CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Thiền định làm cho cái linh tỏa sáng - Con đường siêu vượt và những nội dung cụ thể

 

 

CHÁNH VĂN:

Hễ có sống, ắt có khổ, mà nếu chúng ta chịu khổ tu trong một đời, thì muôn kiếp được thảnh thơi. Như thế có chẳng là hay hơn sự kéo dài đau đớn? Vả lại sự nhập định đâu khổ nhọc sức lực; càng định là càng vui, miễn là ta chịu bỏ cái ham chơi dốt học nô đùa cẩu thả, thì sự nhập định đối với ta cũng không có lấy chi làm lạ. Con người nếu làm được cái khó, cái hơn người, cái tiến hóa, thì mới được gọi là bậc siêu nhân không còn luẩn quẩn trong cái cỏ, cây thú người, tứ đại, một chỗ. Cũng như kẻ biết lìa bà mẹ, mới gọi là kẻ có chí lượng hơn người, không phải chịu ở trong thai bào mãi mãi.

BẢN THẢO:

Nhập định chắc chắn không phải là chuyện phổ biến, phổ quát mà là chuyện cảnh giới của phong phú đa dạng những người có một đẳng cấp nào đó. Đoạn Chơn Lý trên cho ta thấy nhập định (1) không khó mà cũng không phải dễ. Hễ (2) khó thì có thưởng theo sự vận hành của nguyên lý nhân quả. Nhập định vừa là chuyện của đời này đời sau, vừa là (3) một đầu tư ở một mức nào đó cho kiếp sống hiện tại và kiếp sống tương lai.

Thiền định là một đối cực của chuyện ăn xổi ở thì đến đâu hay đó. Về lý do để một hành giả tu tập Thiền định, Chơn Lý trình bày thật là đơn giản và dễ hiểu. Ngay từ đầu Chơn Lý đã nêu lên một định đề để làm tiền đề mà tự thân định đề ấy được xem là một sự thật không cần chứng minh: “Hễ có sống, ắt có khổ”. Khi đã có tiền đề ấy, Chơn Lý trưng ra lý do cho việc tu tập Thiền định trước tiên không phải là cái gì xa xôi diệu viễn, không phải là để thành thần tiên phiêu diêu trên mấy tầng trời hay thánh hiền siêu đẳng đang tác oai tác phúc ở trần gian… chỉ là việc làm hay ho hơn so với việc kéo dài một cách bất định và vô vọng quãng thời gian của cái khổ của kiếp nhân sinh ấy: “hay hơn sự kéo dài đau đớn”.

Lý do như vậy quả thật là trái với kỳ vọng của nhiều hành giả khi hạ thủ công phu. Tiểu kết: Thiền định là công việc miệt mài, miên mật, kiên trì tu tập với một tâm thái nhẹ nhàng, thanh thoát, không thần tiên cũng không cùn nhụt, tội nợ. Nói cách khác, một cực đoan là nghiêm trọng và nặng nề; cực đoan thứ hai là buông trôi vào vô định. Soi vào giáo pháp của đạo Phật nguyên chất ta thấy rằng cụm từ “rảnh khổ” ở đây có nội hàm không hề nhỏ. Khổ mà Chơn Lý nói đến là cái khổ ngàn đời chứ không phải là cái khổ thường thường. Rảnh cái khổ ngàn đời ấy thì Kinh điển Nikaya gọi là “Vô thượng an ổn khỏi các khổ ách”. Để có ánh nhìn đúng về ý nghĩa của cảnh giới rảnh khổ ấy, ta cần tự nhắc nhớ rằng đạo Phật nguyên chất chỉ nói hai việc là khổ và sự diệt khổ; hai việc ấy đã thành toàn và viên mãn nơi con người mà Chơn Lý gọi là đã rảnh khổ.

Sống trên đời, đầu phần lớn thời gian sức lực cho chuyện danh vọng hay chuyện cơm áo gạo tiền thì chắc chắn là phải lao tâm khổ tứ mới có cơ may; mặt khác, đầu tư một mức độ thích hợp thời giờ công sức vào việc tu tập Thiền định không phải là chuyện có cơ may hay không có cơ may nữa. Đầu tư cho tu tập là một đầu tư chắc chắn: “càng định là càng vui”. Đầu tư cho tu tập không tốn nhiều công sức, nhiều tiền của mà chỉ tốn hao, hay chỉ phải đánh đổi những thứ như “cái ham chơi dốt học nô đùa cẩu thả”. Nói gọn là phải hy sinh bốn cái ấy.

Nói cách khác, đầu tư cho chuyện tu Thiền định không còn là chuyện cơ may mà là chuyện nguyên lý hay định luật tự nhiên. Khi định luật ấy được ta vận hành đúng thì kết quả sẽ theo đó mà hiện ra: Giai đoạn đầu tiên là thiết lập mối quan hệ, mối quan hệ giữa một bên A là ta với một bên B là sự nhập định hay nhẹ nhàng hơn là tu tập Thiền định. Giai đoạn kế là giai đoạn mà mối quan hệ ấy được cải thiện dần dần. Ban đầu giữa A với B là một khoảng cách mịt mù, xa xôi, lạ lẫm. Dần dần A với B tiến gần lại với nhau, tương thông với nhau; Chơn Lý diễn đạt là “…sự nhập định đối với ta cũng không có lấy chi làm lạ”. Nếu được nói thêm một chút thì người viết sẽ nói rằng đến một lúc nào đó thì A và B lồng vào nhau và là một với nhau. CẢNH GIỚI KỲ DIỆU HIỆN RA. CÁI LINH CỦA CHƠN HIỂN BÀY. Sức mạnh phát ra từ viên định thủy châu làm sóng yên biển lặng. Tinh hoa của càn khôn vũ trụ sẽ “bốn phương trời về tụ” theo phiên bản cao nhất.

Khi ấy thì làm gì còn có chuyện “luẩn quẩn trong cái cỏ, cây thú người, tứ đại, một chỗ”; làm gì còn có chuyện chịu khổ đến chết vì không rời được cảnh giới cố chấp, vướng mắc, tắc nghẽn dòng vận hành tiến hóa. Chuyện tắt nghẽn ấy Chơn Lý miêu tả một cách hình tượng là “…phải chịu ở trong thai bào mãi mãi”. Nghĩa là con người phải chịu ở trong một cảnh giới chết kẹt trong một cảnh giới ấy. Đọc Chơn Lý đến đây ta thấy ẩn hiện thấp thoáng ý niệm “Đại trượng phu tứ hải vi gia” trong nền văn hóa Phương Đông. Chơn Lý cho thấy rằng những ai có ý chí siêu phóng khỏi những phạm vi hạn cuộc của một cảnh giới thì “…mới gọi là kẻ có chí lượng hơn người”. Dĩ nhiên, ý niệm “…chí lượng hơn người” đã được Chơn Lý nâng lên một tầm cao mới, chứ không còn là chuyện anh hùng hảo hán kiểu “Tang bồng hồ thỉ”1 của thế gian. Nên nhận thức rằng chí lượng hơn người theo Chơn Lý phải là chí lượng cất bước đăng trình hay dong thuyền ra khơi dọc theo lộ trình hay hải trình tiến hóa. Những vị thiền sư đắc đạo thường gọi là “Rong chơi trời phương ngoại.”

Hành trình tiến hóa ấy có những dấu mốc, những tầng bậc, những cảnh giới. Cảnh giới thấp nhất là đất nước, cỏ cây. Nơi cảnh giới ấy, phàm phu chỉ đủ trí để nghĩ đến chuyện cơm áo gạo tiền, danh lợi, ái tình và địa vị. Rời khỏi dần dần những cảnh giới thấp kém, đặt chúng dưới chân, hành giả mới tiến lên được những cảnh giới cao hơn của bậc hiền thánh. Sau đó mới là những cảnh giới thuộc tầng bậc cao nhất. Cuối cùng là không còn ý niệm tầng bậc hay cảnh giới nào nữa.

CHÁNH VĂN:

Vậy thì chúng ta phải cố gắng nhập định, và phải hiểu những pháp của nhập định như vầy: mà đừng trọn chung thủy với cỏ cây, thú, người, tứ đại, cùng là trọn tình nghĩa với cái ác tà vô minh loạn khổ:

Từ nhỏ đến lớn thân miệng sanh tập thành ý, mà thân miệng ác nên ý phải ác, vậy phải sửa thân và khẩu cho thiện thì ý mới thiện. Chúng nó ác là bởi vọng động, vậy bây giờ cần phải tịnh định, nên tập ngồi một chỗ, trói chân ngồi kiết già (hoặc bán già)… Cho đến khi ta đã được chủ tâm, thân khẩu ý đã qui phục tùy theo mạng lịnh, chừng đó mới gọi là có ta và thấy lần kết quả.

 

10. Hoặc tìm xét nơi màu xanh, đỏ, trắng, vàng, đen, tím, đất, nước, lửa, gió, khoảng trống, cái không, cái có; nơi các tử thi, sự chết, thây ma… Hoặc giữ một đề mục cho có ấn chứng, rồi sẽ qua đề mục khác cao hơn cũng được.

(Xin tham chiếu đầy đủ phần chánh văn của 10 đoạn này
trong Chơn Lý Nhập Định của Tổ sư 
Minh Đăng Quang)

BÀN THẢO:

Người viết xin mạo muội nêu lên một cách ngắn gọn 10 nội dung mà Chơn Lý đặt làm đối tượng của Thiền định.

      1. Nội dung làm đối tượng cho Thiền định là ý trong mối liên quan với thân và miệng. Ý chưa tu tập thì vọng động và ác quấy. Thiền định là một năng lượng tích cực do dừng vọng động và ác quấy. Năng lượng Thiền định mới là ta đúng nghĩa; thân khẩu ý phục tùng theo mạng lệnh của cái ta ấy.
      2. Nội dung làm đối tượng cho Thiền định ý trong mối liên quan với mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Các công đoạn tu tập và chuyển hóa cái ý bao gồm: Ban đầu là kiểm soát các cửa khẩu thông với thế giới bên ngoài tức là các căn. Kế tiếp là nhờ sự kiểm soát mà cái ý trở nên thuần hóa không vọng động cấu trược ác quấy. Cuối cùng là rèn luyện ý thành cái hữu dụng.
      3. Nội dung làm đối tượng cho Thiền định ý trong mối liên quan với tam độc Tham-sân-si sứ giả là các trần u ám quấy ác từ bên ngoài đi vào tâm thức, tức là, sắp qua sự tương tác trong hiện tại, từ bên trong tâm thức đi ra, tức là, sẵn từ quá khứ. Thay các trần u ám quấy ác ấy bằng các trần thiện lành, phạm hạnh, trí tuệ và giải thoát. Ý căn trong trường hợp này được chuyển hóa trí căn. Cụm từ “Ý quý” và “Ý cũng Phật” khơi mào cho một giao thoa thú vị của Chơn Lý Nhập Định với Chơn Lý Lục Căn.
      4. Nội dung làm đối tượng cho Thiền định là thay thế ý bằng trí qua việc loại bỏ sở trần của ý. Để hiểu sở trần của ý là gì ta cần tham chiếu lại Chơn Lý Lục Căn đoạn nói về 08 Loại, 08 Căn, 08 Trần và 08 Thức. Ở đây Chơn Lý nói rõ ra công phu tu tập để chuyển hóa ý căn thành trí căn.
      1. Nội dung làm đối tượng cho Thiền định là các ý niệm liên quan đến cái chết, sự ngủ nghỉ, cái chơn như.
      2. Nội dung làm đối tượng cho Thiền định có khi có tính chuyên nhất như sự tinh tuyền hay tinh hoa của viên ngọc, cụ thể như một lời, một việc, một câu; có khi lại hướng đến một trường hoạt động khoáng đạt, đa dạng để gom chứa đầy mang tính bác lãm, lão thông. Dù là tinh tuyền hay đa dạng thì đều có chung một chỗ đến là cảnh giới chơn như.
      3. Nội dung làm đối tượng cho Thiền định là oai nghi tế hạnh, chăn ý như chăn bò.
      4. Nội dung làm đối tượng cho Thiền định là các pháp thế gian hay giáo pháp nhà Phật, các diễn biến và các hành vi liên quan đến thân thể tâm vật lý, một từ vựng duy nhất hay một khái niệm duy nhất. Đối với các đối tượng ấy, hành giả vận hành tâm thức một cách như pháp, cụ thể như từ ít tới nhiều, từ mau tới lâu, bền chí, giữ tâm nơi rừng rậm, không cho thối chuyển.
      5. Nội dung làm đối tượng cho Thiền định là những diễn bày bên trong hay bên ngoài tâm thức, đối với các đối tượng ấy hành giả vận hành một cách như pháp các chức năng như tìm xét, nghe xem, tin tưởng, trì giữ, suy ngẫm, nhận xét, tìm hiểu, xét xem, tập sửa… Qua đó tâm thức đạt được cảnh giới của định.
      6. Nội dung làm đối tượng cho Thiền định là các đề mục. Bất kỳ đề mục nào tâm thức đều có thể lấy làm trọng tâm một cách như pháp nhằm phát huy sức tập trung và sức quán chiếu. Qua đó tâm thức đạt được cảnh giới của định.

 

1). Tang bồng hồ thỉ có nghĩa là: - Nói việc tung hoành làm nên nghiệp lớn. - Theo tục cổ Trung Quốc: Khi sinh con trai thì dùng cung gỗ dâu (Tang hồ) và tên cỏ bồng (bồng thỉ) bắn 6 phát lên trời, xuống đất và ra 4 phương với ý mong muốn đứa con sau này sẽ tung hoành khắp 4 phương để lo mưu việc lớn. - Lời sớ Lễ Ký: Dâu và cỏ Bồng là những vật có tố chất vốn có từ thời Thái cổ. Bồng là thứ cỏ ngăn ngừa sự loạn, Dâu là cây gốc của các loại cây (Nội Tắc). - Chu Sử (Tống): “Khải tri nam tử tang bồng chí” (Sao biết được chí tang bồng của người trai). - Nguyễn Công Trứ:. - Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái. - Cái công danh là cái nợ nần.

(Bài viết này là một trích xuất từ bản thảo của bộ sách Đọc Chơn tập thứ chưa xuất bản.)

Sa-môn MINH THÀNH
(Trích Đuốc Sen số 33)

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan