Đức Phật - tư tưởng cống hiến cho nhân loại
- TN. Nguyện Liên (dịch)
- | Thứ Bảy, 23:54 30-04-2016
- | Lượt xem: 6226
Trong các thánh triết trong ngoài xưa lẫn nay, chỉ có giáo pháp Đức Phật là ảnh hưởng rộng lớn và sâu sắc nhất. Tăng đoàn mà Đức Phật sáng lập đã truyền bá được giá trị chân thực các học thuyết của Ngài, khiến khu vực giáo hóa của Phật giáo ngày càng mở rộng. Vào thời kỳ Phật giáo hưng thịnh nhất, Phật giáo đã truyền bá chánh pháp đến phương Tây, thậm chí khắp cả vùng Trung Đông, lần lượt đến Ai Cập và Âu Châu. Tiếp đến lại truyền bá đến phương Đông, khắp các vùng Đông Nam Á và Nam Á Ấn Độ. Lại truyền đến phương Nam cùng khắp nước Tích Lan, sau đến phương Bắc, phổ biến khắp cùng đất Hán, Trung Quốc, Tây Tạng, Mông Cổ, Triều Tiên và Nhật Bản… Trong thời kỳ lịch sử dài đăng đẳng, trước sự phát triển văn minh nhân loại, Phật giáo đã từng đóng vai trò văn hóa chủ thể, thậm chí còn được tôn làm quốc giáo. Chính Phật giáo đã giúp cho văn hóa, kinh tế, chính tế của những khu vực có Phật giáo truyền đến tạo nên một tác dụng trọng đại.
Đặc biệt là những năm gần đây, Phật giáo còn truyền đến các nước Âu Châu, Úc Châu và Phi Châu, số người tín ngưỡng đã đạt đến khoảng bốn ức trở lên. Có thể nói các khu vực được truyền nhập Phật giáo, tuy theo thời đại, cơ duyên đều có sự thay đổi khác biệt, từ đó dẫn đến hình thành rất nhiều tông phái với nhiều phong cách khác nhau, nhưng tất cả đều phụng thờ chung một đấng Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Mặt khác, tất cả đều tuân theo giáo pháp cơ bản do Đức Phật tuyên thuyết như Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Tam pháp ấn, Tam học, Lục độ… Quan trọng hơn nữa, tư tưởng mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tuyên thuyết đều mang tính vĩnh hằng và hàm chứa tính siêu việt. Xét từ góc độ văn hóa hiện đại cho thấy, những văn cú, ngôn giáo Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tuyên nói đều biểu hiện phong cách cổ xưa, nhưng trí tuệ hàm súc của Ngài vẫn luôn mang một sắc thái rạng rỡ, vẻ vang, đều có giá trị quý báu hợp thời, khế cơ, đã cung cấp cho con người hiện đại rất nhiều sự gợi ý sâu sắc, hướng dẫn loài người hướng thiện, giúp họ nâng cao phẩm đức và tạo nên nguồn an lạc chân thực. Nên nói, những học thuyết tinh túy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đối với văn hóa hiện đại, đã góp phần răn dạy khiến cho loài người lĩnh ngộ, thấu hiểu được chân lý cuộc đời. Hệ thống giáo lý ấy quy kết lại đại khái gồm mấy quan điểm tiêu biểu sau:
I. Văn minh tự giác sáng suốt
Nhân loại với tư cách là người sáng tạo văn minh, có thể nói mãi cho đến nay vẫn như một căn nhà nhỏ bé trơ trọi trên quả cầu bé tí so với vũ trụ mênh mông, vẫn đang ở trong giai đoạn rất mông muội của sự sáng tạo mù quáng. Bởi vì mọi người chỉ biết suy nghĩ, quan sát vào công danh lợi lộc trước mắt, còn đối với tự thân, các vấn đề căn bản có tính phương hướng như địa vị trong vũ trụ như thế nào, mục đích cứu cánh của sự sáng tạo văn minh là gì và chỗ quay về cuối cùng của tự thân ở nơi đâu?… Những điều trên dường như nhân loại rất ít suy nghĩ đến, cho nên người viết cho rằng, đây chính là văn minh tự giác khuyết thiếu sự sáng suốt. Thật vậy, loài người nếu thiếu văn minh tự giác, tất nhiên sẽ khó tự mình khống chế được những hoạt động sáng tạo văn minh hiện nay, đồng thời cũng không cách nào tự chủ về kết quả sáng tạo văn minh, làm cho văn minh do mình sáng tạo bị dị hóa, trở thành lực lượng đối lập mạnh mẽ đối với tự thân, thậm chí còn gây nguy hại. Chính lực lượng đối lập do tự thân sáng tạo ấy đã ràng buộc, bức bách chính mình. Thế nhưng ngày nay loài người cứ mãi liều mình, dốc sức phát triển kinh tế, kết quả khiến cho tự mình trở thành động vật của kinh tế, tất cả đều bị lực lượng kinh tế kềm chế, giam chân, trói buộc.
Trước tình hình thực tế cho thấy, mỗi người đều vì cuộc sống của chính mình mà phấn đấu, cuối cùng bị công nghiệp đại cơ khí của ngày nay làm cho họ mất phương hướng, đánh mất chính mình, nhưng họ cứ mãi cố gắng chinh phục tự nhiên, điều động giới tự nhiên phục vụ cho chính mình. Kết quả lại dẫn đến nảy sinh tình trạng ô nhiễm môi trường, sinh thái mất cân bằng… đó chính là sự phản kích vô tình của giới đại tự nhiên.
Đối diện mối nguy cơ trên, loài người quay về suy nghĩ đến sự vĩ đại của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đối với vũ trụ quan và thế giới quan, trước tiên Ngài dùng nhãn quang thanh tịnh, trong lành quán sát, xem xét sự tồn tại của tự thân nhân loại. Đức Phật thấy rằng, toàn vũ trụ xét từ mặt phẳng cho đến không gian, tất cả tổ chức đều vận hành theo thứ lớp, có trình tự. Nếu lắng tâm suy xét những tình cảnh của tự thân nhân loại và con người với địa vị trong vũ trụ. Quả thật đã chỉ rõ hoàn toàn không che giấu về quá trình sinh, lão, bệnh, tử của nhân loại, cộng thêm chỗ khuyết thiếu của các khổ đang hoành hành, tấn công, cùng vô số tai hại, sai lầm trong xã hội, điều này đã xác minh rõ ràng cho chúng ta thấy những vấn đề căn bản về sự tồn tại của loài người. Do vậy cần phải kêu gọi mọi người nên xem trọng và tìm cách giải quyết những vấn đề này. Bất luận là đáp án thế nào, vấn đề phát động kêu gọi loài người phải sớm tự kiến lập cho mình một nền văn minh tự giác sáng suốt, tinh thần tự giác sáng suốt ấy không ngoài việc quan tâm đối với vấn đề căn bản của nhân sinh, đồng thời cần phải vạch trần chỗ khuyết thiếu đối với nhân sinh, dần dần tiến đến phát huy những giá trị tinh thần đạo đức đáng được nhân loại trân quý.
II. Giáo hóa đạo đức “điều ác chớ làm, điều thiện nên làm”
So với những tôn giáo khác tại Ấn Độ trong cùng thời đại, Phật giáo luôn xem trọng việc giáo hóa đạo đức. Chúng ta thấy, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi thành đạo, đã đi khắp cùng từ thôn quên đến thị thành, từ trong nước đến ngoài nước trong suốt 49 năm, Ngài đã tận tình khuyên bảo, thuyết giáo cho nhiều chủng tộc chúng sanh trong xã hội đương thời, Ngài không những dạy khuyên họ bỏ ác làm lành, đồng thời còn vận dụng quy điều đạo đức khế hợp với căn cơ, tánh khí hoặc tập quán của từng chủng loại, từng địa phương để khuyên họ khống chế hành vi, nói năng phù hợp đạo đức, ít nhất Ngài đã cố gắng giáo hóa cho họ trở thành một người đạo đức nhân hậu. Thông qua những học thuyết về duyên khởi luận, nghiệp lực luận, tu đạo luận… tất cả hầu như đều quy kết từ luân lý thực tiễn. Suy cho cùng, khái quát lại những triết thuyết trên, tất cả đều không ngoài tám chữ trong bài kệ thất Phật thông giới “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”. Có thể nói, sự giáo hóa đạo đức của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, dùng học thuyết “phép tắc duyên khởi”, “nhân quả nghiệp lực” làm y cứ lý luận. Qua đó khẳng định, Đức Phật hoàn toàn không y cứ vào lực lượng thần thánh, cũng không nương theo khế ước của xã hội, mà chỉ nghĩ đến lợi ích của cá nhân đời nay, đời sau và kết quả cứu cánh. Vì vậy mọi người đều cho rằng, giáo pháp của Đức Phật chỉ nghĩ đến hiệu quả giáo hóa xã hội và lợi ích tốt đẹp, ngoài ra, Ngài còn chú trọng đến việc nâng cao trình độ đạo đức của con người, giúp quan hệ giữa người với người tiến đến chỗ hài hòa cân đối, thúc đẩy xã hội hướng đến chỗ an định lâu dài. Trải qua thực tế cho thấy, giáo lý của Đức Phật mãi cho đến ngày nay vẫn có tác dụng tích cực và to lớn, luôn hướng dẫn con người tiến đến chỗ an lạc hạnh phúc vĩnh cửu.
III. Trí tuệ trang nghiêm chánh quán như thật
Thông qua sự lập luận và tình huống cụ thể trong xã hội thực tế, chúng ta đều phải thừa nhận rằng, giáo pháp Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hoàn toàn không mang bất kỳ tính mê hoặc hão huyền nào, không bao hàm bất kỳ thành kiến chủ quan nào, không bị học thuyết và quyền uy nào ước chế, cũng không xen lẫn bất luận tình cảm nào. Ngài luôn dùng tâm hết sức thuần khiết, trong sáng, tâm ấy chính là “tri kiến chân thật” để thấy rõ diện mục chân thật của vũ trụ nhân sinh. Điều này đã được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhấn mạnh bí quyết vì “liễu sinh thoát tử” mà giáo nghĩa của Ngài luôn tồn tại trong lòng mọi người. Điều cần chú ý hơn nữa, Đức Phật thấy biết chân thật như vậy, hoàn toàn không giống với nhiều tôn giáo, triết học trong thế gian, trước tiên phải thiết lập một bản thể, bản nguyên hoặc bậc đại phạm hay thượng đế, mà là xuất phát từ suy tư, phân tích rõ ràng về lý tính, từ vạn tượng rối ren khái quát thành quy luật phổ biến, đó là phép tắc duyên khởi, vận dụng phép tắc duyên khởi, nhìn bao quát như thật tự thân của con người và vạn hữu vũ trụ, sau đó phân tích kết cấu cơ bản của thế giới, từ đó đi đến kết luận “chư hành vô thường”, “chư pháp vô ngã”. Cuối cùng thông qua sự quán xét trên đúc kết thành chân lý, chỉ rõ nguyên nhân căn bản của chúng sanh sinh tử khổ não, tất cả đều do chúng sanh không quán sát như thật về các hành vô thường, các pháp vô ngã, do đây sinh khởi nhận thức xằng bậy, sai lầm và chấp trước. Nếu quán sát chân chánh, như thật về các hành vô thường, các pháp vô ngã, sẽ giúp hành giả có được bí quyết vượt khỏi biển khổ sinh tử, đạt được Niết bàn thường lạc.
Như vậy, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã vận dụng phép tắc duyên khởi, bình tâm quan sát tỉ mỉ nhận biết của nhân loại, từ đó Ngài chỉ ra sự nhận biết ấy do ba duyên: căn, cảnh và thức hòa hợp mà sinh khởi, hoặc do hai loại phù hiệu danh và tướng tổ thành, danh và tướng kết hợp với nhận biết đó trở thành tư duy lô gích của công cụ và nhận thức lý tính. Trong đó bao hàm tính cục hạn và tính tương đối. Tuy nhiên, nhiều nhất phương thức trên chỉ có thể tìm đến con đường tuyệt đối chân thật, chớ chẳng thể tự mình nhìn thấy được bản lai diện mục tuyệt đối chân thật. Thế nhưng tất cả chúng sanh vốn tự mình có thể thấy được tự nhiên trí của tuyệt đối chân thật. Họ bắt đầu từ lý tính, chánh quán như thật vô thường, vô ngã, bèn có thể vượt qua lý tính, tiến đến hiển phát tự nhiên trí, tự thân thấy được diện mục chân thật, tức tự nội chứng. Đây chính là giẫm bước lên chiếc cầu lý tính, trực tiếp tiến thẳng bờ vượt ngoài lý tính. Qua đó, tự thân thấy như thật bổn lai diện mục, tức kiến đạo, đạt Niết bàn, vượt qua cảnh giới sinh tồn của sinh tử vô thường và tiến vào con đường cứu cánh của cảnh giới Niết bàn bất sinh bất diệt, vĩnh viễn an vui. Tư tưởng trí tuệ trên của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giải quyết được những vấn đề trọng đại mà các nhà triết học từ lâu đã tranh cải bàn luận với nhiều ý kiến khác nhau về bản thể luận, nhận thức luận, ranh giới lý tính… cuối cùng họ chỉ khẳng định được tiềm năng trực giác của nhân ngã. Riêng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni với tri kiến như thật, Ngài đã đưa ra phương pháp chân thật, con đường và kết luận, tất cả những phương pháp, con đường Đức Phật đưa ra đã hàm chứa một ý nghĩa gợi phát thâm sâu đối với các nhà triết học và nhiều nhà khoa học đương thời. Không những thế, giáo nghĩa Ngài dạy còn có thể thúc đẩy tạo nên sự tổng hợp, hệ thống lại tất cả các nhà khoa học nhân thể, khoa học nhân văn, khoa học tự nhiên, đồng thời cũng giúp cho khoa học tiến đến chỗ phát triển nhảy vọt.
IV. Yếu chỉ “tự biết tâm mình”, “tự tịnh tâm ý”
Chủ trương của Phật giáo khác hẳn với văn hóa nhân loại trong thời hiện đại, không chú trọng về vật chất. Đức Phật chỉ đặc biệt chú trọng đến nhân tâm, giáo pháp của Ngài luôn chỉ ra cội nguồn của các khổ, nguyên nhân sinh khởi tội ác, đưa đến già, bệnh, chết… tất cả đều do tự tâm mê muội, nhiễm ô. Do vậy, Ngài dạy phương pháp “tự tịnh tâm ý” để làm phương thuốc dứt trừ các ác, trị liệu các bệnh phiền não, đồng thời cũng lấy đó làm yếu chỉ của đạo Phật để giúp chúng sanh vượt khỏi biển khổ sinh tử. Thứ đến là dùng phương thức “tự biết tâm mình” để tự thân thấy rõ pháp chân thật tuyệt đối, và cũng nhân đây mở được chìa khóa thiết yếu của vũ trụ, thậm chí đó còn là con đường tắt có thể giải quyết những vấn đề căn bản trong văn minh nhân loại. Nói khác hơn, dùng phương pháp tự mình hàng phục tâm mình, làm chủ tâm mình để trưởng dưỡng thành bậc đại trượng phu hùng dũng có sức mạnh tối thắng có thể điều phục chúng sanh hoặc trở thành bậc phạm hạnh có đầy đủ uy đức và trí tuệ.
Tóm lại, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã quan sát tỉ mỉ, tinh tế về tâm con người, sau đó Ngài tiếp tục phân tích kỹ càng, tường tận kết cấu, tầng thứ và các loại công năng của tâm thức, từ đó vạch ra tiềm năng không thể nghĩ bàn của tâm con người, tiếp đến Ngài đưa ra hàng loạt kỹ thuật thao tác như tự biết tâm mình, tự tịnh tâm ý và khai phát tiềm năng của tự tâm, cuối cùng Ngài đã miêu tả công dụng kỳ diệu về tiềm năng của tâm con người sau khi được khai phát triệt để. Chính sự nhận thức sâu sắc, thấu triệt về tâm con người của Đức Phật, trong đó đã hàm ẩn một ý nghĩa gợi mở cho rất nhiều nhà nghiên cứu khoa học hoặc tâm lý học đương thời.
V. Tinh thần từ bi và tinh tấn
Ngoài những yếu chỉ trên, Phật giáo còn đề xướng tâm đại từ đại bi, đồng thời cổ động mọi người dùng tinh thần dũng mãnh tinh tấn để phụng sự nhân thế, lấy chánh nghiệp theo tinh thần xuất thế gian để hướng dẫn, giáo hóa quần sanh thoát khỏi khổ não, ưu bi trong cuộc sống hiện thực, tất cả đều là những phương diện quan trọng trong tư tưởng giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Bởi vì từ bi và tinh tấn là hai chất liệu tạo nên nét đẹp thẩm mỹ của tâm linh, chất liệu này có thể trang nghiêm nhân tính và mỹ hóa thế gian.
Nói cụ thể hơn, từ bi thuộc công năng âm tính, làm tăng trưởng tâm từ, mở rộng lực tương tác trong quan hệ giữa người với người, giúp sự sống của con người tăng thêm ý vị và sưởi ấm lòng người, loại bỏ được tâm tranh đấu, trả thù, đố kỵ, tàn sát… đưa đến sự phẩn nộ, thù hận, ganh ghét… gây nên tổn hại cho thân tâm con người.
Thứ đến là công năng của tinh tấn, thuộc dương tính, tinh tấn là động lực cần yếu để thành tựu tất cả sự nghiệp của con người. Do vậy đề xướng tinh thần tinh tấn, mục đích để khuyến khích con người phấn đấu hướng thượng, nổ lực sáng tạo giá trị sinh mạng.
Cho nên, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy nhân loại cần nuôi dưỡng lòng từ bi rộng lớn, phát khởi tâm tinh tấn vô hạn. Bởi vì từ bi vô điều kiện có thể bao phủ khắp toàn vũ trụ chúng sanh, tinh tấn không bến bờ, không chỗ dừng nghỉ, tinh thần này sẽ giúp con người bồi dưỡng nên nhân cách cao thượng có sức cảm hóa lớn lao đến khắp chúng sanh trong mười phương pháp giới.
Chúng ta biết, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tự thân xuất gia cầu đạo, sáng lập nên những hoạt động hoằng pháp, chung quy đều vì hạnh nguyện rộng lớn, đó là trang nghiêm quốc độ, lợi lạc hữu tình. Ngài luôn kêu gọi mọi người hãy lấy mục tiêu này làm chiều hướng cho sinh mạng, làm lý tưởng hiến thân, tiếp đến là thực hiện lý tưởng này với mục đích là hiển bày giá trị sinh mạng. Chính vì vậy, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không chỉ là bậc đạo sư tinh thần của hàng vạn ngàn ức tín đồ Phật giáo, cũng là bậc thánh giả đáng được toàn nhân loại khâm phục tôn kính. Di giáo của Ngài chính là tài sản tinh thần quý báu của toàn nhân loại. Vì thế loài người chúng ta, đặc biệt là hàng đệ tử trong ngôi nhà Phật giáo, mỗi người phải nên tự mình phát huy tác dụng như trưởng dưỡng trí tuệ, tịnh hóa nhân tâm, trang nghiêm quốc độ, để cùng nhau góp phần kiến thiết ngôi nhà văn hóa cho toàn nhân loại như đã trình bày ở trên.
Các bài viết liên quan
- Diệu Dược Y Vương - Thứ Sáu, 19:21 01-02-2019 - xem: 8251 lần
- Tướng hạnh Bồ-tát Di Lặc - Thứ Sáu, 18:39 01-02-2019 - xem: 7175 lần
- Kính mừng Phật đản PL.2561 - Thứ Sáu, 00:15 12-05-2017 - xem: 3444 lần
- Lịch sử Đức Phật Thích Ca - Thứ Bảy, 11:10 06-05-2017 - xem: 5731 lần
- Tán Phật - Thứ Bảy, 10:12 06-05-2017 - xem: 1823 lần
- Nguyện lực Dược Sư Quang Như Lai - Chủ Nhật, 08:38 05-02-2017 - xem: 4006 lần
- Vịnh thái tử: Sĩ-đạt -đa - Thứ Sáu, 23:33 24-06-2016 - xem: 4449 lần
- Đức Phật - một bậc Thầy lớn của nhân loại - Thứ Hai, 00:38 23-05-2016 - xem: 4348 lần
- Đức Phật - tư tưởng cống hiến cho nhân loại - Thứ Bảy, 23:54 30-04-2016 - xem: 6226 lần
- Đức Phật sử dụng thần thông như thế nào? - Thứ Năm, 04:25 25-02-2016 - xem: 7427 lần
- Đức Phật và tuổi trẻ - Thứ Hai, 04:22 18-01-2016 - xem: 9823 lần
- Đức Phật cảm hóa Angulimāla: nhiều bài học quý - Thứ Sáu, 01:22 24-04-2015 - xem: 7090 lần