CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Tình thương của Phật

 Nếu biển cả chứa nhiều muối mặn,

 Thì Mẹ hiền vô hạn tình thương.

Mỗi con người hiện hữu trên cõi đời đều có mẹ, nên ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cằn cỗi, héo mòn, cũng không lớn lên được. Ca dao tục ngữ, cũng như văn thơ đã không ngớt lời ca tụng về mẹ. Tất cả cũng chỉ nói lên công lao to lớn vô bờ bến của mẹ, cũng như thể hiện rõ giá trị hương liệu tình thương của Mẹ dành cho con.

Theo dòng chảy đó, Đức Phật với lòng từ bi vô lượng vô biên như là một người mẹ, luôn vì hạnh phúc an lạc cho chư thiên và loài người nên Ngài đã hy sinh tất cả những gì quý báu mà thế gian truy cầu; dấn thân sống đời sống xả ly để tìm cầu đạo giải thoát. Trong suốt bốn mươi lăm năm thuyết pháp độ sanh, Ngài cũng chỉ nói lên hai điều mà thôi, đó là chỉ cho chúng sanh thấy khổ và phương pháp diệt khổ. Với Ngài, thông qua tính chất bình đẳng và trí tuệ, tất cả chúng sanh đều như con, tình thương đó được ví:

“Như tấm lòng người mẹ,

Ðối với con của mình,

Trọn đời lo che chở,

Con độc nhất mình sanh.

Cũng vậy, đối tất cả

Các hữu tình chúng sanh,

Hãy tu tập tâm ý,

Không hạn lượng, rộng lớn”.

   (ĐTKVN, HT. Thích Minh Châu dịch, Tiểu Bộ Kinh, I, Tiểu Tụng, Kinh Lòng Từ, NXB TP. HCM, 1999, tr. 28).                             

Ngay cả Tôn giả La Hầu La là con ruột của Thái tử Tất Đạt Đa, ấy thế mà sau khi Tôn giả xuất gia cũng được xem bình đẳng với các vị Sa di hoặc các Tôn giả khác. Chính chất liệu Pháp bảo là dòng sữa ngọt dịu có thể tưới mát và chuyển hóa những niềm đau nỗi khổ, vượt thoát sầu bi của đệ tử. Chúng ta, những đứa con sống trong giáo pháp của Phật, trong giai đoạn chập chững bước đi trên đường đạo, tập khí nghiệp chướng chưa dứt sạch, nghĩa là chưa thuần thục pháp các bậc Thánh, chưa thuần thục pháp các bậc Chân nhân nên sự nhắc nhở, sự nuôi dưỡng, dạy bảo của thầy bổn sư là điều cần. Nếu thiếu đi sự khai mở hướng dẫn về mặt tâm linh này, thời người học trò sẽ yếu ớt tinh thần, yếu ớt về trí tuệ, không lớn mạnh trong Pháp và Luật của Thế Tôn được. Một lần, ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên hướng dẫn năm trăm đệ tử đến yết kiến Thế Tôn, các tân thọ Tỷ Kheo này với phẩm hạnh chưa được thuần thục, thiếu chánh niệm nên gây ra nhiều tiếng ồn lớn. Thế Tôn nghe được bảo ngài A Nan hãy nhân danh Như Lai cho gọi các thầy Tỳ Kheo tới.

Các vị tân thọ Tỳ Kheo vừa tới liền bị Thế Tôn đuổi đi; vừa quay đầu đi ra, rời khỏi Thế Tôn không xa, may thay gặp được các cư sĩ dòng họ Thích cũng vừa đến. Sau khi biết rõ mọi chuyện, các cư sĩ dòng họ thích đến đảnh lễ Thế Tôn và thưa: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy hoan hỷ với chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy tiếp đón chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, ví như trước kia, chúng Tỷ-kheo đã được Thế Tôn giúp đỡ, cũng như vậy, mong nay Thế Tôn hãy giúp đỡ chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, ở đây, có những vị tân Tỷ-kheo, xuất gia chưa được bao lâu, vừa mới đến trong Pháp và Luật này. Không được yết kiến Thế Tôn, họ có thể đổi khác, họ có thể biến dạng. Ví như, bạch Thế Tôn, các hạt giống cây nếu không được nước, chúng có thể đổi khác, chúng có thể biến dạng; cũng vậy, bạch Thế Tôn, ở đây có những vị tân Tỷ-kheo, xuất gia chưa được bao lâu, vừa mới đến trong Pháp và Luật này. Không được yết kiến Thế Tôn, họ có thể đổi khác, họ có thể biến dạng. Ví như, bạch Thế Tôn, con bê nếu không được thấy con bò mẹ, chúng có thể đổi khác, chúng có thể biến dạng; cũng vậy, bạch Thế Tôn, ở đây có những vị tân Tỷ-kheo, xuất gia chưa được bao lâu, vừa mới đến trong Pháp và Luật này. Không được yết kiến Thế Tôn, họ có thể đổi khác, họ có thể biến dạng. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy hoan hỷ với chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy tiếp đón chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, ví như trước kia, chúng Tỷ-kheo đã được Thế Tôn giúp đỡ; cũng như vậy, mong nay Thế Tôn hãy giúp đỡ chúng Tỷ-kheo.”[1]

Hai hình ảnh ví dụ thật sống động, hiện lên tính cần thiết, tính tương liên tương cận về sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục giữa mẹ và con, giữa thầy và trò. Vai trò này rất là quan trọng. Thật vậy, một người mới vào xuất gia, nguyện sống trọn vẹn theo con đường cao thượng, là người mới được sinh ra trong giáo pháp của Phật, giống như con bê con mới sinh và hạt giống cây mới được ươm mầm vậy. Theo Tôn Sư Minh Đăng Quang, người này đã chết ở cõi đời, và sanh trong nhà đạo, dĩ nhiên đường chưa tỏ, đạo lại chưa tường. Do vậy, “trước khi xuất gia để vào Giáo hội, người ấy phải chịu đủ điều kiện bắt buộc theo luật xuất gia. Làm lễ xuất gia xong, phải giữ giới tập sự, chịu các điều khổ hạnh trong một thời gian nhất định, ấy cũng là phương pháp un đúc lòng kiên nhẫn của người tu.”[2] Bấy giờ, người thầy sẽ hướng dẫn dạy bảo cho học trò về các oai nghi tế hạnh, nguyên tắc về bổn phận làm trò, nuôi dưỡng chí hướng lý tưởng chí nguyện xuất gia cho đệ tử. Mặt khác, không chỉ trên căn bản dạy đạo đó, mà đây cũng là quá trình thiết lập truyền thông giữa thầy và trò thông qua yếu tố đạo đức về tình thương giữa thầy và trò. Tính thiết yếu cần có, người thầy phải thấu rõ học trò, những phương pháp thiết thực tăng ích trong từng giai đoạn như trẻ luôn cần có sữa và chất bổ dưỡng trong giai đoạn đầu. Người đệ tử: “… bước đầu bổn phận làm trò, cả thân tâm ý dâng cho người thầy, mặc người uốn nắn chuyển xoay…”[3]; phải trọn lòng tin với thầy, kiên định chí hướng lý tưởng tìm cầu giải thoát của mình. Thầy thương trò, trò cung kính thầy; thầy cần trò, trò càng cần thầy nhằm nâng cao nét đẹp chuẩn mực đạo đức, tạo nên sức mạnh từ thân đến tâm. Nếu không xây dựng được vậy, người trò sẽ không có cơ hội tiếp nối, thẩm thấu, phát huy, thăng hoa trên con đường thực tập tâm linh, cũng như người trò sẽ mất đi sự cảm nhận tình thương của thầy đối với mình thế nào?


Dòng sữa Pháp - kết tinh từ tình thương của Đức Phật

Bước vào thế kỷ XXI, thế giới khoa học và kỹ thuật bùng nổ, con người bị cuốn hút bởi thế giới ảo tưởng tiến bộ về vật chất, với sự tầm cầu những khoái lạc, những nhu cầu đáp ứng cho tự ngã. Theo xu hướng đó, giới tu sĩ cũng đáp ứng và phát triển mở mang đạo Phật, hầu xương minh giáo pháp của Thế Tôn, đem lợi lạc cho quần sanh. Trong nhịp đập ấy, một số người trẻ mới vào xuất gia không lâu, vì quá năng động trong việc làm lợi ích cho quần sanh, tâm tánh khuấy bùn vẩn đục, mắt chưa được trông, tai chưa được nghe, tinh thần chưa cảm cái hồn của Pháp bảo, thân thể chưa gội được cái khí thiêng của thảnh thơi và vững chãi lại muốn rời khỏi thầy, lìa xa huynh đệ, tự do tìm nơi thích hợp sống theo ý tư riêng của mình. Phải chăng là một sự nguy hiểm? Ở thế gian, một người sau khi chào đời đã được mẹ chăm sóc hấp thu những nền tảng đạo đức. Trải qua sự chuyển tiếp của học đường: cấp I, II, III rồi đại học. Kiến thức cũng tạm cung cấp đủ cho người này chuẩn bị vào cuộc đời để lập nghiệp, xây dựng tương lai. Còn người xuất gia trẻ mới sinh ra trong Giáo Hội Phật Đà cần phải nuôi dưỡng, cần được rèn luyện, cần được trang bị vững vàng nếp sống tâm linh. Từ đó mới có thể yên tâm vững chân trên đường đạo. Bằng trái lại, sống theo tư ý, để tâm vọng tưởng dẫn dắt đi rất xa và rất xa lúc nào không hay biết. Nhiều khi còn tự cho là đúng, không ngờ vô tình tự mình biến dạng đổi khác, xa dần với đạo, xa với chánh pháp mà không hay biết.

Với lòng từ bi, người thầy - người mẹ không muốn cho con, cho trò mình phải lẩn quẩn trên quỹ đạo của những vết thương đầy máu mủ, đầy nước mắt. Như Thế Tôn, ngoài việc hiện tại lạc trú cho tự thân, không lúc nào Ngài không nghĩ đến lợi lạc cho đệ tử, cho chúng sanh. Bởi sự có mặt của Ngài trên cõi đời là lấy bổn hoài: hạnh phúc chúng sanh là mục đích. Ngoài việc thuyết pháp cho cư gia bá tánh, các kinh luôn đề cập Đức Phật dạy các đệ tử tụ hội và tụ hội đông đủ để nuôi dưỡng thêm Chánh pháp. Vì không muốn chư đệ tử để tâm buông thả trôi dạt, nên mỗi khi tụ hội lại với nhau, Đức Phật chỉ nhấn mạnh có hai việc cần nên làm đó là bàn luận về chánh pháp và giữ sự yên lặng của bậc Thánh.[4] Đức Phật dạy đối với bốn pháp ăn mặc ở bệnh, các đệ tử nên tri túc; còn đối với việc học giáo pháp thì chớ có tri túc, điều đó cũng chứng minh sự quan trọng học giáo pháp thế nào! Trong Kinh Tăng Chi, phẩm ba pháp, ba hạng người bệnh, Thế Tôn nhấn mạnh: “Có hạng người được thấy Như Lai, không phải không được thấy, được nghe Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, không phải không được nghe, đi vào tánh quyết định, tánh chơn chánh đối với các thiện pháp. Chính do duyên hạng người này, này các Tỷ-kheo, thuyết pháp được chấp nhận, và chính do duyên hạng người này, này các Tỷ-kheo, pháp được thuyết giảng cho các người khác.”[5] Điều kiện này như một định đề “nên” và “phải nên” học tập Pháp và Luật này một cách như thật, mới khởi lên tánh quyết định đối với sự giác ngộ giải thoát. Vì sao vậy? Vì chúng ta cần có pháp an trú, nếu không trong vườn hoa tâm thức không mọc, không phát triển, ngược lại cỏ dại sẽ mọc lan tràn. Có những lúc tự nghĩ tại sao chúng ta không thành công trong việc hưởng những hạnh phúc lâu bền mà chúng ta đang tìm kiếm? Thực ra, trong trạng thái bình thường của tâm thức chúng ta vốn phóng túng và hoang dại, bởi thiếu sự trì giới, thiền định và tuệ giác cần thiết trong tâm thức để cầm cương chúng. Kết quả là chúng kiểm soát chúng ta. Và chúng thì lại bị những xung lực tiêu cực, thay vì những xung lực tích cực của chúng ta làm chủ. Do đó, chúng ta cần phải đảo ngược vòng tròn này.

Trước cũng như sau, Pháp được ví như dòng sữa ngon ngọt mà người làm thầy đóng vai trò là người mẹ luôn quên mình vì con, vì đệ tử của mình, hết lòng lo lắng, thương yêu mà không một lời toan tính, than kể. Thật vậy:

“Mẹ có nghĩa là mãi mãi,

Là cho đi không đòi lại bao giờ”

(Thơ của Thanh Nguyên, “Ngày xưa có Mẹ”)

Dòng sữa Pháp ấy có khả năng làm bổ dưỡng những tế bào, từng thớ thịt, loại bỏ những chất ô uế không cần thiết, những độc tố gây hại sức khỏe, biết loại bỏ pháp đen, tìm đến pháp trắng làm lớn mạnh thân và tâm cho mỗi hành giả trên con đường hướng đến giác ngộ. Trái đất không thể thiếu oxy, không khí; cá sống không thể thiếu nước, thiếu chúng sự sống sẽ chết đi. Cũng thế, người tìm cầu cái gọi là “chí thiện” không thể thiếu sự thực tập lời dạy của Đức Phật. Những bài tập mang năng lượng của Giới, của Định, của Tuệ dẫn đến cách tháo gỡ chuyển hóa những vết thương, oan khiên, nghiệp chướng, sầu muộn, khổ đau của con người. Đức Phật từng nói: “Ai thấy Pháp là thấy ta.” Pháp ấy chính là Phật, Phật ấy trong Pháp. Ai nếm được hương vị Pháp rồi cố nhiên sẽ thấy Phật.

Người làm con đôi khi tánh khí háo thắng bồng bột, thấy vị ngọt trước mắt, ít thấy sự nguy hiểm, đến khi gặp sự đau đớn, khó khăn nguy hiểm rồi mới thấy giá trị tình thương của Mẹ, lời dạy của Thầy là tối cần thiết, mới thấy được sự có mặt của Mẹ, của Thầy là quan trọng. Như vậy, phải chịu biết bao là đớn đau của sự khổ? Nên chăng?                                                                                                                        



[1] ĐTKVN, HT. Thích Minh Châu (dịch), Trung Bộ II, Kinh Catuma, VNCPHVN, 1992, tr. 253.

[2] Tổ Sư Minh Đăng Quang, Chơn Lý, Luật Nghi Khất Sĩ, “Kệ Giới”, NXB TP. HCM, tr. 103, 1998.

[3] Tổ Sư Minh Đăng Quang, Chơn Lý, Luật Nghi Khất Sĩ, “Kệ Ý”, NXB TP. HCM, 1998.

[4] ĐTKVN, HT. Thích Minh Châu (dịch), Trung Bộ I, Kinh Thánh Cầu (26), VNCPHVN, 1992, tr. 361.

[5] ĐTKVN, HT. Thích Minh Châu (dịch), Tăng Chi I, Chương 3 pháp, phẩm “Người Bệnh”, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 214.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết: