CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Giáo dục Phật giáo ở các nước Nam truyền

Tích Lan là một đất nước trong đó Phật giáo Nguyên Thủy thăng hoa suốt cả chiều dài lịch sử không gián đoạn từ thế kỷ thứ ba trước công nguyên, nơi mà Phật giáo không gặp một đối thủ mạnh nào từ triết học hay tôn giáo. Nền giáo dục tu viện của Tích Lan tập trung vào việc truyền đạt và tu tập những lời dạy của Đức Phật, cũng như xiển dương văn học thông qua những bài giảng về những lời dạy cao quý đó. Nền giáo dục này nhấn mạnh đến việc bảo vệ tính nguyên thủy những lời dạy của Đức Phật bằng ngôn ngữ Pàli, một trong những ngôn ngữ chính yếu được Đức Phật sử dụng khi Ngài vận chuyển bánh xe Pháp suốt 45 năm, và là ngôn ngữ chính được sử dụng để biên tập kinh văn sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn.

Những lời dạy cao quý của Đức Phật do những nhà hoằng pháp thời vua A Dục mang đến Tích Lan được đọc tụng và phổ biến bằng tiếng Pàli. Pàli rất có thể là một trong những ngôn ngữ chính yếu của người dân xứ Ma Kiệt Đà (Magadha) đã được chuẩn định hóa. Ma Kiệt Đà là một đất nước nơi mà Đức Phật lưu trú tương đối lâu và giảng giải pháp bảo tương đối nhiều, chỉ sau Xá Vệ.
Mục tiêu chính của nền giáo dục tu viện là truyền thừa những bài kinh bằng cách truyền khẩu. Việc truyền thừa bằng ký ức này nhờ vào việc thường xuyên đọc tụng. Những bài kinh được truyền thọ và đọc tụng bằng tiếng Pàli, trong khi những bản sớ giải thì được viết bằng tiếng Sinhala, quốc ngữ của người dân Tích Lan. Nền văn học sớ giải vĩ đại viết bằng tiếng Tích Lan này được phiên dịch ngược lại sang tiếng Pàli vào thế kỷ thứ 5 sau công nguyên. Những hoạt động dịch thuật như vậy đã làm cho tiếng Pàli dần dần thay thế và sau đó loại trừ tiếng Sinhala ra khỏi nền văn học Phật giáo. Kết quả là tiếng Pàli trở thành ngôn ngữ văn học, đồng thời là một dụng ngữ được nhiều người sử dụng để truyền đạt Phật Pháp và kiến thức trong nền giáo dục Phật giáo Tích Lan.

Đảo quốc Sri Lanka
Trong một số giai đoạn lịch sử Phật giáo, những nhà sư Đại thừa từ Ấn Độ đã sang Tích Lan và phổ biến những bản kinh Sanskrit. Sự xuất hiện tiếng Sanskrit đã mở màn cho sự phát triển nhanh chóng của một nền văn học thế tục được thể hiện từ nhiều góc độ, như nền thi ca cổ kính của cung đình đến nghệ thuật diễn xuất sân khấu, từ những bài lý luận về nhân văn đến những bài biện giải về khoa học, y học, thiên văn học, toán học và kiến trúc… Nền giáo dục thế tục này đã thâm nhập các đại tu viện. Tịnh xá Mahavihara ở Anaradhapura và tịnh xá Alahana Pirivena ở Polonnaruva đã trở thành những trường đại học thật sự theo đúng ý nghĩa của từ này. Quy mô của những tịnh xá đại học này đã phát triển rất rộng, từ một nền giáo dục tu viện có tính truyền thống kinh điển và giáo lý chỉ dành cho các Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni đến một nền giáo dục bao gồm một mảng rất lớn các ngành học thuật khác thuộc thế tục, đặc biệt là sử học, văn học và ngôn ngữ học. Trong các ngành học thế tục đó, một ngành học vô cùng quan trọng là sử học; ngành này đã làm phát sinh một mảng văn học to lớn khác là biên niên sử. Đối tượng của nền giáo dục trong những tịnh xá đại học này cũng phát triển, không chỉ dành cho Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni mà lại mở rộng cho tầng lớp cư sĩ tại gia và cả những nhân sĩ Phật giáo nổi tiếng của Tích Lan.
Trong một giai đoạn lịch sử, những nhà lãnh đạo quốc gia hảo tâm lo ngại về nội dung nền giáo dục trong tu viện đang trên đà thế tục hóa vào thế kỷ thứ 12. Nhà vua đã phải ban hành sắc lệnh cấm các tịnh xá đại học nghiên cứu và giảng dạy các môn học thế tục như thi ca, kịch nghệ và những môn học khác. Mặc dầu có mối quan tâm này, những học viện Phật giáo tiếp tục cung ứng một nền giáo dục toàn diện theo quan niệm của thời bấy giờ. Một số bài viết luận bàn về các học viện Phật giáo của thế kỷ thứ 15 đã cho chúng ta thấy rằng chương trình học lúc ấy vô cùng phong phú, bao gồm các môn học như quốc văn, Pàli văn, Sanskrit, Prakrit, ngôn ngữ học và văn học Tamil. Những môn học này được nghiên cứu và giảng dạy song song với các môn chuyên khoa Phật học, dàn trải trên một mảng rộng lớn, bao gồm cả Thánh tạng Pàli lẫn kinh điển Đại thừa. Ngoài ra, các Tịnh xá đại học này cũng đưa vào chương trình nhiều môn học khác như triết học Ấn Độ, toán học, kiến trúc học, thiên văn học, y học và chiêm tinh học.
 Phật giáo Nam truyền dần dần được truyền đến Miến Điện, Thái Lan, Campuchia và Lào; song song với quá trình truyền thừa giáo pháp này, phương thức của nền giáo dục Phật giáo Tích Lan cũng được truyền bá theo đó. Ngôn ngữ Pàli (đặc biệt là văn phạm Pàli) được xem như là tiền đề, là điều kiện không thể thiếu đối với người có ý nguyện học tập Thánh tạng Phật giáo. Ngôn ngữ và văn phạm Pàli do vậy được phổ biến vô cùng rộng rãi. Một quyển sách lịch sử Phật giáo viết bằng tiếng Miến vào thế kỷ thứ 13 nói rằng, phụ nữ và cả những em gái cũng thông hiểu tiếng Pàli. Một quyển biên niên sử viết trong giai đoạn đó cũng đã miêu tả rằng vua Kyaswa đã học tập và nghiên cứu và trở nên một nhà thông thái, bác lãm của nền văn học Pàli. Ông vua bác lãm nổi tiếng này lại rất siêng năng giáo dục hoàng tộc. Lịch sử ghi lại rằng có khi một ngày ông đứng lớp đến 7 lần để đích thân dạy dỗ cho thân quyến.
Cũng nên biết thêm rằng, quốc ngữ cũng có một vị trí tương đương trong đất nước này, mặc dầu tiếng Pàli vẫn là ngôn ngữ chính của kinh điển và sớ luận. Nói chung, tất cả các nước theo truyền thống Nguyên Thủy đều rất coi trọng tiếng Pali và rất tích cực giữ gìn ngôn ngữ cổ điển và thiêng liêng này; trong khi đó quốc ngữ của từng quốc gia Phật giáo vẫn được sử dụng trong việc xây dựng nên một nền văn học và triết luận Phật giáo.
Nghệ thuật viết chữ và việc sáng tạo ra mẫu tự được các nhà vua thúc đẩy. Ở Thái Lan, vua Rama Khamhaeng đã sáng tạo ra chữ viết Thái Lan năm 1283.
truong
Một góc trường Đại học Maha Chulalongkorn Rajavidyalaya
Học viên từ khắp các đô thị hay các địa phương xa xôi đã tập trung về học tại các học viện Phật giáo. Tất cả các thành phố của đất nước Thái Lan đều có các học viện hoặc là ở tại trung tâm thành phố, hoặc là ở ngoại ô.
Một mô hình giáo dục Phật giáo tương tự như thế rất phổ biến ở những đất nước nằm về hướng Đông châu Á như Indonesia, Malaysia và quần đảo Maldives.
Một sự canh tân rất có ý nghĩa trong nền giáo dục Phật giáo Nam tông là việc “tu trả hiếu”. Pháp môn phương tiện “tu trả hiếu” nầy rất phổ biến ở Miến Điện, Thái Lan, Campuchia và Lào. Pháp môn phương tiện nầy nhằm khích lệ, chứ không ép buộc, tất cả mọi nam thanh niên sống đời sống xuất gia ít nhất một vài tháng trong một tu viện nào đó. Pháp môn “tu trả hiếu” này được duy trì và được xác lập thành một thiết định xã hội quan trọng vừa có tính tôn giáo vừa có tính quần chúng. Việc tu trả hiếu hướng đến việc chắc chắn rằng tất cả mọi thành viên nam, hay tất cả công dân nam giới của đất nước đều trải qua một giai đoạn học tập một số vốn kiến thức cơ bản và được rèn luyện trong một môi trường đạo đức chuẩn mực.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan