CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Lược sử Phật giáo Nhật Bản - Chương 5

     

 

LƯỢC SỬ PHẬT GIÁO NHẬT BẢN

GS. Shinsho Hanayama

Tiến sĩ Thích Minh Thành dịch

            Nhà xuất bản TP.HCM - 2001  

Lời nói đầu

Lời người dịch

Chương 1: Phật Giáo Nhật-bản thời du nhập

Chương 2: Hoàng tử Shotoku (Xứng-đức)

Chương 3: Cuộc cải cách Taika

Chương 4: Phật Giáo thời Nại-lương

Chương 5: Phật Giáo Thời Bình An

Chương 6: Phật Giáo triều đại Liêm Thương

Chương 7: Thời cận đại và hiện tại

Chương 5: Phật Giáo Thời Bình An

Trong thời gian trước và sau khi thiên đô về Kyoto (Đông Đô) Hoàng đế Kammu (Hoàn Vũ) thỉnh thoảng ra các vương lệnh nhằm chỉnh đốn hàng ngũ tăng sư và việc hoạt động của tu viện. Ngài nhấn mạnh rằng tu sĩ cần phải có phẩm hạnh và kiến thức.

Trong bối cảnh như thế Phật Giáo thời Heian (Bình An) ra đời với hai tông phái tiêu biểu là Tendai (Thiên Thai) và Shingon (Chơn Ngôn). Tendaishu (Thiên Thai Tông) được Saicho (Tối Trừng) hiệu là Dengyo-Daishi (Truyền Giáo Đại Sư: 767 - 822) khai sơn; Shingonshu (Chơn Ngôn Tông) được Ngài Kukai (Không Hải) hiệu là Kobo-Daishi (Hoằng Pháp Đại Sư: 774 - 835) khai sơn. Saicho (Tối Trừng) đặt trụ sở ở núi Hiei[1] (Núi Tỷ-xan) trong khi đó Kukai (Không Hải) thì lập hội sở ở núi Koya (núi Cao Dã). Trong thời Nara (Nại-lương) những ngôi chùa được xây dựng tại trung tâm thủ đô để tăng sư cư trú và tu học. Những tông phái lúc đó như Sanron (Tam Luận), Hosso (Pháp Tướng), Kegon (Hoa Nghiêm), Ritsu (Luật), Kusha (Câu-xá) và Jojitsu (Thành Thật) giờ đây đã chìm vào quá khứ. Đời sống của tăng sư lúc ấy liên hệ thân thiết với đời sống của thị dân nên dần dần bị hệ lụy vào các việc chính trị và kinh tế. Những hệ lụy hệ nầy đã đưa đến sự sa sút về mặt phẩm hạnh của tăng sĩ.

Giờ đây hàng ngũ tăng sĩ trẻ có nhiệt tâm lui về ẩn mình trong núi non, xa lánh sự náo nhiệt của những sinh hoạt xã hội để dốc lòng tìm ra ánh đạo. Một số những vị tăng nầy được chính quyền Heian (Bình An) thỉnh rước, được bảo vệ và đã lập ra được những tông phái mới. Do vậy nên đương nhiên tăng sĩ thời Heian (Bình An) chọn lựa những nơi hẻo lánh và yên tỉnh như núi đồi và thung lũng để làm nơi tu học, tìm chơn lý và đào tạo môn sinh. Ngày nay núi Hiei (Núi Tỷ-xan) và núi Koya (Núi Cao Dã) có đường giao thông đi lại thuận tiện và đời sống không mấy khó khăn nhưng cách đây 1.150 năm thì đó là những nơi thâm u và cô tịch nhưng các nhà sư thời Heian (Bình An) có hùng lực đã chọn lựa với mục tiêu duy nhất là tìm cầu chơn lý và phương pháp chấn hưng.

1. Tendaishu (Thiên Thai Tông):

Tendaishu (Thiên Thai Tông) được Saicho (Tối Trừng), một vị tăng sĩ từng tu học ở Nara (Nại-lương) khai sơn. Năm 18 tuổi Saicho (Tối Trừng) rời khỏi Nara (Nại-lương) tìm lên núi Hiei (Núi Tỷ-xan). Trong suốt 20 năm Saicho (Tối Trừng) ở đó tự học và tu tập đơn độc một mình, chưa một lần bước chân xuống núi. Dựa trên những điều đã được học từ Kegon (Kinh Hoa Nghiêm) và từ Sandaibu (Tam Đại Bộ)[2] của Tổ Thiên Thai[3], Ngài một mình tìm tòi, suy tư thiền quán. Sau đó Saicho (Tối Trừng) thuyết giảng về Sandaibu (Tam Đại Bộ) ở Takaoyama (Cao Hùng Sơn), Tokyo (Đông Kinh), cho những vị tăng sĩ có danh tiếng thời Nara (Nại-lương). Sau buổi thuyết giảng nầy Saicho (Tối Trừng) đã có uy tín của một bậc tòng lâm thạc học. Từ đó Saicho (Tối Trừng) được hoàng đế Kammu (Hoàn Vũ) kính mến và cầu học, hoàng đế chính là người đã rời bỏ Nara (Nại-lương) để đến Kyoto (Đông Đô) với mục đích là tạo một sinh khí mới cho thời đại. Hơn nữa hoàng đế Kammu (Hoàn Vũ) đã lâu khao khát tìm cầu những vị đạo sư đủ đạo hạnh và tài năng để hướng đạo cho quốc gia. Ở Nara (Nại-lương) những học giả của Saronshu (Tam Luận Tông) và Hososhu (Pháp Tướng Tông) đã đọc tụng và nghiên cứu kinh Hokekyo (Kinh Pháp Hoa) nhưng không có phương pháp đúng đắn. Một bên thì nhìn bộ kinh nầy từ quan điểm Không Tính của Saronshu (Tam Luận Tông), một bên thì lại theo quan điểm Ba Thừa của Hososhu (Pháp Tướng Tông). Như vậy những lý giải thường không lột tả được những ý pháp mà bộ kinh thật sự muốn truyền đạt. Giờ đây với Saicho (Tối Trừng) kinh Hokekyo (Kinh Pháp Hoa) đã có thể được nhận thức một cách tốt nhất từ quan điểm Sandaibu (Tam Đại Bộ) của giáo tổ Tendaishu (Thiên Thai Tông). Và như vậy ý nghĩa chơn chính của Nhất Thừa đã được tỏa sáng. Thật ra tinh thần của kinh Hokekyo (Kinh Pháp Hoa) đã được thánh đức thái tử triển khai. Những học giả của thời Nara (Nại-lương) sau khi đi Trung Quốc thỉnh kinh sách Phật Giáo về nhưng lại tận lực hoằng truyền giáo nghĩa của Hososhu (Pháp Tướng Tông). Do vậy mà giáo lý Nhất Thừa đã bị lơ là. Khi Ngài Ganjin (Giám Chân) xuất hiện thì Phật Giáo Nhất Thừa của Tendaishu (Thiên Thai Tông) một lần nữa được khẳng định và khi sắp sửa được tái khẳng định cộng thông với nguyên lý Nhất Thừa của Kinh Hoa Nghiêm thì chính quyền Nara (Nại-lương) bị sụp đổ.

Giờ đây với sự ra đời của chính quyền Heian (Bình An) và với sự lý giải kinh Hokekyo (Kinh Pháp Hoa) dựa trên Sandaibu (Tam Đại Bộ) của Tendaishu (Thiên Thai Tông), nên giáo lý Nhất Thừa một lần nữa được xiển dương. Giáo lý nầy trở thành nền tảng tư tưởng quan trọng của chính quyền mới. Trong thời gian nầy nhiều người từ Hàn Quốc và Trung Quốc đến định cư và trở thành dân Nhật-bản. Do vậy những khu dân cư mới được hình thành với những khác biệt về phong tục và nếp suy nghĩ. Giáo Lý Nhất Thừa có tác dụng làm giảm sự khác biệt nầy. Hoàng đế Kammu (Hoàn Vũ) muốn bổ nhiệm Saicho (Tối Trừng) làm vị lãnh đạo tâm linh. Nhưng Saicho (Tối Trừng) vốn là một người tự mình học hỏi nên lại có ý muốn đi đến Núi Thiên Thai, Trung Quốc để khai thông tất cả những sở nghi còn lại của mình về giáo lý Thiên Thai. Ông cũng muốn thỉnh những kinh sách mà nước Nhật-bản chưa có. Có những lý do chính đáng nên ông được hoàng đế đặc biệt cho phép ông đi sang Trung Quốc và hứa sẽ trở lại Nhật-bản ngay khi hoàn thành sở nguyện. Saicho (Tối Trừng) đến Trung Quốc năm 804 với tư cách là một Gengakusho (Hoàn Học Sinh) tức là ‘một sinh viên đi du học rồi trở về’. Ngay năm sau ông đã về lại Nhật-bản. Trong thời gian ông lưu trú tại Trung Quốc không những ông đã đạt được mục đích của chuyến đi như đã định mà còn học được giáo lý Mikkyo (Mật Tông) Phật Giáo. Ông đã mang về được 230 bộ sách (460 quyển) nói về Tendaishu (Thiên Thai Tông) và Mikkyo (Mật Tông) cùng với những luận thuyết về nghi lễ Mikkyo (Mật Tông).

Hoàng đế Kammu (Hoàn Vũ) vô cùng sung sướng về việc nầy. Hoàng đế cho mời những học giả tên tuổi ở Nara (Nại-lương) đến một ngôi chùa ở Takaoyama (Cao Hùng Sơn), Kyoto (Đông Đô) để nghe Saicho (Tối Trừng) thuyết trình về Phật Giáo Mikkyo (Mật Tông). Tháng 01 năm 806, Saicho (Tối Trừng) được phép sáng lập Thiên Thai Pháp Hoa Tông, nhưng vào tháng 03 năm đó hoàng đế băng hà thọ 70 tuổi. Suốt 20 năm sau đó là những năm tháng cực nhọc khó khăn nhất của Saicho (Tối Trừng) trong việc xây dựng nên một tông giáo mới mà ông đã sáng lập. Một, ông phải chiêu mộ môn sinh từ Kanto (Quan Đông) và Kyushu (Cữu Châu) đến. Hai, ông phải hệ thống lại giáo nghĩa và các phương pháp thực hành tu tập theo tông phái mới nầy. Ba, mặc dầu ông đã bỏ nhiều năm để đào tạo khoảng 15 vị tăng sĩ thành Daiso (Đại Tăng) tức là những vị tăng đủ giới phẩm nhưng những vị nầy lại phải thọ lãnh những học giới Tiểu Thừa theo những cơ chế pháp định hiện hành; và khi họ đi Nara (Nại-lương) để chính thức thọ giới thì một số bị ánh sáng hào nhoáng của Phật Giáo Thành Phố Nara (Nại-lương) chinh phục và bỏ ý định trở về Hiei (Tỷ-xan), một số vị khác bị các vị tu sĩ Hososhu (Pháp Tướng Tông) khuyến dụ rồi chuyển hệ sang Hososhu (Pháp Tướng Tông). Như thế Saicho (Tối Trừng) gặp phải một tình thế rất tồi tệ. Bốn, Giáo Lý Mikkyo (Mật Tông) mà ông đã mang về Nhật-bản chưa được nghiên cứu thấu đáo đủ để đáp ứng cho mục đích khai sơn lập giáo vì đó là giáo lý mà ông được học chỉ trong thời gian một tháng khi chờ có chuyến tàu để về Nhật-bản dù Mikkyo (Mật Tông) đã được hoàng đế Kammu (Hoàn Vũ) và tân chính phủ nồng nhiệt đón mừng. Mikkyo (Mật Tông) trở thành một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng một Tendaishu (Thiên Thai Tông) vừa mới được phê chuẩn. Tuy vậy, thuận cảnh đó lại là một gánh nặng đối với Saicho (Tối Trừng). Hơn nữa tình trạng khó khăn còn có thể thấy dễ dàng từ sự kiện Saicho (Tối Trừng) đã phải học Mikkyo (Mật Tông) với một nhà sư trẻ tên Kukai (Không Hải) và ông phải gửi người sẽ thừa kế mình đến Kukai (Không Hải) để tiếp tục học về dòng truyền thừa nầy. Sau khi Kukai (Không Hải) từ Trung Quốc trở về Nhật-bản, Kukai (Không Hải) và Saicho (Tối Trừng) đã cùng với nhau xây dựng nền Nhất Thừa Phật Giáo ở thủ đô Heian (Bình An). Hai vị gắn bó với nhau, sách vở được chuyền tay nhau để học hỏi được một thời gian thì tình cảm bị sứt mẽ và chia tay với nhau. Do đó Saicho (Tối Trừng) từ bỏ ý định tìm vị trí cho Mikkyo (Mật Tông) trong hệ thống Tendai-Hokkeshu (Thiên Thai Pháp Hoa Tông) do mình khai sáng. Năm, Saicho (Tối Trừng) phải liên tục đương đầu trong cuộc bút chiến với Tokuichi (Đức Nhất), một tòng lâm thạc học của Hososhu (Pháp Tướng Tông) bàn về mối liên hệ giữa giáo nghĩa Hososhu (Pháp Tướng Tông) và giáo nghĩa Tendaishu (Thiên Thai Tông), tức là vấn đề ‘Ba Thừa Phân Biệt’[4] đối nghịch với ‘Nhất Thừa Bình Đẳng’[5], và vấn đề ‘Năm chủng loại chúng sinh dị biệt’ đối nghịch với ‘Một quả chứng duy nhất dành cho tất cả’. Sáu, để có thêm những học giả mới ở Hiei (Tỷ-xan) thì việc cần thiết là phải làm cho Hiei (Tỷ-xan) được độc lập với Kaidan (Giới Đàn) ở Nara (Nại-lương)[6]. Ngoài ra lại còn có những điểm không nhất quán về mặt giáo lý cần phải hóa giải. Tức là nếu ‘giáo lý’ (e) và ‘pháp môn’ (Jo) là Đại Thừa thì hình thức sống (kai) cũng phải Đại Thừa.[7] Tại sao ở đây hình thức sống (kai) lại là Tiểu Thừa. Như vậy phải cần có một Kaidan Đại Thừa để có thể truyền trao giới pháp để giới tử trở thành một vị đạo sư của Đại Thừa Phật Giáo. Việc nầy quả là một cuộc cách mạng vĩ đại nhất, lớn tiếng nhất kể từ ngày Đức Phật chuyển pháp luân để phản đối giáo lý của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni về phương diện hình thức sống của tăng sư, một hình thức sống mà suốt hơn 1,300 năm được các giáo đoàn ngày xưa tuân thủ một cách nghiêm nhặt. Đó là kết quả của hùng lực vô song mà Saicho (Tối Trừng) đã thể hiện. Nền tảng mà Saicho (Tối Trừng) đã đứng chính là nền tảng mà mọi người phải đứng. Nếu chân lý thể hiện ra tùy theo thời gian, khí hậu, chủng tộc... và nếu sự tùy thuận theo những yếu tố của hoàn cảnh là Đại Thừa thì giáo nghĩa của Saicho (Tối Trừng) phải nói là triệt để Đại Thừa. Giới luật, pháp môn tu tập, và giáo lý của một xứ Ấn-độ nhiệt đới xa xôi không thể và cũng không cần phải được tuân thủ theo từng lời từng chữ ở một xứ sở cách biệt trong thời đại nầy. Điều quan trọng hơn là tôn giáo phải cung cấp dưỡng chất tâm hồn cho cuộc sống của con người. Cách nay hơn 1,200 năm Saicho (Tối Trừng) đã can đảm đề xướng tư tưởng đó. Ông bị giới Phật Giáo kịch liệt phản đối và dĩ nhiên bản thân ông bị đe dọa. Nhưng Saicho (Tối Trừng) đã kiên cường chống lại Phật Giáo Nara (Nại-lương) cho đến khi ông qua đời năm 822. Chỉ một tuần sau khi ông ta qua đời thì Hoàng Đế Saga (Ta-nga) đã ra vương lệnh phê chuẩn việc thành lập một giới đàn Đại Thừa ở Núi Hiei (Núi Tỷ-xan). Đó chính là khẩu hiệu đấu tranh của Saicho (Tối Trừng) cho đến khi ông nhắm mắt lìa đời. Từ đó Tendaishu (Thiên Thai Tông) của núi Hiei (Núi Tỷ-xan) đã thoát khỏi những ràng buộc của Phật Giáo Nara (Nại-lương), Tendaishu (Thiên Thai Tông) đã có thể đào tạo tăng tài theo cách thức riêng biệt của mình. Như vậy thì giáo nghĩa và cơ cấu tổ chức đã song hành đồng bộ với nhau tạo nên nền tảng cho sự phát triển lâu dài trong tương lai.

Tendaishu (Thiên Thai Tông) Nhật-bản đã dùng bộ kinh Hokekyo (Kinh Pháp Hoa) làm cốt lõi đồng thời cũng nghiên cứu giáo nghĩa của Mikkyo (Mật Tông). Ngoài ra, về phương diện giới học của Đại Thừa và pháp môn thiền định Tendaishu (Thiên Thai Tông) còn dùng kinh Dainichikyo (Kinh Đại Nhật) và kinh Bommokyo (Kinh Phạm Võng). Tendaishu (Thiên Thai Tông) còn xữ dụng kinh Konkomyokyo (Kinh Kim Quang Minh) và kinh Ninnohannyakyo (Kinh Nhân Vương Bát Nhã) để trình bày về việc bảo hộ quốc gia. Những bộ kinh của Jodoshu (Tịnh Độ Tông) như kinh Ninnohannyakyo (Kinh A-di-đà) cũng được hành trì. Như vậy, Tendaishu (Thiên Thai Tông) Nhật-bản phức tạp hơn nhiều so với Thiên Thai Tông Trung Quốc.

2. Shingonshu (Chơn Ngôn Tông):

Shingonshu (Chơn Ngôn Tông) được Kukai (Không Hải) tức là Kobo-Daishi (Hoằng Pháp Đại Sư) khai sơn. Thuở thiếu thời Kukai (Không Hải) học giáo thuyết của Khổng Giáo và Lão Giáo ở Đại Học Nara (Nại-lương) rồi chuyển sang nghiên cứu Phật Giáo. Sau đó Ông lui về, khi thì sống trên Núi Kii (Kỷ-y), khi thì ở trên Shikoku (Núi Tứ Quốc) khi thì ở vùng duyên hải Thái Bình Dương, Ông luôn tìm cầu chơn lý qua việc bầu bạn với thiên nhiên. Năm 804 ông cùng với Saicho (Tối Trừng)[8] sang Trung Quốc. Tháng 10, thuyền của Kukai (Không Hải) cập bến Fu-chou rồi Kukai (Không Hải) đi Tràng An, lúc bấy giờ là Thủ Đô của Trung Quốc. Tháng 06 năm sau Kukai (Không Hải) thọ học giáo nghĩa Taizokai (Thai Tạng Giới)[9]Kongokai (Kim Cang Giới)[10] với Keika (Huệ Quả). Trước khi viên tịch vào tháng 12 năm đó Keika (Huệ Quả) huấn thị cho Kukai (Không Hải) lập tức trở về Nhật-bản và hoằng truyền Mikkyo (Mật Tông) Phật Giáo.

Suốt thời gian ở Trung Quốc Kukai (Không Hải) đã học tiếng Sanskrit (Bắc Phạn), vẽ những bức ảnh Đức Phật và Mạn-đà-la[11], sao chép kinh điển và sớ giải. Kết quả vô cùng khả quan. Lúc đầu Kukai (Không Hải) nghĩ rằng mình sẽ tu học lâu dài ở Trung Quốc nhưng sư phụ Keika (Huệ Quả) lại có lời huấn thị. Vã lại giờ đây không có những bậc đạo sư thạc học nào khác mà Kukai (Không Hải) chưa thọ học. Vì vậy mà Kukai (Không Hải) trở về Nhật-bản vào tháng 08 năm 806. Kukai (Không Hải) thỉnh mang về Nhật-bản 118 bộ sách (150 quyển) trong đó có những bộ kinh và luật tắc thuộc nghi thức tế lễ của Shingonshu (Chơn Ngôn Tông) do Fuku (Bất Không)[12] mới phiên dịch. Ngoài ra Kukai (Không Hải) còn mang về những bức thư viết bằng Bắc Phạn và những bài kệ tụng của Shingonshu (Chơn Ngôn Tông), 216 bộ sớ giải (461 quyển) và tất cả dạng đồ hình mạn-đà-la, di ảnh của những vị đạo sư theo dòng truyền thừa và những bài viết về nghi lễ của Shingonshu (Chơn Ngôn Tông), chưa kể những vật kỷ niệm mà sư phụ Keika (Huệ Quả) ban tặng.

Thật ra, trong thời đại Nara (Nại-lương) thì Dainichikyo (Kinh Đại Nhật) và những bộ kinh khác của Mikkyo (Mật Tông) Phật Giáo, những sách vở viết về những nghi lễ gọi là ‘giki’ (nghi quỹ) và những bài viết về Nghi Lễ Mikkyo (Mật Tông) đã được đưa vào Nhật-bản. Saicho (Tối Trừng), sau khi học những nghi lễ của Mikkyo (Mật Tông), năm 805 đã trở về Nhật-bản trước Kukai (Không Hải) mang theo nhiều pháp cụ liên quan đến Nghi Lễ Mikkyo (Mật Tông) nhưng không đầy đủ. Mikkyo (Mật Tông) mà Kukai (Không Hải) đã học từ Keika (Huệ Quả) ở Tràng An không phải chỉ là Daibirushanakyo Mikkyo (Đại Tỳ-lô-giá-na Kinh Mật Giáo)[13] đã được Zemmui[14] (Thiện Vô Úy) truyền dạy mà còn là Kongochokyo[15] Mikkyo (Kim Cang Đảnh Kinh Mật Giáo) do Kongochi (Kim Cang Trí)[16] truyền dạy. Như thế, Mikkyo (Mật Tông) mà Kukai (Không Hải) tiếp nhận được thì đầy đủ và hoàn hảo nhất về cả ba phương diện: phương diện vật chất như kinh điển và những nghi thức tế lễ, phương diện chính thống truyền thừa bằng những luật tắc lễ nghi, và phương diện nội dung giáo lý thuộc Shingon Mikkyo (Chơn Ngôn Mật Giáo) của cả hai chi phái.

Kongokai (Kim Cang Giới) và Taizokai (Thai Tạng Giới) về mặt lịch sử là hai dòng tư tưởng Mật Giáo khác nhau nhưng lại được Keika (Huệ Quả) hợp nhất và truyền xuống cho Kukai (Không Hải). Giờ đây Taizokai (Thai Tạng Giới) được xem như là biểu hiện của chơn lý có sẳn trong con người và Kongokai (Kim Cang Giới) là biểu hiện của trí tuệ tối thượng mà một người đang tu tập, đang thăng tiến và đang hoàn chỉnh. Chúng ta chia thành hai, nhưng trong ý nghĩa sâu kín cả hai thật ra là một. Trong dạng Mikkyo (Mật Tông) nầy người ta đọc tụng những câu thần chú, bắt ấn, vổ tay, ngồi thiền định, cử hành những nghi lễ nghiêm trang mang hình thái đặc thù Ấn-độ. Dạng Mikkyo (Mật Tông) như vậy đã kích khởi sự phấn chấn cho người Nhật-bản trong thời đại Heian (Bình An) những người đã biết rõ và chán ngán Phật Giáo Nara (Nại-lương). Phật Giáo Nara (Nại-lương) dạy đọc tụng kinh điển; người nào hiểu được nội dung kinh điển thì có nhiều công đức lành. Giờ đây người ta lại tin rằng dạng Mikkyo (Mật Tông) Phật Giáo mới mẽ nầy sẽ mang lại nhiều công đức lành hơn nữa. Người ta không cần phải chờ vô lượng kiếp cần khổ tu hành mà ngay nơi thân do cha mẹ sinh ra mà thôi là có thể đạt thành chánh quả nhờ vào việc thực hành các nghi lễ thần bí của Mikkyo (Mật Tông). Như vậy những nghi lễ thực tế của Shingonshu (Chơn Ngôn Tông) được gọi là kaji (gia trì), tức là ‘gia hạnh và tu trì’, hay gọi là kito (kỳ đảo) có nghĩa là ‘cầu nguyện’. Những pháp tu thần bí nầy được xữ dụng trong mọi trường hợp để tránh những tai họa, dịch bệnh, cướp bóc, rủi ro, và để đạt thành sở nguyện trong các công việc của quốc gia, của dân tộc, sắc tộc hay là một nhóm người hay một cá nhân con người. Thời đại Heian (Bình An: 784 - 1185) trở thành thời đại của Shingonshu (Chơn Ngôn Tông) Phật Giáo.

Giáo lý Mikkyo (Mật Tông) trước tiên xuất hiện ở Ấn-độ vào cuối Tây Lịch khi mà Đại Thừa Phật Giáo cực kỳ thịnh đạt và đã tiếp nhận vào những lễ nghi thông tục trong quần chúng. Mãi đến hết thế kỷ thứ 8, Mikkyo (Mật Tông) mới được truyền đến Trung Quốc nhưng về mặt giáo nghĩa vẫn chưa được trọng vọng. Để truyền thừa Mikkyo (Mật Tông) vào Nhật-bản Kukai (Không Hải) đã xữ dụng tất cả những hiểu biết của ông: giáo thuyết của Khổng Tử và Lão Tử mà ông đã được học từ thuở thiếu thời; giáo thuyết của Samkhya (Số Luận) và Vaisheshika (Thắng Luận) thuộc hệ thống triết học Ấn-độ, những giáo thuyết khác nhau của Tiểu Thừa và Đại Thừa Phật Giáo như Kushashu (Câu-xá Tông), Jojitsushu (Thành Thật Tông), Hososhu (Pháp Tướng Tông); và những bộ kinh Nhất Thừa của Tendaishu (Thiên Thai Tông) và Kegonshu (Hoa Nghiêm Tông). Từ việc đối chiếu những giáo thuyết trên với Shingonshu (Chơn Ngôn Tông) thuộc Phái Đại Nhật và Phái Kim Cang Đảnh, Kukai (Không Hải) đi đến một tổng hợp gọi là ‘Jujushin’ (Thập Trụ Tâm). Qua tổng hợp nầy Kukai (Không Hải) đã phân loại tất cả những giáo thuyết của Phật Giáo, hòa nhập với những giáo thuyết trong triết học Ấn-độ và Trung Quốc rồi xây dựng thành một hệ thống triết học tôn giáo. Từ một hướng nhìn chủ quan của một cá nhân, Ông đã xiển dương hệ thống triết học tôn giáo nầy, trình bày sự phát triển về mặt tâm linh của con người qua 10 cấp độ, thấp nhất là cấp vô học của cầm thú, sinh linh ở cấp nầy chỉ có những nhu cầu căn bản thú tính như đói khát và nhục dục, trên một cấp là trạng thái của những sinh linh sống thành xã hội được giáo dục về mặt đạo đức; rồi đến cấp có ý thức về Phật Pháp, kế tiếp là cấp giải thoát khỏi những hệ lụy của cuộc sống, để đạt đến cấp cao hơn nữa là những trạng thái cao siêu và khoáng đạt. Theo quan điểm khách quan thì đó là một hệ thống phê phán và đánh giá toàn bộ nền đạo đức, triết học và tông giáo của con người thời bấy giờ theo nhiều cấp độ cao thấp khác nhau. Từ thấp lên cao tổng cộng có 10 cấp như sau: 1) Cấp không được học, 2) Giáo thuyết của Khổng Tử và Lão Tử, 3) Samkhya (Số Luận) và Vaisheshika (Thắng Luận), 4) Kushashu (Câu-xá Tông), thuộc về Thinh Văn Thừa, 5) Thành Thật Tông, thuộc về Duyên Giác Thừa, 6) Hososhu (Pháp Tướng Tông), 7) Saronshu (Tam Luận Tông), 8) Tendaishu (Thiên Thai Tông), 9) Kegonshu (Hoa Nghiêm Tông), 10) Shingonshu (Chơn Ngôn Tông). Phân cấp như vậy thì Shingonshu (Chơn Ngôn Tông) là một Tông Giáo tối thượng có một giáo lý tối thượng. Việc nầy được lý giải như sau: Những giáo lý khác là những pháp môn được chỉ bày để khế hợp với căn cơ của từng chủng tánh trong khi đó thì Shingonshu (Chơn Ngôn Tông) là giáo pháp chỉ cho chơn lý tuyệt đối, giáo pháp được chính Pháp Thân (Dharmakaya) của đức Đại Nhật Như Lai tuyên thuyết.

3. Môn đệ của Saicho (Tối Trừng) và Kukai (Không Hải):

Gishin (Nghĩa Chân) (781 - 883) kế thừa thầy là Saicho (Tối Trừng) và trở thành vị Zasu (Tọa Chủ) đầu tiên, tức là vị tăng cao nhất của chùa Enryakuji (Chùa Diên Lịch) ở núi Hiei (Núi Tỷ-xan). Ennin (Nguyệt Nhân: 794 - 864) là vị tọa chủ đời thứ ba đã đến Trung Quốc năm 838 và trở về năm 847. Enchin (Nguyệt Trân: 814 - 891) là vị tọa chủ đời thứ năm đã đến Trung Quốc năm 853 và trở về năm 858. Đó là những vị đã từng học được giáo nghĩa của Tendaishu (Thiên Thai Tông) trong thời gian ở Trung Quốc. Khi ở Trường An những vị nầy cũng đã học giáo nghĩa của Taizokai (Thai Tạng Giới)[17]Kongokai (Kim Cang Giới) thuộc Mikkyo (Mật Tông) Phật Giáo từ những bậc thầy Mikkyo (Mật Tông) như Gensei (Nguyên Chính) và Chierin (Trí Tuệ Luân) ở chùa Daikozenji (Đại Hưng Thiện Tự), Gishin (Nghĩa Chân) và Hassen (Pháp Toàn) ở chùa Seiryuji (Chùa Thanh Quy); học được nghi thức hành lễ và sao chép được những tranh tượng Mikkyo (Mật Tông). Ennin (Nguyệt Nhân) đã thỉnh từ Trung Quốc về 584 tác phẩm (802 quyển) gồm có kinh, quy tắc hành lễ và những bộ sớ giải. Enchin (Nguyệt Trân) thỉnh về Nhật-bản được 441 tác phẩm gồm 1.000 quyển. Hầu hết những tác phẩm nầy đều liên hệ đến Mikkyo (Mật Tông).

Ennin (Nguyệt Nhân) và Enchin (Nguyệt Trân) về lại Nhật-bản là sự kiện khiến cho Tendai Mikkyo (Thiên Thai Mật Tông) phát triển vô cùng mạnh mẽ. Song song với Taizokai (Thai Tạng Giới) và Kongokai (Kim Cang Giới) thuộc Mikkyo (Mật Tông), hai vị nầy đã truyền bá thêm Soshicchikyo (Tô-tất-địa Phái)[18], nhờ phái nầy mà Taimitsu (Thai Mật) tức là Tendai Mikkyo (Thiên Thai Mật Tông) đã xuất hiện và tách rời khỏi Tomitsu (Đông Mật) tức là Shingon Mikkyo (Chơn Ngôn Mật Tông) của phái Toji (Phái Đông Tự)[19] và đạt được thanh thế mạnh hơn. Sau Kukai (Không Hải) các học giả Shingonshu (Chơn Ngôn Tông) cũng đi Trung Quốc. Vào năm 838, Engyo (Nguyệt Giáo: 799 - 852) và Jogyo (Thường Hành: – 865) đến Trung Quốc, năm sau trở về Nhật. Eun (Tuệ Vận: 798 - 871) đến Trung Quốc năm 842, sau 5 năm lại trở về. Shuei (Tông Xan: 809 - 884) đến Trung Quốc năm 862 và trở về năm 866. Tất cả những học giả nầy đều theo giáo nghĩa Mikkyo (Mật Tông), sao chép kinh sách, mang về Nhật-bản rồi truyền bá giáo nghĩa đã học được. Như vậy cả hai tông phái, Thiên Thai và Chơn Ngôn đều hoằng truyền và làm cho Mikkyo (Mật Tông) trở nên hưng thịnh trong thời kỳ Heian (Bình An). Saicho (Tối Trừng), Kukai (Không Hải) và 6 vị đạo sư trên đây được tặng cho danh hiệu là ‘Nitto Hakke’ (Nhập Đường Bát Gia) có nghĩa là ‘8 vị đại sư đã đi học đạo ở Trung Quốc’. Những vị đạo sư nầy chỉ truyền dạy những nghi lễ Mikkyo (Mật Tông) cho những người đệ tử của mình mà thôi, khi họ cử hành cúng lễ Mikkyo (Mật Tông) thì người ngoài không được phép dự. Càng ngày các nghi lễ càng thêm phức tạp. Cũng trong thời đại Heian (Bình An) những ngôi chùa của Tendaishu (Thiên Thai Tông) và Shingonshu (Chơn Ngôn Tông) đều thi nhau tuyên thuyết về công đức thù thắng của những giáo thuyết bí mật. Điều nầy góp phần tạo ra một thời đại cực kỳ thịnh đạt của Mikkyo (Mật Tông) Phật Giáo nhưng cũng làm cho các pháp môn, các giáo lý mật truyền và các nghi thức thần bí trở nên càng lúc càng nhiều và càng đa dạng.

4. Các chi phái thuộc Tendaishu (Thiên Thai Tông):

Ennin (Nguyệt Nhân) và Enchin (Nguyệt Trân) của Tendaishu (Thiên Thai Tông) đều là những bậc thạc học và là những tọa chủ lâu năm nên có rất nhiều đồ chúng. Sau đó Tendaishu (Thiên Thai Tông) tách ra làm hai phái, phái Sammon (Phái Sơn Môn) còn gọi là phái Hiei (Phái Tỷ-xan Sơn) và phái Jimon (Phái Tự Sơn) còn gọi là phái Miidera (Phái Tam Tỉnh Tự)[20]. Vì uy đức của quý Ngài mà hai Phái nầy vẫn còn truyền thừa cho đến ngày nay. Ennin (Nguyệt Nhân) được tôn xưng là ‘Jikaku-Daishi’(Từ Giác Đại Sư)[21]Enchin (Nguyệt Trân) được tôn xưng là ‘Chisho-Daishi’ (Trí Chứng Đại Sư)[22]. Sau đó, Ryogen (Lương Nguyên) tức là ‘Jiei-Daishi’ (Từ Tuệ Đại Sư: 912 - 985), ra công tái thiết những tự viện và những cơ sở khác ở Núi Hiei (Tỷ-xan) đã quá củ kỷ hay bị hỏa tai làm hư hại. Ngài được xem là một vị có công phục hồi, làm sống dậy giáo nghĩa Tendaishu (Thiên Thai Tông) Nhật Bản và đào tạo nhiều vị tòng lâm thạc học. Thế là một lần nữa Sammon Tendai (Phái Sơn Môn Thiên Thai) lại hưng thịnh với những vị đạo sư thạc học nổi danh như Genshin (Nguyên Tính: 942 - 1017) ở chùa Eshin’in (Tuệ Tâm Viện) và Kakuun (Giác Vận: 953 - 1007) ở chùa Dannain (Đàn-na Viện). Vì quý Ngài đều là những vị thông hiểu giáo nghĩa của Tendaishu (Thiên Thai Tông) và Mikkyo (Mật Tông) nên sau dó Tendaishu (Thiên Thai Tông) lại tách ra làm hai chi phái: Chi Phái Eshin’in (Tuệ Tâm Viện) và Chi Phái Dannain (Đàn-na Viện) nhưng cả hai đều đặt niềm tin vào giáo nghĩa của Jodoshu (Tịnh Độ Tông) khi ứng đối với kiếp sống sau khi mệnh chung.

5. Thời kỳ đầu của Jodoshu (Tịnh Độ Tông) Phật Giáo:

Vào thời kỳ Nara (Nại-lương) đại cương giáo nghĩa của Jodoshu (Tịnh Độ Tông) đã được nhiều người biết như Hoàng Đế Shomu (Thánh Vũ), hoàng hậu Komyo-Kogo (Quang Minh Hoàng Hậu), những bậc trí thức của Saronshu (Tam Luận Tông) và Hososhu (Pháp Tướng Tông), ngay cả Ganjin (Giám Chân) (người truyền dạy giới luật đạo đức) và những người đệ tử người Hoa của Ngài. Đặc biệt ngay từ thời đại của Chigi (Trí Khải) vị giáo tổ của Tendaishu (Thiên Thai Tông) Trung Quốc thì Tịnh Độ Tông cũng đã là một niềm tin truyền thống rồi.

Đến thời đại Heian (Bình An), Genshin (Nguyên Tính) ở chùa Eshin’in (Tuệ Tâm Viện) có viết một tác phẩm nhan đề là Ojoyoshu (Vãng Sanh Yếu Tập) 3 quyển trong tác phẩm nầy Ông chép lại trên 1.000 đoạn kinh điển từ hơn 160 bộ Kinh và Sớ Luận của hậu kỳ Ấn Độ bao gồm những bộ sách về giới luật của Đại Thừa như kinh Bommokyo (Kinh Phạm Võng) và Ubasokukaikyo (Ưu-bà-tắc Giới Kinh), những bộ sách của những bậc đạo sư thuộc nhiều tông phái Phật Giáo Trung Quốc, và những tác phẩm do những đạo sư và học giả Nhật-bản biên soạn. Người ta cho rằng tác phẩm nầy được biên soạn khoảng năm 985 khi mà Genshin (Nguyên Tính) được 42 hoặc 43 tuổi nhưng chẳng bao lâu sau đó tác phẩm nầy được thỉnh về Núi Thiên Thai ở Trung Quốc và đã làm phấn chấn lòng tin của người dân. Kể từ thời Phật Giáo Ấn-độ, đây là tác phẩm đầu tiên được được biên soạn để tổng tập về Jodoshu (Tịnh Độ Tông). Những tông phái khác thuộc về Tịnh Độ ở Nhật-bản đều có nguồn gốc tư tưởng từ tác phẩm nầy. Ojoyoshu (Vãng Sanh Yếu Tập) thật ra có tác động đến tất cả những lãnh vực như văn chương[23], kiến trúc[24], hội họa[25]... Đến thời đại Tokugawa (Đức Xuyên: 1603 - 1866) một ấn bản phổ thông gồm 3 tập bằng tiếng Nhật-bản[26] ra đời. Kể từ đó Ojoyoshu (Vãng Sanh Yếu Tập) đã tạo nên một tâm thức tôn giáo mạnh mẽ, đưa đến việc hình thành những khóa rèn luyện đạo đức dành cho người trẻ cũng như người già. Lúc bấy giờ ai nấy đều cảm thấy quan ngại đối với viễn cảnh bị đọa đày đau khổ trong 6 nẽo: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A-tu-la, nhơn loại và chư thiên. Nói chung, Ojoyoshu (Vãng Sanh Yếu Tập) đã đóng một vai trò quan trọng và lâu bền trong dòng lịch sử của Phật Giáo ở Nhật-bản.

6. Những chi phái thuộc Shingonshu (Chơn Ngôn Tông):

Trong Shingonshu (Chơn Ngôn Tông) những vị đạo sư sau Kukai (Không Hải) là Jitsu (Thời-tông: 786 - 847) và Shinga (Tư-da: – 879), sau đó là Shinjo (Chân Thiệu) rồi đến Shuei (Tông-xan). Shuei (Tông-xan) học được Tomitsu (Đông Mật) và Taimitsu (Thai Mật) từ Enchin (Nguyệt Trân) rồi sang Trung Quốc học thêm về nghi lễ. Như vậy Ông không hoàn toàn thuộc về Tomit Shingonshu (Đông Mật Chơn Ngôn Tông) do Shinga (Tư-da) truyền xuống Shinzen (Chân Nhiên: 804 - 891). Tomitsu Taimitsu dần dần nhứt thời sát nhập với nhau do công của Gennin (Nguyên Nhân: 818 - 887), rồi lại tách ra bởi hai người đệ tử của Ông là Yakushin (Ích Tín: 827 - 906) và Shobo (Thánh Bảo: 832 - 909). Nói cách khác, Yakushin (Ích Tín) là người kế truyền của dòng truyền thừa: Jitsue (Thật Tuệ), Shinjo (Chân Thiệu), Shuei (Tông-xan) và Gennin (Nguyên Nhân) trong khi đó Shobo (Thánh Bảo) là người kế truyền của dòng truyền thừa: Shinga (Tư-da), Shinzen (Chân Nhiên) và Gennin (Nguyên Nhân). Cả hai đều có nhiều môn đệ và đều thi đua hoằng truyền đạo pháp. Sự khác biệt của hai chi phái nầy không nằm trong giáo nghĩa mà lại nằm trong kỷ thuật cử hành các nghi lễ được các vị Thầy trong dòng phái truyền dạy lại và nằm trong các công đức do các nghi lễ mang lại. Điều đặc biệt là trong hàng môn đệ của Yakushin (Ích Tín) có Hoàng Đế Uda (Vũ-đa), vị thiên hoàng thứ 59. Uda nghỉ hưu và tự xưng là Kampyo-Hoo (Khoan Bình Pháp Hoàng) rồi làm đệ tử của Yakushin (Ích Tín). Uda cho gọi cung điện của mình là chùa Ninnaji (Chùa Nhân Hòa) và hành trì theo Mikkyo (Mật Tông). Do sự kiện nầy mà Mikkyo (Mật Tông) có thêm rất nhiều tín đồ thuộc hoàng tộc và quý tộc. Ngược lại, Shobo (Thánh Bảo) lại hoằng truyền giáo nghĩa Mikkyo (Mật Tông) cho quần chúng và lấy chùa Daigoji (Chùa Đề-hồ) làm trung tâm. Như thế Taimitsu (Thai Mật Tông) sau thời Saicho (Tối Trừng) đã được Ennin (Nguyệt Nhân) và Enchin (Nguyệt Trân) nổ lực phục hưng giờ đây lại phải nhường bước cho Tomitsu (Đông Mật) có nhiều quần chúng hơn. Kangen (Quán Hiền: 853 - 925), một đệ tử của Shobo (Thánh Bảo), là vị Choja[27] thứ 9 của chùa Toji (Chùa Đông) và cũng là vị Tọa Chủ của chùa Daigoji (Chùa Đề-hồ). Ông cũng từng là Tọa Chủ của chùa Kongobuji (Chùa Kim Cang Phong) trên núi Koya (Cao-dã) và có quyền hành và uy đức đối với nhiều chi phái khác nhau thuộc Phái Đông Mật của Mikkyo (Mật Tông).

Cuối thế kỷ nầy, Kanku (Khoan Không: 884 - 972) là đệ tử của Kampyo-Hoo (Khoan Bình Pháp Hoàng), trở thành vị Choja thứ 15 của chùa Toji (Chùa Đông). Cùng một lúc Ông đảm đương nhiều trọng trách khác: Zasu (Tọa Chủ) của chùa Kongobuji (Chùa Kim Cang Phong), Betto (Biệt Đường) tức là sư cả quản trị chùa Ninnaji (Chùa Nhân Hòa) và cũng được tấn phong làm Homu-Sojo (Pháp Vụ Tăng Chánh), tức là vị Tăng Chánh Điều Hành Và Hợp Nhất của Shingonshu (Chơn Ngôn Tông). Vừa là cháu của của Kampyo-Hoo (Khoan Bình Pháp Hoàng) vừa là đệ tử của Kanku (Khoan Không), Kancho (Khoan Triêu: 916 - 998) được ông nội truyền giới và được Kanku giáo huấn. Kancho (Khoan Triêu) xây dựng chùa Henjoji (Chùa Biến Chiếu) ở Hirosawa (Hoằng Xích) và nổ lực hành trì Mikkyo (Mật Tông). Kancho nhiều lần về thăm hoàng cung và là người cử hành lễ đăng quang cho Hoàng Đế Ennyu (Nguyệt Dung), vị thiên hoàng thứ 64, lúc nầy đã nghỉ hưu. Ông được phong tặng phẩm trật cao quý nhất ‘Daisojo’(Đại Tăng Chánh) và là vị đầu tiên thuộc Shingonshu (Chơn Ngôn Tông) nhận được danh dự nầy. Vì thế Ngài được tôn xưng là ‘Hirosawa-no-Sojo’(Hoằng Xích Đích Tăng Chánh). Chi phái nầy của Shingonshu (Chơn Ngôn Tông) được gọi là Phái Hirosawa-ryu (Phái Hoằng Xích). Dòng truyền thừa như sau: Yakushin (Ích Tín), Kampyo-Hoo (Khoan Bình Pháp Hoàng), Kanku (Khoan Không) và Kancho (Khoan Triêu). Đối lại với phái nầy thì có phái Ono-ryu (Phái Tiểu Dã) với dòng truyền thừa như sau: Shobo (Thánh Bảo), Kangen (Quán Hiền), Shunnyu (Thuần Hựu: 890 - 953), Gengo (Nguyên Cảo: 911 - 995) và Ningai (Nhân Hải: 955 - 1046). Ningai (Nhân Hải) xây dựng chùa Mandaraji (Chùa Mạn-trà-la) ở Ono (Tiểu Dã) để tu luyện Mikkyo (Mật Tông). Ông là vị Choja thứ 24 và 26 của chùa Toji (Chùa Đông) và được đề cử làm Sojo (Tăng Chánh).[28] Mỗi khi ông cầu mưa thường đều có mưa nên Ông còn được tôn gọi là ‘Ame-no-Sojo’ (Vũ-đích Tăng Chánh) và được dân chúng vô cùng kính ngưỡng. Trong những thời kỳ sau đó về phương diện Jiso (Sự Tướng) hai Chi phái Hirosawa-ryu (Phái Hoằng Xích) và Ono-ryu (Phái Tiểu Dã) đã phát triển rất mạnh và hoằng truyền hiệu quả ở phía Đông và phía Tây của thủ đô Kyoto (Đông Đô) nên được xem là hai chi phái căn bản của Tomitsu (Đông Mật). Hai Chi Phái nầy được người ta gọi bằng một tên chung là ‘Yataku-Ryoryu’(Phái Dã-xích-vũ), ‘Ya-’[29] chỉ cho từ tố ‘no’ trong từ ‘Ono’ (Tiểu Dã) và ‘-taku[30] chỉ cho từ tố ‘sawa’ trong từ ‘Hirosawa’(Hoằng Xích). Sau đó mỗi phái trong hai phái nầy lại chia ra thành 6, rồi thành 12, rồi thành 36, sau cùng thành 70 chi mạt phái. Tất cả những chi mạt phái nầy đều thi nhau tán thán những công đức của những nghi lễ Mikkyo (Mật Tông) mà mình đã thực hiện được. Từ thời kỳ của Shuei (Tông Xan: 809 - 884) thì phái Hirosawa (Hoằng Xích) đã có liên hệ mật thiết với những nghi lễ của Taimitsu (Thai Mật) thuộc Tendaishu (Thiên Thai Tông) vì vậy mà chúng ta thấy trong giáo nghĩa của phái nầy có dòng tư tưởng rất mạnh mẽ của kinh Dainichikyo (Kinh Đại Nhật) nói về niệm bình đẳng. Mặt khác, Phái Ono-ryu (Phái Tiểu Dã) lại theo truyền thống đơn giản và chính thống của Tomitsu (Đông Mật) vì vậy mà giáo nghĩa của phái nầy nghiêng về sự phân biệt và thứ bậc được trình bày trong kinh Kongochokyo (Kinh Kim Cang Đảnh). Như vậy, phái Hirosawa (Hoằng Xích) nhấn mạnh Taizokai (Thai Tạng Giới) trong khi phái Ono-ryu (Phái Tiểu Dã) nhấn mạnh Kongokai (Kim Cang Giới). Nhưng thật ra thì chính các chi tiết khác biệt nho nhỏ trong nghi lễ đã làm nên sự khác nhau của hai tông phái nầy.

Dù sao thì các lễ nghi Jiso (sự tướng) của Shingon Mikkyo (Chơn Ngôn Mật Tông) và Tendai Mikkyo (Thiên Thai Mật Tông) đều có mục đích để chứng đạt được sự giác ngộ tối thượng bằng chính cái thân thể do cha mẹ sinh ra. Do đó tư tưởng căn bản của các lễ nghi kaji (gia trì) và kito (kỳ đảo) cốt là để tạo nên sự giao cảm hoàn toàn giữa tam nghiệp thân khẩu ý của con người và tam nghiệp của Phật, dẫn đến sự giác ngộ bằng chính cái thân thể tạm bợ mõng manh nầy. Lễ kanjo (quán đảnh) là lễ rưới nước lên đỉnh đầu được cử hành để đạt được mục đích cứu cánh là sự giác ngộ, các nghi lễ và pháp thức bí mật khác của Mikkyo (Mật Tông) chỉ là những phương tiện khác nhau để đi đến cứu cánh đó mà thôi. Nhưng tại sao Mikkyo (Mật Tông) Phật Giáo lại hưng thịnh suốt thời kỳ Heian (Bình An). Nhìn sâu hơn thì câu trả lời sẽ là vì thời kỳ nầy Mikkyo (Mật Tông) đối ứng với những khó khăn của đất nước, xã hội, cá nhân và đã đáp ứng những cái mà con người thực sự cần đến. Như vậy những điểm giáo lý và các pháp hành ngày xưa của Mikkyo (Mật Tông) dần dần bị lãng quên. Sự suy thoái đã bắt đầu. Giờ đây người ta chỉ thấy một dạng Phật Giáo thấp kém hơn mà nội dung chủ yếu là những nghi lễ cúng kiến và cầu vái mê tín.

Hậu bán thời kỳ Heian (Bình An) xuất hiện một nhà học giả Shingonshu (Chơn Ngôn Tông) tên là Kakuban (Giác Vạm: 1095 – 1143). Kakuban (Giác Vạm) là học trò của Kanjo (Khoan Như) ở chùa Ninnaji (Chùa Nhân Hòa), có tham học ở Nara (Nại-lương), núi Koya (Núi Cao Dã), và chùa Daigoji (Chùa Đề-hồ). Sau đó được sự trợ giúp của Toba-joko (Điểu Vũ Thượng Hoàng), Kakuban (Giác Vạm) được khai tâm với những giáo nghĩa và lễ nghi Mật Giáo của Tomitsu (Đông Mật) và Taimitsu (Thai Mật). Năm 1134 Toba-joko (Điểu Vũ Thượng Hoàng) ban sắc lệnh tấn phong Kakuban (Giác Vạm) làm Zasu (Tọa Chủ) của chùa Kongobuji (Chùa Kim Cang Phong) và chùa Daidemboin (Đại Truyền Pháp Viện) ở núi Koya (Núi Cao Dã). Nhưng việc nầy gặp phải sự chống đối dữ dội của chùa Kongobuji (Chùa Kim Cang Phong) và chỉ sau 2 tháng Kakuban (Giác Vạm) đã từ bỏ những danh vị trên rồi quy ẩn về núi Negoro[31] (Núi Căn Lai), vào năm 1140. Vào lúc nầy Shingonshu (Chơn Ngôn Tông) tách làm 2 phái: Phái Kogi-Shingonshu tức là Cổ Thuyết Chơn Ngôn Tông, đại diện là chùa Kongobuji (Chùa Kim Cang Phong) ở núi Koya (Núi Cao Dã), chùa Toji (Chùa Đông), chùa Ninnaji (Chùa Nhân Hòa) và những ngôi chùa Daigoji (Chùa Đề-hồ) ở Kyoto (Đông Đô). Phái Shingi-Shingonshu tức là Tân Thuyết Chơn Ngôn Tông, đại diện là chùa Chishakuin (Trí Tích Viện) ở Kyoto (Đông Đô) và chùa Hasedera (Chùa Trường Cốc) ở Yamato (Đại Hòa). Kakuban (Giác Vạm) dường như không có ý định thành lập một phái riêng nhưng sự chống đối của chùa Kongobuji (Chùa Kim Cang Phong) đã khiến ông lui về núi Negoro (Núi Căn Lai) xây dựng một ngôi chùa riêng và trở thành hội sở của Shingi-Shingonshu (Tân Thuyết Chơn Ngôn Tông). Một trăm bốn mươi lăm năm sau khi Kakuban (Giác Vạm) viên tịch (1288), Gakuto (Học Đầu)[32] Raiyu (Cống-du: 1226 – 1304) chuyển chùa Daidemboin (Đại Truyền Pháp Viện) và chùa Mitsugon’in (Mật Nghiêm Viện)[33] từ núi Koya (Núi Cao Dã) đến núi Negoro (Núi Căn Lai) và tất cả tu sĩ cũng theo chân đến đây và đã hình thành một phái mới với tín ngưỡng Tịnh Độ vô cùng to lớn.

Những vị thiên hoàng trị vì trong thời đại Heian (Bình An) đều có niềm tin và càng lúc càng ủng hộ Phật Giáo. Điều đặc biệt là tất cả những thiên hoàng từ thiên hoàng Uda (Vũ-đa) thứ 59 tới thiên hoàng Goshirakawa (Hậu Bách Hà) thứ 77, trừ một vài ngoại lệ, tất cả đều nhập đạo và cùng hoàng thân quốc thích xây dựng không ít chùa chiền. Điều gì mà thiên hoàng đã làm được đều là mẫu mực để cho hoàng thân quốc thích và những dòng họ quý tộc hàng đầu noi theo. Dòng họ Fujiwara (Đằng-nguyên) đã càng lúc càng tăng uy thế từ thời Nara (Nại-lương). Vào giửa thời Heian (Bình An) quyền hành thao túng của họ hầu như đã vượt lên trên cả vương quyền. Thời gian đó dòng họ Fujiwara (Đằng-nguyên) xây dựng thật nhiều chùa chiền, nơi đó diễn ra những hoạt động Phật Giáo rất phồn thịnh. Nhật ký của hàng thế gia vọng tộc thời nầy ghi lại đầy dẫy những hoạt động tôn giáo như vậy. Không có một tác phẩm văn chương nghệ thuật nào của thời nầy mà không có liên hệ tới Phật Giáo. Sau hậu bán thời kỳ Heian (Bình An) một hình thức chính quyền Insei (Viện Chính) ra đời tức là chính quyền của những vị cựu thiên hoàng. Hoàng đế Shirakawa (Bách Hà), vị thiên hoàng thứ 72, đã thoái vị năm 1086 để lại ngai vàng cho người con trai thứ ba mới lên 7 tuổi nhưng Ông lại điều hành việc nước từ ‘In’ (Viện) tức là từ nơi ông cư trú. Điều nầy nhằm thu hồi quyền lực thật sự đang nằm trong tay của dòng họ Fujiwara (Đằng Nguyên). Hình thức chính quyền nầy làm mất đi quyền lực của dòng họ Fujiwara và các vị thiên hoàng lại là người xây dựng chùa chiền. Hoàng đế Gosanjo (Hậu Tam Điều), vị thiên hoàng thứ 71 và cũng là cha của Hoàng Đế Shirakawa (Bách Hà), đã thỉnh Seison (Thành Tôn)[34] cử hành lễ quán đảnh cho mình khi đăng quang. Trong buổi lễ Sokui-Kanjo (Ấn Vị Quán Đảnh) nầy vị thiên hoàng tiến lên ngai vàng và thực hiện ấn Chiken’in (Ấn Trí Quyền)[35] của Đức Đại Nhật Như Lai. Nghi thức Mikkyo (Mật Tông) nầy được thực hiện suốt thời đại Kamakura (Liêm Thương: 1185 - 1333) và thời đại Muromachi (Thất Đinh: 1393 - 1568). Người ta cho rằng đây chính là khởi điểm mà từ đó trở đi trong bất cứ lễ đăng quang của một vị thiên hoàng nào đều có cử hành nghi thức quán đảnh.

7. Sự hài hòa của Thần Đạo và Phật Giáo:

Từ thời kỳ Nara (Nại-lương) Thần Đạo và Phật Giáo bắt đầu quá trình giải hòa, đến thời kỳ Heian (Bình An) thì quá trình giải hòa tiến nhanh hơn đặc biệt là vào hậu bán thời kỳ nầy. Các vị thần xưa giờ đây được thêm danh hiệu là ‘Bồ-tát’ và được gọi là ‘gongen’ (quyền hiện) có nghĩa là một thân tướng tạm thời hiện ra trong thế giới nầy mà thôi. Rồi một ý tưởng xuất hiện cho rằng Chư Phật và Chư Bồ-tát quyền hiện ra ở Nhật-bản trong thân tướng của những vị thần Nhật-bản để dắt dìu người dân theo Chánh Pháp. Điều nầy được gọi là ‘Honji-Suijaku’ (Bổn Địa Thùy Tích) có nghĩa là ‘từ bổn địa mà xuất phát ra các dấu tích’. Điều nầy có nghĩa là Chư Phật và Chư Bồ-tát xuất sinh từ bổn sở vào Nhật-bản và để lại dấu tích để hóa độ chúng sinh. Đây là tư tưởng của Đại Thừa Phật Giáo tìm về bổn sở của Đức Phật từ đó Ngài xuất sinh ra ở Ấn-độ. Lúc bấy giờ tư tưởng đó được dùng ở Nhật-bản để giải thích mối liên hệ giửa Đức Phật và chư thánh thần trong tín ngưỡng của người Nhật. Ảnh hưởng của Phật đã ăn sâu vào tâm thức Nhật-bản đến đổi người Nhật chấp nhận ngay cách giải thích như vậy mà không hề nghi nan ngờ vực. Cho đến bây giờ ở Nhật-bản không phải ít những điện thờ thần Nhật-bản được gọi là Hachimangu (Nhập Phan Cung). Vị Thần được thờ nơi đó được gọi là Hachiman-Daibosatsu (Nhập Phan Đại Bồ-tát). Bổn sở của vị thần nầy được giải thích như bổn sở của Đức Phật A-di-đà sống ở Cảnh Giới Tịnh Độ ở Phương Tây và người dân cũng chấp nhận cách giải thích như vậy. Cung Daijingu (Cung Đại Thần) của Điện Ise (Điện Y-thế) thờ Amaterasu-Omikami (Thiên Chiếu Đại Thần), là vị nữ thần xây dựng nên đất nước Nhật-bản nhưng lúc ấy được người ta xem là hiện thân của Kanzeon-Bosatsu, tức là Quán Thế Âm Bồ-tát. Những ngôi chùa Phật Giáo, những đền thờ Thần Đạo, những tu sĩ Phật Giáo, và những tu sĩ Thần Đạo đều hài hòa và hợp tác với nhau trong việc dẫn dắt tâm hồn của dân chúng. Trong thời kỳ Phục Hưng Meiji (1868) thì chính sách chia rẽ của nhà nước đã làm tan nát mối giao hảo nầy. Nhưng cho đến ngày hôm nay chúng ta vẫn còn thấy những bàn thờ gia tiên zushi (Trù-Tử) trong hầu hết những gia đình thì ảnh tượng của Đức Phật và ‘ihai’(Vị Bài) tức là một tấm bia đề tên của người quá cố được thờ phụng. Cũng có Kamidana (Thần Bằng) tức là nhà thờ gia tiên với bài vị bằng gổ hay bằng giấy đề tên Thần Amaterasu-Omikami (Thiên Chiếu Đại Thần) và những vị thần khác. Đó là nơi mà người dân sáng chiều cúng kiến. Người dân cũng có tục lệ đi lễ các đền thờ Thần Đạo trong những dịp vui vẽ như đám cưới, sinh con, lễ hội mùa xuân, lễ hội mùa thu; trong những dịp khác như ma chay, tuần thất, lễ Bon[36] và lễ Higan[37] thì người dân lại đến chùa chiền. Chùa chiền được sự ủng hộ tài chánh bởi những người danka (đàn gia) tức là tín chủ, trong khi những người ủng hộ tài chánh cho những đền thời thì được gọi là ujiko (thị tử) tức là ân nhân thần hội. Giờ đây mọi chuyện trở nên bình thường, Phật Giáo không còn bị xem như một tôn giáo du nhập mà đã được bản địa hóa hoàn toàn.

 

[1] Nằm về hướng Đông Bắc của Kyoto (Đông Đô).

[2] chỉ cho ba bộ sách căn bản của Tendaishu (Thiên Thai Tông) là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Văn Cú (10 quyển), Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Huyền Nghĩa (10 quyển), và Maha Chỉ Quán (10 quyển) do Đại Sư Trí Khải soạn, học trò của sư là Quán Đảnh ghi chép. (chú thích của người dịch)

[3] Vị Tổ khai sơn của Thiên Thai Tông Trung Quốc.

[4]Sanjoshabetsu’ (Nhật Ngữ) nói về sự khác biệt giữa ba chủng tánh khác nhau: Thinh Văn, Độc Giác và Bồ-tát.

[5]Ichijobyodo’ (Nhật Ngữ): Nhất thừa bình đẳng.

[6] lúc ấy là một giới đàn theo truyền thống Tiểu Thừa. (chú thích của người dịch)

[7] Ba phạm trù quan trọng trong giáo lý nhà Phật là ‘kai’, ‘jo’, và ‘e’. ‘Kai’ tức là những điều học được Phật đặt ra để thu thúc hành động cũng là ‘hình thức cuộc sống’; ‘jo’ là ‘thiền định’ tức là pháp môn để tu tập theo chánh đạo; và ‘e’ là ‘trí tuệ’ hay là ‘mục đích rốt ráo của việc tu học’.

[8] Có 4 chiếc thuyền rời Nhật-bản, Kukai (Không Hải) và Saicho (Tối Trừng) đi hai chiếc khác nhau.

[9]Taizokai’ còn gọi là ‘Thai Tạng Thế Giới’, gần giống với giáo thuyết của Hosshin (Pháp Thân). Đây chính là Pháp Thân của Đức Dainichi Tathàgata (Đức Đại Nhật Như Lai). Đối lại với ‘Kongokai’ (Kim Cang Giới).

[10]Kongokai’ còn gọi là ‘Bất Động Giới’. Đây chính là Tuệ Pháp Thân của Đức Dainichi Tathàgata (Đức Đại Nhật Như Lai).

[11] Biểu đồ hay là hình ảnh của nhận thức về những phẩm tính của Giác Ngộ. Những biểu hiện bằng hình ảnh phổ thông rất là đa dạng. (Luân Viên Đàn Tràng: người dịch)

[12] Amoghavajra (Bất Không) chưa xác định được là người Tích-lan hay là người Bắc Ấn, đi tu học nhiều nơi ở 3 nước là Tích-lan, Ấn Độ và Trung Quốc, là vị tổ thứ sáu của Mikkyo (Mật Tông), viên tịch năm 774. (chú thích của người dịch)

[13] Mahavairochana Sutra.

[14] Shubhakarasinha.

[15] Vajrashekhara Sutra.

[16] Vajrabodhi.

[17]Taizokai’ còn gọi là ‘Thai Tạng Thế Giới’, gần giống với giáo thuyết của Hosshin (Pháp Thân). Đây chính là Pháp Thân của Đức Dainichi Tathàgata (Đức Đại Nhật Như Lai). Đối lại với ‘Kongokai’ (Kim Cang Giới).

[18] Susiddhi(kara) Sutra.

[19] là một ngôi Quốc Tự ở khu phía Đông của thành phố cổ Kyoto (Đông Đô). Hoàng đế Saga (Ta-nga) đã dâng cúng ngôi chùa nầy cho Kukai (Không Hải) và nó trở thành ngôi chùa chính của Shingonshu (Chơn Ngôn Tông).

[20] Sau khi trở về từ Trung Quốc Enchin (Nguyệt Trân) thành lập chùa Miidera (Chùa Tam Tỉnh) để hoằng đạo.

[21] Đây là thụy hiệu do Hoàng Đế Seiwa (Thanh Hòa), vị thiên hoàng thứ 56 ban tặng 2 năm sau khi Ennin (Nguyệt Nhân) thị tịch.

[22] Đây là thụy hiệu do Hoàng Đế Daigo (Đề-hồ), vị thiên hoàng thứ 60 ban tặng 6 năm sau khi Enchin (Nguyệt Trân) thị tịch.

[23] Không phải là quá đáng khi nói rằng những đỉnh cao trong văn học nước Nhật-bản như Genjimonogatari (Nguyên-thị-vật-ngữ ), Eigamonogatari (Vinh-hoa-vật-ngữ ), Makuranososhi (Chẩm-thảo-chỉ), Heikemonogatari (Bình-gia-vật-ngữ), Gempeiseisuiki (Nguyên-bình-thạnh-suy-ký), Yokyoku (Dao Khúc) và Joruri (Tịnh Lưu Ly) đều chịu ảnh hưởng của tác phẩm nầy.

[24] Những tác động của tác phẩm nầy đối với nền kiến trúc Phật Giáo thì phải nói là vô cùng to lớn. Viện Ojogokurakuin (Vãng Sanh Cực Lạc Viện) của viện Sanzen’in (Tam Thiên Viện) ở Ohara (Đại Nguyên), Amidado (A-di-đà Đường) của chùa Hokkaiji (Pháp Giới Tự) ở Hino (Nhật-dã), Hoodo (Phụng Hoàng Đường) của viện Byodoin (Bình Đẳng Viện) ở Uji (Vũ Trị), vô số chùa Amida (A-di-đà) được xây dựng khắp đất nước mà nhiều Amidados (A-di-đà Đường) được xây dựng ở nhiều chùa, tất cả đều là do niềm kính tin của người dân Nhật-bản đối với Đức Phật A-di-đà.

[25] Những họa phẩm Phật Giáo cũng chịu ảnh hưởng của tác phẩm nầy. Những họa phẩm vĩ đại như ‘Nijugobosatsuraiko’ (Nhị-thập-ngũ-bồ-tát-lai-nghinh) ở núi Koya (Núi Cao Dã), ‘Yamagoe-no-Amida’ (Sơn-việt-đích A-di-đà) ở chùa Konkaikomyoji (Kim-giới-quang-minh Tự ), ngoài ra còn nhiều tranh tượng Phật A-di-đà, quang cảnh địa ngục, và quang cảnh của 10 thế giới đều do tác động của Ojoyoshu (Vãng Sanh Yếu Tập) mà có được.

[26] Nguyên bản được viết bằng tiếng Hán cổ.

[27] Choja là chức vị chỉ cho người đứng đầu của một ngôi chùa, tương đương với chức vị Tọa Chủ của Núi Hiei (Núi Tỷ-xan) và Chùa Daigoji (Chùa Đề-hồ). (Âm Hán Việt tương đương của ‘Choja’ là ‘Trưởng Giả’ vì có thể gây nhầm lẫn về ý nghĩa nên người dịch không dùng đến: Dịch Giả).

[28] Một phẩm trật của tu sĩ, thiết định nầy có gốc từ Trung Quốc. Sau đó được Nhật-bản tiếp nhận. Có ba chức vụ là Dai-sojo (Đại Tăng Chánh), Sho-sojo (Tiểu Tăng Chánh), và Gon-sojo (Quyền Tăng Chánh).

[29] phát âm là ‘ya’ hay là ‘no’.

[30] phát âm là ‘taku’ hay là ‘sawa’.

[31] là một khu vực của tỉnh Kii (Tỉnh Kỷ-i), ngày nay là quận Wakayama (Hòa Ca Sơn).

[32] chức vị giống như trưởng khoa. (người dịch)

[33] chùa nầy do Kakuban (Giác Vạm) xây dựng và làm nơi tu hành.

[34] 1012 – 1074, là đệ tử của Ningai (Nhân Hải) và là vị Choja (Trường Lão) thứ 30 của chùa Toji (Chùa Đông).

[35] đây là tư thế co của bàn tay và ngón tay có tính tượng trưng khi một hành giả ngồi thiền. Ấn Chiken’in (Ấn Vị Quán Đảnh) được thực hiện bằng cách nắm bàn tay mặt lại với ngón thứ hai đưa thẳng ra. Ngón nầy được bàn tay trái nắm lại, bị ngón thứ nhứt và ngón thứ hai của bàn tay trái ép chặt. Vì Đức Đại Nhật Như Lai được xem như là cốt lõi của vũ trụ nên nghi thức nầy được xữ dụng để làm lễ đăng quang.

[36] thời kỳ thay lá trong khoảng giữa mùa hè.

[37] Những ngày xuân phân hay thu phân. Những ngày cúng lễ Phật Giáo được thực hiện trong dịp lễ Bon.

 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết: