CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Giáo dục đạo đức cho Tăng Ni sinh

(Tham luận đại diện Ban Giáo dục Tăng Ni tỉnh Tiền Giang được tổ chức tại Huế ngày 23-24 tháng 12 năm 2008)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính thưa chủ tọa đoàn,

Kính thưa chư vị đại biểu,

Kính thưa toàn thể hội nghị,

Hôm nay trong bầu không khí ấm áp đạo tình, trước sự hiện diện đông đủ của chư Tôn đức đại biểu đại diện Ban Trị sự, Ban Giáo dục Tăng Ni khắp các tỉnh, thành về tham dự hội nghị, cho phép chúng tôi thay mặt Ban Giáo dục Tăng Ni tỉnh Tiền Giang gởi đến quý Ngài lời cầu chúc sức khỏe, kính chúc hội nghị thành công tốt đẹp.

Kính bạch chư tôn đức,

Kính thưa quý đại biểu,

Sự nghiệp giáo dục Tăng Ni, đào tạo Tăng tài có đủ tài đức để kế thừa Phật pháp hiện tại cũng như tương lai là công tác hàng đầu mà Giáo hội rất quan tâm. Ngay ở nhiệm kỳ đầu Ban giáo dục Tăng Ni Trung ương đã mở Trường Cao cấp Phật học tại TP. Hồ Chí Minh (nay là Học viện Phật giáo Việt Nam), sau đó lần lượt đến các tỉnh, thành mở trường Cơ bản Phật học (nay là Trung cấp Phật học) rồi lần lượt các lớp Sơ cấp Phật học ra đời đều nhằm mục đích đào tạo Tăng Ni có đủ tài đức vừa tinh thông Phật học lẫn thế học, có đầy đủ trình độ kiến thức khoa học tương xứng với thời đại mới để hoằng truyền chánh pháp. Cho đến nay trải qua 5 nhiệm kỳ (25 năm), hệ thống giáo dục 4 cấp (Học Viện, Cao Đẳng, Trung cấp, Sơ cấp) đã phổ cập từ Trung ương đến các tỉnh, thành. Số lượng Tăng Ni được đào tạo tốt nghiệp ra trường lên đến hàng ngàn vị. Nhìn chung, nền giáo dục Phật giáo chiều rộng hiện nay rất khả quan về số lượng, nhưng về chất lượng đào tạo thì chưa thật sự được hài lòng. Tăng Ni sinh hiện nay phần đông hướng ngoại, chạy theo danh vọng, học để có học vị, bằng cấp cao, quên về mặt rèn luyện phẩm chất đạo đức người tu, do đó dẫn đến mất oai nghi, hạnh kiểm, tự cao ngã mạn, làm phiền lòng các bậc giáo thọ cũng như Tổ Thầy. Những hiện tượng tiêu cực nêu trên xuất phát từ đâu? Phải chăng hệ thống tổ chức giáo dục Phật giáo của chúng ta còn nhiều bất cập như: chưa thống nhất về mặt tổ chức và chỉ đạo; chưa có mô hình thống nhất mẫu trường Phật học (học và tu); chưa có giáo trình, giáo án dạy luật căn bản cho Tăng Ni sinh (việc này còn tùy tiện) hay vì một bộ phận giáo thọ còn quá trẻ, có học thức rộng nhưng chưa có quá trình kinh nghiệm tu tập, tự do đua đòi vật chất theo lối sống xa hoa lợi dưỡng.

Kính bạch chư Tôn đức,

Kính thưa quí đại biểu,

Nếu chúng ta không kịp thời chấn chỉnh đưa ra một mô hình giáo dục Phật giáo căn bản định hướng phát triển vững mạnh trong tương lai, thì nền giáo dục Phật giáo chệch hướng là điều không thể tránh khỏi.

Trong hội nghị này, Ban Giáo dục Tăng Ni tỉnh Tiền Giang xin tham gia vài ý kiến mang tính chất tham khảo:

  1. Phải nhất quán về mặt chủ trương.

  2. Xây dựng một Đại Tòng Lâm Phật học nội trú quy mô để tiếp nhận Tăng Ni sinh nhiều tỉnh đến học, thay vì mỗi tỉnh phải mở trường (lớp học Tăng, Ni sinh phải học riêng).

  3. Trong suốt thời gian học cần chú trọng hạnh kiểm. Trước khi cấp bằng tốt nghiệp mỗi Tăng Ni sinh cần phải có thời gian tu tập Giới-Định-Tuệ tại trường tối thiểu là 1 năm.

  4. Các giáo thọ đứng lớp phải có thời gian tối thiểu 3 năm tu nghiệp. Tuổi đạo tối thiểu 20 năm.

  5. Hạn chế tối đa về mặt vật chất, dành nhiều thời gian tu dưỡng tinh thần.

Vì muốn Phật pháp cửu trụ Ta-bà làm lợi lạc nhân sinh, tất nhiên phải đòi hỏi những bậc mô phạm đủ đức đủ tài để đảm đương trọng trách đó. Muốn được như vậy, nên chăng ngay bây giờ cần phải cải cách nền giáo dục của chúng ta, thay vì chú trọng đến số lượng Tăng Ni sinh tốt nghiệp có bằng cấp hay học vị, chúng ta nhắm đến sự tập trung vào việc giáo dục đạo đức cho Tăng Ni trẻ, để khi tốt nghiệp ra trường, dù ở cấp học nào chăng nữa, những vị ấy cũng đầy đủ phẩm hạnh của vị xuất gia giải thoát.

Trước khi dứt lời, một lần nữa kính chúc chủ tọa đoàn và quý đại biểu kính mến nhiều sức khỏe. Chúc hội nghị thành công tốt đẹp.

 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan