và y giáo phụng hành. Đây là một bài học chúng con vô cùng trân trọng và muôn vàn thành kính tri ân đến chư Tôn đức trong ban lãnh đạo đã tạo điều kiện trợ duyên để cho hàng hậu học trong ba tháng An cư được học pháp từ các bậc Tôn túc và có cơ hội ngồi lại với nhau trao đổi sách tấn cho nhau trên bước đường tìm về bến giác.

ACNDiem 22

C. KẾT LUẬN

Ba tháng An cư kiết Hạ sống chung tu tập, chúng con được nghe pháp âm từ chư vị Tôn túc, Giáo thọ sư, được sống chung, học chung, hạnh phúc này nói sao cho hết. Mỗi người bằng kết quả tu tập trong ba tháng sẽ là một đóa hoa kết thành những chùm hoa chân lý ngát hương nhiều màu sắc, dệt thành trang kỷ yếu để lại cho đời thêm hương sắc. Những ký ức ấy sẽ là món quà cho chúng con trên con đường tu học trong những tháng ngày còn lại. Khóa An cư kép lại nhưng dư âm còn mãi giúp chúng ta xây dựng một đoàn thể Tăng-già hòa hợp, góp phần xương minh Chánh pháp tại thế gian này. Nếu chúng ta không có những ngày tháng sống cùng đại chúng, chắc chắn kinh nghiệm học hỏi không có, thiếu sự cọ xát gọt giũa của những người xung quanh. Qua đây, chúng ta nhận thấy ba tháng An cư sống chung tu học là chất keo tốt nhất, gắn bó đoàn kết hòa hợp, an vui trong Tăng đoàn thời bấy giờ và cho đến ngày sau. An cư còn là mô hình kiểu mẫu tốt đẹp cho tổ chức Phật giáo tồn tại, phát triển sinh hoạt, tất nhiên phải hành trì đúng giáo pháp.

Mong rằng pháp An cư này được duy trì mãi, nhờ đó thắp sáng ngọn đèn Chánh pháp của đức Phật, thể hiện sâu sắc tinh thần hòa hợp, đoàn kết, thống nhất trong ngôi nhà Phật giáo. Thành tựu như vậy, chẳng những chúng ta xương minh đạo pháp, mà còn góp phần tô điểm cho đất nước, dân tộc ngày thêm phồn vinh và hạnh phúc.

 


[1] Luật Tứ Phần san bổ tùy cơ yết ma, quyển 4

[2] Đại 22, tr.630b.

[3] Trường Bộ kinh, HT. Thích Minh Châu dịch, Ðại tạng kinh Việt Nam, trang 547.

[4] Kinh Pháp cú, HT. Thích Minh Châu (dịch). TP. Hồ Chí Minh: Nxb. Tôn giáo, 2000, tr. 64-65.