Hòa thượng Giác Giới thăm và sách tấn online các trường hạ Hệ phái Khất sĩ
- TKN. Liên Hòa
- | Thứ Ba, 10:46 10-08-2021
- | Lượt xem: 2258
Vào lúc 8g00, ngày 09/8/2021 (nhằm mùng 2/7/Tân Sửu), Hòa thượng Giác Giới - Phó Thư ký HĐCM TWGHPGVN, Giáo phẩm chứng minh Hệ phái đã trực tuyến thăm viếng và sách tấn chư Tăng Ni tại các trường hạ trực thuộc Hệ phái Khất sĩ. Những tâm huyết, hoài bão và nhắn gởi được Hòa thượng chuyển tải trong bài pháp giảng giải Kinh Thánh cầu thuộc Kinh Trung bộ, số 26 và một số kinh có liên quan trong Kinh tạng Nikāya.
Trước khi giảng kinh pháp, Hòa thượng tán thán đại chúng dù tình hình dịch bệnh đang lan tràn, nhiều chướng ngại khó khăn, nhưng đại chúng vẫn câu hội sống chung tu học giáo pháp, như tinh thần của Kinh Đại Bát-niết-bàn thuộc Kinh Trường bộ: “Ngày nào chúng Tỷ-kheo thường xuyên tụ họp, tụ họp đông đảo trong sự hòa hợp thì ngày ấy chúng Tỳ-kheo còn hưng thịnh, không bị suy giảm.”
Sự tìm cầu học hỏi giáo pháp để hành trì là điều mà các vị xuất gia luôn tác ý, tha thiết cầu học. Đó cũng là tinh thần cầu học nghe pháp của chư Tăng trong thời đức Phật còn tại thế. Chính trong phần vào đầu bài Kinh Thánh cầu, chúng ta đã được nghe lời tỏ bày của các Tỳ-kheo với Tôn giả Ānanda như thế: “Hiền giả, đã lâu chúng tôi chưa được tận mặt nghe Thế Tôn thuyết pháp. Lành thay, Hiền giả Ānanda, nếu chúng tôi được tận mặt nghe Thế Tôn thuyết pháp!”
Tiếp theo, Hòa thượng giảng giải Kinh Thánh cầu theo ba giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Từ lúc đức Phật đi xuất gia tìm cầu cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng thanh tịnh đạo lộ, cho đến thành tựu đạo quả.
Hòa thượng nhấn mạnh lời tán thán và khích lệ của đức Phật đối với các đệ tử: “Này các Tỷ-kheo, lành thay khi thiện nam tử các người, vì lòng tin, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, cùng nhau hội họp để luận bàn đạo pháp. Này các Tỷ-kheo, khi các người hội họp với nhau, có hai việc cần phải làm: Luận bàn đạo pháp hay giữ sự im lặng của bậc Thánh.”
Hòa thượng nhắc đại chúng: “Từ thuở lọt lòng mẹ đến lúc trưởng thành, sống trong đời, chúng ta luôn có những khao khát, tìm cầu điều này, tìm cầu điều nọ. Tuy nhiên, đức Phật dạy chúng ta, những vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, chỉ có hai điều tìm cầu chính yếu, đó là Phi Thánh cầu và Thánh cầu.”
Đức Phật giải thích “Phi Thánh cầu” chính là “tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh lại tìm cầu cái bị bệnh, tự mình bị chết lại tìm cầu cái bị chết, tự mình bị sầu lại tìm cầu cái bị sầu, tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái ô nhiễm.”
Đức Phật giải thích “Thánh cầu” rằng “Tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, tìm cầu cái vô sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị bệnh, tìm cầu cái vô bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị chết, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị chết, tìm cầu cái bất tử, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sầu, tìm cầu cái không sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của ô nhiễm, tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn.”
Trước đây, chính vì hiểu rõ điều này nên Thái tử Sĩ-đạt-ta định hướng mục tiêu của mình chính là: “Ta sẽ đi tìm cái gì chí thiện, vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ.”
Ngài tìm đến học pháp tu tập với đạo sĩ Āḷāra Kālāma và Uddaka Rāmaputta đạt được thiền chứng cao nhất của hai vị thầy này nhưng Ngài từ bỏ vì không thấy rằng pháp của hai vị thầy không đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Ngài trải nghiệm sáu năm ròng tu khổ hạnh nhưng vẫn không thấy tia sáng giải thoát nên cũng từ bỏ pháp tu ấy. Bằng kinh nghiệm tự thân chứng nhập Sơ thiền, thành tựu Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, Tứ không thiền, Diệt thọ tưởng định. Với tâm định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng, không cấu uế, với các phiền não được đoạn trừ, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bất động, Ngài hướng tâm dẫn tâm đến trí tuệ như thật đối với thế giới, Ngài giác ngộ Tứ Thánh đế: “Đây là khổ”, “Đây là khổ tập”, “Đây là khổ diệt”, “Đây là con đường đưa đến khổ diệt.”
- Giai đoạn 2: Quyết định công bố giáo pháp tại Vườn Nai, xứ Ba-la-nại.
Sau khi chứng ngộ bốn chân lý, đức Phật quán chiếu căn tánh của chúng sinh và bắt đầu công bố giáo pháp. Ngài đến Vườn Nai, xứ Ba-la-nại, lần đầu tiên chuyển bánh xe pháp cho nhóm năm anh Kiều-trần-như. Lời nói đầu tiên của bài pháp đầu tiên Kinh Chuyển pháp luân, Ngài dạy tránh xa hai cực đoan, đó là hưởng thụ dục lạc thế gian và sống khổ hạnh ép xác. Hòa thượng cũng nhắc lại đức Tổ sư Minh Đăng Quang chú trọng lời dạy này của đức Phật nên đã xiển dương pháp hành Tứ y pháp. Pháp hành này được bàn rất rõ trong bài Chơn lý “Chánh pháp”.
Tiếp đến, Hòa thượng nhấn mạnh: “Dù là kinh điển Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Phát triển, các luận giải, tôi nghĩ rằng không ra ngoài Tứ Thánh đế. Nếu bộ nào ra ngoài tinh thần Tứ đế thì không phải là kinh Phật.” Hòa thượng cũng trưng dẫn các bài kinh đức Phật dạy về Tứ Thánh đế trong các kinh: Kinh Chuyển pháp luân, Kinh Rừng Siṃsapā, Kinh Ví dụ khúc gỗ thuộc Kinh Tương ưng, Tiểu kinh Dụ dấu chân voi, Đại kinh Dụ dấu chân voi thuộc Kinh Trung bộ.
- Giai đoạn 3: Đức Phật giảng rõ về “năm dục trưởng dưỡng”.
Năm dục trưởng dưỡng cũng còn gọi năm dục công đức hoặc năm món dục lạc. Năm dục trưởng dưỡng liên quan đến ngũ căn tiếp xúc ngũ trần tạo nên ngũ thức. Trong kinh này nói về sắc, thinh, hương, vị, xúc khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn làm tăng trưởng lòng dục. Người tu tập cần hiểu rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của chúng để không rơi vào sự bất hạnh, không bị Ác ma sử dụng như ý muốn. Đối với người tu tập ly dục, thành tựu Tứ thiền, Tứ không thiền, Diệt thọ tưởng định không còn vết tích, vượt khỏi tầm mắt của Ác ma.
Kết thúc thời giảng, Hòa thượng một lần nữa nhắc lại giá trị của việc “lắng nghe pháp và khéo tác ý” mà mỗi bài kinh, đức Phật vẫn luôn dạy các đệ tử. Biết thận trọng lắng nghe và khéo tác ý, chúng ta mới hiểu pháp, phát huy sự thấy biết, nếm được vị ngọt giáo pháp, khởi tín tâm và thọ trì.
Thời giảng diễn ra 90 phút và khép lại trong niềm hoan hỷ, tinh tấn của đại chúng.
Các bài viết liên quan
- Hòa thượng Thích Giác Giới: "Phụng sự tối thượng" - Thứ Tư, 18:50 03-08-2022 - xem: 1770 lần
- Lễ cầu nguyện “Trọn vẹn ân tình” - Chủ Nhật, 19:18 26-09-2021 - xem: 3849 lần
- Thực phẩm cho Tâm - Hoa trái của những ngày tu tập - Thứ Năm, 13:50 16-09-2021 - xem: 4201 lần
- Chư Tăng Hệ phái Khất sĩ tọa đàm online về Phật pháp và tìm giải pháp đem lại bình an cho Phật tử - Thứ Năm, 16:04 09-09-2021 - xem: 3742 lần
- Bế mạc khóa tu Tứ Niệm Xứ online chủ đề “An yên giữa đại dịch” lần 2 - Thứ Hai, 20:34 06-09-2021 - xem: 2968 lần
- Ni Sư Hằng Liên đã chia sẻ pháp thoại với chủ đề "Cách chọn niềm vui" - Thứ Ba, 18:20 31-08-2021 - xem: 3419 lần
- Ni Sư Hằng Liên chia sẻ trực tuyến đề tài “Thực tập thiền và lợi ích của thiền trong dịch bệnh Covid” - Thứ Sáu, 07:42 27-08-2021 - xem: 3747 lần
- TP.HCM: Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức Lễ Vu lan Báo hiếu trực tuyến PL. 2565 - DL. 2021 - Thứ Ba, 09:55 24-08-2021 - xem: 2705 lần
- “Hướng vọng Vu-lan” – Một ngày tu tập ý nghĩa giữa đỉnh điểm đại dịch - Thứ Năm, 17:27 19-08-2021 - xem: 3405 lần
- Triết lý Đại thừa từ buổi pháp thoại của HT. Giác Trong - Thứ Ba, 18:32 17-08-2021 - xem: 3009 lần
- Nhị vị Giáo phẩm sách tấn chúng An cư - Chủ Nhật, 20:33 15-08-2021 - xem: 3275 lần
- “Lời kinh thắp sáng tâm hồn” từ pháp thoại của HT. Giác Toàn - Thứ Bảy, 18:08 14-08-2021 - xem: 2728 lần