Hòa thượng Giác Giới thăm và sách tấn online các trường hạ Hệ phái Khất sĩ (buổi thứ 2)
- TKN. Liên Hòa
- | Thứ Tư, 15:26 11-08-2021
- | Lượt xem: 2117
Vào lúc 8g00, ngày 11/8/2021 (nhằm mùng 4/7/Tân Sửu), Hòa thượng Giác Giới - Phó Thư ký HĐCM TWGHPGVN, Giáo phẩm chứng minh Hệ phái, đã có buổi thứ 2, trực tuyến thăm viếng và sách tấn chư Tăng Ni, tại các trường hạ trực thuộc Hệ phái Khất sĩ, trong mùa An cư PL 2565.
Vào đầu thời giảng, Hòa thượng ôn lại nội dung bài Kinh Thánh cầu thuộc Kinh Trung bộ, số 26, đã được Ngài trình bày cách một ngày trước (ngày 09/8/2021, nhằm mùng 2/7/Tân Sửu).
Hòa thượng tiếp tục khai triển và chỉ cho đại chúng thấy rõ quy trình đức Thế Tôn “đi tìm cái gì chí thiện, vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ”, từ lúc chứng đạt Sơ thiền khi tuổi còn nhỏ, đến khi đi dạo bốn cửa thành thấy nỗi khổ của nhân sinh, diện kiến vị xuất gia, quyết định xuất gia, tìm học đạo với hai vị thầy Āḷāra Kālāma và Uddaka Rāmaputta, thực hành khổ hạnh, vượt dòng Ni-liên-thiền, tọa thiền chứng đạo Chánh đẳng chánh giác dưới cội Bồ-đề, liễu tri Tứ Thánh đế về khổ, nguyên nhân của khổ, đoạn tận khổ và con đường đưa đến đoạn tận khổ.
Chính đức Tổ sư Minh Đăng Quang cũng đã đi theo quy trình này. Năm 15 tuổi, Ngài rời gia đình sang Nam Vang tìm thầy học đạo 4 năm rồi trở về lại quê hương. Thấu cảnh khổ của chúng sinh trong thời tao loạn, với lòng từ bi thương đời, năm 1944, Ngài chính thức xuất gia. Ngài tham học giáo pháp cả hai nguồn Nguyên thủy - Đại thừa và chọn con đường trung đạo thành lập Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam với tôn chỉ “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp.” Ngài thiền định, hiểu rõ nguyên nhân của khổ, chọn con đường đưa đến thoát khổ cũng chính là con đường Thánh tám ngành năm xưa đức Phật đã khai sáng để lại cho đời.
Hòa thượng nhắc nhở và khích lệ chư Tăng Ni và nam nữ cư sĩ:
- “Khổ và con đường thoát khổ, chính là động lực để chư Tăng Ni tìm cầu con đường xuất gia, học đạo, tu tập và phụng sự chúng sinh; để nam nữ cư sĩ thức tỉnh, quay về học pháp, sống một cuộc sống ý nghĩa, an lạc.”
- “Một vị Tăng hay Ni thuyết pháp được xem là thành tựu cần phải trình bày, chỉ rõ cho mọi người thấy được khổ, nguyên nhân của khổ, sự chấm dứt khổ và con đường chấm dứt khổ, như đức Thế Tôn đã dạy.”
“Ái chính là cội nguồn của khổ. Bởi ái, chúng sanh tìm cầu mọi điều để thỏa mãn khát ái, đó là Phi Thánh cầu. Chính ái dẫn dắt chúng sinh lên xuống trong ba cõi sáu đường.”
- “Đạo lộ duy nhất để chấm dứt ái chính là con đường Thánh tám ngành, tức chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Trong đó, chánh tri kiến, chánh tư duy thuộc về Tuệ; chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng thuộc về Giới; chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định thuộc về Định.”
- “Mỗi người nỗ lực tu tập thành tựu sơ quả Nhập lưu mới có thể đi đúng đường, về đúng đích. Ngày nào chưa thành tựu quả vị này, chúng ta vẫn còn trôi nổi, lang thang trong vòng sanh tử luân hồi. Vị Nhập lưu nhập vào dòng Thánh là vị có chánh tri kiến, có pháp nhãn, tiếp tục tu tập tinh tấn sẽ chứng đắc quả vị A-la-hán, đoạn trừ mọi lậu hoặc. Tuy nhân duyên, nghiệp lực của mỗi chúng sinh sai khác nhưng một khi hành giả nhập vào dòng Thánh, tinh cần tu tập, sớm muộn đều thành tựu đạo quả.”
- “Không chỉ hàng Tăng Ni tu tập chứng được đạo quả mà hàng cư sĩ nỗ lực tu tập đúng hướng cũng thành tựu được quả vị Nhập lưu, Nhất lai hay Bất lai. Vì vậy, không quản ngại khó khăn, thử thách trên con đường tu tập, hàng Tăng Ni và nam nữ cư sĩ hãy luôn cố gắng để thành tựu mục đích an lạc giải thoát.”
- “Chúng ta đừng lạm dụng danh xưng Tăng, Ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, tự xưng là đệ tử của đức Thế Tôn khi chưa có định hướng, chưa có chánh tri kiến, chưa thật sự tu tập đúng với giáo pháp đức Thế Tôn chỉ dạy. Hãy luôn cảnh tỉnh mình: Đêm ngày trôi qua bên ta, ngày hôm nay chúng ta đã làm được gì, đã trở nên người như thế nào? Hãy nỗ lực tu tập để không hổ thẹn lúc lâm chung nếu có ai đó hỏi ta đã thành tựu được gì trong mấy mươi năm tu học ở đời này.”
- “Chúng tôi tha thiết mong rằng tất cả Tăng Ni và nam nữ cư sĩ lập chí, có sự quyết định, dõng mãnh tu tập, thấy rõ muôn pháp với các đặc tính khổ, vô thường, nguy hại, mà nhàm chán, xuất ly, một lòng tu học, tu tập, thành tựu thiện pháp và mang những thành tựu ấy phụng sự cho nhân loại, chúng sinh.”
Trong thời pháp này, Hòa thượng đã dẫn chứng kinh văn để soi sáng giá trị Tứ Thánh đế, gồm có: Kinh Chánh tri kiến (số 9), Kinh Makhādeva (số 83), Đại Kinh Bốn mươi (số 117) thuộc Kinh Trung bộ; Kinh Chuyển pháp luân, Kinh Ví dụ khúc gỗ thuộc Kinh Tương ưng.
Tôn dung của Hòa thượng và lời giáo giới của Ngài là tấm gương sáng và hải đăng cho đại chúng noi theo tu tập, thành tựu chí nguyện tâm linh của mình.
Đại chúng vô cùng hoan hỷ với thời pháp 90 phút ý nghĩa, nhiều năng lượng tinh tấn và bình an.
Các bài viết liên quan
- Phật giáo và vấn đề hoằng pháp - Thứ Năm, 08:09 06-11-2014 - xem: 8362 lần
- Đạo hạnh người giảng sư - Thứ Năm, 22:16 19-09-2013 - xem: 7169 lần
- Vấn đề cải đạo và giải pháp giúp tăng trưởng tín tâm người Phật tử - Thứ Bảy, 12:55 13-07-2013 - xem: 7762 lần
- Những thao thức về văn hóa và hoằng pháp Phật giáo - Thứ Hai, 11:57 24-06-2013 - xem: 3588 lần
- Hoằng Pháp với Từ thiện xã hội - Thứ Năm, 11:02 20-06-2013 - xem: 4037 lần
- Hướng dẫn tuổi trẻ đến với Phật pháp - Thứ Ba, 14:17 18-06-2013 - xem: 3829 lần
- Lợi ích của hoằng pháp bằng công nghệ thông tin - Thứ Hai, 16:36 27-05-2013 - xem: 5033 lần
- Tinh thần nhập thế của Phật giáo - Thứ Năm, 04:55 02-05-2013 - xem: 4191 lần
- Hoằng pháp ở vùng sâu vùng xa - Thứ Hai, 00:31 22-04-2013 - xem: 4470 lần
- Đức Phật và vấn đề giáo dục - Thứ Tư, 09:16 18-07-2012 - xem: 1794 lần