CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Ý nghĩa mật nghiệm của ngày Phật Đản

Thái tử Sĩ-đạt-ta dòng dõi Gotama đản sinh đã trở thành một sự kiện vô tiền khoáng hậu, một dấu mốc kỳ vĩ vô song trong dòng vận mệnh của nhân loại. Sự kiện kỳ vĩ vô song này là tiền đề để cánh cửa bất tử mở ra. Một cánh cửa mà bất cứ người nào có tâm cơ mẫn tiệp và ít nhiễm bụi đời đều có cơ hội bước vào. Một khi bước vào cánh cửa vô sanh ấy thì trời đất thênh thang, đại dương dừng những cơn sóng dữ, biển nào cũng là biển thái bình mênh mang với những đợt sóng yêu thương, bao dung, từ ái. Trong đôi mắt của một nhà thơ, sự kiện Sĩ-đạt-ta đản sinh không chỉ là cột mốc kỳ vĩ vô song trong dòng vận mệnh của nhân loại mà còn là sự kiện huy hoàng, kỳ vĩ vô song trong sự vận hành của vũ trụ.

trụ sử huy hoàng! Vũ trụ sử huy hoàng! Sĩ-đạt-ta thị hiện!
Sĩ-đạt-ta thị hiện!
Tỏa hương trầm
huyền diệu ngát tam thiên…

Câu chuyện đản sinh ấy diễn ra với những mật nghiệm chuyển tải những thông điệp huy hoàng, kỳ vĩ vô song tương ứng. Dưới đây, người viết xin lược lại những mật nghiệm quan trọng.

- Mật nghiệm về Hoàng hậu Maya thọ thai và con voi trắng sáu ngà.
- Mật nghiệm về thần tích hạ sinh thái tử tại vườn Lâm-tỳ-ni.
- Mật nghiệm về bảy bước chân và câu tuyên bố của thái tử.

1. Mật nghiệm về Hoàng hậu Maya thọ thai và con voi trắng sáu ngà

Lúc bấy giờ, Hoàng hậu Maya tuổi tác đã không còn trong độ tuổi sinh nở. Hoàng cung của vua Tịnh Phạn vốn đã uy nghiêm mực thước. Lời ăn tiếng nói, cử chỉ hành vi của mọi người phải theo khuôn phép nên vốn khá là lặng lẽ. Hơn nữa, thiếu vắng tiếng trẻ thơ lại càng thêm lặng lẽ. Hoàng hậu Maya tuy không biểu lộ tâm trạng nhưng ai cũng thấy sự ưu tư vì đời sống hôn nhân và tình trạng hiếm muộn của mình. Đã lâu… đã lâu… mọi người chờ đợi tin vui… rồi chờ đợi tin vui. Cả nhà vua và hoàng hậu sau bao nhiêu cố gắng, bao nhiêu biện pháp, thế mà năm tháng chờ đợi cứ trôi qua, cứ kéo dài, càng lúc càng tiến gần đến ngưỡng tuyệt vọng. Đêm hôm ấy, nội cung lặng lẽ càng lặng lẽ hơn với tiếng rả rích của côn trùng. Khoảnh khắc mật nghiệm đã đến, tiếng gậy tuần tra của lính canh bỗng như dừng gõ nhịp, không gian như ngưng đọng, tiếng côn trùng cũng im bặt, con voi trắng sáu ngà hiện ra trong một vầng sáng ngọc ngà. Con voi trắng mũm mĩm, chớp đôi mắt đẹp tuyệt mà hiền hòa, từng bước khoan thai, cúi xuống khai hông bên hữu Hoàng hậu Maya rồi đi vào.

Tin vui làm cả kinh thành rộn rã, nhà nhà hân hoan ca múa, người người sung sướng mở tiệc mừng rồi lũ lượt sắm sửa phẩm vật tập trung về ngôi đền lớn của thành Ca-tỳ-la-vệ mà dâng cúng lên các thần linh để tạ ân. Sau lễ cúng, một số người có duyên lành đi xa hơn tham bái các vị hiền triết thông tuệ đương thời cầu nghe đạo lý. Một vị hiền triết thông tuệ nói rằng: “Kỳ diệu thay! Quý hóa thay! Mầu nhiệm thay! Hoàng hậu Maya thọ thai. Kỳ diệu hơn nữa, quý hóa hơn nữa, mầu nhiệm hơn nữa! Voi trắng sáu ngà đã hiện ra trong vầng sáng ngọc ngà. Những người duyên lành ham học hỏi lắng lòng lãnh thọ lời dạy, rồi ngưỡng cầu nghe thêm đạo lý. Con voi trắng trong bầu không khí của nền văn hóa tâm linh thâm trầm của vùng non thiêng Hy-mã đã hiện ra trong tâm trí của vị hiền triết. Vị thần đầu voi Ganapati hay còn gọi là Ganesha là vị thần giải trừ nghiệp chướng (Vighnaharta) dù đó là chướng ngại từ bên trong hay bên ngoài. Ganesha còn là vị thần bản mệnh của nghệ thuật và khoa học, vị thần của trí tuệ và sự thông thái. Từ bao đời thần Ganesha được người dân tín ngưỡng tôn thờ. Nhà hiền triết nhận ra rằng giờ đây con voi trắng ấy xuất hiện trong một phiên bản hoàn toàn mới. Phiên bản hoàn toàn mới này phát ra tín hiệu về một cuộc hanh thông mầu nhiệm, kỳ vĩ, vượt qua mọi chướng ngại, mọi tai ách và cuối cùng là không còn bất kỳ một hạn cuộc nào nữa. Ông trầm ngâm một lúc, ánh mắt để lộ ra một chút ánh sáng từ ái thương yêu 

rồi nói: Ôi, thần linh. Thọ thai như vậy đã nói lên tiếng nói của sự thanh khiết. Voi trắng hiện thân như vậy đã nói lên tiếng nói của trí tuệ vượt qua mọi tai ách và hạn cuộc. Các người như vậy mà thọ trì. Những người ấy và cả chư thiên đang ngự chung quanh hoan hỷ tín thọ rồi từ biệt.

2. Mật nghiệm về thần tích hạ sinh thái tử tại vườn Lâm-tỳ-ni

Lâm-tỳ-ni bầu trời quang đãng Maya hoàng hậu sáng dạo chơi Phút thiêng liêng điểm cõi đời Cành vô ưu hái, tức thời hạ sinh.

Sáng hôm ấy, Hoàng hậu đang dạo chơi trong vườn Lâm-tỳ-ni. Bầu trời thật trong lành. Những con chim sẻ rộn ràng trên những tán lá xanh mướt, cất tiếng hót líu lo như muốn nói lên điều gì vui lắm. Mùi hương của cỏ cây, của hoa thơm, trái ngọt cứ phảng phất trong làn không khí khoáng đãng. Gió dìu dặt mơn man. Hoàng hậu Maya cảm thấy có gì phi thường đang xảy đến. Đất trời hình như không còn là đất trời cũ kỹ u ẩn của trần thế. Mới lắm! Lạ lắm! Hoàng hậu nói khẽ, vươn tay vịn cành vô ưu rồi bỗng nhiên… vang lên một tiếng trầm hùng của đại địa chuyển mình, đầm ấm nhưng uy lực lan xa đồng vọng khắp nơi. Ánh sáng của ba mươi hai tướng tốt và ánh sáng của tám mươi nét đẹp tạo nên một vầng sáng giao hòa với ánh sáng ban mai. Tất cả hiển hóa ra một tổng hòa trác tuyệt ngự trên những đóa sen thiêng.

Bùng! Vang dội cầu tinh vận chuyển Vầng hào quang linh hiển hóa thân Ba mươi hai tướng tuyệt trần
Tám
mươi vẻ đẹp ngần hài nhi Đầu tiên chân bảy bước đi
Bảy đóa hồng liên rộ nở…

Thái tử chào đời, bước đi bảy bước, đỡ dưới chân Ngài có bảy hoa sen báu. Một lần nữa tin vui làm cả kinh thành rộn rã, nhà nhà hân hoan ca múa, người người sung sướng mở tiệc mừng rồi lũ lượt sắm sửa phẩm vật tập trung về ngôi đền lớn của thành Ca-tỳ-la-vệ mà dâng cúng lên các thần linh để tạ ân muôn một. Sau lễ cúng, một số người có đủ duyên lành đi xa hơn tham bái các vị hiền triết thông tuệ đương thời cầu nghe đạo lý. Vị hiền triết thông tuệ nói rằng: “Kỳ diệu thay! Quý hóa thay! Mầu nhiệm thay! Thái tử chào đời. Kỳ diệu hơn nữa, quý hóa hơn nữa, mầu nhiệm hơn nữa! Thái tử đã bước đi bảy bước, dưới chân là bảy đóa sen quý báu. Những người có duyên lành ham học hỏi lắng tai lãnh thọ lời dạy, rồi ngưỡng cầu nghe thêm đạo lý. Vị hiền triết một lần nữa trầm ngâm một lúc, ánh mắt để lộ ra một chút ánh sáng từ ái thương yêu rồi nói: “Thần linh ơi! Thần tích sinh nở không phải trải qua sự đau đớn đã nói lên tiếng nói của năng lực giải khổ, khổ về thể chất, khổ về tinh thần. Thần tích bước đi bảy bước nói lên sự hiện hữu thiêng liêng linh thánh cũng như sứ mệnh chân, thiện, mỹ, siêu thoát… của bậc Vô thượng giác. Các người như vậy mà thọ trì”. Những người ấy và cả chư thiên đang ngự chung quanh hoan hỷ tín thọ rồi từ biệt.

3. Mật nghiệm về cử chỉ và phát ngôn kỳ vĩ khi đản sinh

Thiên thượng thiên hạ Duy ngã độc tôn.

Mầu nhiệm thay một tiếng hùng hồn Tam thiên rung động lời đồn ngàn xa…

Một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, thái tử thốt lên: “Thiên thượng thiên hạ, Duy ngã độc tôn. Câu nói ấy vang lên ngay thời khắc đản sinh, làm cho đại địa chấn động đi vào linh sử của càn khôn vũ trụ, chư thiên và loài người. Câu nói ấy chuyển tải thông điệp rằng trí tuệ vô biên và sự giác ngộ vô thượng đã có sẵn trong không gian vô cùng và thời gian vô tận. Những nhà hiền triết thông tuệ nói rằng trí tuệ và sự giác ngộ không lệ thuộc vào bất kỳ một phương sở nào, một giai đoạn lịch sử hay một thời khắc cụ thể nào. Trí tuệ và sự giác ngộ tiềm tàng mọi nơi, mọi thời điểm; tiềm tàng nơi tất cả và mỗi một chúng sinh. Nơi nào có bóng tối vô minh thì nơi ấy có ánh sáng trí tuệ. Nơi nào có bùn lầy tham ái nơi đó có thanh thoát cánh sen phạm hạnh.

Sự kiện đức Phật đản sinh đã xảy ra ở một thời khắc nhất định và một nơi chốn vật lý nhất định trong dòng lịch sử, cụ thể là ở Ấn Độ cách nay hơn hai mươi sáu thế kỷ. Tuy nhiên, thời khắc ấy hàm chứa trùng điệp những ý nghĩa và tầng nghĩa đến độ thời khắc ấy không còn là một thời khắc nữa. Sự kiện đức Phật đản sinh không chỉ là đức Phật ứng hóa thân vật lý mà đã nâng lên thành đức Phật pháp thân. Nói cách khác, cũng vì ý nghĩa của Phật đản mà biên độ của thời gian đã kéo dài để biến một khoảnh khắc thành ra một mùa trong năm, mùa ấy là mùa Phật đản. Không dừng ở đó, khi hành giả đi vào những thông điệp và những ý nghĩa sâu hơn, hành giả bỗng nhận ra rằng Phật đản không hạn cuộc trong độ dài hay ngắn của một quãng thời gian, dù đó là một mùa, một năm, hay một thế kỷ. Phật đản đã vượt khỏi độ dài ngắn của một thời gian hạn cuộc, cũng vượt khỏi một không gian hạn cuộc. Phật đản chạm đến cảnh giới mà tâm cảm của mỗi một hành giả chạm đến. Khi tâm cảm không bị hạn cuộc thì sự kiện Phật đản cũng không hạn cuộc. Vì tính không bị hạn cuộc ấy mà Phật đản trở thành một công phu tu tập mà một hành giả chân chính cần hành trì. “Kỳ diệu thay! Quý hóa thay! Mầu nhiệm thay! Đức Phật ra đời”. Đức Phật đã chào đời và ta hãy tạo điều kiện để đức Phật mãi mãi chào đời, mãi mãi hiện hữu trong đời theo ý nghĩa chân chính nhất của người con Phật.

THỂ NHƯ
(Trích Đuốc Sen số 34)

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan