Khái quát về giáo dục
- HT. Giác Toàn
- | Thứ Ba, 15:39 16-06-2020
- | Lượt xem: 5739
KHÁI QUÁT VỀ GIÁO DỤC
I. NGUỒN GỐC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA GIÁO DỤC
Ai cũng biết rằng loài cầm thú đều có khả năng dạy con để cho chúng thích nghi với cuộc sống. Một số loài cầm thú khi mới được sinh ra, do bản năng, có thể tự thích nghi với cuộc sống; một số khác, nếu thú con không được cha mẹ huấn luyện thì khó tồn tại giữa thiên nhiên khắc nghiệt hay giữa các loài cầm thú khác luôn tìm cách tranh giành, giết hại để được sống còn. Thế nhưng, loài thú là loài thú, hàng chục, hàng trăm, hàng triệu năm qua vẫn thế, không hề có tiến bộ, nếu không bị mai một tiêu vong. Ta chỉ thấy có loài vượn người, tiến hóa thành loài người, cho đến nay vẫn tiến bộ không ngừng, thay đổi đời sống bản thân, thay đổi môi trường, phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, đạo đức. Con người là sinh vật xã hội, có văn hóa, văn minh và có cuộc sống tâm linh. Từ lao động mà con người biết sáng tạo. Từ lao động mà con người biết hợp quần, sống thành xã hội để cùng nhau tồn tại và phát triển.
Từ thời tiền sử chưa có chữ viết, giáo dục được truyền miệng về kỹ năng sinh hoạt hằng ngày, về kỹ năng lao động sản xuất, thi ca, chuyện kể… Các nội dung này vẫn được tiếp tục giảng dạy khi đã có chữ viết. Chữ viết cổ nhất cách đây khoảng 5.500 năm ở Ai Cập là chữ tượng hình (hyeroglific). Khoảng năm 2.000 tr.TL, loại chữ này được ghi khắc trên các kiến trúc. Sau đó loại chữ tròn (cursive cripts) được viết trên giấy papyrus, một loại cói. (xem Fisher, Steven Roger, A History of Writing, 2004, Reaktion Book, tr. 33 - 44).
Từ việc hình thành các ký tự đại khái như Elamik khắc trên xương động vật chuyển sang chữ viết tại Ấn Độ (khoảng 2.000 năm tr.TL), ở Trung Quốc (đời nhà Thương, 1.500 tr.TL) đến hệ thống chữ viết ráp âm vận (alphabet) thời kỳ đồ sắt, 1.050 tr.TL, chữ Aramic và chữ Hy Lạp, văn hóa, văn minh nhân loại đã đạt sự tiến bộ lớn, trải qua một quá trình lao động và sáng tạo lâu dài và giáo dục cũng trở nên phổ biến từ giới thượng lưu lần sang giới bình dân.
Kinh Phật chứa toàn bộ nội dung giáo dục Phật giáo đã được viết bằng ngôn ngữ Pali, Phạn, Hán, Tạng... Những bản kinh đầu tiên được viết bằng ngôn ngữ Gandhari được viết trên vỏ cây bu-lô (birsh) hay trên lá bối (palm leaf). Có thể kể các mẫu tự Devanagari, Brahmi, Prakrit và Hybrit cùng hệ với Pali và Sanskrit.
Con người được tiến bộ là nhờ lao động. Do lao động mà ý niệm xã hội được hình thành, xã hội được thành lập và phát triển càng lúc càng đa dạng. Kinh tế và văn hóa của con người bao gồm nhưng sinh hoạt vật chất và tâm linh. Những chuyển biến, những tiến bộ trong đời sống liên tục qua nhiều thế hệ hiển nhiên là do sự truyền thọ, do kế thừa và do giáo dục, đào tạo.
Như thế, giáo dục là một hiện tượng của xã hội, một hiện tượng xã hội đặc biệt của con người. Rõ ràng con người có tiến bộ. Chủ yếu là do giáo dục mà văn minh và văn hóa của con người phát triển không ngừng, khác hẳn và vượt xa loài vật. Giáo dục đã được thực hiện rõ nét trong xã hội loài người ít ra cũng từ vài chục ngàn năm về trước. Tại Ấn Độ cổ đại, trong Áo nghĩa thư (Upanishad), ta thấy có nhắc đến việc “ngồi dưới chân thầy” để nghe thầy giảng dạy về tự ngã.
Trong thời Hy Lạp cổ đại, các triết gia như Thales, Pythagoras, Parmenides, Heraclitus, Socrates, Plato, Aristrotle… với các trường phái triết học của họ, đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng giáo dục. Qua thời Hy Lạp cổ đại, các trường học đã mở, các triết gia, các nhà khoa học đã thâu nhận học trò, đã mở trường có tổ chức quy mô. Tại Trung Hoa, Khổng Tử có 3.000 học trò, cùng thời với Socrates ở Hy Lạp, cùng thời với Đức Phật ở Ấn Độ và những nhà giáo dục vĩ đại khác.. Trong thế kỷ 19, hệ thống giáo dục Ba Tư (Persian) là một nền giáo dục cưỡng chế và có những sáng tạo quan trọng ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản… Mẫu thức giáo dục Ba Tư nêu những kỹ năng quản lý lớp học và được đưa vào chương trình giảng dạy. Sang đến thế kỷ 20, nhiều phương pháp giáo dục mới được nêu ra, kết hợp với truyền hình, truyền thanh, internet, truyền thông đa phương tiện. Một số nhà giáo dục tin rằng việc sử dụng công nghệ mới tuy có tiện lợi nhưng không thể thay thế phương pháp giáo dục khuyến khích tư duy, phê phán và sự ham học hỏi, sự thực hành, thực địa. Sự việc này đòi hỏi sự hoạt động, nói, nghe, kích hoạt các phần não bộ…
Loài người không ngừng tiến bộ, và giáo dục có đời sống riêng của nó. Giáo dục chuyển biến theo thời đại, theo chế độ xã hội, cho nên có những nền giáo dục khác nhau đáp ứng những yêu cầu khác nhau và theo đuổi những mục tiêu khác nhau. Nội dung phương pháp và phương tiện giáo dục được thay đổi và phát triển càng lúc càng phong phú và đa dạng.
II. Ý NGHĨA TỪ MỘT SỐ ĐỊNH NGHĨA VỀ GIÁO DỤC
Nói đến giáo dục là nói đến việc dạy, việc truyền thọ kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức của người dạy cho người học.
“Giáo” nghĩa là ra lệnh, khiến cho. “Dục” là nuôi lớn, làm cho trưởng thành. Từ điển Từ Hải giảng rằng “giáo” tức là người trên làm gì thì người dưới bắt chước làm theo. Từ Hải cũng giảng thêm rằng vua ra lệnh gọi là “sắc”; thái tử, vương hầu ra lệnh gọi là “giáo”. “Giáo thượng sử thi, hạ sở hiện dã”, còn nói “Dục dưỡng tử sử tác thiện dã” (Nuôi nấng con để bảo làm điều lãnh). “Giáo”, nghĩa là dạy dỗ, lấy những gì mình biết được mà truyền thọ cho người. Lại giảng: Giáo dục là giúp loài người phát triển và thích ứng với những tác động của thế giới càng ngày càng tiến hóa, khiến cho đi đúng theo đường gọi là “giáo”, làm cho lớn thêm một cách tự nhiên gọi là “dục”.
Tự điển Thanh Nghị giảng rằng giáo dục là dạy dỗ, rèn luyện trí, tính tình và thân thể cho được hoàn mỹ hơn.
Thực ra, từ giáo dục chỉ mới được dùng ở Trung Quốc vào khoảng cuối thế kỷ thứ 19 và sang đầu thế kỷ 20 mới du nhập vào Việt Nam. Trước đó, người Trung Hoa và cả người Việt Nam đều quen dùng các từ tương đương như huấn hối, giáo huấn, giáo hóa, dưỡng dục... Giáo huấn nghĩa là nuôi nấng dạy dỗ, dẫn đi tới... Về sau, trải qua nhiều thời đại, trải qua những biến đổi mà từ giáo dục có ý nghĩa phong phú hơn, có nội dung cụ thể hơn. Cho đến nay, mục tiêu của giáo dục hay một định nghĩa cụ thể cho giáo dục vẫn chưa được tất cả những nhà giáo dục nhất trí.
Từ Giáo dục được dùng rộng rãi ngày nay đều theo ý nghĩa của từ Anh, Pháp ngữ Education. Education có gốc La Tinh là Educacio, nghĩa là dạy dỗ, huấn luyện, tức là dẫn dắt người học ra khỏi sự ngu muội, vụng về. Từ điển Encyclopedia còn ghi thêm: Giáo dục là một khoa dạy về việc dạy, điều này nói lên sự gắn bó giữa giáo dục và sư phạm.
Từ điển giáo dục (Dictionary of Education - Cater V. Good, MC Crow - Hill Book Company - New York, Toronto, Lon don - 1959), định nghĩa giáo dục như sau:
a) Là một tập hợp tất cả các quá trình nhờ đó một người có thể phát triển những khả năng, những thái độ và những hình thức khác của thái độ mang giá trị tích cực đối với xã hội mà người ấy đang sống.
b) Là quá trình xã hội mà người ta chịu ảnh hưởng của một môi trường được chọn lọc và được kiểm soát (nhất là môi trường của học đường) khiến cho người ta có thể đạt được khả năng xã hội và sự phát triển năng lực tốt nhất.
c) Là một thuật ngữ chung, theo cách thông thường giáo dục chỉ cho cái gọi là những khóa học “kỹ thuật”, hay đặc biệt hơn, đó là những khóa học được tổ chức trong các cơ sở cấp cao để đào tạo thầy giáo. Giáo dục theo nghĩa này liên hệ trực tiếp với tâm lý giáo dục tới triết học và lịch sử giáo dục, tới khóa trình, tới các phương pháp chuyên biệt và tổng quát để điều hành sự giảng dạy... Nói chung giáo dục là toàn bộ mẫu mực đào tạo, chính quy và không chính quy, tạo thành sự phát triển nghề nghiệp cho các thầy giáo.
Định nghĩa về giáo dục một cách bao quát hơn, chúng ta có thể nói rằng giáo dục liên hệ đến cá nhân và xã hội, thái độ và nhân cách, môi trường giáo dục và việc đào tạo đội ngũ giảng huấn. Thực ra, một định nghĩa về giáo dục khó có khuôn mẫu chung nhất. Nếu giáo dục thay đổi tùy theo thời kỳ lịch sử, tùy theo chế độ chính trị với những mục tiêu đào tạo khác nhau thì những định nghĩa về giáo dục phải càng lúc càng đa dạng.
Ta chỉ có thể hiểu giáo dục một cách khái quát qua những định nghĩa ở trên.
Đại khái, giáo dục là sự dạy dỗ, truyền thọ và đào luyện làm cho người nhận sự giáo dục được mở mang trí tuệ và đức hạnh, tự khám phá và hiểu được mình, và nhờ đó có những hành động phù hợp với môi trường, với cuộc sống, với cộng đồng và với xã hội. Cách hiểu giáo dục như thế thì quá sơ sài, chỉ là những ý hướng, những khái niệm. Để hiểu ý nghĩa của giáo dục, chúng ta cần xét kỹ đến những yếu tố xác định giáo dục.
III. CÁC YẾU TỐ XÁC ĐỊNH GIÁO DỤC
Như đã nói, giáo dục là một sản phẩm của xã hội; mặt khác, giáo dục lại ảnh hưởng đến xã hội và định hình cho xã hội. Khi xã hội thay đổi thì giáo dục cũng thay đổi và ngược lại. Những yếu tố xác định giáo dục là những yếu tố cơ cấu định hình. Nếu những yếu tố này thay đổi thì giáo dục thay đổi. Người ta có thể tìm hiểu một nền giáo dục bằng cách xét đến những yếu tố này: mục đích, mục tiêu và đối tượng, nội dung, phương pháp và hệ thống tổ chức giáo dục. Các yếu tố này có liên hệ mật thiết với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau.
1. Mục đích của giáo dục
Một cách tổng quát, cũng như mọi hoạt động có ý thức của con người, giáo dục là một hoạt động có mục đích tối hậu, là hạnh phúc lâu bền cho loài người. Người ta có thể diễn đạt mục đích tối hậu này là sự thánh thiện, là tri thức sâu rộng, là chân, thiện, mỹ. Nhiều người cho rằng hạnh phúc là sự thỏa mãn vật chất và tinh thần. Nhận định như vậy vừa thừa vừa thiếu. Thừa là vì hạnh phúc là một sự cảm nhận, thuộc tâm lý; vật chất có thể là yếu tố khiến cho tinh thần thỏa mãn chứ không phải vật chất là sự thỏa mãn, và nếu như vậy thì phải nói rằng hạnh phúc là sự thỏa mãn tinh thần. Thế nhưng tiêu chuẩn cho sự thỏa mãn tinh thần là gì thì không ai xác định được: là danh lợi, là sức khỏe, tình yêu, dục lạc?
Người ta chỉ cảm nhận về một hướng tiến lên mà giáo dục mang lại trong ý nghĩa tiến về tuyệt đối. Và như thế, mục đích của giáo dục luôn luôn ở đằng trước, rất xa vời, khiến người ta phải trăn trở, đổi thay các yếu tố cấu thành giáo dục.
Do tính chất tương đối của cuộc đời, ta chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc tương đối mà thôi, những hạnh phúc này có thể được xem như những mục tiêu, những chặng đường của một cuộc hành trình dài đi tìm hạnh phúc lâu bền tuyệt đối. Do đó, giáo dục có những mục tiêu của nó theo yêu cầu của từng thời đại.
2. Về những mục tiêu và đối tượng giáo dục
Một cách tổng quát, giáo dục mưu cầu hạnh phúc cho quần sinh, phải nhằm đào tạo những con người lý tưởng, đáp ứng yêu cầu của một thời đại. Mẫu hình người quân tử, thánh nhân, hiền nhân, con người toàn diện, con người mới đã được xem là mục tiêu đào tạo của giáo dục qua những thời kỳ khác nhau.
Đối tượng của giáo dục là con người, thế mà một định nghĩa đầy đủ về con người cho đến ngày nay vẫn là một đề tài nghiên cứu chưa ngã ngũ. Như vậy, chứng tỏ con người chưa thật sự biết mình. Xem con người như là một sản phẩm đặc biệt cao cấp của Thượng đế hay xem con người là một sinh vật có lý trí đều là những quan điểm mơ hồ. Điều đáng kể là những vấn đề do con người đặt ra, trong đó có giáo dục, đều từ kinh nghiệm, từ mong ước được vươn lên, nhất là mong ước được thích ứng hài hòa với thiên nhiên, xã hội và với chính mình. “Bản chất con người là một tổng hòa các quan hệ xã hội” (K.Marx), con người lại có bản năng và lý trí, có tâm hồn và đạo đức. Con người lại có nhân tính riêng, hay còn gọi là nhân cách. Giáo dục nhằm đào tạo con người phát triển, vươn lên về nhiều phương diện. Song song với việc thu thập kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng con người cần được giáo dục để tự nhận biết mình, để phát triển nhân cách của mình theo đường hướng lý tưởng của xã hội.
Xưa đến nay, giáo dục Đông và Tây có những mục tiêu khác nhau theo từng thời đại, từng khu vực địa lý, nhưng đều có mục tiêu là đáp ứng yêu cầu của xã hội. Ở Trung Quốc, từ thời cổ đại đến thời phong kiến, giáo dục hướng đến việc đào tạo các thánh nhân, những người có đạo đức cao vời và có trí tuệ sáng suốt. Ở Hy Lạp cổ đại, giáo dục nhằm đào tạo người anh hùng có thể chất mạnh mẽ và có niềm tin tôn giáo để đại diện cho cái thiện. Socrates chú trọng đến con người đạo đức, Platon quan tâm đến bản chất con người qua ba phương diện: trí đức, đạo đức và xã hội, Aristote nhấn mạnh đến chính trị.
Nhìn chung, mới đầu giáo dục Đông hay Tây đều nhằm đào tạo mẫu người lãnh đạo, lãnh đạo về trí tuệ về đạo đức và nhất là lãnh đạo chính trị. Có lẽ từ cuối thế kỷ thứ 19, ý thức về con người toàn diện được nêu ra; con người này là tổng hợp các thức tính của một con người siêu việt của Hy Lạp cổ đại, của Trung Quốc thời phong kiến, của chủ nghĩa tư bản vật chủ nghĩa xã hội. Đó là con người được đào tạo đầy đủ về đạo đức, kiến thức, thể lực, thẩm mỹ, lao động (đức, trí, thể, mỹ, lao). Tuy nhiên, đó chỉ là những nội dung giáo dục chứ không phải là những phẩm chất của một con người cụ thể vì khó có thể đào tạo ra một người toàn vẹn như giáo dục mong ước. Một cách tổng quát, người ta thường công nhận mục tiêu hay mục đích của giáo dục là đào tạo những con người trí tuệ, đạo đức, tức có tri thức rộng rãi, áp dụng cho đời sống xã hội và có phẩm chất tốt đẹp như lòng nhân đạo, công chính, quảng đại…
Ngày nay, kinh tế, kỹ thuật khoa học đòi hỏi những con người chuyên môn, việc đào tạo theo ngành là hết sức cần thiết.
Giáo dục có rất nhiều mục tiêu theo yêu cầu của xã hội nhưng dù gì đi nữa thì đối tượng của giáo dục là con người, do đó giáo dục phải nhằm giúp con người tự khám phá ra mình, phát triển nhân cách của mình trong mối tổng hòa các quan hệ xã hội. Giáo dục trang bị cho con người kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng đủ để đưa con người đi tìm hạnh phúc.
3. Nội dung giáo dục
Mục tiêu giáo dục như thế nào thì nội dung giáo dục phải có chất liệu thích nghi để có thể đáp ứng. Nội dung tổng quát như đã nói là đạo đức, kiến thức, thể dục thẩm mỹ và lao động, những chất liệu dùng để đáp ứng yêu cầu của mục tiêu đào tạo con người toàn diện.
Do những tiến bộ, phát triển về các mặt hoạt động của con người, nội dung giáo dục ngày càng phong phú, các ngành chuyên môn càng lúc càng nhiều, càng được chia chẻ chi li. Nhưng dù gì đi nữa, nội dung của giáo dục phải bao gồm sự rèn luyện các kỹ năng thực hành. Người ta có thể bảo một cách chung chung và không sợ sai lầm rằng: Thông qua giáo dục và lao động ta có thể rèn luyện kỹ năng thực hành và thông qua lao động, các đức tính của một con người được phát triển.
Thế còn một nội dung rất quan trọng là giáo dục nhân cách, nội dung này phải được đưa vào chương trình dạy và học như thế nào? Nội dung nào của giáo dục để có thể đáp ứng mọi đối tượng giáo dục, gồm mọi cá tính, mọi lứa tuổi, mọi hoàn cảnh? Con người là con người cá nhân và con người xã hội, sự phát triển hài hòa cả hai mặt ấy nhờ vào đâu?
Ngày nay, mọi nền giáo dục trên thế giới đều có chương trình và môn học gần giống nhau. Tuy vậy, các nước tiên tiến lại đi đầu trong nhiều môn học mới để rồi sau đó trở thành cái vốn chung của kiến thức loài người. Các nhà giáo dục hiện đại đã không ngừng kêu gọi các giới chức tìm cách xóa bỏ ranh giới giữa các ngành học. Ngược lại, sự xuất hiện nhiều ngành học mới lại là biểu hiện một bước tiến mới của sinh hoạt nhân loại và là một tăng cường cho nội dung giáo dục.
4. Phương pháp giáo dục
Phương pháp giáo dục tùy thuộc vào nội dung giáo dục và do đó tùy thuộc vào mục tiêu, đối tượng biện pháp và cách tổ chức giáo dục. Phương pháp giáo dục còn tùy thuộc vào hoàn cảnh môi trường và thiết bị giáo dục.
Phương pháp bao gồm lãnh vực dạy (thầy) và học (trò). PTS Lê Khánh Bằng (Tổ chức quá trình dạy học tại đại học) thống kê 5 loại phương pháp:
(1) kích thích học sinh học tập, (2) trình bày và thông tin, (3) rèn luyện kỹ năng (4) củng cố hệ thống hóa tri thức, (5) kiểm tra, đánh giá kiến thức, kỹ năng
Năm loại phương pháp này có thể được thực hiện ngang qua hai biện pháp: là biện pháp diễn dịch (trình bày chủ đề rồi giảng giải, chứng minh) và biện pháp quy nạp (phân tích chủ đề rồi rút ra kết luận).
Wikipedia.org có nêu ra một số phương pháp giáo dục như sau:
- Phương pháp nhận ra sự giống nhau
- Phương pháp tóm tắt và ghi ý chính
- Phương pháp khích lệ học tập và công nhận những cố gắng
- Phương pháp bài tập về nhà và thực hành trên lớp
- Phương pháp thể hiện phi ngôn ngữ
- Phương pháp học phối hợp trong tổ nhóm
- Phương pháp lập mục tiêu và đưa ra thông tin phản hồi
- Phương pháp tạo và kiểm định các giả thuyết
- Phương pháp gợi ý, câu hỏi và khung thông tin cho trước.
- Phương pháp phản xạ
Mọi phương pháp giáo dục đều cần có sự tham gia của thầy và trò, trong đó trò là chủ động. Do đó, giáo dục cần chú trọng đến việc tạo điều kiện cho người học tự khai mở, tự trau dồi và chủ động trong việc suy tư, tìm kiếm, thâu nạp kiến thức và rèn luyện kỹ năng.
Nếu giáo dục ngày xưa nhằm chủ yếu là thông tin kiến thức và thọ nhận kiến thức (đạo đức, khoa học, kỹ thuật), tức là giáo dục chỉ nhấn mạnh đến sự trao và nhận, trong đó vai trò của người thầy là chủ động. Thế rồi theo thời gian, giáo dục dần dần tăng cường tính nhân bản, sự tự do, chú trọng đến người học. Vào thế kỷ V trước TL, Socrates đã nói: “Hãy tự biết mình” và quan niệm rằng các đức tính đã có sẵn trong mọi người và giáo dục chủ yếu là giúp con người tự khai mở, tự tiếp thu chứ không nhằm đem tri thức áp đặt cho người trò. Thầy giúp trò thể hiện tri thức của mình giống như người hộ sinh giúp sản phụ sinh con. Plato nêu hai phương pháp giáo dục của thầy ông là Socrates: Đấy là phương pháp hộ sinh (méthode maieutique). Một phương pháp khác cua Socrates là tìm hiểu và tranh luận (inquiry and debate) nhằm kích thích suy nghĩ và soi sáng các ý tưởng của người học. Còn nhiều phương pháp khoa học khác được sử dụng trong giáo dục, chúng được xem là những biện pháp giáo dục như đối thoại, gợi ý, thảo luận, so sánh, đối chiếu, loại suy và quan sát.
Từ khoảng 3,000 năm tr. TL. Với sự ra đời của các văn bản, giáo dục có những nỗ lực mới. Các nhà biên chép và các nhà thiên văn phải đối mặt với các yêu cầu phải có kỹ năng và kiến thức đặc biệt. Triết học Hy Lạp thời cổ đại đã nêu dẫn đến những vấn đề của phương pháp giáo dục mà theo đó cần phải đưa vào các thảo luận quốc gia. Nhà giáo dục người La Mã nêu ra những phương cách kích thích trí thông minh của học sinh và giúp các em học tập.
Vào thời Trung cổ, Comenius vốn là nhà thần học người Séc, được xem là người khai sinh nền giáo dục hiện dại. Ông viết cuốn Orbis Pictus, một cuốn sách giáo khoa về hình ảnh các sự vật mà học sinh quen thuộc trong đời sống hàng ngày, giảng dạy lần lượt từ dễ đên khó, từ khái niệm đơn giản đến khái niệm toàn diện hơn, giúp cho sự học tập và phát triển tư duy logic thay vì ghi nhớ những bài học. Rabelais, Mục sư người Pháp, viết cuốn Gargantua miêu tả việc dạy cho học sinh Gargantua về thế giới và những gì xảy ra trong thế giới. Đây là cách kết hợp bài dạy với thực tế.
Đến thế kỷ 18, J. J. Rousseau qua tác phẩm Émile, nhằm để cho học sinh phát triển tự nhiên, tự do, để cho trẻ tự phát triển phẩm chất của mình. Ông đã đóng góp nhiền cho nền giáo dục mới, khởi từ thế kỷ 18 đến nay.
Trong thời chiến tranh Napoléon J. H. Pestalozzi 9ngu7o72i Thụy điển) nêu các phương pháp giảng dạy cho học sinh cá biệt.
Điều cần nhớ là có nhiều loại phương pháp giáo dục nhưng không có phương pháp nào là ưu việt, chúng phải bổ túc cho nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố giáo dục.
5. Tổ chức giáo dục
Tổ chức giáo dục là tất cả những cơ sở, bộ phận và cơ cấu nhân sự nhằm thực hiện và phát triển giáo dục. Tổ chức giáo dục ngày xưa rất đơn giản. Cha mẹ dạy con cái, người lớn dạy trẻ con trong gia đình, người trưởng tộc dạy bà con họ hàng. Sau đó và song song với giáo dục mang tính chất gia đình, dòng tộc, bộ tộc, có giáo dục mang tính cộng đồng do những người có kinh nghiệm, có kiến thức, có đạo đức khởi xướng và đứng ra giảng giải nhằm giáo dục quần chúng. Đó là các vị hiền triết, thánh nhân. Đến giai đoạn này, tổ chức giáo dục đã có quy mô, có thể gồm một số người phục vụ, sắp xếp. Cơ sở giáo dục đầu tiên là một chỗ nghỉ chân, một ngôi nhà, dần dần chỗ ấy được trang bị cho phù hợp với việc học và dạy, sau cùng biến thành trường học.
Nội dung giáo dục ngày càng phát triển nên phải có nhiều trường, nhiều bộ phận và cơ cấu nhân sự phục vụ giáo dục trở nên to lớn hơn trong mỗi trường. Một nền giáo dục tại địa phương rồi quốc gia được hình thành rõ nét khi việc giáo dục phát triển đến trên thế giới một quy mô lớn, tiến đến việc nghiên cứu, hợp tác với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, thực hiện các nội dung thích hợp từ các văn kiện của các tổ chức giáo dục quốc tế như UNESCO chẳng hạn.
IV. KẾT LUẬN
Từ nhiều ngàn năm, giáo dục phát triển không ngừng. Quan điểm, mục tiêu đào tạo, nội dung, phương pháp, tổ chức giáo dục đã phát triển và thay đổi theo từng thời đại nhưng đối tượng giáo dục vẫn là con người, con người có nhân cách là nội tâm. Tuy vậy, con người xã hội vẫn chưa được khảo sát đúng mức.
Giáo dục quyết định cho hình thái của cuộc sống và hoạt động của con người, giáo dục đã mang lại cuộc sống vật chất khá đầy đủ với những tiện nghi do khoa học kỹ thuật mang lại. Tuy vậy, sự phát triển của xà hội loài người hiện nay vẫn chưa có phương hướng cụ thể. Xem ra con người với những quan niệm đạo đức mới nhưng vẫn không thoát khỏi những suy tư, những tâm trạng khổ đau, những trạng thái sợ hãi, có khi còn nhiều hơn con người ngày xưa. Điều này gợi lên băn khoăn rằng phải chăng văn minh nhân loại và chính nhân cách của con người chưa phát triển cân đối.
Sự thiên trọng về việc phát triển vật chất, sự lơ là trong việc phát triển tâm linh càng lúc càng khiến con người cảm thấy lạc lõng, cô đơn, bối rối. Trong thời đại ngày nay đứng trước những khổ đau, bất ổn thời đại như chiến tranh, đói kém, hận thù, những sa đọa của xã hội, sự cạn kiệt của môi trường sống về số lượng rừng cây, muôn thú, sông hồ… và sự ô nhiễm …, chúng ta có thể nghĩ rằng cái khổ của con người chưa có chiều hướng vơi đi mà lại đang có nguy cơ tăng lên. Trách nhiệm đó là của giáo dục.
Giáo dục ngày nay hình như chưa đi đúng hướng. Giáo dục cần nỗ lực nhiều hơn nữa vào việc nghiên cứu con người trong chính con người, trong quan hệ với thiên nhiên và xã hội. Giáo dục có nhiệm vụ xây dựng, định hình, phát triển nhân cách của con người trong nỗ lực giúp cho con người tự tìm hiểu mình, tự xây dựng mình, tổ chức cho mình. Đấy là điều mà Carl Rogers gọi là “Selt-concept” và Andras Angyal gọi là “Self-organization", một sự thâm nhập vào cái tôi của tự mỗi người mới có thể giúp người ấy nhận thấy cái nguyên nhân khổ đau và hạnh phúc trên đời. Đấy là mục tiêu, là nội dung chủ yếu của giáo dục.
Các bài viết liên quan
- Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM thông báo tuyển sinh cử nhân Phật học khóa XVIII (năm 2023) - Thứ Sáu, 19:41 10-03-2023 - xem: 1306 lần
- Lễ Khai giảng Lớp Trung cấp Ni giới Hệ phái Khất sĩ tại Tịnh xá Ngọc Uyển - Khóa XI (2023-2026) - Thứ Tư, 19:13 15-02-2023 - xem: 1129 lần
- Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM: Trang nghiêm Lễ Tốt nghiệp 2022 - Chủ Nhật, 18:47 24-04-2022 - xem: 3325 lần
- Kết quả tuyển sinh Cử nhân Phật học khóa XVI (2021) Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM - Thứ Năm, 16:10 09-09-2021 - xem: 5538 lần
- Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM thông báo tuyển sinh cử nhân Phật học khóa XVI (2021) - Thứ Sáu, 17:10 07-05-2021 - xem: 5846 lần
- TP.HCM: Lễ phát học bổng khuyến học Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm 2021 - Thứ Sáu, 23:03 30-04-2021 - xem: 5729 lần
- Lễ Cấp phát học bổng của Hệ phái Khất sĩ năm 2020 - Chủ Nhật, 09:47 24-01-2021 - xem: 6666 lần
- Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM: Thông báo tuyển sinh Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học - Thứ Năm, 16:00 19-11-2020 - xem: 6771 lần
- Trang nghiêm Lễ tốt nghiệp và Tổng khai giảng tại HVPGVN tại TP. HCM - Chủ Nhật, 23:14 25-10-2020 - xem: 5463 lần
- Kết quả thi tuyển vào Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM - Thứ Ba, 23:27 22-09-2020 - xem: 5590 lần
- Kỳ thi đại học của Tăng Ni - Thứ Tư, 18:15 16-09-2020 - xem: 5939 lần
- Khai mạc kỳ thi tuyển sinh Cử nhân Phật học khóa XV - Chủ Nhật, 18:55 13-09-2020 - xem: 4917 lần