CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Lời vàng vi diệu (lời giới thiệu)

LỜI VÀNG VI DIỆU

(Kinh Pháp Cú - Dhammapada)

Thích Giác Toàn (chuyển thơ) 

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammãsambuddhassa

Con xin đem hết lòng thành kính

Làm lễ đức Thế Tôn

Ngài là bậc Ứng Cúng cao thượng

Được chứng quả Chánh Biến Tri

Do Ngài tự ngộ

Không thầy chỉ dạy.

Kinh Pháp Cú là cuốn kinh chọn lọc những lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn tại thế. Suốt trong bốn mươi lăm năm thuyết pháp, đức Phật đã nói rất nhiều Pháp ngữ, bao gồm nghĩa lý thâm thiết để cởi mở nghiệp khổ cho chúng sanh mà đưa họ đến Niết-bàn an lạc. Những giáo pháp ấy, ngay ba tháng sau khi Phật diệt độ, các vị cao đồ đã hội họp kết tập thành Tam tạng để truyền lại cho hậu thế noi theo. Đồng thời, những câu dạy ngắn gọn đầy ý nghĩa của Phật trong ba trăm trường hợp giáo hóa khác nhau, cũng được kết tập thành kinh Pháp Cú này và lưu truyền mãi cho đến ngày nay...

Hòa thượng Thích Thiện Siêu

LỜI NÓI ĐẦU

loi vang vi dieu 111Pháp Cú (Dhammapada) là một trong những bộ kinh nổi tiếng nhất của Kinh tạng Thượng tọa bộ (Theravada) và ngày càng được phổ biến trong giới học Phật trên toàn thế giới. Dhamma (Pháp) nghĩa là Phật pháp, là chân lý vĩnh cửu, là sự công chính, là mọi sự vật, hiện tượng. Pada (Cú) nghĩa là bàn chân, là bước đi, là thơ, là kệ tụng. Kinh thuộc Tiểu bộ (Khuddaka Nikàya) của Kinh tạng Nguyên thủy. Bản gốc Pali ngữ đã được dịch ra khá sớm, bằng chữ Kharosthi, bằng Hybrid Sanskrit, và Tạng ngữ. Về sau, xuất hiện nhiều bản dịch của nhiều ngôn ngữ trên thế giới: Hán, Anh, Pháp, Đức, Miến, Nhật... nói chung là ở hầu hết các nước có sự hiện hữu của Phật giáo.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy đã tìm thấy vài bản Pháp Cú khác nhau: ví dụ, bản của ngài Pháp Cứu (Dharmatrata, thế kỷ thứ I trước Tây lịch) gồm 39 phẩm, 759 bài kệ; bản của Tăng Già Bạt Trường và Trúc Phật Niệm (năm 398) gồm 33 phẩm và gần 1.000 bài kệ; các Phạn bản không đầy đủ ở Khố Xa, Đôn Hoàng... Nhưng thường thì các bản dịch đều căn cứ vào bản Pali gồm 26 phẩm, 423 bài kệ do ngài Buddhagosa (Phật Âm) diễn giải vào khoảng thế kỷ thứ V Tây lịch.

Các bản Việt dịch thường căn cứ vào các bản Pali, Hán, Anh, Pháp... Đó là các bản dịch của Á Nam Trần Tuấn Khải, của Hòa thượng Thích Thiện Siêu, của Hòa thượng Thích Minh Châu, của Hòa thượng Thích Trí Quang, của cư sĩ Phạm Kim Khánh... Riêng các bản dịch ra thơ lục bát thì đã có các dịch giả Minh Đức Triều Tâm Ảnh (xuất bản năm 1995), Tịnh Minh (xuất bản năm 1995), Ngô Tằng Giao (xuất bản năm 2003), Giác Hạnh (xuất bản năm 2008), v.v...

Riêng tôi, từ lâu với tâm nguyện xin được tiếp nối, thể hiện truyền thống của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam, cố gắng chuyển thật nhiều các kinh kệ Phật giáo ra các thể loại thơ, đặc biệt là thơ lục bát, thể thơ quen thuộc với phần đông Phật tử Nam Bộ và với đại chúng người Việt. Sau tập sách Hương thiền ngàn năm mừng Đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội (với bút hiệu Trần Quê Hương) trong đó tôi đã diễn dịch phần khá lớn thơ văn Phật giáo thời Lý-Trần, tôi vẫn cảm thấy như đang tiếp tục được sự phù trợ linh ứng của Tam Bảo, của chư vị lịch đại tổ sư, các bậc thiền sư tiền hiền; từ đó, tôi chuyên tâm chuyển tác những lời vàng của đức Phật ra thơ lục bát. Đối với tôi, đây cũng là cơ duyên bày tỏ tấm lòng tu tập tự thân, mà cũng để góp phần truyền bá Phật pháp, đền đáp hồng ân của chư Phật, chư Tổ, kết nối tâm nguyện hảo ý của các tác giả những bản dịch đã thực hiện trong thời gian qua.

Tập sách nhỏ này có tựa đề là Lời vàng vi diệu. Chuyển sang thơ lục bát, tôi dựa vào bản dịch của cố đại lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, đạo hiệu Trí Đức, được xuất bản lần đầu vào năm 1959, theo bản Hán dịch từ Pali ngữ của Hòa thượng Liễu Tham. Có thể nói, Lời vàng vi diệu không phải là một bản dịch nguyên văn, mà đúng hơn, là một bản diễn ý kinh Pháp Cú. Lý do có thể là vì kỹ thuật diễn thơ lục bát và nhất là vì sự rung cảm vốn rất chân thành nhưng cũng mang cảm tính của tự thân đối với bản kinh. Đây cũng là cách diễn đạt của tôi về một số kinh văn, nhất là về các thơ văn Phật giáo thời Lý-Trần, như trong tập sách Hương thiền ngàn năm.

Trong quá trình thực hiện, chắc chắn không tránh khỏi những điều kém khuyết, rất mong được sự lượng thứ chỉ giáo của chư Tôn thiền đức và sự góp ý, hỷ xả của chư thiện hữu tri thức, cùng độc giả xa gần.

Tôi xin chân thành biết ơn và tri ân quý chư liệt vị.

Phương Thảo am, Tịnh xá Trung Tâm,

Trọng Đông, PL. 2554, Canh Dần 2010

Thích Giác Toàn

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết: