CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Mùa Hoa Đàm nở

Mùa Đản sanh của đấng Cha Lành lại trở về, biểu hiện ý nghĩa đặc biệt như một tấm lòng bao dung, cưu mang tất cả nỗi thống khổ và là tiếng nói đầy uy dũng, đại hùng, đại lực, đại từ bi, trí tuệ, che chở cho tất cả muôn loài.

ducphat34

Cách đây hơn 25 thế kỷ, Đức Phật đã ra đời trong hoàn cảnh một Ấn Độ đầy bất công, chia rẽ và thân phận con người bị đặt trên giá trị của giai cấp và thần linh. Đức Phật như một nhà Cách mạng, đem bóng mát an lành hạnh phúc chân thật cho mọi người khi tuyên bố rằng: “con người dù khác màu da, chủng tộc, đẳng cấp v.v… nhưng dòng máu luân lưu trong cơ thể đều cùng màu đỏ như nhau”.

Ngài cũng đã tìm ra cái sườn nhà như những nối kết, dẫn dắt con người luân lưu trong vòng sanh tử luân hồi, và chỉ cho chúng sanh thoát khỏi vòng kết 12 Nhân duyên, và điều quan trọng hơn hết chính là: Ngài xuất hiện vì một nhân duyên lớn đó là chỉ cho chúng sanh ngộ được tri kiến Phật với câu nói “Ta là Phật đã thành, tất cả chúng sanh đều là Phật sẽ thành”.

Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, tất cả chúng sinh đều có trí tuệ, nhưng trí tuệ đã bị chôn vùi bởi hàng hàng, lớp lớp vô minh. Do đó, sự xuất hiện của Đức Phật trong cõi đời này là để khơi mở trí tuệ cho chúng ta, cho hết thảy chúng sinh, phá trừ tất cả màn hắc ám vô minh, để cho hết thảy chúng ta nhận ra được Phật tính ở nơi chúng ta, nhận ra được trí tuệ ở nơi mỗi chúng ta. Tất cả chúng ta đều là những vị Phật tương lai, hết thảy chúng sinh đều có Phật Tánh, nhưng tự chúng ta đánh mất đi, do tâm ích kỷ, tâm hờn giận. Tâm ích kỷ, tâm hờn giận làm cho chính chúng ta xấu đi, làm cho chúng ta đánh mất tánh Phật nơi bản Tâm

Nên mỗi năm tháng Tư về, mùa Hoa Đàm nở, những người con Phật trên khắp năm châu bốn biển đều vô cùng hạnh phúc.

Hạnh phúc vì: Đức Phật ra đời là chỉ bày cho chúng ta một con đường an lạc và nhận diện được đâu là con đường hạnh phúc, đâu là con đường khổ đau, đâu là giá trị cao quý, đâu là không có giá trị ở trong cuộc sống của chúng ta. Đức Phật đã chỉ cho chúng ta thấy rằng, một đời sống có thể trở thành cao quý khi lời nói, hành động, việc làm của chúng ta được phát xuất từ một tâm hồn cao quý. Đức Phật đã chỉ bày cho chúng ta cũng như tất cả chúng sinh thấy rõ rằng, lời nói tầm thường, hành động tầm thường, việc làm tầm thường có gốc rễ từ nơi một tâm hồn tầm thường.

Tâm hồn tầm thường là tâm hồn gì? Là tâm hồn ích kỷ, đầy dẫy tham lam, đầy dẫy sân si, đầy dẫy cố chấp, đầy dẫy kiêu ngạo. Lời nói nào phát xuất từ tâm hồn kiêu ngạo, từ tâm hồn ích kỷ, hẹp hòi... lẽ đương nhiên lời nói đó có khả năng tàn hoại hết thảy hạnh phúc, an lạc của chúng ta; có khả năng tàn phá hết đời sống cao quý của chúng ta. Muốn bảo toàn hạnh phúc, muốn bảo toàn an lạc, Đức Phật đã chỉ bày cho chúng ta rất rõ là phải nuôi dưỡng tâm hồn từ, bi, hỷ, xả. Chúng ta muốn hạnh phúc, an lạc mà không biết nuôi dưỡng tâm hồn từ, bi, hỷ, xả thì hạnh phúc, an lạc không thể nào có được. Chúng ta muốn sống một đời sống cao thượng mà không biết nuôi dưỡng và phát triển tâm hồn từ, bi, hỷ, xả thì chúng ta không thể nào có đời sống cao thượng được.

Điều đó, Đức Phật đã chỉ bày cho chúng ta cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ. Và hai mươi lăm thế kỷ như vậy, những người nghe lời Đức Phật dạy, hành trì, thực tập và chính những người đó đã có hạnh phúc, an lạc, không những hạnh phúc, an lạc ở đời sau mà hạnh phúc, an lạc ngay trong đời này.

Bởi vậy, trong Kinh nói rằng, Đức Phật ra đời là để “Thị Phật Tri Kiến” cho hết thảy chúng sinh. Thị Phật Tri Kiến là chỉ rõ bản chất giác ngộ cho hết thảy chúng sinh. Khi mà chúng sinh nhận ra, thấy rõ bản chất giác ngộ đó rồi, thì bắt đầu xây dựng đời sống hạnh phúc, an lạc cho mình và cho hết thảy mọi người. Nhưng đâu phải ai ai cũng nhìn thấy, hành trì thực tập, nên chưa cảm nhận niềm hạnh phúc lớn lao ấy.

Bởi vì đạo Phật là đạo Giác ngộ, khi nào chính bản thân chúng sanh cảm nhận, mong cầu giác ngộ, như người đang đói muốn no, tức nhiên phải tự mình ăn cơm, chứ không thể có ai đó ăn giúp mình mà tự thân no được.

Đức Phật ra đời giúp cho chúng sinh giác ngộ, dạy cho chúng sinh thành tựu được giác ngộ ngay ở trong đời sống của chính mình. Giác ngộ là giác ngộ ngay trong đời sống của chính mình, ngoài đời sống của chính mình ra không có đời sống giác ngộ nào để cho chúng ta đi tìm kiếm. Chúng ta có thể tìm kiếm là tìm kiếm giác ngộ ngay ở thân và tâm của chúng ta. Chúng ta có thể đi tìm giác ngộ ngay trong đời sống của chúng ta, chúng ta không thể vứt bỏ cách đi, cách đứng, cách nằm, cách ngồi, cách tiếp xúc giao tiếp hằng ngày của chúng ta mà có sự giác ngộ.

Do đó, Đức Phật đã chỉ rõ cho chúng ta rằng, đời sống của chúng ta, dù một kẻ tầm thường đến mức nào đi nữa cũng có khả năng giác ngộ. Một người đau khổ tột cùng cũng có thể vươn mình đi đến đời sống hạnh phúc, an lạc. Dù một kẻ rất tầm thường cũng có thể vươn mình đi đến đời sống thánh thiện, cao thượng.

Điều đó, Đức Phật đã dạy cho chúng ta, cho hết thảy chúng sinh hơn hai mươi lăm thế kỷ. Trong lịch sử, cũng như trong đời sống thực tế, chúng ta đã thấy bao nhiêu kẻ trong đời sống tầm thường, họ không gặp Phật pháp, họ không nghe được lời giáo huấn cao quý của những Bậc Phạm hạnh, nhưng khi họ gặp được thì họ có cơ duyên trở thành người cao quý. Bao nhiêu kẻ bất hiếu với cha, bất hiếu với mẹ, nhưng khi gặp thầy hiền, bạn tốt, sống trong một khung cảnh thanh tịnh, họ trở thành một con người hiếu kính, một con người thuần thiện. Điều đó đã chứng tỏ rằng, chúng ta có thể giác ngộ được, nhận ra được cái tính chất cao thượng của chúng ta ngay trong đời sống của chúng ta.

Nói như vậy để cho tất cả chúng ta thấy rằng, cái ác, cái xấu ở giữa đời không đâu là không có và không lúc nào là không có. Vậy, chúng ta không sợ rằng chúng ta xấu, chúng ta không sợ rằng chúng ta ác, mà chỉ sợ rằng, chúng ta không nhận ra điều ác để tránh, không nhận ra được điều xấu để chúng ta từ bỏ. Chúng ta chỉ sợ rằng, chúng ta bị vô minh ám chướng, nhận thức sai lầm, để rồi bị đầu độc mà không nhận ra được giá trị cao quý trong đời sống của chúng ta, để chúng ta vươn mình đi tới cái cao quý, tốt đẹp.

Nếu mình hiểu được đạo, giác ngộ được đạo, thì bao nhiêu xấu xa, bao nhiêu cái tầm thường ở trong đời sống cuả mình cũng được chuyển hóa thành cái cao thượng, có ý nghĩa. Bởi vậy mà trong Kinh diễn tả rằng, Đức Phật ra đời với ý nghĩa là “Ngộ Phật Tri Kiến” cho hết thảy chúng sinh, nghĩa là làm cho hết thảy chúng sinh giác ngộ được những gì mà Đức Phật đã giác ngộ, hiểu rõ bản thân mình đúng như những gì mà tuệ giác đã nhận ra, chứ không phải hiểu bản thân mình bằng vô minh ái nghiệp. Đức Phật ra đời dạy dỗ, giáo hóa, dìu dắt, hướng dẫn khiến cho chúng ta và hết thảy chúng sinh đều sống cuộc đời như Đức Phật đã sống. Tất cả chúng ta chỉ nói lên những lời tốt đẹp, mà không làm những điều tốt đẹp. Do đó, cái xấu, cái khổ, cái thất vọng vẫn luôn luôn theo đuổi chúng ta như bóng với hình. Chúng ta đi, đứng, nằm, ngồi bằng vọng niệm. Chúng ta nói, nhìn, nghe, ngửi, ăn bằng điên đảo. Chính cái điên đảo tưởng đó thúc đẩy chúng ta đi vào con đường khổ đau, con đường bất ổn. Bởi vậy, suốt hơn hai mươi lăm thế kỷ, bao nhiêu bậc Thánh trí ở trong đời sau khi nghe những lời Phật dạy, đem những lời Phật dạy đó vào trong đời sống của mình để thực tập, để sống và bao nhiêu bậc Thánh trí ở trong đời đã có hạnh phúc, đã có an lạc.

Mỗi thế giới bình ổn sẽ đưa đến toàn thể vũ trụ sống trong một quy luật trật tự, hạnh phúc.

Như vậy, một trật tự lớn lao có thể bình ổn được khi tâm của mỗi chúng sinh bình ổn, nghĩa là phải khơi mở cho được Phật tính nơi họ. Mỗi người phải biết trở về sống với cái thanh tịnh nơi mình, cái quý giá nhất nơi mình chính là Phật tính. Chúng ta trở về với cái cao đẹp nhất nơi chúng ta là Phật tính. Chúng ta làm lễ kỷ niệm ngày đản sanh của Đức Phật, chúng ta phải làm thế nào đó để Đức Phật trong chúng ta phải ra đời mỗi ngày. Qua hơn 49 năm trên mọi nẻo đường truyền bá Giáo pháp, Ngài đã chỉ cho muôn loài con đường giải thoát khỏi vòng trầm luân vì vô minh tham ái, chấp ngã chấp pháp.

Một gương hạnh phi thường, một con người trên tất cả mọi người, Cha Lành của trời người, làm cho chúng ta trên thế gian này kính phục, qui ngưỡng.

Nên mỗi độ mùa Hoa Đàm nở, người Phật tử chúng ta đón mừng ngày Khánh đản của Đấng Từ Phụ Thích-ca Mâu-ni, không chỉ bằng những lễ hội qui kính, tán tụng, chay tịnh… mà cần phải nghiêm trì giới luật, cần phải nhìn lại chính mình, làm cho tánh Phật trong mình phát triển nở hoa. Đóa hoa sen vươn lên từ bùn nhơ, nhưng đôi mắt sen luôn là tấm lòng chia sẻ vẫn thường có mặt với tất cả khổ nạn vô minh của mọi người, vì đó là bản hoài của Phật và là hạnh nguyện của mỗi người con Phật.

Vì chúng ta nhận thức được rằng mỗi pháp trong vũ trụ này luôn liên hệ và ràng buộc lẫn nhau. Chỉ với tất vả lòng chân thành này, với sự quán chiếu nội tâm và nhận rõ những động niệm sanh diệt, chủ khách và hằng sống trong tánh Phật, và điều kỳ diệu đặc thù của Phật giáo là khi chúng ta nhìn vào tâm mình, những ngã chấp càng vỡ tung, chuyển hóa đưa chúng ta vào chân tâm vô ngã, ranh giới giữa ta và người không còn.

Thực hiện được như vậy, làm được như vậy là chúng ta phần nào báo đáp hồng ân Đức Phật vì thương chúng sanh mà thị hiện nơi cõi ta-bà này.

Từ đó mỗi người con Phật nhận thấy cần đem tám con đường bát chánh đi cùng với mọi người và chuyển đổi hoàn cảnh khổ đau của mình và mọi sinh vật xung quanh. Đó chính là sự dấn thân thiết thực nhất để cúng dường ngày Đản sanh của đấng Cha Lành.

Hỡi những tâm hồn của thiên đường rộng mở, hỡi những nụ cười của Thiền vị tin yêu, hỡi những tiếng nói chân như tỉnh thức ,hãy lắng nghe rồi hiểu và thương,hãy xây dựng ta-bà Thế giới được nên thơ.

Đời hạnh phúc là đời không thù hận.

Đời an vui là giàu tấm lòng nhân.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết: