Học và nhìn lại tâm mình
- Diệu Ngọc
- | Thứ Hai, 22:07 18-11-2013
- | Lượt xem: 5481
Trong cuộc sống nhân thế, ai dám chắc mình mãi hạnh phúc, ai không hy vọng mình chẳng khổ đau? Nhưng nào ai chẳng có vui buồn lẫn lộn, như ngày qua rồi, đêm lại đến thôi. Ta sẽ là ai? Ta làm gì trong từng phút giây ấy? Phật, Phật,…ma, ma, cũng chỉ một sát-na.
Con nhớ ngày chưa bước vào ngưỡng cửa Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, con là một Phật tử nuôi bao ước vọng. Con mong sao Phật giáo ngày càng phát triển, và con mơ mộng để lại cho đời nhiều giải pháp ứng dụng Phật pháp vào cuộc sống. Rồi… con ngỡ ngàng khi màu hồng trong nhận thức của con ngày càng sạm lại.
Là một thành viên trong Ban cán sự lớp, ban đầu con hoàn toàn đứng về phía học viên, con từng đấu tranh để khoa Đào Tạo Từ Xa chúng con có được sự quan tâm hơn từ chư Tôn đức trong Hội đồng Điều hành Học viện. Rồi… con trở thành kẻ phản bội bạn bè, bởi con đã ủng hộ những biện pháp nghiêm khắc của Học viện đưa ra để đối trị với những giải đãi, hay chưa nỗ lực hết mình trong học tập của vài sinh viên. Hụt hẫng biết bao khi bắt gặp vài ánh mắt như đang quay lưng lại với mình, hay khi nghe được những lời thị phi về bản thân mình.
Nhìn lại mình, con thấy cũng phải thôi. Đạo Phật là đạo của từ bi mà! Tuy chư Tôn đức đặt ra bao nội quy, cũng chỉ nhằm răn đe là chính. Phạm lỗi rồi, sinh viên hay học viên chỉ “xin” là được “xả” ngay. Con không chấp nhận được, bởi con quá coi trọng sự công bằng như ngoài thế tục. Con cho rằng ngoài đời biết bao sự bất công, đạo phải khác đời vì mang lại sự bình đẳng, trường đạo là trường dạy con người tu sửa chứ không phải nơi dung túng cho những thói quen đời thường; người tự nguyện học Phật phải hơn người học trò nơi trường thế tục, không thể là người lợi dụng “từ bi” để biện minh cho sự giải đãi, hay thiếu nỗ lực hết mình của tự thân. Con đã quên bài học từ kinh Pháp Cú:
“Không nên nhìn lỗi người,
Người làm hay không làm.
Nên nhìn tự chính mình,
Có làm hay không làm.”
(Kệ 50)
Khác gì mọi người đâu, con cũng đang mang đời vào đạo. Có nhiều cách để rửa sạch đất từ rau: Hoặc ta rửa rau qua nhiều nước, hoặc xả mạnh nước vào rau để tiết kiệm nước, v.v… Con đã chọn cách thứ hai vừa nêu. Con đã tin rằng nếu chư Tôn đức chỉ cần nghiêm khắc buộc sinh viên/học viên thực hiện những yêu cầu mà chư Tôn đức đã đặt ra, không những trui rèn được những sinh viên/học viên chưa hết lòng học tập, mà còn mang lại sự công bằng cho những ai đã học tập nghiêm túc. Ở khoa Đào Tạo Từ Xa, phần lớn là những học viên với nhiều ràng buộc về Phật sự hay công tác ngoài đời,… nên Học viện thông cảm, và có nhiều ưu đãi so với sinh viên chính quy là lẽ đương nhiên, nhưng phải có giới hạn nhất định, nếu không, sẽ gây ra sự bất mãn cho sinh viên chính quy, và vô tình làm mất giá trị tấm bằng mà Học viện sẽ trao cho học viên từ xa. Con không muốn những bạn đồng học với con phải nhận tấm bằng không có giá trị cao, nhất là những học viên học tập rất tinh tấn. Con đã biện minh cho lòng từ mỏng manh nơi con? Và con tự an ủi với lời dạy của cổ nhân:
“Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu
Thoại bất đầu cơ bán cú đa”
(Rượu gặp tri ân ngàn chén ít
Chuyện không hợp ý nửa câu nhiều)
Hay:
“Thanh giả tự thanh, tục giả tự tục”
(Trong sạch tự mình biết, ô uế tự mình hay)
Con sinh ra và lớn lên trong gia đình không gặp nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng để thực hiện cái lý tưởng mà con tự đặt cho mình sau 20 năm, con đã bắt đầu vừa học vừa lén gia đình đi làm từ năm học lớp 4 – phụ làm mành trúc ở một ngôi chùa gần nhà. Cứ thế, học và kiếm tiền bằng hơn 10 nghề thủ công, vừa là giải pháp con chuẩn bị để khi rời gia đình sẽ hội nhập dễ dàng nơi môi trường sống mới, vừa là cơ hội cho con tiếp cận trước nhiều thành phần lao động nghèo trong xã hội. Cũng bởi vậy, con đã chứng kiến bao bất công trong cuộc sống, cảm thông với bao nỗi khổ của người yếu thế mà mình chẳng thể chịu thay cho họ,… Phải chăng đây là nguyên nhân mà nhiều lần con tự nhủ “phải dễ dàng” với người, nhưng khi đụng chuyện, hai chữ “công bằng” lại trỗi dậy mạnh mẽ trong con? Hay là con ganh tỵ với người được chư Tôn đức lắng nghe và cảm thông, khi họ chưa hoàn thành nhiệm vụ?
Đâu rồi ý tưởng mong sao thế giới luôn thanh bình, người người luôn an lạc mà con đã tóm tắt nó vào chữ ký của mình? Mơ ước được vào học tại Học viện để có cơ hội tiếp cận giáo pháp sâu rộng hơn, làm hành trang cho lý tưởng năm nào, nhưng giờ đây… con lại là kẻ đánh mất niềm hoan hỷ của người khi nhìn thấy con. Con xấu hổ cho những gì mình đã làm, nên nhân cơ hội sức khỏe không tốt, con quyết định rút chân khỏi Ban cán sự lớp để giữ lại chút tình đạo vị, hay chỉ vì giận hờn chăng? “Thế thượng vô nan, đô lai bất chuyên” (Trên đời không có khó chi, khó vì chẳng có chuyên tâm chủ trì). Cái tâm yếu hèn đã đưa con dần cách xa mọi người.
Con đã cho rằng: “Con người tồn tại trên nhân thế là bởi nghiệp ái. Nếu người ghét ta, không ưa ta, càng hay, vì nghiệp ta mau trả hết, ta càng dễ được giải thoát”. Và con đã thản nhiên trước những ánh mắt thất vọng về con.
Tham dự khóa tu 2 ngày tại Tịnh xá Ngọc Đà vừa qua do Sư Trưởng khoa Đào Tạo Từ Xa tổ chức cho toàn thể học viên khóa I và khóa II, chính là cơ hội cho con nhìn rõ về mình. Bài giảng về “Tâm từ” mà Sư Trưởng khoa đã truyền trao cho chúng con trong khóa tu, như ngọn đèn soi rọi tâm sân chủ đạo trong con. Con kính tri ân và khắc ghi trong lòng lời dạy của Sư, và con xin hứa sẽ luôn nhìn vào tâm mình để biết hoan hỷ với người hơn trong cuộc sống.
Các bài viết liên quan
- TP.HCM: Quỹ “Pháp học Khất sĩ” trao gần 200 suất học bổng cho Tăng Ni Hệ phái - Chủ Nhật, 14:55 22-12-2024 - xem: 544 lần
- Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM thông báo tuyển sinh cử nhân Phật học khóa XVIII (năm 2023) - Thứ Sáu, 19:41 10-03-2023 - xem: 4309 lần
- Lễ Khai giảng Lớp Trung cấp Ni giới Hệ phái Khất sĩ tại Tịnh xá Ngọc Uyển - Khóa XI (2023-2026) - Thứ Tư, 19:13 15-02-2023 - xem: 3119 lần
- Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM: Trang nghiêm Lễ Tốt nghiệp 2022 - Chủ Nhật, 18:47 24-04-2022 - xem: 7625 lần
- Kết quả tuyển sinh Cử nhân Phật học khóa XVI (2021) Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM - Thứ Năm, 16:10 09-09-2021 - xem: 7683 lần
- Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM thông báo tuyển sinh cử nhân Phật học khóa XVI (2021) - Thứ Sáu, 17:10 07-05-2021 - xem: 8915 lần
- TP.HCM: Lễ phát học bổng khuyến học Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm 2021 - Thứ Sáu, 23:03 30-04-2021 - xem: 8540 lần
- Lễ Cấp phát học bổng của Hệ phái Khất sĩ năm 2020 - Chủ Nhật, 09:47 24-01-2021 - xem: 9291 lần
- Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM: Thông báo tuyển sinh Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học - Thứ Năm, 16:00 19-11-2020 - xem: 11125 lần
- Trang nghiêm Lễ tốt nghiệp và Tổng khai giảng tại HVPGVN tại TP. HCM - Chủ Nhật, 23:14 25-10-2020 - xem: 7094 lần
- Kết quả thi tuyển vào Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM - Thứ Ba, 23:27 22-09-2020 - xem: 10078 lần
- Kỳ thi đại học của Tăng Ni - Thứ Tư, 18:15 16-09-2020 - xem: 7664 lần