Sự thành đạo của đức Phật và giá trị thực tiễn
- TKN. Liên Viên
- | Thứ Năm, 07:59 29-01-2015
- | Lượt xem: 5925
Sống ở cõi đời này ai cũng có niềm mong ước như nhau là muốn được hạnh phúc và tránh mọi khổ đau. Cuộc sống là sự đi lên, vấp ngã cũng để đi lên, một đời người từ lúc sanh ra cho đến lúc tóc bạc, da nhăn hay từ giã cõi trần ngay từ lúc tuổi xanh cũng không có nghĩa gì. Quan trọng là khi còn sống con người đã thành đạt những gì. Sinh ra lớn lên, lập gia thất, sinh con, có một mái ấm gia đình chưa phải là sự thành đạt lớn lao, mà sự thành đạt trong đời chính là danh vọng, địa vị, giàu có mới là đỉnh vinh quang của cuộc sống. Sự thành đạt ấy quá mong manh, tạm bợ và ngắn ngủi. Thế nhưng sự thành đạt của một người xuất gia hoàn toàn trái ngược với đời sống thế tục. Tấm gương cao cả của Đức Phật Thích-ca, vị giáo chủ khai sáng đạo Phật, đã để lại cho nhân loại một kho tàng quý giá về giá trị thực tiễn sau khi thành tựu đạo quả.
Về mặt thế gian thì Thái tử Sĩ-đạt-đa là một người thành đạt bậc nhất về danh vọng, địa vị, gia đình. Đối với xã hội thì Thái tử rất thành đạt và luôn được mọi người tôn kính. Về mặt đạo pháp, Thái tử là một vị thành đạt trên bước đường tu tập, Ngài đã vượt qua mọi chướng ngại để đạt đến mục đích Chánh đẳng Chánh giác. Như vậy sự thành đạt của người xuất gia là đạt đến mục đích tối hậu ở chỗ phát tâm chơn chánh, luôn luôn kiểm soát những dòng tư tưởng bất chánh của tâm thức, và đối trị nó bằng phương pháp phát tâm cao cả, tức là Bồ-đề tâm tu hành như thế qua nhiều năm tháng thì căn lành phước đức ngày càng khai phát, tính chất phiền não cạn mỏng dần dần, thân tâm trở nên thanh tịnh. Mục đích của người xuất gia là “Hoằng pháp độ sanh” để đi đến vô thượng tự giác, giác tha. Mục đích ấy không phải chỉ làm được trong một đời mà đời đời kiếp kiếp hoằng pháp độ sanh mới có thể đạt đến trí giác vô thượng.
Sau khi đức Phật thành đạo, Ngài đã giáo hóa khắp nơi, từ những lời dạy của Ngài mà rất nhiều vị đệ tử đã chứng Thánh quả, cho đến ngày hôm nay hàng triệu người đã quy y theo Phật sống trong sự an lạc từ dòng pháp thanh tịnh ấy. Giáo pháp của Ngài du nhập vào Việt Nam từ rất lâu và cùng chịu bao thịnh suy với đất nước, cho đến nay đạo Phật trong lòng dân tộc như một nền văn hóa chứ không hẳn là một tín ngưỡng tôn giáo.
Hiện nay nhiều trung tâm tu thiền của Phật giáo ở khắp mọi nơi trên thế giới đã và đang đóng góp vào phận sự giải tỏa những căng thẳng, suy sụp, khủng hoảng về mặt tinh thần của con người do chạy theo và làm nô lệ cho vật chất của thời đại gây ra. Giáo lý của Ngài ứng dụng cho mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, mọi trình độ và mọi xã hội. Nhờ vào giáo lý ấy mà đạo Phật được xem như là một lối sống chứ không phải là một tôn giáo, vì tôn giáo là một hệ thống tín ngưỡng không thay đổi với những giáo điều tuân theo mà không được đặt câu hỏi, tôn giáo đáp ứng niềm mong đợi về tâm linh cho số đông, đó là vấn đề trừu tượng và không kiểm nghiệm bằng năm giác quan. Tôn giáo là sự thờ phượng và lễ bái Thượng Đế hay một đấng siêu nhiên, nhưng đức Phật đã dựa vào sự nỗ lực cá nhân, phấn đấu cho quả vị Chánh giác vô thượng, Ngài không bao giờ tuyên bố là con hay sứ giả của vị thần linh nào. Đạo Phật đã thoát ly yếu tố tôn thờ một đấng tạo hóa, mặc khải siêu nhiên. Tuy vậy ở một góc độ nào đó đạo Phật vẫn được xem là một tôn giáo lớn trên thế giới với đầy đủ những yếu tố như tín ngưỡng, nghi lễ, Tăng đoàn, giới luật, kinh điển để hành trì mang ý nghĩa triết học sâu sắc.
Phật giáo là một triết lý sống chân chính nhằm mang lại một cuộc sống hòa bình và an lạc, hạnh phúc cho mọi chúng sanh hiện hữu trong cuộc đời này. Giáo lý của đức Phật không chỉ hạn hẹp trong một phạm vi quốc gia hay chủng tộc nào. Đó cũng không phải là một tín ngưỡng hay một niềm tin suông, đó là lời dạy cho toàn thể vũ trụ, một hệ thống giáo lý đến để thấy, để thực hành, chiêm nghiệm và giác ngộ, bởi mục đích của lời dạy ấy là nhằm dạy cho chúng ta biết sống chân chánh với tinh thần vị tha, vô ngã, thiện chí, hòa bình, giải thoát khỏi tất cả những khổ đau của cuộc đời. Trong Tăng đoàn của Ngài không có giai cấp hay địa vị, ai thọ giới trước sẽ được ngồi trước, có những vị ở giai cấp thấp nhất như thợ hớt tóc Upali, gánh phẩn Ni-đề, sống đời phóng túng như kỹ nữ Ambapali, tàn ác như Angulimala v.v… đều được nhận vào Tăng đoàn và giác ngộ giải thoát. An trú trong giáo pháp của đức Phật, người phụ nữ có được tiếng nói của mình, không phải làm nô lệ cho đàn ông, cho xã hội. Người phụ nữ cũng có quyền như bao người khác, được tu được học. Cho đến ngày nay, Ni giới cũng có nhiều thành công lớn, đó là nhờ đức Phật đã giải thoát cho phụ nữ. Chứng tỏ Ngài là nhà cách mạng về nhân quyền và bình đẳng đầu tiên của nhân loại.
Đức Phật thành đạo đã mở ra nền giáo dục mới không chỉ cho Tăng đoàn mà áp dụng cho tất cả mọi người. Đầu tiên là Phật chế giới như năm giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu. Mục tiêu giáo dục về hai mặt xã hội và cá nhân. Về mặt xã hội là giữa cha mẹ và con cái; giữa thầy và trò, giữa chủ và thợ v.v… Về mặt cá nhân, đức Phật dạy cách làm ra của cải hợp pháp, biết quân bình chi thu, giỏi tay nghề, siêng năng, biết điều hành công việc, biết lo cho đời sau, biết sống trong hiện tại. Từ buổi đầu đức Phật đã giáo dục tùy theo trình độ căn cơ của mỗi người, hình ảnh hồ sen có những cọng sen chưa ra khỏi bùn, có những cọng sen vừa vươn ra khỏi bùn, có những cọng sen ở lưng chừng nước, cũng có những cọng sen vươn lên khỏi mặt nước để tiếp thu ánh sáng mặt trời và tỏa ngát hương. Cũng thế, con người có những căn trí bất đồng và đức Phật không ngần ngại để giảng dạy cho tất cả mọi người.
Đã hơn 25 thế kỷ trôi qua từ sự kiện thành đạo của Đức Thế Tôn, những giáo thuyết được nói ra từ sở chứng ấy vẫn còn hiện hữu và tỏa sáng khắp mọi phương trời, vẫn mãi là liều thuốc hữu ích trong việc đoạn trừ khổ đau và đem lại hòa bình cho nhân loại. Những giá trị cao cả Ngài đem đến cho nhân loại sẽ là chất liệu làm thăng hoa đời sống thể chất và tinh thần cho những ai biết ứng dụng nó vào đời sống của mình. Xã hội phát triển với công nghệ thông tin tiên tiến, ngoài những lợi ích cho loài người ra nó còn là một xã hội tràn ngập những cám dỗ, cạm bẫy và luôn tạo điều kiện cho những ham muốn thấp hèn, những thói hư tật xấu bao quanh ở mỗi con người. Để có thể đứng vững trong cuộc đời, giữ được nhân cách phẩm giá của mình, và để góp phần xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, ấm no cho gia đình và xã hội thì mỗi người phải kiên cường hơn nữa, tích cực hơn nữa trong việc khắc phục loại bỏ thói hư tật xấu, những ham muốn thấp hèn của bản thân. Đồng thời không không ngừng tu dưỡng đạo đức, rèn luyện nhân cách của mình, vì “Chiến thắng ngàn quân địch ngoài chiến trường, không bằng chiến thắng mình, chiến thắng mình là chiến công oanh liệt nhất”.[1]
Đức Phật thành đạo đã mở ra một trào lưu mới, con người từ đó có cái nhìn mới về kiếp nhân sinh. Ngài đắc đạo giải thoát kiếp làm người trong cõi trần phù du giả tạm với đại nguyện là phổ độ chúng sanh, với thành quả vĩ đại ấy loài người đã tôn vinh Ngài là Thế Tôn. Trên lộ trình thăng hoa cuộc sống tu tập cho bản thân, chúng ta ý thức được cuộc sống của mình thì may ra mới có thể hiên ngang vượt qua mọi chướng ngại trên đường tu, mới không một bước thụt lùi trước cám dỗ của dục vọng. Chính điều này đã thể hiện qua hành động, nhân cách sống của đức Thích-ca, Ngài đã chiến thắng kiên cường nội ngoại ma dưới cội Bồ-đề để trở thành bậc vĩ nhân của nhân loại. Noi theo gương Ngài, chúng ta hãy nỗ lực cố gắng để chiến thắng được mình, có như thế mới không hổ danh là người con Phật, không hổ thẹn khoác chiếc áo nhà tu giải thoát. Lời dạy của đức Bổn sư sau khi thành đạo đã ban truyền cho các thế hệ chúng ta: tinh thần tự chủ, có lập trường (quan điểm) riêng của mình, không bị lệ thuộc vào bất cứ ai. Tu học và hành đạo phải tùy thuận thiên lý, tức là phải tự nhiên, bình thản, trung hòa, không gượng cầu áp đặt cũng như thái quá bất cập. Nếu như trên thế giới này ai cũng sống như đức Như Lai thì cõi Ta-bà không còn chiến tranh chết chóc, các tệ nạn xã hội thụt lùi… cõi Ta-bà biến thành cõi Tây Phương, và mỗi chúng sanh là một vị Phật.
(viết tại Buôn Ma Thuột)
Các bài viết liên quan
- Ý nghĩa Phật thành đạo - Thứ Ba, 21:58 23-01-2018 - xem: 6202 lần
- Sự Xuất gia và Thành đạo của Tất-đạt-đa Cồ-đàm: Một khởi đầu Giáo pháp Tỉnh thức và chấm dứt sự im lặng - Chủ Nhật, 15:53 17-01-2016 - xem: 10007 lần
- Đạo vàng bừng sáng - Chủ Nhật, 01:16 17-01-2016 - xem: 8033 lần
- Hiểu về đức Phật nhân ngày thành đạo - Thứ Bảy, 00:26 16-01-2016 - xem: 9385 lần
- Nhớ ơn Phật - Thứ Sáu, 05:20 15-01-2016 - xem: 4095 lần
- Mừng ngày Đức Phật thành đạo - Thứ Bảy, 17:19 16-01-2016 - xem: 6762 lần
- Sự thành đạo của đức Phật và giá trị thực tiễn - Thứ Năm, 07:59 29-01-2015 - xem: 5925 lần
- Ý nghĩa sự thành đạo - Thứ Tư, 08:44 28-01-2015 - xem: 5235 lần
- Sen nở hào quang - Thứ Sáu, 01:08 19-12-2014 - xem: 4332 lần
- Mừng ngày đức Phật xuất gia và thành đạo - Thứ Tư, 02:17 08-01-2014 - xem: 7254 lần
- Chánh Ðẳng Chánh Giác - Thứ Bảy, 21:55 21-12-2013 - xem: 5403 lần
- Con đường giác ngộ theo kinh điển Nikaya - Thứ Ba, 22:18 17-09-2013 - xem: 5348 lần