TP.HCM: Thượng tọa Giác Nhường nói về hành trình phát triển của PGKS tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang

Tại khóa an cư kiết hạ PL.2569 nơi trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang (P.Bình Trưng, TP.HCM), sáng 26/7/2025 (2/6 nhuần/Ất Tỵ), TT. Giác Nhường – Phó Thư ký kiêm Trưởng ban Thông tin Truyền thông Hệ phái PGKS, đã có buổi giảng thứ 2, mang đến cho đại chúng một cái nhìn tổng quát về quá trình hình thành và phát triển của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam, từ những ngày sơ khai Tổ sư Minh Đăng Quang mở đạo cho đến hiện tại, đồng thời nhấn mạnh tinh thần “tùy thời duyên cảnh ngộ” mà Tổ sư đã dạy.

Mở đầu buổi giảng, TT. Giác Nhường đã tái hiện bối cảnh lịch sử giai đoạn từ khi Tổ sư Minh Đăng Quang xuất gia (năm 1944) cho đến khi Tổ vắng bóng (năm 1954). Có thể nói, đây là thời kỳ đặt nền móng cho Hệ phái PGKS, với chí nguyện “nối truyền Thích Ca Chánh pháp”, xây dựng đời sống phạm hạnh từ hình thức đến nội dung giáo pháp.

Trong đó, Thượng tọa nhấn mạnh những cột mốc quan trọng như: năm 1946, Tổ sư từ Cao Miên trở về miền Nam Việt Nam, hành trì giới luật tại vùng Mỹ Tho; năm 1948, giáo pháp Khất sĩ hiện diện tại Sài Gòn; năm 1950, Tăng đoàn Khất sĩ trở về miền Hậu Giang; và năm 1953, Tổ sư dẫn Tăng đoàn lên khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn hành đạo.

Đặc biệt, TT. Giác Nhường đã nêu bật những đóng góp to lớn của Tổ sư trong việc thiết lập tổ chức Hệ phái thông qua các hoạt động như: xuất bản “Chơn lý Đạo Phật Khất sĩ” (tháng 11/1953) - cung cấp các mốc lịch sử về thời gian và địa điểm hành đạo của Tổ sư, “Luật Khất sĩ” (tháng 8/1952) - bộ sách đặt nền tảng cho đời sống tu tập, cách thức tiếp nhận đệ tử, quy định cho người giới tử xuất gia, vai trò của vị tri sự quản lý Phật sự tại trú xứ, quy hoạch đạo tràng và quy định mô hình tổ chức của Giáo hội Khất sĩ; thành lập Đoàn Du Tăng Khất sĩ (rằm tháng 7/Quý Tỵ-1953) tại Vĩnh Long nhằm duy trì hạnh du phương truyền thống.

Sau khi Tổ sư vắng bóng, chư vị Trưởng lão như Đức Nhị Tổ Giác Chánh, Đức Tri sự Giác Như, Trưởng lão Giác Tánh, Đức Thầy Giác Tịnh, Đức Thầy Giác An, Pháp sư Giác Nhiên, Đức Thầy Giác Lý tiếp nối chí nguyện của Tổ sư, mở rộng hoạt động hoằng hóa. Giai đoạn này chứng kiến sự đa dạng hóa về phương tiện hoằng hóa, xây dựng các đạo tràng, tiếp tục xuất bản kinh sách và tổ chức các chuyến hoằng pháp lưu động đến nhiều nơi. Trong đó có hai giai đoạn trọng điểm được TT. Giác Nhường nhấn mạnh, đó là:

TT. Giác Nhường cho biết, sau năm 1975, đất nước thống nhất nhưng cũng đặt ra nhiều thử thách cho sinh hoạt tôn giáo, trong đó có Hệ phái PGKS. Theo đó, chư Tôn đức Hệ phái đã phát huy tinh thần “dĩ nông vi thiền”, tham gia lao động sản xuất (nông nghiệp, thủ công nghiệp, thuốc nam, châm cứu) để tự giải quyết lương thực duy trì đời sống và đóng góp phần nào cho xã hội, đặc biệt ở miền Trung và đồng bằng Nam Bộ. Điều này cho thấy sự khác biệt lớn so với thời Tổ sư, khi Tăng đoàn Khất sĩ không còn du phương mà đã trụ xứ cố định trong nhiều năm.

“Dù phải thay đổi từ hạnh du phương sang an trú cố định, một số vị không thích nghi được đã hoàn tục, nhưng những vị chấp nhận thay đổi, tuy mạo hiểm nhưng cần thiết để duy trì giáo pháp, qua đó thể hiện sự khéo léo giữ gìn đạo pháp trong thời cuộc biến động. Chư Trưởng lão, Đức Thầy trong Hệ phái đã linh hoạt định hướng tu hành và hoằng pháp, tuỳ theo hoàn cảnh xã hội và nhu cầu thực tiễn, nhưng luôn giữ vững tinh thần Chánh pháp và truyền thống Tăng đoàn Khất sĩ, rõ ràng với tinh thần tùy duyên bất biến ấy đã giúp Hệ phái PGKS tiếp tục phát triển và ngày càng vững mạnh cho đến nay”, TT. Giác Nhường nhận định.

Đến năm 1981, được xem là cột mốc đánh dấu bước ngoặt lớn, khi GHPGVN thành lập và Hệ phái PGKS trở thành một trong 9 thành viên sáng lập. Thượng tọa cho biết: “Từ đó đến nay, Hệ phái PGKS không chỉ tham gia vào các Ban, Viện T.Ư và BTS các cấp địa phương, mà còn chú trọng đào tạo Tăng Ni qua các trường Phật học, tổ chức các khóa an cư kiết hạ, khóa tu truyền thống Giới - Định - Tuệ, huân tu của hàng Giáo phẩm, đồng thời phát triển nhiều cơ sở tự viện khang trang từ thành thị đến nông thôn… góp phần hiện thực hóa tâm nguyện thống nhất và phát triển Phật giáo, một trong những cương lĩnh chấn hưng Phật giáo mà Tổ sư đã từng đề ra”.

Kết thúc bài giảng, TT. Giác Nhường khuyến tấn chư hành giả an cư: “Hành trình phát triển của Hệ phái là minh chứng cho tinh thần ‘tùy duyên mà bất biến’ khi không chỉ kiên định giữ gìn giới luật và lý tưởng của Tổ sư, mà còn đồng thời linh hoạt thích ứng trước mọi đổi thay của thời cuộc. Trước bức tranh tổng quan về tiến trình lịch sử của Hệ phái, mỗi hành giả Khất sĩ chúng ta cần nâng cao ý thức trách nhiệm tiếp nối con đường Tổ sư đã dày công gầy dựng, sống đúng tinh thần Khất sĩ với hạnh thanh bần, viễn ly, trang nghiêm pháp tướng, từ đó làm sáng tỏ Chánh pháp Như Lai, rạng danh dòng pháp Khất sĩ Việt Nam giữa lòng xã hội hiện đại”.

 

Một số hình ảnh được ghi nhận: