CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Mục tiêu của giáo dục Phật giáo

Lịch sử đã ghi nhận biết bao nền văn minh đã sụp đổ vì những mục tiêu sai lạc trong phương hướng phát triển. Chiến tranh, nghèo đói, suy thoái đạo đức, cạn kiệt môi trường sống... là kết quả của những sai lạc ấy. Giáo dục phải chia sẻ trách nhiệm với xã hội trước những hậu quả gây khổ đau như vậy.

Gần đây, người ta thường bảo mục tiêu cụ thể và trước mắt của giáo dục là đào tạo những con người mới, những con người toàn diện – con người phát triển hài hòa về đức-trí-thể-mỹ, có một kỹ năng nghề nghiệp chuyên môn cụ thể để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và được phát huy tối đa mọi năng lực sẵn có của cá nhân. Thực tế cho thấy, nhiều người thời nay tuy đầy đủ tiện nghi vật chất nhưng không thấy được hạnh phúc.

Con người toàn diện theo Phật giáo là con người được giáo dục đào tạo và tự đào tạo để bản thân có hạnh phúc thật sự, và có khả năng tạo hạnh phúc cho người khác. Đó là con người có khả năng giải thoát tự thân khỏi những ràng buộc, những khổ đau; thấy rõ mối liên hệ với tự nhiên và xã hội trong thế giới duyên sinh, vô thường, khổ không, vô ngã.

Giáo dục Phật giáo hướng đến mục đích cứu cánh là giải thoát khỏi khổ đau, là Niết-bàn. Mẫu người lý tưởng tối hậu mà giáo dục Phật giáo muốn vươn tới là Phật. Học tập, tu hành là để làm Phật. Nếu không được như Phật thì làm Bồ-tát, Thánh Tăng, Tổ sư mà trình độ giải thoát đã được ghi nhận. Những Tăng Ni tài đức chính là những người có khả năng tu tập, chứng đạt một trình độ tâm linh cao cả và có khả năng giảng dạy, hướng dẫn huynh đệ cùng các cư sĩ Phật tử trong sinh hoạt hàng ngày, tạo một xã hội khang lạc vui tươi.

Kinh điển Phật giáo thường dùng từ giáo hóa để thay cho giáo dục. Giáo hóa là từ Hán-Việt được dịch từ “paripae” trong Phạn ngữ. Các sớ luận thường giảng rằng “giáo” là lấy thiện pháp mà dạy người ta, “hóa” là làm cho người ta xa rời ác pháp. Kinh dạy: “Chuyển pháp luân vô thượng mà giáo hóa chư Bồ-tát, giáo hóa, an lập vô số chúng sinh, khiến họ an trú vào đạo vô thượng, chuyển ác thành thiện, chuyển phàm hóa thánh”. Rải rác trong kinh Đại Bổn của Trường A Hàm, Tăng Nhất A Hàm quyển 1, Pháp Hoa quyển 4,... ta còn thấy các từ thay cho từ giáo dục như khai hóa, nhiếp hóa, khuyến hóa, thí hóa.

Trong những từ trên, chữ “hóa” là chữ trọng tâm. Nó có nghĩa là biến đổi, làm cho trở thành, hóa thành. Mục tiêu của giáo dục, như đã được từ “hóa” gợi lên, là làm cho biến chuyển, trở thành, chuyển hóa như thành ngữ “chuyển phàm hóa thánh”. Đôi khi, từ “hóa” còn chỉ cho việc tạo ra sự nhảy vọt, sự đột chuyển (paravritti) như một số kinh, luận chủ trương và được thiền học triển khai. Sự đột chuyển này gọi là “đốn ngộ”.

Như vậy, mục tiêu của giáo dục Phật giáo bao giờ cũng là một sự chuyển hóa dù hàm ý tiệm tiến hay chớp nhoáng. Và, trong một chuỗi mục tiêu liên tục áp dụng vào đối tượng giáo dục, giáo dục Phật giáo luôn luôn sinh động tràn trề sức sống và đầy hiệu năng.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan