Ý nghĩa và giá trị thuyết trung đạo trong đạo Phật

Sự xuất hiện của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong cõi ta bà là một vinh hiển lớn cho nhân loại. Ngài là hiện thân của chân lý giải thoát, là kết tinh của muôn ngàn hương hoa từ bi và trí tuệ, là điềm lành cho hết thảy chúng sanh. Ngài ra đời “Vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người”[1]. Những gì Ngài giảng dạy cho chúng ta không ngoài hai vấn đề trọng tâm của kiếp sống con người, đó là, Sự thật khổ đau và sự chấm dứt khổ đau. Cuộc đời Đức Phật là bài thuyết pháp hùng hồn trác tuyệt. Đời sống của Ngài là một biểu tượng sống động cho giáo lý của Ngài. Giáo pháp do Ngài giảng dạy không phải là một hệ thống lý luận viển vông mơ hồ, mà đó là những giáo nghĩa minh triết, nhằm giúp con người trực nhận được sự thật về cuộc đời, để từ đó nỗ lực tinh tấn giải thoát khỏi khổ đau. Để hiểu rõ vấn đề này, chúng ta hãy tìm hiểu một hệ thống giáo lý đặc trưng, phổ quát căn bản nhưng tối quan trọng trong hệ thống giáo lý của đạo Phật, thông qua lời tuyên bố hùng hồn của Thế Tôn trước nhân loại: “Hãy từ bỏ hai cực đoan và thực hành con đường Trung Đạo”. Lời tuyên bố này của Đức Phật đã làm thay đổi lớn về tư tưởng các học phái đương thời ở Ấn Độ, là sự đúc kết kinh nghiệm của một quá trình sống nghiêm túc từ thời còn Thái tử đến lúc thành đạo.

 Mở đầu bài pháp đầu tiên giảng tại Lộc Uyển cho 5 anh em Kiều-trần-như, Đức Phật dạy: “Có hai cực đoan (anta) mà người xuất gia (pabbajitena) không nên nương nhờ”[2]. Đức Phật đặc biệt nhấn mạnh đến danh từ “anta” - là mức tột cùng, điều thái quá, cực điểm hay cực đoan, và “pabbajitena” là người từ bỏ thế gian, ly gia cắt ái, người xuất gia.

Chạy Theo Hạnh Phúc Khoái Lạc Giác Quan

Cực đoan tìm hạnh phúc bằng cách theo đuổi khoái lạc giác quan, một điều mà chính Đức Phật phê bình là “thấp kém, tầm thường, không lợi ích, đường lối của những kẻ hạ liệt”[3]. Dầu người say đắm dục lạc có ảo kiến thế nào, thì đối với ai biết điềm tĩnh suy tư, khoái lạc vật chất quả thật là ngắn ngủi, không khi nào được thỏa mãn trọn vẹn mà chỉ đưa đến hậu quả bất toại nguyện. Đề cập đến hạnh phúc trần gian, Đức Phật dạy rằng thâu thập tài sản và hưởng thọ tài sản đã thâu thập là hai nguồn vui thích của người tại gia cư sĩ. Tuy nhiên, bậc xuất gia chân chánh không tìm thích thú trong việc chạy theo những khoái lạc tạm bợ nhất thời ấy. Đôi khi người ta lấy làm ngạc nhiên, không hiểu vì sao người tu hành lại xa lánh ngũ dục thế gian. Vì nguồn hạnh phúc của người này có thể là tiếng chuông báo động cho những người khác. Đối với hạng người này, chỉ có sự xuất gia, từ khước và xa lánh thế tục là hạnh phúc.

Tìm Kiếm Hạnh Phúc Bằng Con Đường Ép Xác Khổ Hạnh

Trái hẳn với lợi dưỡng, cực đoan kia là một nỗ lực kiên trì trong lối tu khổ hạnh (attakilamathanuyoga). Đây là một lối sống mà người thiếu ý chí, nghị lực không thể thực hành nổi. Dựa trên kinh nghiệm ép xác khổ hạnh của chính bản thân Đức Phật trên con đường tầm đạo, Ngài chỉ rõ: “đây là một phương pháp đau khổ, không xứng phẩm hạnh của bậc thánh nhân, và vô bổ”[4]. Thế thường, chỉ có những tu sĩ quyết tâm từ bỏ mọi luyến ái về dục lạc ngũ trần mới khép mình vào lối tu khổ hạnh để thành đạt sự giải thoát như họ nghĩ.

Ý Nghĩa Và Giá Trị Con Đường Trung Đạo

Sau sáu năm tự bản thân kinh nghiệm, Đức Gotama đã nhận thức sâu sắc rằng lối tu khổ hạnh không thể đem lại lợi ích, mặc dầu các triết gia và các tu sĩ thời bấy giờ quả quyết rằng đó là nếp sống tối cần thiết để đạt đến cứu cánh. Thấy rằng khổ hạnh chỉ làm giảm suy trí thức và mệt mỏi tinh thần, Ngài liền dứt khoát từ bỏ lối tu ấy, cũng như trước kia đã từ bỏ lối sống lợi dưỡng, chỉ làm chậm trễ tiến bộ tinh thần, và chọn con đường "Trung Đạo". Chính con đường này đã giúp Ngài chứng được quả vị giác ngộ tối thượng và sau này trở thành một trong những đặc điểm của pháp hành. Hồi tưởng lại thời thơ ấu lúc bảy tuổi, vào một buổi lễ hạ điền, trong lúc phụ hoàng và bá quan văn võ, thần dân đang chăm chú cử hành nghi lễ, thì dưới tàng cây Hồng Táo, Ngài đã nhập Sơ thiền. Ngài nhận định rằng với tấm thân mòn mỏi, trí óc thiếu minh mẫn, không thể nào giúp Ngài giác ngộ được. Một sức khỏe thích nghi rất cần thiết để thành đạt tiến bộ tinh thần, nên quyết định không nhịn đói nữa mà dùng những vật thực thô sơ. Năm vị tu sĩ thân tín lâu nay theo hầu cận với bao nhiêu hy vọng, nay thấy Ngài đột ngột thay đổi phương pháp tu tập như vậy thì lấy làm thối chí, bỏ đi Isipatana (Lộc Uyển) và nói rằng: "Đạo sĩ Cù Đàm đã trở lại ưa thích xa hoa, đã ngừng cố gắng, và đã quay về đời sống lợi dưỡng." Trong lúc quyết định quan trọng như vậy, sự hỗ trợ bên ngoài thật vô cùng khẩn thiết. Chính ngay lúc ấy, những người bạn đồng tu lại bỏ ra đi. Nhưng Ngài không ngã lòng, một mình trong cảnh cô đơn, giữa chốn rừng sâu, bậc vĩ nhân đã chứng ngộ được chân lý cao sâu thâm diệu và giải quyết được những vấn đề phức tạp, khó khăn. Cuối cùng Ngài đã đạt được sự giác ngộ nhờ con đường Trung Đạo.

Trung Đạo thường được hiểu là Bát Chánh Đạo. Bát Chánh Đạo nghĩa là con đường chân chánh gồm 8 ngành, đó là: “Chánh kiến: là thấy, nghe, hay, biết một cách ngay thẳng, công minh, đúng với sự thật khách quan. Chánh tư duy: là suy nghĩ, xét nghiệm chân chánh, tư tưởng đúng với lẽ phải. Chánh ngữ: là lời nói chân thật, công bình, ngay thẳng và hợp lý. Chánh nghiệp: là hành động, việc làm chân chính, đúng với lẽ phải, phù hợp với chân lý, có lợi ích cho người lẫn vật. Chánh mạng: là sanh sống một cách chân chính bằng nghề nghiệp lương thiện, trong sạch của mình. Chánh tinh tấn: là chuyên cần, siêng năng, thẳng tiến mục đích đã vạch sẵn, không vì lý do gì mà lùi bước. Chánh niệm: là ghi nhớ đến những điều hay lẽ phải, những điều lợi lạc cho mình cho người, những đạo lý chân chính quý trọng cao siêu. Chánh định: là tập trung tư tưởng vào một vấn đề chính đáng, đúng với chân lý, có lợi ích cho mình và người”.[5]

Nhận Định Về Trung Đạo

Toàn bộ giáo lý mà Đức Phật giảng dạy là bản đồ ra khỏi khổ đau. Giáo lý căn bản bao gồm ba mươi bảy pháp, thường gọi là ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Đó là Bốn Niệm Xứ, Bốn Chánh Cần, Bốn Thần Túc, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Bồ Đề Phần, Tám Thánh Đạo Phần. Trong ba mươi bảy pháp vừa kể trên, Bát Chánh Đạo được xem là tiêu biểu và căn bản nhất của con đường ra khỏi khổ đau, được gọi là Đạo Đế, vì trong nhiều kinh, Đạo Đế được đề cập như là Bát Chánh Đạo. Điều này cho chúng ta thấy Bát Chánh Đạo cũng chính là ba mươi bảy phẩm trợ đạo. “Con đường tu tập của Bát Thánh Đạo lại quy vào chi phần Chánh Tri Kiến. Ở đây hiện rõ nét Đạo Phật là đạo của trí tuệ, của giác ngộ. Đây là đích đến của một bậc Đại Nhân như kinh “Bát Đại Nhân Giác” nói đến “Duy Tuệ Thị Nghiệp”. Khi có mặt của trí tuệ, thì đẩy lùi tất cả những gì của thế giới vọng tưởng của tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định”.[6] Nếu thu gọn con đường tu tập giải thoát của Bát Chánh Đạo thì chúng ta có thể trình bày dưới hình thức căn bản của Tam Vô Lậu Học. Chánh kiến và Chánh tư duy thuộc về Tuệ uẩn; Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng thuộc về Giới uẩn; Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định thuộc về Định uẩn. Cho nên, chúng ta có thể nhận định rằng con đường giải thoát là con đường trí tuệ (Chánh tri kiến) con đường của Giới, Định, Tuệ hay là con đường Bát Chánh Đạo.

Tu Tập Trung Đạo

Tu tập Bát Chánh Đạo hành giả khởi đầu bằng bước đi chánh kiến, đi từng bước vững chãi cho đến lúc giải thoát, để rồi sau cùng hành giả chú tâm hoàn toàn ổn định trong chánh kiến vô lậu. Ở đây, có hai lộ trình, lộ trình của những bậc hữu học và lộ trình của bậc A-la-hán. “Do có Chánh Kiến, Chánh Tư Duy khởi lên; do có Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ khởi lên; do có Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp khởi lên; do có Chánh Nghiệp, Chánh Mạng khởi lên; do có Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn khởi lên; do có Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm khởi lên; do có Chánh Niệm, Chánh Định khởi lên; do có Chánh Định, Chánh Trí khởi lên; do có Chánh Trí, Chánh Giải Thoát khởi lên. Như vậy, này các Tỳ-kheo, đạo lộ của một vị hữu học gồm có tám chi phần và đạo lộ của vị A-la-hán gồm có mười chi phần”.[7] Mỗi khi chúng ta tu tập một chi phần nào đó, có nghĩa là chúng ta tu tập các chi phần còn lại. Tất cả tám chi phần đều liên kết chặt chẽ với nhau và mỗi chi phần giúp cho sự đào luyện những chi phần khác. Vì vậy chúng ta cần phải tu tập, đào luyện tám chi phần đồng thời với nhau và tu tập càng nhiều càng tốt, tùy theo khả năng của từng người. Tám chi phần trong Bát Chánh Đạo nhằm mục đích làm phát sinh và hoàn thiện ba khía cạnh cốt yếu trong việc tu tập và kỷ luật tâm linh theo Phật giáo, được gọi là Thánh Giới Uẩn, Thánh Định Uẩn và Thánh Tuệ Uẩn. Như vậy, khi tu tập chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng là chúng ta đang tu tập Giới, đang thực hành mười thiện nghiệp của thân, khẩu và ý. Khi tu tập Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định là chúng ta đang thực tập Thiền Định (thiền chỉ và thiền quán). Khi tu tập Tứ Chánh Cần và Tứ Niệm Xứ là để đào luyện tâm thức tĩnh lặng trong sáng. Khi tu tập Chánh Kiến và Chánh Tư Duy là chúng ta đang an trú chánh niệm trên các suy tưởng về vô dục, vô sân, vô si, vô hại và như lý tác ý khởi niệm đúng pháp trên Ba pháp ấn (vô thường, khổ, vô ngã) nhằm mục đích thành tựu Trí Tuệ vô lậu. Tu tập Bát Chánh Đạo nhằm đưa đến mục đích sau cùng của đời sống phạm hạnh là đoạn tận ái, thủ, vô minh, giải thoát hết thảy các lậu hoặc. Bát Chánh Đạo phù hợp với mọi căn cơ và có thể áp dụng thích nghi trong cuộc sống thường ngày của con người. Ở góc độ này, tu tập Bát Chánh Đạo là tu tập thân và tu tập tâm nhằm mục đích tạo ra cuộc sống điều hòa, thảnh thơi và an lạc.    

Ứng Dụng Trung Đạo Trong Đời Sống Hiện Tại              

Qua giáo pháp này, chúng ta hiểu rằng mục đích của cuộc sống là không hại mình và hại người, không làm khổ mình và người khác. Chúng ta tự nỗ lực thể hiện một lối sống tránh hai cực đoan là tham đắm dục lạc thấp hèn và chuyên hành trì khổ hạnh. Chúng ta phải chọn một lối sống lành mạnh biết đủ, đưa mình đến tâm thanh tịnh và trí thanh tịnh. Trên nền tảng của Bát Chánh Đạo, chúng ta tránh được các tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định. Nhờ thực hành Bát Chánh Đạo mà chúng ta hoàn thiện cho mình một nhân cách cao thượng, sống hòa hợp với mọi người, biết tha thứ và yêu thương, nhìn nhau với cặp mắt ái kính. Hay nói cách khác, thực hành Bát Chánh Đạo, chúng ta sẽ xây dựng được một gia đình hạnh phúc, một thôn xóm văn hóa và một xã hội hòa bình, văn minh thật sự.

Thật vậy, Bát Chánh Đạo là một phương pháp, một lối đi và một nếp sống đẹp có thể dành cho tất cả mọi người. Nhất là loài người đang sống trong thế kỷ XXI này, thế kỷ của sự hợp tác văn hóa, kinh tế giữa các quốc gia có ý thức hệ và hệ thống kinh tế khác nhau. Có thể khẳng định rằng con đường sống chung hòa bình trong sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau là con đường duy nhất để thế giới tồn tại và phát triển, để hành tinh này không bị phá hủy bởi bom đạn, hận thù và sinh thái ô nhiễm. Chừng nào con người còn đau khổ, chừng nào mọi quốc gia trên thế giới mong muốn sống chung hoà bình, chừng đó Bát Chánh Đạo vẫn còn là kim chỉ nam, là bản đồ tu tập cho mọi người ở mọi thời đại.  

Đến đây chúng ta có thể mạnh dạn đi đến kết luận rằng con đường tu tập giải thoát của Phật giáo không ra ngoài ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Con đường tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo để đoạn tận ái, thủ, vô minh, không ra ngoài Bát Chánh Đạo và con đường tu tập Bát Chánh Đạo lại quy tụ vào chi phần Chánh Kiến. Điều đó chứng tỏ rằng Đạo Phật là đạo trí tuệ, đạo giác ngộ và đây là đích đến của một bậc Đại Nhân. Ngài đã giảng dạy, chỉ bày con đường Trung Đạo và đã phân tích, đề cao giá trị chân thực của con đường Bát Chánh Đạo này qua nhiều phương diện khác nhau nhằm khích lệ, sách tấn chúng ta. Muốn an lạc và hạnh phúc, muốn thoát ly sanh tử, mỗi người chúng ta phải ý thức và nỗ lực thực hành Bát Chánh Đạo, hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, hãy tự mình tu tập để thành tựu giải thoát, vì Đức Như Lai chỉ là bậc Đạo sư chỉ đường. Nương theo những lời dạy của Đức Phật, chúng ta có thể đạt được niềm an vui và hạnh phúc. Mỗi việc làm hay hành động của Ngài là một triết lý sống. Hẳn nhiên học về cuộc đời Đức Phật để chúng ta nhìn lại bản thân đã noi theo đức hạnh của Ngài ở mức độ nào khi ta tự nhận mình là đệ tử Phật.


[1] Trường Bộ Kinh, Tập I, Kinh Đại Bát Niết Bàn, Thích Minh Châu (dịch), TP. HCM, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1991.

[2] Narada, Đức Phật Và Phật Pháp, (Phạm Kim Khánh dịch), Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2008, tr. 90.

[3] W. Rahula, Đức Phật đã dạy những gì, (Trí Hải dịch), Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, tr. 107.

[4] Maha Thera Narada, Đức Phật và Phật Pháp, (Phạm Kim Khánh dịch), Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2008.

[5] HT. Thích Thiện Hoa, Phật học phổ thông, quyển I , Nxb Thành Hội Phật Giáo, TP. HCM, 1997, tr. 156-161.

[6] Thích Chơn Thiện, Phật học khái luận, TP. HCM, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1999, tr. 338.

[7] Kinh Trung Bộ, Tập III, Đại Kinh Bốn Mươi (Thích Minh Châu dịch), TP. HCM, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 2001, tr. 245.