Học đời hay học đạo?
- Mỹ Hường
- | Chủ Nhật, 21:46 12-01-2014
- | Lượt xem: 4987
Việt Nam xưa có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Thế nhưng, ngày nay nhắc đến chữ “học”, đa số ai cũng nghĩ đến việc học kiến thức, chữ nghĩa văn tự, nghiên cứu trước rồi mới nhớ đến việc rèn luyện đạo đức sau. Trong môi trường xuất gia cũng vậy, hình ảnh những vị tu sĩ áo vải đến trường học nào là ngoại ngữ, vi tính, phổ cập… không còn xa lạ gì đối với người dân. Đặc biệt hơn nữa là tại các cơ sở giảng dạy, nghiên cứu về Phật học như Học viện Phật giáo, trường Trung cấp, Sơ cấp Phật học… các hình thức giảng dạy cũng như nội dung giảng dạy càng ngày càng được đa dạng hóa, nâng cao. Phật giáo không chỉ ở Việt Nam mà cả Phật giáo thế giới đều đang cố gắng đem Phật pháp vào đời. Vậy thì Giáo hội đã chuẩn bị cho mình những phương tiện nào để nhập thế? Phải chăng tất cả đều nhờ vào hàng ngũ Tăng Ni kiêm đủ cả đức hạnh lẫn tài năng cùng tinh thần dấn thân dõng mãnh? Đức là do công phu tu tập tạo nên, nhiệt huyết “Tốt đời đẹp Đạo” hình như cũng không phải khó kiếm, vậy tài trí, kiến thức làm sao có được? Có phải do “học” mà nên không? Mà “học” đối với người xuất gia làm sao giống với người tại gia? Cho nên có rất nhiều vấn đề có lẽ nên được quan tâm và xem xét trên tinh thần củng cố, chỉnh đốn về vấn đề học trong hàng xuất gia trẻ ngày nay. Xét thấy bản thân chưa đóng góp gì được cho đạo Phật, nhưng chỉ đứng bên ngoài với con mắt khách quan – con mắt “người đời” thì đây là một hiện trạng không thể tưởng tượng, huống gì đi sâu hơn nữa, nhìn sự việc với con mắt của người con Phật thì “sự thật nhìn thấy mà đau đớn lòng”. Đó là lý do mà bài viết được ra đời và được đặt tựa đề: Học đời hay Học đạo.
Ý chính thứ nhất được đề cập đến ở đây là “Học Đạo”. Ý này được nói đến trước là vì đối với người xuất gia thì học Đạo, học Tu là cái quan trọng nhất, là cánh cửa đầu tiên phải đi qua. Học kinh sách, văn tự được các vị Tổ sư kiến lập là nền tảng lý thuyết vững chắc để đi trên con đường Đạo pháp. Lý thuyết đó không chỉ là những gì được miêu tả là tốt đẹp, là thế giới của chư Phật, chư Bồ-tát, chư Thánh hiền Tăng mà còn là hình ảnh tăm tối của sáu cõi Ta-bà. Mục đích tận cùng là giúp phân biệt đâu là con đường đúng đắn, đâu là sai lầm và nhân quả của những gì con người tạo ra. Nói học nhưng phải hiểu ngầm trong đó rằng học thì phải hành, vì có hành mới thấy được lợi ích của việc học kiến thức. Hành là hành cái gì? Là hành Giới, hành Luật, hành Mật, hành Thiền, hành Tịnh… hành tất cả các pháp giúp ta đạt đến Giác Ngộ, Niết-bàn. Chỉ có những ai quyết chí lìa bỏ gia đình, danh vọng vật chất tầm thường mới mong có được nhiều điều kiện thuận lợi để thực hành, vậy mà đôi khi còn không thể làm nổi. Vậy đủ biết là Tu không phải dễ. Đó là cả một quá trình rèn luyện, cố gắng nỗ lực không ngừng trong từng phút giây, từng sát-na của người tu.
Vậy thế nào là “Học đời” đối với người xuất gia? Và tại sao phải “học” như thế? Trước hết, chúng ta đều thấy rõ rằng thế giới hiện đại là thế giới của khoa học kỹ thuật tiên tiến, sự phức tạp hóa trong lối sống và suy nghĩ của con người là điều khó tránh khỏi, và ở đâu có phức tạp là ở đó tìm thấy không ít những điều không hay, không tốt. Người tu phải lắng nghe, tìm hiểu cho thấu đáo những điều đó với hai mục tiêu: tự giúp mình thoát khỏi những cạm bẫy xã hội, tinh tấn trên con đường tu tập và hiểu được nỗi thống khổ của chúng sanh ra sao thì mới mong giúp được người giải tỏa nỗi khổ niềm đau ấy. Vì vậy “học” với Đời ở đây là trang bị cho mình kiến thức về văn hóa bao gồm các môn khoa học xã hội như văn chương, ngoại ngữ, thuyết trình, MC …, các môn tự nhiên như tin học, xây dựng, cả lái xe, điện tử …, để có thể thích nghi với điều kiện sống và để không bị lạc hậu với thế giới nhân loại bên ngoài cổng chùa. Bàn về vấn đề học chữ. Học thì phải có diplôme thì người đời mới kính trọng, mới nghe vì xã hội bây giờ là xã hội của bằng cấp! Những người tài giỏi thật sự thì bằng cấp là chuyện trong tầm tay nhưng với những ai không đủ khả năng hay phần nhiều là do không cố gắng nỗ lực bằng chính sức học của mình mà cũng muốn được bằng như ai thì phải làm sao? Đi học không đều, không xem trọng Giáo thọ sư, kiến thức thật không biết được bao nhiêu phần trăm mà ra thi thì muốn điểm cao. Vậy làm sao có điểm cao đây? Phải áp dụng những “tuyệt chiêu” của “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” của người đời thôi! Nói sao đây với hiện tượng Tăng Ni sinh không trung thực như thế? Có phải là điều gây “choque” không? Nhất là đối với những ai không phải là Phật tử thì người ta sẽ có cái nhìn ra sao đối với bản thân của cá thể đó và cả một Hệ phái mà nặng hơn nữa là nền đạo đức Phật giáo chúng ta? Ở ngoài đời, có những học sinh thà bỏ giấy trắng ra về, chấp nhận thi lại còn hơn kiếm vài điểm dưới hình thức copy bài hay “quay phim” trong phòng thi. Không bàn về danh dự cá nhân mà cái quan trọng ở đây phải thấy được là bản tính trung thực, cái hạnh không gian tham, không dối trá của người. Huống gì là người xuất gia!
Nói “học”với Đời tưởng dễ nhưng thật sự không dễ. Vì qua ví dụ điển hình như vậy là thấy mình “học”theo Đời rồi! Mà học cái tốt thì được, chứ học chi những điều không tốt? Tinh thần “hòa nhập chứ không hòa tan” đi đâu mất rồi? Vậy mới thấy được lý thuyết và thực hành khó mà đi đôi với nhau nếu ta không giữ mình. Học theo Đời rất dễ, vì có phải là đa số chúng sanh đều ở ngoài đời đó sao? Ai cũng nỗ lực bằng mọi cách để được sống và tồn tại, xã hội càng phức tạp thì cuộc sống nhân sinh càng bị phức tạp hóa. Hệ quả là tội lỗi càng ngày càng nhiều, càng lúc càng tinh vi hơn. Con người ta lạ lắm, cái gì hay, cái gì tốt học lý thuyết nhanh nhưng thực hành lại chậm, còn cái gì xấu, không cần lý thuyết cũng thực hành tốt! Cái đó hình như là bản năng, thói quen rồi, cho nên khó mà bỏ được. Nhưng chúng ta là những người học Phật, đã phát tâm dõng mãnh tránh xa điều xấu ác thì chúng ta phải thực hiện cho được. Không phải thấy người ta đi học nhiều, mình cũng bắt chước đi học, không phải thấy người ta đi học xa mình cũng tìm mọi cách để được đi như người ta, liệu sức mình có theo kịp hay không, mà quan trọng là phải thấy được lợi ích thiết thực của việc học chứ không nên học “theo phong trào” và để có cái bằng trên tay cho oai!
Và có một thực trạng nữa phải nhìn nhận rằng có không ít người chỉ cần mảnh bằng trên tay để có cái gọi là “hợp thức hoá” cho việc ra quản lý một cơ sở nào đó mà không thật sự chú trọng đến kiến thức. Mà đã không coi trọng kiến thức thì dễ gì có thể xem trọng người đứng lớp, những người cống hiến bao tâm huyết và cuộc đời của mình cho sự nghiệp giáo dục? Tinh thần “Tôn sư trọng Đạo” còn được bao nhiêu?
Tất nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, không phải ai cũng vậy. Có những vị chấp hành rất nghiêm chỉnh việc học hành, thi cử vì họ ý thức rất rõ lợi ích của những kiến thức mà họ có được hôm nay lớn lao như thế nào với công cuộc lợi pháp hoằng sanh. Tất nhiên, song song bên đó, việc tu tập, giữ gìn giới luật của họ cũng được chú trọng. Họ không ngại tuổi tác, khó khăn, tìm đủ mọi cách để có thể được học. Điển hình là những học viên của khoa Đào Tạo Từ Xa khóa I, niên khóa 2009-2013 trong Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, có những vị ở tận Buôn Hồ, Daklak, Hà Nội, Tuy Hòa, các tỉnh miền Trung xa xôi, miền Tây sông nước không quản ngại tuổi cao (có vị khoảng 60-70 tuổi đời), gian nan mà thu xếp thời gian hăng hái đăng kí học, tham gia đầy đủ, nghiêm túc các buổi thi, các giờ tập trung định kỳ cũng như hoàn tất các bài tiểu luận mà các Giáo thọ sư quy định. Và nhất là thái độ của họ đối với Giáo thọ sư hết mực kính trọng, quý mến. Nhờ tinh thần cầu tiến, thiết tha học hỏi như vậy nên nhân tài được phát hiện và đào tạo rất nhiều trong giới Tăng Ni trẻ. Với tấm lòng nhiệt huyết, cống hiến và sức sáng tạo, tư duy của họ mà Đạo Phật ngày nay được cả thế giới biết đến qua những hoạt động tích cực thông qua nhiều phương tiện truyền thông nghe nhìn và những trang web Phật giáo, những bài báo, tạp chí, đặc san, nội san định kỳ của Giáo hội, Hệ phái… Tất cả những hoạt động đó mục đích rốt ráo cũng chỉ là đem Đạo pháp đến mọi người, không chỉ trong nước mà còn lan rộng ra cả những nước Âu Mỹ. Người dân ở những nước này càng ngày càng quan tâm muốn tìm hiểu Đạo Phật và họ đã đến được với Đạo Phật nhờ vào những phương tiện hữu ích ấy. Đó có phải là một thành công đáng kể trong công cuộc hoằng pháp không?
Nhưng khi Đạo Phật mỗi lúc mỗi được truyền bá rộng rãi như thế thì những người được xem là hình ảnh tiêu biểu cho Phật, Pháp và Tăng cần nên xem lại chính mình có thật sự xứng đáng đảm nhận trọng trách đó hay không. Ắt chẳng phải là chuyện dễ dàng! Xã hội càng phức tạp thì người tu càng phải cố gắng giữ mình. Mà giữ là phải giữ mình trong mọi môi trường hoàn cảnh, cụ thể nhất ở đây là trong trường lớp. Có việc đi học, thi cử thôi mà không làm tốt thì hằng mong làm được gì lớn lao cho chúng sanh đây?
Đó là những điều ghi nhận được về phía học viên, còn về phía những người làm công tác văn phòng, quản lý, thật ra không phải không có vấn đề. Ở đây người viết không dám bàn về cơ cấu tổ chức, nhưng có điều bức xúc đối với công tác gác thi, coi thi vào những mùa thi. Nếu chúng ta có phương pháp, tổ chức chặt chẽ trong công tác giám sát thí sinh thi cử thì hiện trạng “quay phim”, copy bài nhau sẽ không còn. Như “Quốc có quốc pháp, Gia có gia quy”, xuất gia thì có Giới luật của xuất gia, vậy sao lại để hiện trạng đáng tiếc này xảy ra? Thiết nghĩ biện pháp thì không thiếu nhưng quan trọng là áp dụng có triệt để và rốt ráo hay không! Bên phương Tây, tất cả những vi phạm kể trên đều bị phạt rất nghiêm, ví như cấm thi 5 năm, bị điểm 0 tại chỗ môn học đó … Được biết ở một số trường mang phong thái tôn giáo như các trường Đại học ở các tiểu bang thuộc Ấn Độ có người Sikh đông, một khi bị lập biên bản thì sinh viên đó phải bị cấm thi 5 năm liền. Làm là phải làm như vậy, biết rằng quan điểm của Đạo Phật chúng ta là tất cả đều do ý thức, tự giác nhưng nếu không có luật thì không thể ổn định đại chúng được. Ngay cả thời Đức Thế Tôn tại thế, giới luật cũng đã được chú trọng cơ mà. Phật còn tha thiết kêu gọi các thầy Tỳ-kheo phải lấy giới bổn làm thầy của mình sau khi Ngài diệt độ. Hơn nữa, chúng ta đang sống vào thời đại của những mối đe dọa, cám dỗ đầy dẫy. Làm sao phải giữ mình “hòa nhập nhưng không hòa tan” thì mới gọi là Tu.
Đó là những điều trăn trở, băn khoăn không chỉ của riêng hàng hậu học chúng con mà còn là những điều khó nói của những vị trực tiếp giảng dạy, vì không chỉ có những vị Thầy trong Đạo đứng lớp mà còn có không ít những vị cư sĩ có học thức uyên thâm giảng dạy. May mắn thay được sống trong môi trường thiện tri thức mà không hành xử cho đúng là thiện tri thức, liệu có xứng đáng là người con Phật hay không? Kính mong chư Tôn đức có chức trách và thẩm quyền xem xét lại vấn đề nan giải và tế nhị này. Để đền ơn công lao của Tổ Thầy, những người đã hiến dâng, dành trọn cả một đời để dìu dắt chúng ta trên con đường tu học, chúng ta phải làm như thế nào để xứng đáng với công ơn lớn lao ấy? Và một lần nữa người viết xin được sám hối vì lời văn không hay, chữ không tốt, không biết cách giãi bày cho tế nhị hơn. Kính mong chư Tôn đức hoan hỷ.
Các bài viết liên quan
- TP.HCM: Quỹ “Pháp học Khất sĩ” trao gần 200 suất học bổng cho Tăng Ni Hệ phái - Chủ Nhật, 14:55 22-12-2024 - xem: 529 lần
- Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM thông báo tuyển sinh cử nhân Phật học khóa XVIII (năm 2023) - Thứ Sáu, 19:41 10-03-2023 - xem: 4301 lần
- Lễ Khai giảng Lớp Trung cấp Ni giới Hệ phái Khất sĩ tại Tịnh xá Ngọc Uyển - Khóa XI (2023-2026) - Thứ Tư, 19:13 15-02-2023 - xem: 3115 lần
- Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM: Trang nghiêm Lễ Tốt nghiệp 2022 - Chủ Nhật, 18:47 24-04-2022 - xem: 7580 lần
- Kết quả tuyển sinh Cử nhân Phật học khóa XVI (2021) Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM - Thứ Năm, 16:10 09-09-2021 - xem: 7673 lần
- Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM thông báo tuyển sinh cử nhân Phật học khóa XVI (2021) - Thứ Sáu, 17:10 07-05-2021 - xem: 8889 lần
- TP.HCM: Lễ phát học bổng khuyến học Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm 2021 - Thứ Sáu, 23:03 30-04-2021 - xem: 8435 lần
- Lễ Cấp phát học bổng của Hệ phái Khất sĩ năm 2020 - Chủ Nhật, 09:47 24-01-2021 - xem: 9187 lần
- Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM: Thông báo tuyển sinh Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học - Thứ Năm, 16:00 19-11-2020 - xem: 11115 lần
- Trang nghiêm Lễ tốt nghiệp và Tổng khai giảng tại HVPGVN tại TP. HCM - Chủ Nhật, 23:14 25-10-2020 - xem: 7094 lần
- Kết quả thi tuyển vào Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM - Thứ Ba, 23:27 22-09-2020 - xem: 10068 lần
- Kỳ thi đại học của Tăng Ni - Thứ Tư, 18:15 16-09-2020 - xem: 7655 lần