Ý nghĩa bài kinh cúng ngọ theo nghi thức Hệ phái Khất Sĩ

 MG 9572 CopyA. DẪN NHẬP

Từ thuở mới hình thành Tam bảo cho đến ngày nay, tinh thần giác ngộ của người xuất gia được kết tinh trên hệ thống giáo lý kinh tạng và đời sống phạm hạnh thanh cao của nhà Phật. Trải qua biết bao năm tháng trên cuộc đời, bản thân Phật giáo đã phân hóa đa dạng để phương tiện tùy duyên theo từng quốc độ cho phù hợp với người bản xứ. Điều này làm cho hệ thống kinh tạng và nếp sống phạm hạnh cũng phân hóa theo. Nhưng trong cái phân hóa đa dạng ấy vẫn không hề mất đi tính thống nhất là mang đến sự giác ngộ cho những người hữu duyên. Điều này thể hiện ở chỗ trong cùng một hoàn cảnh xã hội và cùng một lý tưởng đi tìm con đường giải thoát nhưng các Hệ phái Phật giáo đã phát triển theo từng bản chất riêng và theo các khuynh hướng khác nhau.

Đất nước Việt Nam ta hữu duyên có sự tương hội đầy đủ các hệ phái lớn như Nam tông, Bắc tông và Khất sĩ. Ngoài ra, các tông phái Tịnh độ, Mật tông, Hoa tông, Thiền tông… cũng ảnh hưởng sâu rộng vào quần chúng. Mỗi tông phái tuy đều là Phật giáo nhưng trên phương diện xiển dương Chánh pháp lại có cách truyền thừa riêng biệt. Chúng ta có thể nhận rõ điều đó qua cách thọ trì kinh điển và cách thức sinh hoạt thường ngày.

Hệ phái Khất sĩ hoạt động trong lòng Giáo hội được xem là Hệ phái biệt truyền, có nghi thức và nếp sinh hoạt tu tập riêng. Tiêu biểu nhất trong nghi thức tu tập của người Khất sĩ chính là bài “Kinh Cúng ngọ”. Ngay từ khi mới hình thành, Hệ phái không đặt nặng vấn đề cúng kiến. Bản kinh tụng duy nhất là Kinh Tam bảo cũng dành cho hàng cư sĩ mà thôi. Do đó, thời cúng ngọ là thời tụng kinh duy nhất được trì tụng mỗi ngày trước giờ thọ trai. Trong thời đại hiện nay, Hệ phái đã có bản kinh riêng cho mình qua các thời kinh tụng sáng và tối trong Nghi thức tụng niệm. Tuy nhiên, bài Kinh Cúng ngọ là bài kinh căn bản do chính đức Tổ sư Minh Đăng Quang soạn và hành trì cho đến tận ngày nay cho cả giáo đoàn Tăng lẫn giáo đoàn Ni. Và dù ở mỗi trú xứ có nghi thức sai khác thế nào đi chăng nữa thì bài Kinh Cúng Ngọ vẫn được trì tụng như nhau.

Ý nghĩa bài Kinh cúng ngọ sẽ phân tích nội dung và ý nghĩa qua từng bài kệ tụng nhằm để cho hàng hậu học nắm được yếu chỉ quan trọng của bài kinh này. Trong phạm vi khóa “Bồi dưỡng Đạo hạnh”, tiểu luận không đặt nặng vấn đề học thuật, không đi sâu triết lý cao siêu hay truy tìm nguồn gốc sử liệu kinh văn mà chỉ đơn thuần là phân tích nội dung và ý nghĩa tu tập của nó mà thôi.

B. NỘI DUNG

I. KHÁI QUÁT CHUNG

Đúng như tên gọi, Kinh Cúng ngọ là bài kinh được sử dụng trong giờ ngọ trước khi người xuất gia thọ thực.

Chúng ta thấy, tuy đây không phải là kinh văn do đức Phật tuyên thuyết và cũng không phải do chư Thánh Tăng truyền dạy nhưng lại do chính Tổ sư Minh Đăng Quang biên soạn nên Tăng Ni xuất gia theo Khất sĩ phải tôn kính như là một bản kinh. Theo các bản kinh được dịch thuật, hầu như không thấy bản kinh nào ghi chép về nghi thức cúng ngọ của đức Phật hay chư vị Thánh Tăng. Hầu như trong các kinh chỉ ghi chép việc đức Thế Tôn thọ trai sau đó quang lâm pháp tòa và thuyết pháp giáo hóa cho hàng cư sĩ.

Trong chiều dài lịch sử truyền bá giáo pháp đến các quốc gia, Phật giáo buộc phải tùy nghi phương tiện cho nên các vị Tổ sư phải trước tác và biên soạn một số nghi thức tu tập dùng làm tư tưởng cho hệ phái của mình. Do đó, bài Kinh Cúng Ngọ ra đời cũng chỉ là phương tiện tu tập mà thôi. Trong ba Hệ phái lớn của Phật giáo, Hệ phái nào cũng có nghi thức riêng dành cho các thời khóa tụng niệm cả. Chính vì lẽ đó, tuy có khác nhau về hình thức nhưng vào buổi ngọ trai dù tu tập theo truyền thống nào cũng phải tụng bài Kinh Cúng Ngọ.

Kinh Cúng Ngọ trước hết là để người xuất gia thành kính cúng dường lên Tam bảo chứng minh, sau đó là chứng minh cho hàng cư sĩ hộ trì Phật pháp. Về phương diện thứ nhất, vì nhớ ơn Tam bảo và Tổ thầy, người xuất gia thành tâm dâng cúng phẩm vật mà mình đi khất thực hoặc thọ nhận trai duyên tại tịnh xá hay tư gia để cầu Tam bảo và Tổ thầy thùy từ chứng giám. Về phương diện thứ hai, khi người cư sĩ đem lòng thành kính sớt bát cúng dường tứ vật dụng, người xuất gia phải tụng kinh chú nguyện, nhờ sức gia hộ của Tam bảo và oai đức thanh tịnh của chư Tăng hiện tiền để hồi hướng phước báu cho thí chủ được thành tựu viên mãn. Đây là hai phương diện chính trong bài kinh này.

Mặt khác, trên phương diện tu tập, thì bài kinh này là lời cảnh tỉnh cho chúng ta phải biết dụng công tu hành, đem công đức đó ra sức chú nguyện thì sở cầu, sở ý mới thành tựu viên mãn. Bài kinh này cũng dạy chúng ta pháp Tam đề, Ngũ quán và phép Lục hòa cộng trụ. Những pháp này chúng ta sẽ phân tích rõ hơn trong nội dung từng bài kệ tụng ở phần sau.

II. NỘI DUNG TỪNG BÀI

1. Cúng dường Tam bảo

1.1. Chánh văn

Cầu xin cho lễ cúng dường này, đến với đức Như Lai, xin Phật chứng minh.

Cầu xin cho lễ cúng dường này, đến với chư Bồ tát, xin Tăng chứng minh.

Cầu xin cho lễ cúng dường này, đến với chư Phật Pháp Tăng, xin Tam bảo chứng minh.

1.2. Nội dung và ý nghĩa

Trong phần đầu tiên trước khi đi vào kệ tụng, chúng ta có 3 câu cầu nguyện như một lời tác bạch cúng dường. Cũng giống như khi bắt đầu thời thuyết pháp hay nghi lễ Phật giáo chúng ta thường khởi niệm hồng danh đức Phật Bổn Sư Thích Ca để cầu gia hộ vậy.

Cấu trúc của phần này khá đặc biệt. Chúng không phải là đoạn văn mà chỉ là 3 câu mang tính cầu nguyện. Về mặt ngữ pháp, mỗi câu đều không có chủ ngữ. Trên thực tế mỗi câu được hợp thành từ 3 cụm từ mang nghĩa liên tiếp nhau và chúng chỉ liên kết nhau trên phương diện như vậy.

Xét về nội dung phần này lại càng đặc biệt. Như chúng ta thấy tiêu đề của nó là Cúng dường Tam bảo, lẽ ra mỗi câu phải theo thứ tự từ cúng dường Phật đến cúng dường Pháp rồi đến cúng dường Tăng. Nhưng trong phần chánh văn, chúng ta thấy chỉ có 2 câu cúng dường Phật và Tăng mà không có cúng dường Pháp riêng lẻ. Đến câu thứ ba mới có sự cúng dường chung. Sở dĩ như vậy là vì ngọ trai là cúng dường thực phẩm hay tứ vật dụng. Các món này khi dâng cúng chỉ có Phật và Tăng mới có thể chứng minh, còn pháp mang tính chất tinh thần, một cái phi vật thể hiện hữu trong Phật và Tăng nên không thể là đối tượng chứng minh. Do đó, câu thứ ba là câu cúng dường Tam bảo đầy đủ nhất.

Mỗi câu có cách dùng từ vô cùng thú vị. Trên lĩnh vực văn chương chúng ta có thể xem là hình thức dùng chữ theo phương pháp đối ngẫu về ngữ nghĩa. Mỗi câu đều có ba vế: vế thứ nhất trình bày lời tác bạch, vế thứ hai trình bày đối tượng cúng dường, và vế thế ba trình bày lời cầu xin được chứng minh. Trong câu thứ nhất: đem lễ phẩm cúng dường hiện tại dù là bữa cơm thanh đạm hay lễ trai Tăng kỳ hội cúng dường lên đấng Như Lai và cầu xin Phật chứng minh. Đại danh từ “Như Lai” ở vế thứ hai đồng nghĩa với đại danh từ “Phật” ở vế thứ ba là sự đối ngẫu ngữ nghĩa và tránh đi lỗi lặp từ. Tương tự, trong câu thứ hai: danh từ “Bồ-tát” chỉ cho hàng Thánh Tăng đồng nghĩa với danh từ “Tăng” trong Tăng bảo. Và trong câu thứ ba danh từ Phật Pháp Tăng chính là Tam bảo vậy.

Như vậy, lời cầu nguyện qua ba câu tác pháp cúng dường này là đem lòng thành kính dâng lên Tam bảo chứng minh. Đến đây, chúng ta mới nhận ra ý nghĩa tuyệt vời trong việc không sử dụng chủ ngữ trong từng câu cầu nguyện. Sở dĩ không sử dụng chủ ngữ là vì chủ thể cúng dường Tam bảo bao hàm cả người dâng cúng và người đang thọ nhận sự cúng dường. Chủ thể ấy là người cư sĩ dâng phẩm vật và cũng chính là chư Tăng Ni đang tụng kinh chú nguyện. Cả hai đều hết lòng tha thiết dâng cúng phẩm vật lên Tam bảo chứng minh qua lời chú nguyện của hàng xuất gia. Ở đây chỉ có pháp cúng dường chứ không còn phân biệt người cúng dường nữa.

2. Bài khuyến khích

2.1. Chánh văn:

Những ai hết lòng, ân cần cung cấp, thức ăn vật uống cho chư đệ tử của Phật, và làm phải cho mọi người cao thượng hơn lòng bỏn sẻn và tánh tư vị, thì sẽ hưởng được sự vui sướng thanh nhàn, đời đời kiếp kiếp ở cảnh thượng thiên; những người ấy sẽ chứng đủ các quả đạo lành, sẽ được hân hạnh về đạo lý, sự khoái lạc hoàn toàn, các vị ấy sẽ sanh lên cõi trời, để hưởng sự sung sướng và nhàn lạc luôn luôn.

2.2. Nội dung và ý nghĩa

Đây là đoạn văn duy nhất trong bài Kinh Cúng Ngọ và đây cũng là phần thường bị lược giảng (bỏ qua) nhất.

Nội dung của đoạn văn này là một lời khuyến khích hàng cư sĩ phát tâm cúng dường dựa trên quy luật nhân quả. Đoạn văn này trình bày khá rõ cho hàng cư sĩ nhận biết pháp cúng dường thanh tịnh để hưởng trọn vẹn phước báu như thế nào.

Đoạn văn thực chất chỉ là một câu văn khá dài được chia thành ba vế rõ nét và mỗi vế đều có ý nghĩa đặc trưng:

- Vế thứ nhất: Chỉ rõ những người dâng cúng phẩm vật cho chư đệ tử của Phật là những thành phần phát tâm trong sạch và có sự tôn kính trong đó. Thành phần này không luận là Phật tử hay không phải Phật tử đều có thể hưởng phước báu như nhau.

- Vế thứ hai: khuyên người cúng dường cần phải tu tập thiện pháp (làm phải cho mọi người) và khi dâng cúng phải vượt lên trên tâm bỏn sẻn và tánh tư vị. Làm phải cho mọi người nghĩa là có tâm từ bi thương yêu chúng sanh vạn loại mà tu tập thập thiện nghiệp, không làm 10 điều ác tàn hại chúng sanh. Bên cạnh đó, phải phá bỏ lòng bỏn sẻn keo kiệt và tánh cách chỉ biết riêng cho bản thân mình. Vượt qua sự thấp hèn như vậy mới là một tâm hồn cao thượng đáng quý.

- Vế thứ ba: nói về quả báo tốt đẹp sau khi đạt được hai vế đầu. Quả báo khi cúng dường thanh tịnh mang hai yếu tố vật chất lẫn tinh thần. Vật chất là người cúng dường sẽ hưởng đầy đủ sự sung sướng trên cõi đời. Còn tinh thần thì luôn luôn an lạc. Nhất là khi thân hoại mạng chung có thể sanh về cõi trời và có thể chứng được các quả đạo lành.

Thông qua bài “Khuyến khích”, chúng ta có thể tán thán công đức lành của hàng Phật tử phát tâm cúng dường. Đồng thời lồng vào đó là sự khuyên răn tu tập thiện pháp cũng như xả bỏ tâm ích kỷ nhỏ nhen để mở rộng tâm hồn cao thượng. Đặc biệt ngoài sự thọ hưởng phước báu ra, bài này còn thầm khuyên người cúng dường nên nhắm đến việc tu học đạo lý và hướng đến thành tựu các quả đạo lành là quan trọng hơn cả.

 MG 9578 Copy

 MG 9579 Copy

3. Kệ chú nguyện

3.1. Kệ chứng minh

3.1.1. Chánh văn

Tín chủ cúng dường Phật Pháp Tăng

Chứng minh công đức nhờ Tam bảo

Chú tâm nguyện độ thiện duyên này

Tín chủ đời đời thêm phước báu.

Sở cầu, sở ý đều thành tựu

Tín nhớ, hạnh y, nguyện trở về

Nay mới gieo nhơn, nhơn chánh giác

Sau này chứng quả, quả Bồ-đề.

Đây thể lòng tử Phật Pháp Tăng

Vì tâm thành kính biết ăn năn

Đem cho tín chủ phước thanh tịnh

Xin lấy cho mình nghiệp khó khăn.

Tín chủ từ đây đặng nhẹ nhàng

Bến mê thoát khỏi chốn lầm than

Tiêu diêu khoái lạc y Tam Bảo

Đắc quả kiếp nay thành Phật đạo.

3.1.2. Nội dung và ý nghĩa

Bài kệ tụng này trình bày theo thể thơ thất ngôn tự do: thơ 7 chữ không giới hạn câu. Trong bài này có 4 khổ, mỗi khổ 4 câu, tổng cộng là 28 câu. Chúng ta thấy rằng thơ kệ của nhà Phật dùng để tán tụng hoặc cầu nguyện nên không đặt nặng tính văn chương hay nghệ thuật ẩn dụ nào trong đó. Chính vì vậy, đọc vào từng câu kệ ngay lập tức chúng ta hiểu một cách rõ ràng nội dung và ý ngĩa của nó.

Bài kệ có 4 khổ nhưng nội dung của nó chỉ có 2 phần: Phần tán dương công đức và phần phát nguyện dấn thân.

- Phần tán dương công đức: nằm trong khổ 1, khổ 2 và khổ 4. Ba khổ kệ này đều lấy tính nhân quả làm nòng cốt chính. Khổ thứ nhất: lấy việc thành tâm cúng dường của hàng Phật tử để cầu nguyện cho họ phước báu luôn tăng trưởng đời đời. Khổ thứ hai: Nhờ vào việc cúng dường hôm nay mà tín chủ gieo trồng nhân duyên sâu xa vào cửa đạo, còn gọi là “nhơn chánh giác” mà từ đó về sau các vị sẽ được chứng quả bồ đề. Có lẽ lời cầu nguyện này xuất phát từ các tích truyện về tiền thân của Phật. Hầu như trong các kiếp tu hạnh Bồ-tát, đứcThế Tôn thường tu pháp cúng dường. Có kiếp Ngài là Thái tử Sumadha cúng dường những cành hoa sen lên Phật Nhiên Đăng, có kiếp Ngài là Thái tử Câu-thi-na cúng dường đôi mắt và tủy cho vua cha trị bệnh… Nhờ phước cúng dường như vậy mà đến kiếp hiện tại ngài thạnh tựu đạo quả Toàn giác. Khổ thứ tư là lời cầu nguyện cho phước báu được hiện tiền ngay trong hiện tại: “kiếp nay thành Phật đạo”. Phước báu trong dòng nhân quả khó ai biết được mình sẽ nhận vào lúc nào. Nhưng khi phát tâm cúng dường thì từ ngày ấy nhân lành đã gieo quả lành chắc chắn sẽ có ngày được hưởng.

Kinh Na Tiên chép một đoạn Vua Di-lan-đà chất vấn Tỳ-kheo Na Tiên về vấn đề nhân quả. Vua cho rằng: chưa thấy một ai làm phước chết sanh lên cõi trời sau đó trở về làm chứng nên vua không tin làm phước hưởng phước. Ngài Na Tiên bèn chỉ vào một cây xoài con và hỏi vua cây xoài này có sanh trái xoài không? Khi vua bảo rằng có, Ngài Na Tiên bảo vua hãy chỉ trái xoài nằm ở đâu thì vua không làm sao chỉ ra được. Ngay lúc đó Ngài Na Tiên liền dạy: tạo phước phải chờ đầy đủ nhân duyên quả lành mới đến cũng như trồng cây xoài thì chắc chắn sẽ có trái xoài.

Kinh Pháp Cú cũng dạy:

Nay vui đời sau vui

Làm phước hai đời vui

Vui thấy mình làm phước

Sanh cõi lành vui hơn.

- Phần phát nguyện nằm trong khổ thứ 3. Khổ kệ này nói lên tấm lòng của người xuất gia. Đứng trước sự cúng dường trong sạch của hàng Phật tử, chúng ta đem thân mình ra chấp nhận nghiệp báo để phần phước thanh tịnh cho người.

Đem cho tín chủ phước thanh tịnh

Xin lấy cho mình nghiệp khó khăn.

Tăng bảo là ruộng phước cho chúng sanh. Miếng ruộng có màu mỡ thì cây trồng mới tốt tươi, ngược lại miếng ruộng khô cằn thì cây sẽ èo uột. Cũng vậy, một người xuất gia cần phải tu tập giới thân huệ mạng cho viên mãn mới đủ phẩm hạnh làm bậc phước điền. Hai câu kệ này còn là một lời tri ơn sâu sắc gửi đến tín thí đàn na. Ngang qua đó, chúng ta cần phải cố gắng tu tập, đem thân ra chấp nhận mọi khó khăn gian khổ và nguyện dâng quả phước ấy cho người.

Nhận đời manh áo chén cơm

Tặng đời trọn cả tâm hồn thanh cao.

Rồi trên vạn nẻo đường hành đạo, dù đến chốn thành thị hay thôn quê, bước chân người Khất sĩ cũng chẳng bao giờ mòn mỏi. Bước chân ấy là sự ra đi để thọ nhận vạn pháp nuôi dưỡng tinh thần lý trí rồi lại đem đạo đức trí tâm mà cứu giúp muôn người. Chỉ trong một mảnh áo che thân, chỉ trong một bình bát đất mà hạnh nguyện lợi sanh lại trở thành ngọn đèn tâm linh làm nơi quy hướng cho biết bao chúng hữu tình. Con đường ấy chỉ có bậc Khất sĩ xuất trần mới hành vân tự tại.

Hạnh nguyện từ bi cứu độ đời

Vai trần gánh cả đám con thơ

Có chi vương vấn vì sanh chúng

Chân đất mà in khắp cả trời.

Hạnh nguyện của người Khất sĩ không chỉ dừng lại trong một kiếp hiện tại hay trong một cõi Ta bà duyên sanh như huyễn, mà là hạnh nguyện sâu rộng được bắt đầu đầu từ lúc phát bồ đề tâm cho đến ngày giác hạnh viên mãn. Tâm ấy là tâm Phật. Hạnh ấy là hạnh Phật. Có tâm như vậy, có hạnh như vậy chúng ta mới xứng đáng là bậc thầy mô phạm cho chúng sanh và cụ thể hơn là xứng đáng thọ nhận phẩm vật do tín chủ cúng dường.

Nguyện cho con đi mãi

Không đứng lại giữa đường

Đến tuyệt đối vô biên

Tâm đồng tâm chư Phật.

Rồi trong muôn vạn nẻo

Của sanh tử luân hồi

Con mãi mãi không thôi

Độ sanh không dừng nghỉ.

3.2. Kệ cầu nguyện

3.2.1. Chánh văn

Phước cúng dường này của tín chủ

Tam nghiệp thanh tịnh định, huệ tu

Tánh cũ tự mình gồm chưa đủ

Tây phương an dưỡng hưởng thiên thu.

Phước cúng dường này của chư linh

Dứt tiêu tội chướng thoát vô minh

Sám hối ăn năn tâm niệm Phật

Tây phương Cực lạc đắc siêu sinh.

Phước cúng dường này của bá tánh

Cầu an tai nạn đặng muôn lành

Phát nguyện tu hành thành chánh giác

Tây phương tịnh độ chỗ Vãng sanh.

3.2.2. Nội dung và ý nghĩa

Bài kệ này cũng hành theo lối thơ thất ngôn tự do và có 3 khổ. Nội dung của bài kệ này là một lời cầu nguyện có đối tượng cụ thể. Đối tượng ấy đi từ nhân sinh quan đến thế giới quan, đi tự góc độ một con người ra đến chúng sanh vô hình hữu hình vạn loại. Mẫu số chung gom tất cả lời cầu nguyện cho các đối tượng ấy được gói gọn một cách trọn vẹn trong lời phát nguyện vãng sanh cõi Phật.

- Đoạn đầu là lời nhấn mạnh phước cúng dường này là của người tín chủ hiện tiền đang đang cúng. Với quả phước làm được hôm nay, người thí chủ nên xây dựng cho mình đời sống tu tập dựa trên tam nghiệp thân, khẩu, ý. Bởi vì đạo Phật không phải là nơi chỉ để cầu nguyện đơn thuần mà còn là nơi hướng dẫn các pháp tu thoát khổ. Do vì còn bận bịu đời sống gia đình nên người tại gia chưa được tự tại như người xuất gia. Cho nên, nhờ vào phước báu làm được đó mà noi theo gương hạnh của hàng xuất gia để gia công tu tập.

Trong lời kinh cầu nguyện, nội dung đoạn đầu lấy tam nghiệp làm đối trọng để xây dựng ba pháp Giới, Định, Tuệ làm căn bản. Tuy trong đoạn này không nói đến Giới là bởi vì một câu kệ không thể liệt kê hết các chi pháp nên chữ Giới được hiểu ngầm. Như chúng ta biết, đời sống con người vốn bị nhấn chìm trong tình, tiền, danh, lợi. Để đạt được sự no đủ về các phương diện vật chất, con người dễ tạo ác nghiệp nơi thân, khẩu, ý. Đây là nguyên nhân chính đưa đến sự sa đọa trong những kiếp vị lai. Nhận thức được sự nguy hại ấy, người tín chủ cần phải tự cảnh tỉnh lấy mình. Trong giờ chứng trai, hình ảnh trang nghiêm thoát tục trong tư thế kiết già ngay hàng thẳng lối của hàng xuất gia làm đánh động lòng khát ngưỡng của chư Phật tử. Hình ảnh ấy là biểu trưng của tam nghiệp trong sạch mà Phật tử cần noi theo.

Để có được thân tướng trang nhiêm và cõi lòng thanh tịnh là ba pháp tu: Giới, Định, Tuệ. Giới là hàng rào ngăn ngừa hành động, lời nói và suy nghĩ không vi phạm lỗi lầm. Định là sự trạng thái tâm tĩnh lặng khi hành thiền. Tuệ là tri kiến như thật về vạn pháp. Ba pháp này là lộ trình đi đến giác ngộ dành cho mọi đối tượng tu hành không luận là xuất gia hay tại gia. Trong Chơn lý “Cư Sĩ”, Tổ sư dạy rằng: “Người cư sĩ khi bước chân vào đời nhớ mang theo Giới, Định, Tuệ”.

- Đoạn thứ hai là lời cầu nguyện cho các hương linh đã quá vãng. Thông thường các hương linh được chú nguyện thường là người thân của tín chủ. Vì muốn cầu siêu độ cho các vong linh này mà người tín chủ sớt bát cúng dường để hồi hướng phước báu. Lời cầu nguyện nhắm thẳng đến việc cầu cho chư hương linh được dứt trừ hết tội chướng đã từng gây tạo khi còn sống. Khi còn sanh tiền, chúng ta gây tạo bao nhiêu lỗi lầm dù vô tình hay cố ý sẽ trở thành gánh nặng trên con đường tái sanh. Nhờ lời chú nguyện của chư Tăng mà hương linh được tội diệt phước sanh, tốc xả mê đồ vậy. Lời cầu nguyện còn nhấn mạnh các hương linh phải nhận thức tội lỗi khi xưa mình đã làm mà phát khởi tâm sám hối, phát tâm niệm tưởng Phật pháp. Như vậy là vừa nhờ tha lực của chư Tăng vừa tự lực cứu mình mới mong thoát khổ.

Lời cầu nguyện này tương hợp với hình ảnh Tôn giả Mục Kiên Liên cứu mẹ năm nào. Theo một số kinh sách ghi chép, sau khi vâng theo lời đức Phật chỉ dạy, Tôn giả Mục Kiền Liên cúng dường mười phương Tăng để cầu siêu cho thân mẫu thì bà Thanh Đề đã hưởng được phần phước báu đó. Nhưng cũng nhờ việc làm của người con báo hiếu, bà đã ăn năn tội lỗi của mình và cầu xin sám hối. Chính nhờ tâm thành khẩn cộng với phước lực của chư Tăng bà mới thoát cảnh địa ngục mà sanh về thiên giới. Do đó, bài kệ này thầm khuyên nhắc các hương linh cũng nên phát tâm sám hội tội lỗi của mình.

- Đoạn thứ ba là lời cầu nguyện chung cho tất cả cư gia bá tánh đều được bình an khỏe mạnh, tai qua nạn khỏi, tật bệnh tai ách đều được tiêu trừ. Nhưng điều cần thiết hơn cả là cầu nguyện tất cả mọi người biết phát tâm tu hành cho đến khi thành Chánh giác. Lời cầu nguyện ấy mới viên mãn tâm hạnh lợi la của hàng Thích tử.

Trong bài kệ tụng này, lời cầu nguyện đi từ người tín chủ hiện tiền, đến các hương linh đã quá vãng và rộng ra cho đến tất cả bá tánh vạn dân đều hưởng tròn phước báu. Nhưng điểm chung của phần cầu nguyện là cho tất cả đều được vãng sanh Tây phương Tịnh độ. Đây là cảnh an nhàn mà mọi người đều mong mỏi được tái sanh về. Cho nên lời cầu nguyện này vừa để chứng minh công đức, vừa để chúc phúc cho tất cả đều được vãng sanh Cực Lạc sau khi thân hoại mạng chung.

 MG 9609 Copy

3.3. Kệ chú nguyện

3.3.1. Chánh văn

Chú tâm nguyện độ cả thảy chúng sanh,

Kẻ thác siêu thăng, người dương thơ thới,

Biển ái yên lặng, sông mê trong sạch,

Pháp giới chúng sanh, đồng tròn quả trí,

Nguyện khắp tín thí ruộng phước thêm gieo,

Có tình, không tình đều thành Phật đạo.

Kính lạy cõi Tăng già Tây phương giải thoát (1 lần).

Kính lạy cửa Khất sĩ đường Như Lai (1 lần).

Kính lạy chư Phật pháp Tăng mười phương ba đời (3 lần).

3.3.2. Nội dung

Bài kệ này được viết theo thể thơ tự do: mỗi câu 8 chữ và tất cả có 6 câu. Nội dung của nó không mở ra thêm điều gì mới mà chỉ là tổng hợp lại tất cả các lời cầu nguyện phía trên. Ta thấy rõ trong 5 câu đầu như: nguyện cho tất cả chúng sanh kẻ còn được thơi thới, người chết được siêu thăng, cầu cho tất cả những người tín thí được gieo trồng phước thí và thành tựu quả lành. Duy có câu thứ 6 là lời hồi hướng cho mọi loài chúng sanh dù hữu tình hay vô tình cũng đều đồng thành Phật đạo.

Kết thúc bài kệ này ta bắt gặp có 3 câu xưng tụng và được xưng tán đến 5 lần. Hai câu đầu 1 lần và câu thứ 3 lặp lại 3 lần.

- Câu thứ nhất là lòng tôn kính đối với cảnh giới giải thoát của hàng Tăng bảo. Đó có thể là xứ Tây phương Cực lạc của Phật A Di Đà, đó có thể là hội Linh Sơn trong kinh Đại thừa, đó có thể là chốn Tòng lâm Thánh chúng và đó có thể chỉ là một trú xứ đơn sơ mà thanh tịnh. Chỉ có coi thanh tịnh như vậy mới mở ra cánh cửa giái thoát cho hành giả.

- Câu thứ hai là lòng tôn kính đối với con đường mà đức Như Lai đã chỉ dạy lại cho chúng ta. Con đường ấy chư Phật quá khứ đã đi, chư Phật hiện tại đang đi và chư Phật vị lai sẽ đi. Và cánh cửa để đến với con đường ấy chính là hạnh tu Khất sĩ.

- Câu thứ ba là lời xưng tụng đến với ngôi Tam bảo trong khắp mười phương và trải khắp từ quá khứ, hiện tại đến vị lai. Với lòng tôn kính Phật Pháp Tăng vô biên nên câu này được lặp lại 3 lần.

3.4. Kệ thọ bát

3.4.1. Chánh văn

Bát cơm tín chủ biết bao công

Đức hạnh đầy vơi tự xét lòng

Thỏa miệng thích tình tham quấy bỏ

Nuôi thân hành đạo thuốc lành dùng

Toan vun chánh pháp cho thành tựu

Nguyện dứt ác duyên thoáng sạch không

Nguyện các việc lành làm tất cả

Nguyện xin độ tận chúng sanh chung.

3.4.2. Nội dung

Bài kệ Thọ bát của Hệ phái chúng ta được biên soạn thống nhất trong một bài thơ thất ngôn bát cú: 5 câu đầu là Ngũ quán, 3 câu cuối là Tam đề.

a. Tam đề :

- Một là không làm các điều ác,
- Hai là siêng làm các việc lành,
- Ba là giữ tâm ý thanh tịnh.

b. Ngũ quán:

- Nhứt kế công đa thiếu, lượng bỉ lai xứ: So sánh vật mà thí chủ cúng dường cho mình, công lao của người ta phải cực khổ như thế  nào ?

Nhìn bát cơm, hãy quán niệm về những nguồn lực đã làm cho có bát cơm, như: bác nông phu, con trâu, cái cày, hạt giống, đất, nước, ánh sáng, nhà máy xay lúa, phương tiện chuyên chở v.v... Quán niệm như vậy để thấy rằng, bát cơm đến với ta không phải là chuyện giản dị; không phải chỉ cần bỏ ra đồng bạc là có được bát cơm. Sự hiện hữu của bát cơm trước mặt ta đồng thời là sự hiện hữu của cả vũ trụ, trong đó có sự hiện hữu của ta. Bát cơm nuôi sống ta, đồng thời bảo cho ta biết là ta đang mang một nguồn ơn nghĩa vô tận mà ta có nhiệm vụ phải đáp đền.

Khi đã thực tập thuần thục, ta có thể quán niệm điều này bằng một ý tưởng ngắn gọn: "Thức ăn này là tặng phẩm của đất trời và công phu lao tác”.

- Nhị thổn kỷ đức hạnh, toàn khuyết ứng cúng: Xem xét đức hạnh của mình, coi có xứng đáng mà thọ lãnh đồ cúng dường ấy chăng?

Nhìn bát cơm, hãy quán niệm về bản thân ta, xem có tư cách xứng đáng để ăn bát cơm ấy không. Ta nên lặp lại câu nói ở trên: "Không phải chỉ cần bỏ ra đồng bạc là có được bát cơm.” Có những người giàu có tiền muôn bạc triệu nhưng không có tư cách xứng đáng để ăn bát cơm, hoặc có lúc không có được bát cơm để ăn. Trong thiền môn có câu châm ngôn: "Bất tác bất thực” (không làm thì không ăn).  Ý nghĩa của câu châm ngôn này là chính ta phải bỏ công sức ra để góp phần vào việc làm cho có bát cơm, để ta không phải hổ thẹn khi bưng bát cơm lên đưa vào miệng.  Bưng bát cơm lên mà không thấy hổ thẹn tức là ta được ăn cơm trong an lạc. Như trên vừa nói, sự hiện hữu của bát cơm trước mặt ta cũng đồng thời là sự hiện hữu của cả vũ trụ, vì vậy, không cứ gì phải trực tiếp cày cấy, xay lúa giã gạo mới là đóng góp công sức vào bát cơm, mà ta có thể cống hiến bất cứ khả năng nào mà ta có, cùng với thì giờ và tâm lực cho cuộc đời, là ta đã góp phần vào việc làm cho có bát cơm rồi vậy.

Khi đã thực tập thuần thục, ta có thể quán niệm điều này bằng một ý tưởng ngắn gọn: "Xin nguyện sống xứng đáng để thọ nhận thức ăn này.”

- Tam phòng tâm ly quá, tham đẳng vi tôn: ba hãy đề phòng tâm tránh xa mọi lỗi lầm tội lỗi mà tham, sân, si, là nguyên nhân.

Nhìn bát cơm, dù ta đã quán niệm và tự biết mình có tư cách xứng đáng để ăn bát cơm, nhưng không vì thế mà cho rằng "ta có quyền ăn cho thỏa thích!” Ta nên tiếp tục quán niệm để biết xót thương những người đang chịu đói khát ở khắp nơi trên thế giới. Quán niệm như thế ta sẽ bỏ được tính tham lam và phát triển tình thương trong ta, để một ngày nào đó, có thể lắm, ta sẽ làm được một cái gì để góp phần vào việc thay đổi tình trạng bất công của cuộc sống hiện nay.

Khi đã thực tập thuần thục, ta có thể quán niệm điều này bằng một ý tưởng ngắn gọn: "Xin nhớ ngăn ngừa những tật xấu, nhất là tật tham lam.”

- Tứ chánh sự lương dược vi liệu hình khô: Bốn chính vì lấy thực phẩm làm lương dược mà trị bệnh khô gầy của thân.

Ngồi trước bát cơm mà lòng tham đã bị dập tắt thì hành giả sẽ thấy được rằng, bát cơm quả thật là phương thuốc mầu nhiệm để nuôi dưỡng và trị bệnh gầy yếu cho cơ thể. Khi đã thấy rõ như vậy, hành giả sẽ biết quí trọng thức ăn, và càng cẩn trọng trong việc chọn lựa thức ăn – nghĩa là chỉ ăn những thức ăn nào có tính chất nuôi dưỡng mà không gây tật bệnh cho cơ thể. Cẩn trọng như thế là vì hành giả luôn luôn có ý thức rằng, nếu hành giả khỏe mạnh, an vui thì những người liên hệ chung quanh cũng khỏe mạnh, an vui; nếu hành giả bệnh tật, đau khổ thì họ cũng bị ảnh hưởng y như vậy.

Khi đã thực tập thuần thục, ta có thể quán niệm điều này bằng một ý tưởng ngắn gọn:"Chỉ xin ăn những thức ăn có tác dụng nuôi dưỡng và ngăn ngừa tật bệnh.”

- Ngũ vị thành đạo nghiệp ưng thọ thử thực: Năm vì muốn có sức mạnh để tu thành đạo nghiệp, nên tạm dùng đồ ăn mà thôi.

Nếu sự đam mê ăn uống không làm cho hành giả tu học và hành đạo được thì đói khát cũng không thể nào làm cho hành giả tu học và hành đạo được. Cho nên, khi nhìn bát cơm để trước mặt, hành giả hãy quán niệm để thấy đó lànguồn năng mầu nhiệmđể nuôi sống và bảo vệ thân mạng.  Thân mạng có được bảo vệ thì đạo nghiệp mới viên thành.  Không riêng gì cho hành giả, mà bát cơm cũng còn là nguồn năng mầu nhiệm để nuôi sống và bảo vệ thân mạng của bao nhiêu triệu người đang bị đói khổ trên thế giới, cũng như của muôn loài chúng sinh khác. Bệnh đói là một chứng bệnh vô cùng thê thảm trong đời sống nhân loại và mọi loài chúng sinh! Nếu ngồi trước bát cơm mà thấy được điều đó thì hành giả sẽ phát khởi tình thương rộng lớn và tâm nguyện vì đời phụng sự, đem khả năng và tâm lực giúp người cứu vật, cho đến khi thành tựu đạo nghiệp.

Khi đã thực tập thuần thục, ta có thể quán niệm điều này bằng một ý tưởng ngắn gọn:"Vì muốn thành tựu đạo nghiệp nên thọ nhận thức ăn này.”

3.5. Kệ lục hòa

3.5.1. Chánh văn

Thân cùng nhau hòa hiệp ở chung

Miệng không tranh đua cãi lẫy

Ý ưa nhau không trái nghịch

Giới luật đồng cùng nhau tu theo

Kiến thức riêng chỉ giải cho nhau

Tứ sự chia đồng với nhau…

3.5.2. Nội dung

Tăng, chữ Phạn là “Sangha”, Trung Hoa dịch âm là Tăng-già, dịch nghĩa là “Hòa hợp chúng”, tức chỉ một số tu sĩ, hoặc Tăng hoặc Ni sống chung với nhau trong tập thể, hòa hợp vui vẻ tu hành, nên còn gọi là hòa hợp Tăng. Chúng ta sống hòa hợp thì gọi là Tăng, không hòa hợp thì không đủ nghĩa của Tăng. Đức Phật đặt sự hòa hợp trên tất cả các giới luật. Nếu chúng ta sống không hòa hợp thì sự tu hành không bao giờ thăng tiến.

Trong quyển Luật nghi Khất sĩ bài “Kệ giới”, đức Tổ sư dạy rằng: “Trong các đẳng cấp của các hạng người trong xã hội, khi xuất gia vào thọ lãnh giới luật, mà Phật đã giáo hóa rồi, thì cần nhất phải dứt bỏ danh vọng, dòng dõi, tổ tông mà nhìn nhận lấy chủng tộc sa môn, họ hàng khất sĩ mới được. Ví như nước của các nguồn sông, khi chảy vào biển rồi cũng phải dứt bỏ cái nguyên chất của nó, mà chung lấy một chất với nước biển[1]”. Đây là lời dạy về tinh thần hòa hợp triệt để trong cộng đồng Tăng lữ. Và để trở nên gắn kết như nước với sữa chúng ta phải thọ trì pháp lục hòa.

Lục hòa là sáu nguyên tắc sống đưa lại sự hòa hợp trong đời sống hàng ngày của các vị tu sĩ Phật giáo. Nhân cuộc luận tranh, đấu tranh của các vị Tỳ-kheo ở xứ Kosambi, đức Phật đã dạy sáu nguyê n tắc sống làm căn bản cho các vị Tỳ-kheo để đạt sự hòa hợp trong Tăng đoàn. Sáu nguyên tắc ấy gồm: vị Tỳ-kheo phải có từ thân hành, từ khẩu hành, từ ý hành, chia sẻ tri kiến, đồng tu Thánh giới và chia đều phẩm vật đối với các vị đồng tu phạm hạnh. Đức Thế Tôn nhấn mạnh: “Này các Tỳ-kheo, có sáu pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa hợp, đưa đến hòa đồng, đưa đến vô tranh luận, hòa hợp, nhất trí[2].

Đặc biệt lời Phật dạy nhấn mạnh ở chỗ thực hành sáu nguyên tắc này “cả trước mặt lẫn sau lưng”, nghĩa là luôn luôn chánh niệm tỉnh giác thực hành ứng xử với nhau bằng sáu nguyên tắc dù ở một mình hay ở chỗ đông người, dù có mặt hay không có mặt của người bạn đồng tu.

Người tu sĩ Phật giáo chỉ chuyên chú vào con đương thực tập giác ngộ cho nên sau pháp lục hòa này rất phù hợp cho đời sống hàng ngày: Tâm từ được thể hiện qua hành động, lời nói và suy nghĩ sẽ mang lại tình thương chân thật nhất. Mọi vấn đề thảo luận phải hòa hợp và nhất trí với nhau trong cùng một ý kiến. Đồng tu với giới luật mà đức Phật đã chế định. Chia sẻ tri kiến về các pháp hành mà mỗi người tự thân chứng nghiệm. Cuối cùng khi nhận được tứ sự cúng dường của tín chủ chủ thì các Tỳ-kheo chia đều nhau thọ dụng. Đây là sáu pháp hòa hợp luôn luôn được trì tụng mỗi ngày để khuyên nhắc mỗi người thực hành để cho Tăng đoàn được hòa hợp và thanh tịnh.

3.6. Hồi hướng

3.6.1. Chánh văn

Nguyện cầu cả thảy chúng sanh, đồng đặng đủ đầy tròn xong Phật sự (3 lần).

Kệ chú nguyện:

Chú tâm nguyện độ mười phương

Kẻ âm siêu thoát, người dương nhẹ nhàng

Cõi đời biển ái lặng trang

Sông mê trong vắt, sóng an nước bình

Khắp cùng pháp giới chúng sanh

Gieo mầm giống huệ viên thành quả chơn

Nguyện cầu tín thí công ơn

Phước điền rộng đức, huệ sơn cao tài

Hữu tình nhơn vật các loài

Vô tình bụi, đất, đá, cây bao đồng

Thảy đều đắc quả thành công

Cả nên Phật đạo hiện trong kiếp này.

Kính lạy cõi Tăng-già Tây Phương giải thoát (1 lần).

Kính lạy cửa Khất sĩ đường Như Lai (1 lần).

Kính lạy chư Phật pháp Tăng mười phương ba đời (3 lần).

3.6.2. Nội dung

Mở đầu bài kệ hồi hướng sau khi thọ thực là xướng niệm 3 câu chú nguyện cho tất cả chúng sanh tròn xong Phật sự. Đây có thể được xem là câu chứng minh kết thúc buổi ngọ trai. Phật sự được nói đến trong câu này chính là việc cúng dường ngọ trai vừa trải qua. Chúng ta cần phải hiểu rằng ý nghĩa của hai từ Phật sự là việc làm của Phật hay việc làm đưa đến sự giác ngộ. Thế nên, khi vào giờ thọ trai tại Tịnh xá nhất là khi tín chủ thỉnh rước chư Tăng Ni về tư gia ngoài việc cúng dường, họ còn muốn chiêm ngưỡng oai nghi tế hạnh của người xuất gia.

Cũng trong Luật nghi Khất sĩ bài “Kệ giới”, Tổ sư lại dạy rằng: Một người thay mặt cho Phật thật không phải dễ, mỗi cách hành động như đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc, nói, làm, mỗi cách cư xử đều phải giống y Phật, cho đặng thiện tín, hễ thấy Tăng cũng như thấy Phật. Tăng chúng chỉ giữ giới, tướng mạo trang nghiêm, ở ăn theo Phật, cũng đủ khêu gợi được lòng tín ngưỡng của bá tánh.

Giờ độ ngọ được xem là một giờ tu nghiêm chỉnh của người Khất sĩ, còn gọi là bữa cơm chánh niệm hay bữa cơm hòa chúng. Nếu trong giờ ấy chúng ta rơi vào trạo cử, hôn trầm, biểu biển khó chịu, bực bội, đau nhức… sẽ trở thành những hình ảnh không tốt làm mất tín tâm cho hàng Phật tử tại gia. Rơi vào trường hợp như vậy dĩ nhiên điều chúng ta làm không còn là Phật sự mà trở thành ma sự. Câu chú nguyện này ngoài việc hồi hướng ra nó còn trở thành cầu khuyên nhắc và cảnh tỉnh lại mình.

Bài kệ cuối cùng trong Kinh Cúng Ngọ được trước tác theo thể thơ lục bát, một thể thơ thuần túy của người Việt Nam. Nội dung của bài kệ này một lần nữa tổng hợp lại tất cả các lời nguyện cầu trong suốt các bài kệ cúng ngọ đã nêu mục đích là để hồi hướng chung cho âm siêu, dương thới.

Ở đây, tư tưởng hồi hướng không còn giới hạn cụ thể vào người tín chủ cúng dường mà mang một tầm vóc vô biên vô tận. Chúng ta bắt gặp trong đó có đầy đủ các đối tượng: tín thí, kẻ âm, người dương, pháp giới chúng sanh… và kể cả các vật vô tri còn gọi là chúng sanh vô tình như: bụi, đất, đá, cây… cũng đều trượng thừa Tam bảo lực mà siêu thăng thoát hóa. Lời hồi hướng không đặt nặng vấn đề phước báu mà hướng chúng sanh đi vào đạo lộ tu hành: dứt sạch ái dục ở đời, gieo mầm giống tuệ giác sâu xa, bền công tu tập để viên thành đạo quả. Tư tưởng hồi hướng siêu xuất như vậy đã nâng tầm công hạnh và tâm đức của người Khất sĩ trên bước đường xin ăn tu học và hành đạo giữa cõi đời này.

C. KẾT LUẬN

Bài “Kinh Cúng Ngọ” được trước tác và biên soạn một cách tổng hợp gồm các đoạn văn xuôi, các kệ tụng và các câu xưng tán Tam bảo. Mỗi phần trong đó đều có ý nghĩa riêng biệt và rõ ràng. Tính đồng nhất trong bài kinh này là tán dương công đức tín chủ cúng dường và cầu nguyện phước báu cho hàng Phật tử tại gia. Bên cạnh đó, nội dung của bài kinh cũng nhằm khuyên nhắc người tu hành phải biết nỗ lực tu tập các pháp quán niệm để Tăng đoàn ngày càng thanh tịnh hòa hợp làm chốn phước điền cho hàng cư sĩ dựa nương.

Bài kinh này không đặt nặng tính văn chương nên bút pháp trước tác đơn giản và dễ hiểu. Hoàn toàn không có tính ẩn dụ hay đưa các nội dung tiềm ẩn đằng sau mặt chữ vào các câu kệ tụng. Do đó, lời kinh trôi chảy, dễ đọc, dễ tụng giúp chứ hành giả ghi nhớ dễ dàng từng lời văn và tiếp cận nhanh chóng đến nội dung từng bài.

Người xuất gia ngay từ buổi ban sơ cần phải học thông thuộc và tự mình cầu học nơi chư Tôn đức cũng như tự tư duy về nghĩa lý của bài kinh này. Tuy đây không phải là lời Phật dạy nhưng nó được xem như một bản kinh căn bản vô cùng quan trọng không thể thiếu trong đời sống tu hành. Dù chúng ta sống giữa đại chúng đông đảo hay chỉ ở tịnh thất một mình thì cũng phải trì tụng bài kinh này hàng ngày trong giờ cúng ngọ. Vậy nên việc suy tầm nghĩa lý và ứng dụng tu hành là việc làm có ý nghĩa thực tiễn nhất.

Con đường Khất sĩ là lối tu trung đạo. Con đường này không đặt nặng địa vị hay giai cấp, cũng không đặt trên trình độ thấp cao. Chỉ cần chúng ta có tâm khát ngưỡng giáo pháp và tinh thần cầu học giáo pháp cũng như dấn thân trải nghiệm đời sống thanh bần tri túc thì con đường giác ngộ chắc chắn sẽ nằm trong tầm tay. Hãy cố gắng tu hành để thọ trì và giữ gìn giáo pháp để xứng đáng là thế hệ nối tiếp sứ mạng thiêng liêng của bậc Thầy mô phạm vậy.

Người Khất sĩ đội trời chân đạp đất

Vai choàng y và bình bát trên tay

Đời sáng tươi như tia nắng ban mai

Đem đức hạnh phủ trùm toàn nhân thế.


[1] Tổ sư Minh Đăng Quang, “Luật nghi Khất sĩ”, nxb. Tp.HCM, 1998, trang 105.

[2] HT. Minh Châu dịch, Kinh Trung bộ I, VNCPHVN ấn hành 1992, trang 704.