CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Phương pháp giảng dạy của Đức Phật

Trong truyền thống Phật giáo, Đức Phật được tôn kính như là bậc Đạo Sư của người và trời.[1] Hòa Thượng K. Sri Dhammananda nói: “Đức Phật, tinh hoa của nhân loại, tuy không còn hiện hữu trên thế gian, nhưng mùi hương của giáo lý Ngài vẫn mãi tỏa ngát trong lòng nhân loại.” [2]

Albert Einstein, tác giả thuyết tương đối, đoạt giải Nobel vật lý học năm 1921, đã tuyên bố rằng, “Nếu có một tôn giáo nào có thể đương đầu với những nhu cầu khoa học hiện đại, tôn giáo đó phải là Phật giáo.” [3]

Làm thế nào Đức Phật đã trở thành một đấng Đạo Sư có ảnh hưởng sâu sắc như vậy? Ngài đã sử dụng phương pháp gì để đạt được sự kính ngưỡng của những nhân vật hàng đầu thế giới.

Bài Kinh Thánh Cầu trong Trung Bộ Kinh ghi lại rằng sau khi chứng ngộ, Đức Phật do dự không muốn truyền dạy cho con người chân lý mà Ngài mới vừa đạt được:

Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới chứng nghiệm được. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, đắm mình trong ái dục, ham thích ái dục. Họ khó mà nhận thức được chân lý, đó là định lý Y Tánh Duyên Khởi Pháp (Idapaccàyata Paticcasamuppada); nhận thức được chân lý này tức là đạt được sự tịnh chỉ tất cả các hành, sự trừ bỏ tất cả chấp thủ, sự đoạn diệt khát ái, sự ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn. Nếu nay Ta thuyết pháp mà các người khác không hiểu Ta, như vậy thì thật phiền toái và khó nhọc cho Ta! [4]

Sau đó, Đức Phật quan sát những đặc tính khác nhau của con người, có hạng lợi căn, độn căn, có hạng thiện tánh, ác tánh, có hạng dễ dạy, khó dạy, ví như các loại hoa sen trong hồ, có hoa không vượt lên khỏi mặt nước, có hoa vươn lên tới mặt nước, có hoa vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước đẫm ướt.[5] Sau khi quan sát như vậy Đức Phật quyết định chuyển bánh xe Pháp và sử dụng phương pháp giảng dạy mà chúng ta có thể gọi là phương pháp “thiện xảo” (upaya kosallam).[6] Nghiên cứu kỹ các kinh điển Pàli, chúng ta có thể thấy rằng Đức Phật đã sử dụng phương pháp “thiện xảo” rất hữu hiệu trong cách diễn đạt cũng như trong tâm lý giáo dục phù hợp cho mỗi cá nhân. Kinh điển ghi chép rằng, trong Phật giáo có 84.000 phương pháp thực hành phù hợp cho 84.000 căn cơ của chúng sanh.[7] R.F. Gombrich nói rằng, “Đức Phật đã chứng đạt được chân lý vi diệu và ngài cố gắng truyền đạt chân lý ấy cho quảng đại quần chúng có nhiều huynh hướng và định kiến khác nhau, vì thế Ngài phải truyền dạy bằng nhiều phương pháp khác nhau.” [8] Kinh tạng Pàli mô tả phương pháp “thiện xảo” của Đức Phật từ những người nghe giáo pháp của Ngài như sau:

Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vị diệu thay, Tôn giả Gotama! Chánh pháp đã được Tôn giả dùng nhiều phương tiện để trình bày như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. [9]

Như vậy thuật từ “thiện xảo” được sử dụng trong kinh tạng Pàli có nghĩa là sự chuyển hóa con người một cách khéo léo; đây là một trong những năng lực của Đức Phật để hiểu được những hạnh nghiệp và khuynh hướng của chúng sanh.[10] Đại Kinh Sư Tử Hống đề cập đến mười lực của Đức Phật, với mười lực này Đức Phật được xem là một bậc Đạo Sư tối thượng, tự nhận cho mình địa vị Ngưu Vương, rống tiếng rống con sư tử và chuyển bánh xe Pháp.[11] Tăng Chi Bộ Kinh đề cập đến năm pháp giúp cho Đức Phật thành tựu trong việc chuyển Pháp luân, đó là biết nghĩa, biết pháp, biết độ lượng, biết thời và biết hội chúng. [12] Bhikkhu Nànamoli giải thích thuật từ “Chuyển Pháp luân” có nghĩa là “chuyển bánh xe pháp Vô thượng, với hai ý nghĩa: thấu đạt chân lý và thiện xảo trong việc diễn bày chân lý.”[13] Tăng Chi Bộ Kinh còn đưa ra năm chi phần mà một nhà giáo dục cần phải tư duy trong khi giảng dạy.

1.Giảng dạy một cách tuần tự,
2.Giảng dạy theo như pháp môn đã dự kiến,
3.Vì lòng từ mẫn mà giảng dạy,
4.Giảng dạy không phải vì lợi dưỡng,
5.Không làm thương tổn mình và người trong khi giảng dạy. [14]

Trong Tiểu Kinh Người Chăn Bò, Đức Phật so sánh cách giảng dạy của Ngài với người chăn bò thiện xảo trong việc quan sát bờ bên này và bờ bên kia của một dòng sông trước khi đưa đàn bò vượt qua bờ bên kia ở khúc sông cạn. Cũng vậy, Đức Phật thiện xảo trong việc quan sát những đặc tính khác nhau của con người, khéo biết ma giới, khéo biết phi ma giới, khéo biết tử thần giới, khéo biết phi tử thần giới. Sự thiện xảo này giúp Ngài có khả năng thuyết giảng tùy theo hạnh nghiệp khác nhau của con người. Những ai có thể lắng nghe, đặt niềm tin nơi Ngài và thực hành theo thì sẽ đạt được hạnh phúc, an lạc lâu dài.[15]

Với khả năng thông hiểu những đặc tính của con người và thiện xảo trong việc thuyết giảng, Đức Phật đã hóa độ nhiều hạng người khác nhau, kể cả những người đối nghịch. Để hóa độ những người đối nghịch, Ngài sử dụng những từ cũ theo ngôn ngữ bản địa để chuyển tải những ý nghĩa mới. Giáo sư T.W. Rhys Davids mô tả phương pháp này như là “cách dùng bình cũ đựng rượu mới.” [16] Ví dụ, Đức Phật dùng từ Dhamma, theo truyền thống của Bà-la-môn có nghĩa là bổn phận hay nhiệm vụ, để chuyên chở ý nghĩa giáo pháp hoặc nguyên tắc đạo đức trong toàn bộ giáo lý của Ngài. Thuật từ Brahmin chỉ giai cấp cao nhất là Bà-la-môn, được Ngài sử dụng để chỉ bậc tôn kính với ý nghĩa cao thượng, không phân biệt giai cấp của người ấy.

Bằng cách sử dụng những phương pháp như vậy, Đức Phật thường thay đổi cách giảng dạy trong cùng những bài pháp để phù hợp với khả năng, bản chất và đức tính của người nghe, ngay cả đối với những người phê phán, chỉ trích. Phong cách này của Đức Phật được nhà đại học giả Phật giáo T.W. Rhys Davids mô tả như sau:

Đức Phật lấy những tình huống hoặc những điều khao khát do những người đối lập mô tả hoặc ca ngợi làm khởi điểm trong việc giảng dạy của Ngài – như khao khát về việc đồng nhất với Phạm thiên…, hoặc việc thực hành cúng tế…, hoặc về giai cấp xã hội…, hoặc thấy cảnh thiên giới…, hoặc về thuyết linh hồn… Ngài sử dụng ngay cả ngữ cú của người đặt vấn đề. Rồi một mặt đưa ra quan điểm mới, mang một ý nghĩa cao hơn của từ đó, mặt khác yêu cầu người đặt vấn đề đưa ra những khái niệm đạo đức làm điểm chung giữa hai quan điểm; rồi Ngài dần dần đưa đối thủ đi đến kết luận của Ngài.[17]

Mặc dù Đức Phật đã sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau, điều đó không có nghĩa rằng Ngài giải thích tất cả những điều người khác yêu cầu, mà Ngài chỉ tuyên giảng những gì Ngài xét thấy có liên quan và lợi ích đối với một tình huống hoặc hoàn cảnh riêng biệt. Trong bối cảnh xã hội Ấn Độ cổ đại tư tưởng siêu hình thống trị tâm thức con người, Đức Phật sử dụng những ý nghĩa thực tiễn và có hiệu lực để “thuyết phục con người thay đổi cách sống của mình, chấp nhận những giá trị mới và tìm kiếm những mục đích mới.”[18] Chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa này trong câu trả lời của Đức Phật cho Màlunkyàputta, một người đệ tử của Ngài muốn biết về kiến thức siêu hình. Đức Phật dạy rằng những ai muốn biết về nguồn gốc của thế giới, người ấy sẽ chết trước khi có được những câu trả lời, vì chúng vô ích và không liên quan gì đến cuộc sống cũng như không liên quan đến mục đích giải thoát. [19]

ducphat31

Đức Phật - Bậc vĩ nhân vĩ đại của nhân loại

Những gì Đức Phật muốn dạy trong bài kinh đề cập ở trên là lời dạy của Ngài thường không liên quan đến những vấn đề siêu hình, mà chỉ đem lại lợi ích cho nhu cầu của con người, đó là nhu cầu hiểu được nguyên nhân gây ra đau khổ và con đường diệt trừ nguyên nhân đau khổ đó.[20] Trong quyển Đức Phật Dạy Những Gì, Walpola Rahula nói rằng, “Phật giáo không ru ngủ bạn trong thiên đường của người ngu, cũng không làm bạn sợ hãi và đau đớn với những cảnh giới hãi hùng và tội lỗi. Phật giáo nói cho bạn biết một cách chính xác và khách quan bạn là gì và thế giới chung quanh bạn là gì, và chỉ cho bạn cách thực hành để được hoàn toàn giải thoát, an tịnh và hạnh phúc.”[21] Trong kinh Vương Tử Vô Úy Đức Phật phân biệt rõ những lời nói nào Ngài giải thích và những lời nói nào Ngài không giải thích. Đây là bốn loại lời nói mà Ngài không giải thích:

1. Những lời nói Ngài biết là không như thật, không như chân, không tương ứng với mục đích, và khiến những người khác không ưa, không thích.

2. Những lời nói Ngài biết là như thật, như chân, nhưng không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích,

3. Những lời nói Ngài biết là không như thật, không như chân, không tương ứng với mục đích, mặc dù lời nói ấy khiến những người khác ưa thích.

4. Những lời nói Ngài biết là không tương ứng với mục đích, mặc dù là như thật, như chân, và khiến những người khác ưa thích.

Và đây là hai loại lời nói Ngài biết thời và giải thích lời nói ấy.

1. Những lời nói Ngài biết là như thật, như chân, tương ứng với mục đích, mặc dù lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích.

2.Những lời nói Ngài biết là như thật, như chân, tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa và thích. [22]

Nhưng lời tuyên bố này có nghĩa rằng Đức Phật chỉ dạy những gì có lợi ích và liên quan đến nhu cầu của con người và gạt bỏ một cách triệt để những gì không liên quan và không lợi ích. Phương pháp giảng dạy như vậy của Đức Phật có thể so sánh với cách thức của một người bị lạc lối trong rừng, và để sống còn vị ấy phải học hỏi rất nhiều về bản chất của rừng rậm để tìm lối thoát. Khi khám phá ra con đường thoát khỏi, vị ấy nghĩ rằng điều cần thiết là dành thời gian để chỉ cho những người bị lạc trong rừng con đường ra khỏi, chứ không cần phải mất thời gian để dạy cho họ về những con đường của ngôi rừng rậm.[23] Đây chính là phương pháp Đức Phật đã sử dụng để hóa độ con người đi theo con đường chánh để thoát khỏi khổ đau một cách hữu hiệu.

Như vậy, phương pháp “thiện xảo” được đề cập ở đây không ngụ ý rằng Đức Phật hóa độ con người bằng ma thuật như những đối thủ của Ngài thường quán xét,[24] mà đặt trên nền tảng hiểu biết tâm lý của con người và cách áp dụng giáo lý vào đúng tình huống, như một lương y thiện xảo hẳn phải biết chẩn đoán các loại bịnh khác nhau, biết được nguyên nhân, thuốc men, biện pháp trị bịnh và cách áp dụng trị liệu cho mỗi bịnh nhân.[25] Cũng vậy, Đức Phật hiểu rõ bản chất và hành nghiệp của con người, chỉ rõ nguyên nhân, diễn giảng giáo lý và hướng dẫn con người thực hành thiền định đưa đến giải thoát khỏi mọi sự khổ đau.

Quan điểm về vấn đề hành thiền của Đức Phật trái hẳn với quan điểm của những triết gia khác cho rằng thiền định đưa con người đến sự chứng nghiệm mang tính siêu hình, sự chứng nghiệm này đưa chúng ta đến một trạng thái khác lạ và mới mẻ không thể đoán trước được. Đứng đầu trong những triết gia này là các nhà tư tưởng Áo Nghĩa Thư (Upanisad) ở Ấn Độ đã đề xuất ý niệm về cái ngã thường hằng được hình dung qua những triết thuyết của Descartes và Kant.[26] Trong tiến trình thiền định mặc dù Đức Phật chứng đạt được trạng thái siêu nghiệm, Ngài không xem nguồn tâm lực là đối tượng tuyệt đối, vì nó không mang tính thực nghiệm cũng không lợi ích cho cuộc sống.

Trong khi các triết gia duy lý với khuynh hướng cho rằng tâm là một phạm trù hiểu biết đi trước (a priori) qua đó các cảm nghiệm đi vào được thẩm thấu bên trong. Các nhà thực nghiệm cho rằng tâm thức như mảnh giấy trắng (tabula rasa) và kinh nghiệm như những dấu vết để lại trên nó. Qua việc phân tích cấu trúc con người ra thành năm uẩn, Đức Phật giải thích sự thực nghiệm như một dòng chảy của tư tưởng hay của thức phân biệt (viññāasota). Đối với ngài, căn, trần và thức là những điều kiện đi trước của tất cả kiến thức. Sự gặp gỡ giữa ba yếu tố này là xúc. Nhân xúc mà thọ khởi. Những gì ta cảm thọ thì ta nhận thức; những gì ta nhận thức thì ta lý luận về. Điều này chứng tỏ rằng xúc không phải là một kết quả ngẫu nhiên mà nó tùy thuộc vào ý thức đã được xác định bởi tập khí hay hành nghiệp trong quá khứ. Do đó, khi xúc làm nhân cho thọ khởi lên, các hoạt động được xác định bởi tập khí đã vận hành rồi. Đây là lý do tại sao Đức Phật gọi cá nhân con người chỉ là “một mớ tập khí” trong ý nghĩa rằng không có cái gì giống như một cái ngã thực thể.

Khi giải thích tiến trình kinh nghiệm của con người qua chức năng của năm uẩn, Đức Phật không vẽ ra một cõi địa ngục đối với những người làm ác. Ngài cho rằng một hành vi như vậy khởi lên một cách tùy thuộc và biểu trưng cho hoạt động của ý thức và tập khí hay hành uẩn bị thống trị bởi ba động cơ bất thiện: chấp thủ, sân và si, nguồn gốc chính gây ra mọi sự khổ đau của nhân loại. Tuy nhiên chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn hành uẩn, vì thiếu hành uẩn con người năm uẩn không thể tồn tại. Cách duy nhất để thoát khỏi khổ đau là làm an tịnh các hành thông qua việc thực hành thiền định. Phương pháp thiền an tịnh này không những giúp Đức Phật dần dần thoát khỏi những kinh nghiệm giác quan và siêu giác quan, và nhận thức được bản chất không thực thể của chúng, mà còn chứng đạt được trạng thái vô lậu, diệt trừ tất cả những khuynh hướng bất thiện.

Qua kinh nghiệm cá nhân, Đức Phật nhấn mạnh rằng phương pháp giảng dạy của Ngài không phải chỉ truyền đạt kiến thức, mà đòi hỏi mỗi cá nhân phải tự thấy biết. Thấy biết ở đây có nghĩa là quan sát, thẩm tra giáo lý và thực hành cho đến khi nào có thể thấu hiểu được nội tâm cũng như thế giới bên ngoài để nhận thức được khả năng siêu việt của chính mình và để chuyển hóa toàn bộ nhân cách trong ba phương diện: nhận thức, nỗ lực và tình cảm.

Như vậy trách nhiệm của giáo dục Phật giáo là giúp cho cá nhân thực hành để có thể tự chuyển hóa nội tâm. Tuy nhiên, giáo dục mà không có tình thương và sự cần mẫn trong ý nghĩa chân thật của nó, thì không bao giờ có thể đạt đươc sự thành công. Vì tình thương là yếu tố có thể giúp ta cảm thông được người khác, Đức Phật cho rằng chức năng đúng đắn của người thầy là trợ giúp cho mỗi cá nhân bằng tình thương, thông hiểu được hành vi và hoàn cảnh sống của họ để họ có thể trưởng thành và thăng hoa trong lĩnh vực tình cảm và đạo đức. Từ quan điểm này, cốt lõi của nền giáo dục Phật giáo được thiết lập trên ba trụ cột chính: từ bi, trí tuệ và bình đẳng được thể hiện qua ba phương pháp giảng dạy chính yếu: phương pháp tâm lý, phương pháp phân tích và phương pháp thực nghiệm.

Phương pháp tâm lý chính là phương tiện “thiện xảo” Đức Phật dùng để tiếp xúc với quần chúng trước khi đưa ra một bài pháp cho phù hợp với khả năng, khuynh hướng, lợi ích, tình huống và hoàn cảnh của người nghe. Là một nhà tâm lý giáo dục, Đức Phật thường xác định rõ ba điều trước khi truyền trao kiến thức cho người học:

1.Khuynh hướng và lợi ích của người học.
2.Năng lực, sự thành tựu, mặt mạnh, mặt yếu và thành phần xã hội của người học.
3.Mục tiêu ngắn hạn hay dài hạn mà Ngài hy vọng đạt được trong việc giảng dạy.

Sự thành công lớn lao của Đức Phật trong lĩnh vực giảng dạy rõ ràng xuất phát từ lòng ái mẫn chúng sanh, tuy nhiên năng lực sử dụng những phương tiện thiện xảo của Ngài xuất phát từ trí tuệ siêu tuyệt. Trong hệ thống Phật giáo Nguyên Thủy, từ bi và trí tuệ được xem là hai yếu tố đưa đến sự toàn giác của Đức Phật. Từ bi là yếu tố biểu trưng cho phương diện tình cảm giúp Ngài đáp ứng nhu cầu lợi ích cho chúng sanh, còn trí tuệ biểu trưng về phương diện trí thức. Do đó, phương pháp tâm lý chỉ là bước đầu Đức Phật sử dụng với mục đích giúp cho người nghe đặt niềm tin vào giáo lý của Ngài để họ có thể sống một cuộc sống chơn chánh. Đối với những bậc trí muốn tìm cầu chân lý tối cao, Ngài sử dụng phương pháp phân tích nhằm phân tích giáo lý thâm sâu khó hiểu, rồi sắp xếp chúng lại theo thứ tự, hợp lý và dễ hiểu.Tương tự, J. Dewey đã áp dụng phương pháp phân tích nhưng trên cơ sở lập giả thuyết nhằm phát triển tri thức con người, nhằm giải thích sự phát triển của vật chất. Còn phương pháp phân tích của Đức Phật lại dựa trên cơ sở các vấn đề khổ đau của nhân loại, nó thuộc về tâm linh nhưng lại có hiệu quả thực tiễn, đem đến sự an lạc, sự đoạn diệt khổ đau của nhân loại.

Mặc dù phương pháp phân tích là phương pháp hữu hiệu trong việc giúp người học hiểu được giáo lý, Đức Phật không xem phương pháp này là kinh nghiệm cá nhân. Thay vào đó, Ngài khuyến khích con người phân tích dòng ý thức đi kèm với kinh nghiệm của riêng mình qua tiến trình thiền định. Đức Phật đề ra những phương pháp thiền thực hành phù hợp với tâm lý và cá tính của mỗi cá nhân. Đây chính là phương pháp thực nghiệm được Đức Phật đề cao trong việc tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người bao gồm cả Tăng, Ni lẫn người thế tục.

Ngoài ba phương pháp giảng dạy chính yếu này, Đức Phật còn thiện xảo trong việc đề ra những phương châm giảng dạy và nguyên tắc sư phạm để từng bước hướng dẫn hội chúng thực hành và hội nhập với cuộc sống. Tất cả những điều này tạo thành cốt lõi của nền giáo dục Phật giáo được áp dụng một cách khác nhau từ tình huống này đến tình huống khác, từ mức độ này đến mức độ khác. Bằng cách này giáo lý Phật giáo được truyền bá một cách nhanh chóng trong toàn cõi lục địa Ấn Độ và truyền sang các nước Châu Á và Đông Nam Châu Á.

Trải qua hơn 2500 năm lịch sử, ngày nay Phật giáo đã được truyền đến các quốc gia phương Tây. Người ta đã tìm thấy nơi đây sự gặp gỡ ở những điểm chung giữa tư tưởng Phật giáo và các triết gia Phương Tây đương thời.[27] Vấn đề có thể đưa ra bàn thảo ở đây là, có phải tư tưởng của những triết gia này ảnh hưởng từ tư tưởng Phật giáo không? Sự phân tích vấn đề này sẽ nằm trong một lãnh vực lớn, cần phải được nghiên cứu kỹ càng dựa trên một tầm nhìn bao quát và khách quan.

Một điều khác nữa là nền giáo dục Phật giáo có nên tự đổi mới và đổi mới như thế nào để sánh vai cùng khoa học và cùng đưa nhân loại đến đỉnh cao của sự phát triển ở cả hai mặt vật chất lẫn tinh thần? Vấn đề này cũng cần một sự nghiên cứu cẩn thận và phân tích kỹ càng. Toàn bộ mục đích của giáo dục Phật giáo là giúp cho mỗi cá nhân mở rộng kinh nghiệm sống để có thể cùng hòa nhập với dòng chảy tự nhiên và sáng tạo của cuộc sống. Nói cách khác, giáo dục của Phật giáo nhằm mục đích đào tạo những cá nhân biết cách nhận chân được ý nghĩa chân thật của cuộc sống. Cuộc sống trong ý nghĩa chân thật của nó là luôn trong tiến trình phát triển, theo như cách nói của N.P. Jacobson, “Cuộc sống có nghĩa là sống và thu nhận, thở vào và thở ra, không nắm giữ bất cứ một điều gì và đáp ứng với tất cả mọi người, mọi vật, vượt qua mọi lĩnh vực ngôn từ và văn hóa.”



[1] M. I, tr. 69; MLD. tr. 165; D. I, tr. 181; LD. tr. 160.

[2] HT. K. Sri Dhammananda, Người Phật Tử Tin Gì, tr..115.

[3] HT.K. Sri Dhammananda, Thích Tâm Quang dịch, Phật Giáo Dưới Mắt Các Nhà Trí Thức, 1997, tr. 114.

[4] Trung bộ I, kinh số 26, tr. 168.

[5] S. I, tr. 138; KS. I, tr. 174.

[6] D. III, tr. 220; LD. tr. 486; Giáo sư Gombrich giải thích rằng từ Sanskrit upàya kausalya được dịch ‘skill in means’ “thiện xảo”, là từ phát sinh sau này không có trong kinh tạng, nhưng sự sử dụng thuật từ thiện xảo hay phương chước (upàya kosallam), khả năng làm cho thính chúng thích ứng với lời dạy của mình, là một vấn đề rất quan trọng trong kinh điển pàli canon. xem R.F. Gombrich, Phật Giáo Bắt Đầu Như Thế Nào:Nguồn Gốc của Giáo Lý Nguyên Thủy, tr. 17.

[7] Geshe Ngawang Dhargyey, Tuyển Tập Những Lời Khuyên Đáng Nhớ, tr. 6.

[8] R.F. Gombrich, sđd., tr. 18.

[9] M. I, kinh số 42, tr. 290;.

[10] M. I, tr. 69; MLD. tr. 165.

[11] M. I, tr. 69-72; MLD. tr. 166.

[12] A. III, tr. 148; GS. III, tr. 114.

[13] Bhikkhu Nanamoli, ghi chú trong MLD, tr. 1197.

[14] A. III, tr. 184; GS. III, tr. 136.

[15] M. I, pp. 226-227; MLD. pp. 320-321.

[16] T.W. Rhys Davids, D. I, tr. 141.

[17] T.W. Rhys Davids, sđd., tr. 206.

[18] Ananda W.P. Guruge, ‘Giáo Dục Phật Giáo’ trong Tự Điển Bách Khoa Phât Giáo, tập. V, tr. 32.

[19] M. I, tr. 431-432; MLD. tr. 535-536.

[20] M. I, tr. 140; MLD. tr. 234; S. IV. tr. 383; KS. IV, tr. 272.

[21] Walpola Rahula, Đức Phật Dạy Những Gì, tr. 17.

[22] M. I, tr. 395; MLD. tr. 500.

[23] Lili de Silva, Đức Phật và A La Hán, tr. 33.

[24] M. I, tr. 375 & 381; MLD. tr. 480 & 486; A. II, tr. 190 & 193; GS. II, tr. 200 & 203-204.

[25] E. Conze, Phật Giáo, K. Sri Dhammananda trích dẫn, Phật giáo Dưới Mắt Các Nhà Trí Thức, tr. 40.

[26] D.J. Kalupahana, Nguyên Tắc Tâm Lý Phật Giáo, tr. 7.

[27] K.K. Idana & N.P. Jacobson. Chủ bút Phật Giáo và Các Triết Gia Hoa Kỳ, tr. vii ff.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan