Ý nghĩa sự thành đạo

21Cuộc đời con người được đúc kết bởi sự trưởng thành, cũng như một cây khi trổ quả là cả một quá trình trải qua những mùa mưa nắng, lạnh nóng của khí hậu. Nếu nó không tự vươn lên để đi đến thành công thì phải bị con người sa thải và xem như là vô dụng.

Cũng vậy, sự thành đạo của Đức Phật còn cam go khó khăn như gấp ngàn vạn lần. Ngài đã trải qua ba A-tăng-kỳ với hạnh nguyện độ sanh cao cả và trở thành một vị Thế Tôn được trời người kính phục. Sự thành đạo của Ngài theo truyền thống Bắc tông là ngày mùng 08 tháng 12 âm lịch, để đánh dấu một bước ngoặc độc nhất vô nhị trong lịch sử nhân loại. Ngài đã vượt qua vòng sanh tử, không trôi lăn trong lục đạo, vượt ra dục giới, sắc giới, vô sắc giới.

Vậy thành đạo chính là chuyển đổi một con người từ phàm thành thánh, từ sở chấp trở lại buông xả, từ phiền não đến Niết-bàn, tâm an lạc tự tại trong cõi đời đầy chông gai, vực thẳm.

Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật dẫn dụ tiền thân Ngài là vua, vì cầu pháp giải thoát nên thôi bỏ ngôi vua, giao việc trị nước cho thái tử, đi phụng sự cho Tiên nhân, xả thân không mỏi mệt. Từ vô lượng kiếp Ngài hành Bồ-tát đạo, để thành tựu pháp thân vi diệu bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh...., nghĩa là đạt đến cảnh giới thanh tịnh, trong sáng, một kho báu vô hình.

Cuộc đời Đức Phật trang nghiêm bằng chất liệu đạo đức, lòng từ vô hạn, trí tuệ tuyệt vời nên thọ mạng của Ngài vĩnh hằng bất tử.

Đức Phật nói trong kinh Hoa Nghiêm:

“Nhược nhân dục liễu tri

Tam thế nhất thiết Phật

Ưng quán pháp giới tánh

Nhứt thiết duy tâm tạo”

Thật vậy, tất cả các pháp đều do tâm mà ra, chứng thánh thành đạo cũng do tâm, làm ma làm chúng sanh cũng do tâm, lìa tâm để tìm đạo tức không thành. Đạo là nguồn chơn, là bến bờ giải thoát, tất cả các pháp không ngoài tâm, lìa tâm để tìm đạo, tức không thành. Đạo là chơn lý, là con đường trở về bản sở, tâm luôn giữ một vai trò quan trọng, quyết định sự thành bại của một con người.

Kinh Pháp Cú, phẩm “Song Yếu” có ghi:

“Tâm dẫn đầu các pháp

Tâm làm chủ, tâm tạo tác

Nếu nói hay làm vời tâm ý trong sạch

Thì hạnh phúc sẽ theo sau

Như bóng không rời hình.”

Trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm “Nhập Pháp Giới”, Đức Phật chỉ cho chúng ta pháp tu ngang qua hành trình đi tìm đạo của Thiện Tài Đồng Tử. Thiện Tài gạt bỏ những ô uế của cuộc đời đến tham học với các bậc thiện tri thức, đầu tiên là Văn Thù Sư Lợi, tượng trưng cho trí tuệ, nhờ có trí tuệ nên Đồng Tử biết đâu là chánh pháp và cuối cùng thanh lọc thân tâm thanh tịnh, giữ được sự trong sáng của tâm hồn, thể hiện hạnh Bồ-tát, vượt bao khó khăn phiền toái, lòng vẫn thanh cao không bợn nhơ, gặp việc buồn không buồn, gặp giận không giận. Hình ảnh của Thiện Tài cho chúng ta tấm gương kiên trì nhẫn nại, một tâm hồn trong sáng, ngây thơ.

Thiện Tài đã trang bị cho mình giới đức qua Đức Sanh và Hữu Đức, tâm thanh tịnh không thay đổi, thâm nhập Phật đạo, gặp được Bồ-tát Di-lặc ở Tỳ-lô-giá-na lâu các, là người giữ tạng báu Như Lai. Như vậy cho chúng ta thấy chỉ có đức hạnh là cầu đưa ta đến quả vị Phật, vì Bồ-tát Di-lặc tiêu biểu cho đức hạnh đệ nhất, Ngài được Phật Thích-ca thọ ký làm người kế thừa ở cõi Ta-bà trong đời vị lai.

Thiện Tài là một đồng tử với ánh mắt trong trắng, ngây thơ đến thọ pháp với Bồ-tát và được Bồ-tát dạy cho pháp giải thoát như huyễn, mọi vật, mọi hiện tượng trên thế gian đều huyễn hóa, đều do tâm mà thành. Nếu trở về với tâm thanh tịnh, trở về với Tỳ-lô-giá-na lâu các, đạt nhân, hạnh, quả, đức của Như Lai, chứng Pháp thân thường trú, tức thành đạo.

Vậy thành đạo tức là trở về an trú nơi tâm thanh tịnh, quán chiếu các pháp theo tinh thần của Bát-nhã “sắc tức thị không, không tức thị sắc, sắc bất dị không, không bất dị sắc”. Do đó tâm không bị cảnh trần lôi cuốn, dấn thân hành đạo trên khắp nẻo đường dù thuận dù nghịch, tiếp xúc mọi thành phần trong xã hội để trang bị tâm thuần tịnh như ở Tỳ-lô-giá-na lâu các của Bồ-tát Di-lặc, sau cùng Đồng Tử cũng đến với Phổ Hiền, tiếp xúc với hạnh nguyện của Phổ Hiền Bồ-tát, đồng với chư Phật, một thân sung mãn tất cả thế giới, đồng Phật sở trụ, đồng đại từ bi tức là đạt được tạng bí yếu của Như Lai.

Tóm lại, sự thành đạo không có gì cao xa, nó hiện hữu trong lòng của mỗi người. Nếu chúng ta quay nhìn lại tâm mình, nhận được bản tánh thường nhiên sẵn có tức là sự thanh tịnh, trong sáng, hồn nhiên, an lạc trong từng sát na... tức nhận ra pháp yếu của Phật, đạt được pháp thân của chính mình. Đó là phẩm vật cao quý nhất chúng ta dâng lên cúng dường Thế Tôn nhân ngày lễ Thành đạo.

(Phân đoàn 1 Giáo đoàn IV)