CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Nhân gian Phật giáo và giáo dục thanh thiếu niên tại Trung Quốc hiện nay (phần 2)

 

Tư tưởng nhân gian Phật giáo có lợi cho việc Phật giáo tham gia công tác giáo dục thanh thiếu niên của thời đại

Tư tưởng nhân gian Phật giáo do Hoà thượng Thái Hư khởi xướng, sau đó được chư vị Tôn đức cao Tăng, mà trong đó có Hoà thượng Ấn Thuận đại diện cho việc hoằng dương và phát triển, đến nay đã trải qua hơn một trăm năm. Trong thời gian hơn một trăm năm này, tư tưởng ấy đã chịu rất nhiều thử thách của lịch sử, và đã tích lũy kinh nghiệm rất phong phú, trở thành nhận thức chung của giới Phật giáo, các giới học thuật, cũng như giới giáo dục đương đại. Tại Hồng Kông, Đài Loan đã đạt được những thành tựu thực tiễn rất nổi bật và hiện đang phát triển rất thịnh. Đầu năm 1983, tại Đại hội Phật giáo Trung Quốc lần thứ IV, cư sĩ Triệu Phác Sơ - Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc đã phát biểu với chủ đề: "30 năm Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc", trong bài phát biểu, ông đã chính thức đề ra ý kiến, lấy nhân gian Phật giáo làm phương châm chỉ đạo cho Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc và dựa theo đó đặt ra phương hướng phát triển cho Phật giáo Trung Quốc. Mấy mươi năm qua, nhân gian Phật giáo đã bén rễ, thâm nhập, phát triển và đã thay đổi hoàn toàn tại Trung Quốc. Đối mặt với tình hình thế giới cũng như trong nước ở thế kỷ XXI này, đứng trước những vấn đề và hiện trạng của giáo dục thanh thiếu niên của Trung Quốc hiện nay, nhân gian Phật giáo càng có không gian phát triển rộng lớn, có điều kiện để cống hiến cho việc cải tiến và hoàn thiện giáo dục thanh thiếu niên.

Trước tiên, tư tưởng khởi xướng của nhân gian Phật giáo rất có lợi cho việc thay đổi những hiểu biết sai lầm hoặc sự không hiểu biết về Phật giáo của thanh thiếu niên. Ngoài ra, tư tưởng này còn tăng thêm sức mạnh của giáo dục. Chuyển hoá sự nhận thức sai lệch và không hiểu biết Phật giáo của thanh thiếu niên là một trong những phương pháp quan trọng trong việc cải thiện môi trường văn hoá xã hội, nâng cao sự hiểu biết và khoan dung của xã hội đối với Phật giáo.

Theo các kết quả điều tra, khảo sát đối với học sinh Tiểu học, Trung học và sinh viên về tín ngưỡng vô thần luận tại các tỉnh thành[1], có thể nói một cách khái quát rằng, chướng ngại lớn nhất của thanh thiếu niên hiện nay trong việc tiếp nhận giáo dục Phật giáo là do sự nhận thức sai lệch và không hiểu biết Phật giáo. Sở dĩ có điều này là do nhiều nhân tố khác nhau, nhiều phương diện khác nhau tạo thành.

Thứ nhất, là do điều kiện tín ngưỡng tôn giáo của xã hội Trung Quốc đã ảnh hướng đến thanh thiếu niên. Do trải qua hàng trăm năm Phật giáo Trung Quốc trong xu thế suy bại, tín ngưỡng Phật giáo đã bị đồng hoá, kết hợp với tín ngưỡng dân gian, tập quán dân tộc từ các địa phương khác nhau, làm cho rất nhiều thanh thiếu niên hiểu lầm rằng Phật giáo là Quỷ thần giáo, là tôn giáo yếm thế, lánh xa xã hội, là tôn giáo viễn vong, hão huyền. Thứ hai, là do nguyên nhân lịch sử, tình hình chính trị, chùa chiền và Tăng Ni Trung Quốc ít có cơ hội để tham gia xây dựng xã hội, có khuynh hướng xa lánh cuộc sống xã hội, dường như chỉ xem trọng việc liễu sanh thoát tử của cá nhân. Hiện trạng này là sự xa rời, tách rời, và là khoảng cách rất lớn đối với nhân sinh quan tích cực tiến thủ của thanh thiếu niên, rất khó gây sự đồng cảm, gần gũi và đồng hành của giới trẻ. Như mọi người đều biết, Hoà thượng Thái Hư là người khởi xướng tư tưởng nhân gian Phật giáo đầu tiên, chính là để đối trị các quan điểm, các vấn đề tiêu cực như "thiên về phục vụ người chết", "lánh xa trần tục", "tôn giáo kiếp sau", v.v..., từ đó mà tiến hành cải cách Phật giáo, vì thế về bản chất rất có hiệu quả về việc giải quyết những quan điểm sai lệch của thanh thiếu niên đối với Phật giáo. Ngoài ra, nhân gian Phật giáo lấy con người làm điểm xuất phát, lấy con người làm đối tượng chính, phản đối việc sùng bái quỷ thần, đồng thời thích hợp với sự phê phán của thời đại về việc "tôn thờ quỷ thần"; lấy thái độ nhân văn đối xử với nhân sinh, quan tâm cuộc sống, phù hợp với yêu cầu của thời đại, khiến cho giới trẻ và xã hội dễ dàng tiếp nhận Phật giáo hơn.

Thứ hai, về phương diện giáo lý thì tư tưởng nhân gian Phật giáo khẳng định Phật giáo cần phải nhập thế, không lìa thế gian giác, nên thực hiện Tịnh độ nhân gian. Nhân gian Phật giáo đã cung cấp lý luận cơ bản cho Phật giáo tham gia vào giáo dục thanh thiếu niên của Trung Quốc ngày nay để tăng mạnh tính khả thi từ công tác trọng yếu của giáo dục Tăng Ni, cho đến giáo dục phổ cập quần chúng xã hội, giúp cho việc thay đổi đường lối giáo dục tự khép kín của Phật giáo Trung Quốc từ bấy lâu nay.

Ông Vương Lôi Tuyền trong bài thuyết trình về tình hình giáo dục Phật giáo tại Trung Quốc, ông đã nói rằng: Cho đến nay, Trung Quốc đối với việc tìm hiểu và thực thi cụ thể về giáo dục Phật giáo hầu như chỉ hướng vế giáo dục Tăng Ni; về hình thức dạy học, thì gần như phỏng theo mô hình giáo dục nhà trường của xã hội. Loại hình giáo dục này nhằm vào hiệu quả giáo dục của Tăng Ni, đây lại thuộc về chủ đề thảo luận khác, nhưng với loại hình này lại cho thấy một vấn đề nữa rất đáng quan tâm, đó là: Loại hình giáo dục Tăng Ni đã thu hẹp lại đối tượng giáo dục của Phật giáo, bó hẹp, thu nhỏ phương diện tiếp xúc xã hội, tiếp cận với cuộc sống nhân sinh, vì thế rất khó giành được sự tiếp nhận, tiếp cận Phật pháp của công chúng. Khác với điều này là, nhân gian Phật giáo nhấn mạnh và xem trọng việc tu hành và giải thoát tức thời, hát vang điệp khúc"tâm tịnh tức quốc độ tịnh", và lấy hiện thực xã hội, hiện thực cuộc sống, hiện thực nhân sinh làm điểm xuất phát, đề xướng Tịnh độ hoá xã hội, kiến lập "Tịnh độ nhân gian", vì thế đã hữu hiệu trong việc điều hoà những mâu thuẫn giữa "nhập thế" và "xuất thế" của Phật giáo. Để Phật giáo tham gia vào xã hội, thâm nhập vào nhân gian. Nhân gian Phật giáo đã cung cấp một hệ thống lý luận cơ bản, vì vậy, sẽ có ích cho việc đem nguồn tài nguyên Phật giáo đưa vào công tác giáo dục xã hội. Những vị khởi xướng nhân gian Phật giáo luôn cho rằng sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp công ích xã hội, công tác từ thiện của Phật giáo đều là con đường kiến lập Tịnh độ nhân gian. Vì thế, từ thời Hoà thượng Thái Hư cho đến nay, giới Phật giáo rất tích cực, nhiệt tình tham gia công tác cứu trợ thiên tai, giúp đỡ người nghèo, dạy học, v.v… tích cực tham gia các hoạt động xây dựng xã hội, tất cả những đóng góp, cống hiến cho xã hội đều trở thành những bức tranh sinh động của sự nỗ lực thực tiễn tư tưởng nhân gian Phật giáo. Tóm lại, nhân gian Phật giáo dựa vào tinh thần căn bản của đức Phật là giáo hoá chúng sinh, dùng các phương thức của sự nghiệp lợi tha để phục vụ và làm lợi ích cho quần chúng, trong công việc giáo dục xã hội phổ biến tư tưởng Phật pháp, thể hiện phong cách tiếp xúc, thân cận với đại chúng, bất ly chúng sinh, xả thân thuyết giáo, thực hiện rốt ráo và vĩ đại nhất về "Bồ-tát hạnh", nâng cao tầm tiếp nhận giáo dục Phật giáo của dân chúng, giúp Phật giáo tham gia vào công tác giáo dục thanh thiếu niên một cách chính đáng.

Thứ ba, tư tưởng nhân gian Phật giáo kế thừa đầy đủ tinh hoa trí tuệ của Phật giáo truyền thống, đồng thời vận dụng tính hợp lý của khoa học vào quá trình thực tiễn giáo lý Phật giáo, nhằm vào đặc điểm trưởng thành của thanh thiếu niên, có điều kiện gần gũi và chỉ dẫn cuộc sống của thanh thiếu niên ngày nay. Đặc biệt là trong quá trình trưởng thành của thanh thiếu niên các vấn đề hành vi và tâm lý phát sinh, đôi khi những vấn đề đó không có những biện pháp giải quyết, thì nhân gian Phật giáo sẽ là phương pháp có hiệu quả và tác dụng rất tốt.

Bởi vì thanh thiếu niên đang trong giai đoạn nửa ngây thơ nửa trưởng thành của nhân sinh, do đó việc phát triển về tâm lý và hành vi rất phức tạp, thay đổi thất thường. Nói một cách khát quát, ở độ tuổi của thanh thiếu niên thì rất nhiều ước mơ và tham vọng, nhưng khi có cơ hội lại bị thất bại nhiều hơn so với các vị trưởng thành. Vì thế, tâm trạng háo hức phản ứng rất mãnh liệt, dễ bị kích động. Khi gặp thuận duyên, thường hay dương dương tự đắc, vui quá mất tỉnh táo, thậm chí tự cao ngã mạn. Nhưng khi gặp nghịch cảnh thì dễ bị nản chí thất vọng, sợ sệt đau khổ, uất ức buồn phiền, hoàn toàn suy sụp, thậm chí tự buông xuôi, sa ngã. Hơn nữa, ở độ tuổi thanh thiếu niên phải đối mặt với rất nhiều sự lựa chọn và những thách thức của cuộc sống. Ví dụ: trưởng thành sẽ thay đổi vai trò, học hành và lập nghiệp, yêu đương và lập gia đình, v.v... Do vì thanh thiếu niên trong giai đoạn thay đổi về nhân sinh quan như vậy, cho nên thường gây nên áp lực rất lớn cho bản thân, khi mà không thể giải quyết được vấn đề, thì dễ bị đả kích. Ngoài ra, tinh thần ham học hỏi của thanh thiếu niên cũng rất mạnh mẽ, bắt đầu suy nghiệm về nhân sinh và thế giới, khám phá truy tìm đáp án cho các vấn đề như "mục đích và ý nghĩa của nhân sinh", "lý tưởng và hiện thực", v.v… dũng khí ấy còn mạnh mẽ hơn so với người lớn. Nhưng vì năng lực nhận thức của bản thân đối với thế giới và kinh nghiệm chưa đủ, nhìn nhận vấn đề còn phiến diện chủ quan nên dễ dàng bị ảnh hưởng của những cái không tốt từ bên ngoài, dẫn đến phát sinh các hành vi và tâm lý sa sút trong đạo đức. Những vấn đề này từ trước đến nay đều được xem là những vấn đề nan giải của giáo dục, gây ưu tư cho nhiều gia đình, nhà trường và xã hội. Ngược lại với điều này, Phật giáo có sở trường là trị tâm, rất hiệu quả trong việc chữa trị cho các vấn đề tâm lý và tinh thần được lành mạnh. Nhìn từ góc độ tâm lý học hiện đại, Phật giáo không chỉ giải thích và phân tích tường tận các loại phiền não và các vấn đề tâm lý, mà còn có các phương pháp như quy y, phát tâm đến tam học giới định tuệ, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, lục độ của Bồ-tát hạnh, mật pháp du-già, v.v..., để kiểm soát tự tâm, nâng cao sức khoẻ tâm lý, cung cấp rất nhiều phương pháp đối trị cụ thể. Về phương diện, tâm lý trị liệu được cho rằng các tôn giáo khác không thể so bì được với Phật giáo. Nhân gian Phật giáo đã kế thừa tinh thần của đức Phật là “đại y vương”, tức là tự trị kỳ tâm, đồng thời phát huy sở trường chữa trị về tâm bệnh truyền thống của chúng sinh. Về phương diện Phật giáo tâm lý học hoá, cuộc sống hiện đại hoá đã thực hiện nhiều thực nghiệm hữu ích, đã gặt hái được những thành tựu to lớn, kết quả này được thấy rất rõ tại Hồng Kông, Đài Loan và Âu châu.

Cuối cùng, nhân gian Phật giáo phù hợp với việc khởi xướng hệ thống đạo đức của xã hội Trung Quốc hiện nay, với việc giáo dục và đào tạo thanh thiếu niên lấy "bát vinh bát sỉ" làm nội dung cụ thể để nêu lên quan điểm vinh nhục của xã hội chủ nghĩa Trung Quốc, và cùng nhau xây dựng xã hội hài hoà, nhân gian Phật giáo đều phát huy được tác dụng quan trọng của tự thân.

(Còn tiếp)


[1] Đồ Kiến Hoa, "Báo cáo điều tra tín ngưỡng vô thần luận của học sinh, sinh viên tại Ích Dương, tỉnh Hồ Nam”, "Khoa học và vô thần luận", kỳ 1, năm 2002.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan