Học thở trong nhà trường
- TK. Giác Kiến
- | Thứ Sáu, 12:58 04-01-2013
- | Lượt xem: 9479
Rèn luyện thân tâm bằng hơi thở trong tỉnh thức là kinh nghiệm mà Thầy Satya Goenka chắt lọc sau nhiều năm thực hành và giảng dạy. Trong bài viết này, người viết trình bày quan điểm của Thầy Goenka về phương pháp thở trong tỉnh thức và quá trình rèn luyện thân tâm qua phương pháp thở có ý thức ấy. Điểm nổi bật trong quan điểm của Thầy Goenka mà người viết tâm đắc chia sẻ ở đây là Thầy hướng đến đối tượng học là người trẻ tuổi, thay vì chỉ dành cho người trưởng thành, và trong môi trường học đường, thay vì chỉ giới hạn trong trung tâm thiền.
Học thở có ý thức là sự khởi đầu của quá trình rèn luyện thân tâm. Thầy Goenka học và thực hành thở có ý thức từ năm 1955 với Thầy U Ba Khin ở Miến Điện. Đó là một phần của phương pháp Thiền theo truyền thống Phật giáo vốn được Đức Phật và các thế hệ đệ tử của Ngài thực hành thường xuyên. Theo Thầy Goenka, thở có ý thức là điểm khởi đầu lý tưởng nhất của quá trình rèn luyện thân tâm (Goenka, 2004, tr. 2). Đó là quá trình của cả một đời cho những ai muốn có được sự cân bằng, hài hòa và an lạc cho thân và tâm. Vì hơi thở là chiếc cầu nối giữa con người và môi trường, giữa thân và tâm, nếu lấy hơi thở làm đối tượng ý thức và quán chiếu, chúng ta sẽ có khả năng hiểu và làm chủ thân tâm mình một cách hiệu quả.
Trên lý thuyết, chúng ta có thể hiểu khá rõ về thân thể mình qua các bài học sinh học. Nhưng trên thực nghiệm, chúng ta chưa ý thức và biết nhiều về bản chất, đặc tính và chức năng của các bộ phận cấu thành thân thể. Do vậy, các bộ phận bên trong cơ thể phần nhiều hoạt động một cách tự động, ngoài sự ý thức và kiểm soát của chính mình. Trong khi đó, hơi thở có phương pháp có thể đưa chúng ta từ chỗ chưa ý thức đến chỗ ý thức, từ chỗ chưa biết đến chỗ biết, từ tình trạng chưa kiểm soát đến chỗ kiểm soát được chính mình (Goenka, 2004, tr. 2-3).
Phương pháp thở có ý thức. Bằng kinh nghiệm rèn luyện và chuyển hóa của mình, Thầy Goenka nhận thấy không thể không chia sẻ phương pháp rèn luyện thân tâm này cho người khác, bởi vì, đây là một phương pháp sống bình an và lành mạnh, là một nghệ thuật sống hạnh phúc; và đây là nguồn hạnh phúc lâu bền vì nó được kết tinh từ sự hòa hợp và thanh thản của thân và tâm.
Sau khi thực hành thở trong tỉnh thức thuần thục nhiều năm, và thấy được lợi ích đến mức khó tin của phương pháp này, năm 1969, Thầy Goenka bắt đầu dạy phương pháp thở có ý thức để nhiều người cùng được lợi ích. Tiếp thu kinh nghiệm của các bậc thầy đi trước truyền lại, và bằng chính kinh nghiệm thực hành của mình, Thầy tổ chức các khóa học thở một cách có hệ thống và khoa học.
Trong khóa thiền mà Thầy hướng dẫn, Thầy bắt đầu bằng phương pháp ý thức các chuyển động liên quan đến quá trình hít thở từ thô đến tế. Trước hết là ý thức hơi thở ra vào tại vùng giới hạn ở đầu mũi. Lắng nghe sự xúc chạm của không khí phớt nhẹ chạm khẽ vào da ở đầu mũi khi hơi thở ra vào. Cảm nhận hơi ấm mà hơi thở mang theo tại điểm xúc chạm là phần căn bản và quan trọng của bài học thở vỡ lòng này. Từ bước đầu căn bản ấy, Thầy hướng dẫn cách ý thức và quán chiếu các cảm thọ, cảm xúc, ý tưởng, từ thô đến tế tùy theo mức độ gia công và gia tâm của người thực hành. Hướng dẫn một cách chi tiết và hệ thống như vậy, Thầy giúp cho người học dần dần khám phá ra sự thật về thân tâm và cuộc sống của mình: sự có mặt và vắng mặt của các hoạt động và hiện tượng trên thân, các tâm lý tích cực, các tâm lý tiêu cực, bản chất, đặc tính và nguyên nhân có mặt và vắng mặt của chúng. Trên cơ sở đó, Thầy giúp cho người học rèn luyện khả năng nhận ra sự thật một cách nhạy bén, tinh tế, sâu sắc và chính xác hơn.
Cùng với phương pháp thở có ý thức, các phương pháp nuôi dưỡng các tâm lý tích cực và chuyển hóa các tâm lý tiêu cực, các phương pháp thể hiện và chia sẻ những tâm lý tích cực qua lời nói và hành động cũng được hướng dẫn kỹ càng để mỗi hành vi và biểu hiện, đều đem lại hiệu quả tích cực nhất.
Dạy thở có ý thức cho tuổi trẻ. Điều đáng nói ở đây là Thầy Goenka không chỉ giảng dạy phương pháp thở có ý thức cho người trưởng thành mà còn giới thiệu phương pháp này đến với tuổi trẻ. Đây là sáng kiến của Thầy mà các bậc thầy trước đó chưa làm được. Thầy nói rằng giảng dạy phương pháp thở có ý thức cho tuổi trẻ là việc rất cần thiết bởi vì thở có ý thức là nuôi dưỡng được một điều lành. Đây là điều lành căn bản nhất gắn kết thân và tâm của con người. Nếu điều lành này được nuôi dưỡng thì nhiều điều lành khác sẽ được nuôi dưỡng (VRI, 2005). Không những người lớn mà tuổi trẻ cũng cần nuôi dưỡng điều lành này, bởi đó là quà tặng của sự sống cho tất cả mọi người. Do vậy, ai ai cũng có thể tập thở có ý thức và nuôi dưỡng điều lành.
Theo Thầy Goenka, tuổi trẻ là tuổi phù hợp nhất cho việc học thở trong tỉnh thức. Tuổi trẻ là lứa tuổi thích khám phá. Mỗi phút giây đều có thể mang lại cho tuổi trẻ một kinh nghiệm mới. Mỗi ngày là một cơ hội cho tuổi trẻ khám phá những điều mình chưa biết, đầy hứa hẹn nhưng cũng đầy nguy hiểm. Tuổi trẻ là tuổi các em bắt đầu học về thân tâm, về cuộc sống và học cách sống có ý nghĩa. Học thở có ý thức là sự khởi đầu của quá trình đó để làm tiền đề cho sự nuôi dưỡng thân tâm lành mạnh khi đến tuổi trưởng thành.
Thầy cho rằng, nếu ở nhà trường, học sinh có cơ hội học phương pháp sống an bình và lành mạnh, thì các em sẽ có thể áp dụng phương pháp sống đó về sau như là một nguyên tắc sống ổn định của bản thân. Những gì các em học và thực tập ở nhà trường bây giờ có ảnh hưởng rất lớn đến cả một chuỗi dài cuộc đời của các em sau này. Nếp sống ấy đem lại an lạc và hạnh phúc không chỉ cho từng cá nhân mà cho cả gia đình và xã hội.
Với nhìn nhận đó, tháng Tư năm 1986, Thầy chính thức bắt đầu dạy thở cho học sinh. Khóa Thiền Thở đầu tiên được tổ chức tại Trung tâm Thiền Dhamma Pattana, thành phố Mumbai, Ấn Độ.Cùng với sự trợ giúp của những nhà chuyên môn và các giáo viên ở trường, Thầy đã tổ chức các lớp thiền thở với những bước thực tập rất khoa học và phù hợp với lứa tuổi của học sinh. Suốt 20 năm qua, số học sinh học theo phương pháp thở Thầy dạy càng lúc càng tăng. Mỗi năm, có khoảng 50 ngàn học sinh phổ thông đăng ký theo học các lớp thở có ý thức do các cộng sự của thầy hướng dẫn. Theo một kết quả điều tra năm 2003-2004 (từ ngày 1.4.2003 đến ngày 31.3.2004), riêng ở Ấn Độ, tổng số học sinh theo học lớp thở có ý thức là 47.937 em (VRI, 2005, tr.26). Một dấu hiệu đáng mừng!
Thực tập thở có ý thức giúp cho tâm ý tập trung và yên lặng. Trong lớp thiền thở, học sinh được hướng dẫn chi tiết các kỹ năng quán sát hơi thở khi hơi thở tự nhiên ra vào. Rất đơn giản, nhưng lại rất khó thực tập, vì yếu tố cần thiết để duy trì sự thực tập là khả năng chú ý và kiên nhẫn. Trong khi đó, tâm ý của tuổi trẻ vốn năng động. Thế nhưng, nhờ hiểu biết tâm lý trẻ, vận dụng phương pháp hướng dẫn tập thở một cách linh hoạt và phù hợp, Thầy khá thành công qua các lớp dạy thiền thở cho học sinh. Khi dạy thở có ý thức cho học sinh như là một phương pháp nuôi dưỡng điều lành, Thầy Goenka đồng thời hướng dẫn học sinh phát triển kỹ năng nuôi dưỡng điều lành ở các phương diện khác qua lời nói và hành động để thân tâm thấm nhuần điều lành trong từng bước thực hành.
Thầy nói rằng: “Nay chúng ta gieo những điều lành này vào tâm thức của các em, 15 hay 20 năm sau, một thế hệ mới sẽ trưởng thành, có ý thức trách nhiệm và đủ khả năng gánh vác gia đình, xã hội, đất nước, thế giới và nhân loại” (VRI, 2005, tr. 52).
Dù có khó khăn, thực tế cho thấy Thầy Goenka đã khá thành công trong việc tổ chức các lớp thiền thở trong 20 năm qua. Các lớp thiền thở này được mở ra ngày càng rộng trên các địa bàn khác nhau đã thu hút tuổi trẻ theo học ngày càng đông. Điều này chứng tỏ các lớp thiền thở đã được tổ chức một cách có hệ thống, có phương pháp, có khoa học, có hiệu quả, phù hợp và thích ứng đối với học sinh phổ thông hiện nay.
Một tầm nhìn xa và một tâm nguyện lớn. Nỗ lực truyền dạy thiền thở cho học sinh của Thầy Goenka trong học đường phản ánh tầm nhìn và tâm nguyện của một bậc thầy lớn. Những khâu chuẩn bị chi tiết và kỹ lưỡng cho mỗi lớp học thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với thế hệ trẻ và ý thức được tầm quan trọng của giáo dục của một người có tầm nhìn xa rộng như Thầy. Sự theo dõi chặt chẽ từng đối tượng học sinh theo học là điều bắt buộc đối với người hướng dẫn và Thầy đã làm được việc này với sự hỗ trợ của các giáo viên trợ giảng. Thầy để tâm theo dõi sự diễn tiến của các lớp học trong quá trình dài để điều chỉnh và hoàn thiện chương trình và phương thức hướng dẫn. Từ đó, Thầy cùng các vị cố vấn chuyên môn đã dần dần chuẩn hóa lớp thở cho học sinh theo từng độ tuổi để học sinh đạt được kết quả tốt nhất một khi tham dự những lớp học luyện thân tâm như thế.
Hiện nay, bên cạnh Thầy Goenka, còn có nhiều bậc thầy lớn nhận thấy vai trò của các truyền thống tâm linh trước những khó khăn của xã hội, đặc biệt là vấn đề giáo dục cho thế hệ trẻ. Điển hình là Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhiều lần đề cập đến giáo dục trong các buổi nói chuyện của ngài. Ngài từng nhận định rằng trong bất cứ trường hợp nào, nỗ lực trong lĩnh vực giáo dục đều có ý nghĩa rất quan trọng. Giáo dục trước hết là phương tiện giúp cho con người trau dồi phẩm chất và hiểu biết của mình. Chính vì vậy, Ngài cho rằng xây dựng trường học quan trọng hơn xây dựng các cơ sở tôn giáo (Dalai Lama, 2006). Ngài nói rằng: “Khắp nơi trên thế giới, người ta luôn dành phần nỗ lực cho công tác giáo dục. Giáo dục là một hoạt động thánh thiện, giúp con người thoát khỏi tình trạng tối tăm. Tuy nhiên, chúng ta phải hết sức cẩn trọng khi nghĩ về nền giáo dục mà chúng ta đang xây dựng cho con em của mình. Ngày nay, chúng ta thấy có rất nhiều người có giáo dục nhưng rất đau khổ. Đôi khi, tôi nghĩ, những người suy nghĩ quá nhiều thường đau khổ hơn những người ít suy nghĩ. Tại sao người ta lại đau khổ như vậy? Bởi vì người ta còn chứa chấp nhiều ham muốn, sân giận và đố kỵ” (Chopra & Chopra, 2009).Đó là ưu tư của ngài về hiện trạng giáo dục hiện nay. Đức Đạt Lai Lạt Ma khẳng định rằng điều mà thế hệ trẻ cần đạt được qua quá trình giáo dục không chỉ là kiến thức mà là trí tuệ và lòng thương yêu để có thể sống hạnh phúc. Đó chính là những điều lành mà chúng ta cần nuôi dưỡng ở tuổi trẻ. Quá trình này có thể bắt đầu bằng việc tập thở.
Cùng quan tâm đến giáo dục thế hệ trẻ, Thầy Nhất Hạnh, một bậc thầy lớn, cũng đã chia sẻ sự quan tâm và nỗ lực truyền dạy kinh nghiệm của mình cho thế hệ trẻ nhằm giúp người trẻ tuổi định hướng được nếp sống lành mạnh dưới nhiều hình thức khác nhau để không chệch hướng khi hòa mình vào các môi trường giao tiếp xã hội. Đồng thời, trước sự khủng hoảng của nền giáo dục Việt Nam (Hoàng Tụy, 2008), Thầy cũng đã đề nghị đưa giáo dục đạo đức và tâm linh vào hệ thống giáo dục phổ thông. Trong một bài trả lời báo chí ở Việt Nam gần đây, Thầy nói rằng nếu giáo dục đạo đức và tâm linh được đưa vào chương trình giáo dục quốc gia để người trẻ tuổi có cơ hội học tập và rèn luyện thì đó là một hồng ân của dân tộc (Nhất Hạnh, 2008).
Nhắc đến suy nghĩ và tâm nguyện của các bậc thầy lớn như vậy, người viết muốn nhấn mạnh rằng nỗ lực của Thầy Goenka đưa giáo dục đạo đức và tâm linh vào giáo dục học đường là một thành tựu và là một đóng góp lớn cho ngành giáo dục nói chung. Hiện nay, các lớp thiền thở có ý thức theo sự hướng dẫn của Thầy Goenka và các cộng sự không chỉ phổ biến ở Ấn Độ, mà còn đang nhân rộng ở các nước Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Nepal, Arab, Iran, Úc, Tân Tây Lan, và một số nước châu Âu, châu Mỹ và châu Phi nữa. Tất nhiên, một mình Thầy không thể làm được điều này. Trong hai mươi năm qua, với sự hỗ trợ của nhiều nhà chuyên môn, Thầy đã hướng dẫn và đào tạo được hơn 1.000 giáo viên phụ giảng. Các thầy cô phụ giảng đã góp phần tích cực vào việc tổ chức thành công các lớp học theo chương trình Thầy Goenka soạn ra. Điều này cũng phản ánh tầm nhìn và tâm nguyện cao cả của Thầy.
Khi nào các lớp thở có ý thức và nuôi dưỡng điều lành này có đủ nhân duyên để có mặt trong nhà trường ở Việt Nam? Thiết nghĩ, nếu những bậc phụ huynh, các thầy cô giáo, các vị có tấm lòng luôn gắn bó với nền văn hóa, đạo đức và tâm linh có niềm tin vào công năng chuyển hóa của hơi thở, thì việc hướng dẫn thở có ý thức như là một phương pháp rèn luyện thân tâm cho tuổi trẻ Việt Nam trong nhà trường không phải là điều không thể làm được.
Nếu góp được nhiều bàn tay, chung một tấm lòng, không có việc gì không thể. Hy vọng một ngày không xa, các lớp thiền thở sẽ xuất hiện ở Việt Nam như đã từng xuất hiện ở nhiều nước trên khắp thế giới.
Tài liệu tham khảo:
Dalai Lama, (2006). Importance of Education (Tầm quan trọng của giáo dục). Truy cập 16.5.2009, tại http://www.dalailama.com/page.224.htm.
Goenka, S. N. (2004). The Discourse Summaries (Tóm tắt các bài giảng trong khóa thiền). Igatpuri: VRI.
Hoàng Tụy, (2008). Nhìn thẳng vào khủng hoảng giáo dục Việt Nam. Truy cập 17.6.2008, tại http://www.tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/3949/index.aspx;
Nhất Hạnh, (2008). Cần đưa ngũ giới vào chương trình giáo dục quốc gia. Hồn Việt, Số 12, tháng 6-2008. Truy cập tại http://www.phattuvietnam.net/index.php?nv=News&at=article &sid=3640
Parveen Chopra & Swati Chopra, We Are Born To Be Happy, An Exclusive Interview with His Holiness the Dalai Lama (Chúng ta sinh ra để được hạnh phúc – phỏng vấn Đức Đạt Lai Lạt Ma. Truy cập 17.5.2009 http://www.lifepositive.com/Spirit/world-religions/buddhism/ dalai-interview.asp
VRI, (2005). Guidelines for Children’s Anapana Courses (Cẩm nang hướng dẫn thiền thở cho tuổi thơ). Igatpuri: VRI.
Các bài viết liên quan
- TP.HCM: Quỹ “Pháp học Khất sĩ” trao gần 200 suất học bổng cho Tăng Ni Hệ phái - Chủ Nhật, 14:55 22-12-2024 - xem: 542 lần
- Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM thông báo tuyển sinh cử nhân Phật học khóa XVIII (năm 2023) - Thứ Sáu, 19:41 10-03-2023 - xem: 4305 lần
- Lễ Khai giảng Lớp Trung cấp Ni giới Hệ phái Khất sĩ tại Tịnh xá Ngọc Uyển - Khóa XI (2023-2026) - Thứ Tư, 19:13 15-02-2023 - xem: 3119 lần
- Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM: Trang nghiêm Lễ Tốt nghiệp 2022 - Chủ Nhật, 18:47 24-04-2022 - xem: 7624 lần
- Kết quả tuyển sinh Cử nhân Phật học khóa XVI (2021) Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM - Thứ Năm, 16:10 09-09-2021 - xem: 7683 lần
- Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM thông báo tuyển sinh cử nhân Phật học khóa XVI (2021) - Thứ Sáu, 17:10 07-05-2021 - xem: 8914 lần
- TP.HCM: Lễ phát học bổng khuyến học Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm 2021 - Thứ Sáu, 23:03 30-04-2021 - xem: 8536 lần
- Lễ Cấp phát học bổng của Hệ phái Khất sĩ năm 2020 - Chủ Nhật, 09:47 24-01-2021 - xem: 9290 lần
- Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM: Thông báo tuyển sinh Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học - Thứ Năm, 16:00 19-11-2020 - xem: 11124 lần
- Trang nghiêm Lễ tốt nghiệp và Tổng khai giảng tại HVPGVN tại TP. HCM - Chủ Nhật, 23:14 25-10-2020 - xem: 7094 lần
- Kết quả thi tuyển vào Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM - Thứ Ba, 23:27 22-09-2020 - xem: 10077 lần
- Kỳ thi đại học của Tăng Ni - Thứ Tư, 18:15 16-09-2020 - xem: 7664 lần