Phương pháp giáo dục hàng cư sĩ tại gia
- TT. Giác Nhân
- | Chủ Nhật, 16:25 26-05-2013
- | Lượt xem: 5679
Cư sĩ Phật tử là một trong 4 chúng của đức Phật, có nhiệm vụ hộ trì Tam Bảo, do vậy, thuở sanh tiền đức Phật đã xác định vai trò của hàng cư sĩ tại gia trong việc hộ trì và hoằng dương chánh pháp, tiêu biểu như: Trưởng giả Cấp Cô Độc, nữ tín chủ Visakha là những cư sĩ Phật tử chánh tín có công rất lớn đã giúp cho đức Phật suốt chặng đường truyền bá chánh pháp. Những tấm gương quý báu của giới cư sĩ thuở Phật còn tại thế vẫn còn in đậm nét trong tâm hồn của những người con Phật hiện tại. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, thời cận đại khoảng thập niên 1960 cũng đã có những tấm gương của hàng cư sĩ Phật tử hộ trì và bảo vệ Phật pháp như: Quách Thị Trang, Nhất Chi Mai v.v… đã anh dũng đem thân mình thắp sáng ngọn đuốc đấu tranh bảo vệ Phật pháp. Tuy hành động ở quá khứ và hiện tại có khác nhau nhưng chung qui cũng đều là bảo vệ và phát huy Phật pháp. Vậy do đâu có những Phật tử thuần thành tiếp nối nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác? Phải chăng do hiểu biết Phật pháp một cách chín chắn, nhận định sâu sắc về chân giá trị đạo đức trong nền tảng giáo pháp của đức Phật, điều mà đem lại an vui hạnh phúc cho vạn loại chúng sanh, mới dám xả thân hy sinh để bảo vệ chánh pháp. Ngày nay, giới cư sĩ Phật tử đã và đang noi theo tấm gương quý báu của các bậc tiền bối phát tâm ủng hộ, cúng dường trong các công việc Phật sự trọng đại của Giáo hội, có những Phật tử là doanh nghiệp, doanh nhân dám bỏ ra số tiền hàng tỷ để tôn tạo chùa chiền, thánh tích Phật giáo, v.v… Có thể nói ngày nay giới cư sĩ đã ủng hộ tích cực cho công cuộc truyền bá chánh pháp bằng nhiều hình thức, góp phần làm cho chánh pháp đạo Phật rạng rỡ trong cuộc đời.
Nhận rõ được tầm quan trọng của giới cư sĩ Phật tử trong việc hộ trì Phật pháp, nên từ ngày thành lập giáo hội, Ban hướng dẫn Phật tử cũng được hình thành, qua mỗi kỳ đại hội Ban hướng dẫn Phật tử cũng từng bước trưởng thành và hoạt động có hiệu quả, đặc biệt ở nhiệm kỳ VI GHPGVN, Ban hướng dẫn phật tử trung ương đã thành lập 2 phân ban, phân Ban hướng dẫn Phật tử Trung ương và phân Ban gia đình Phật tử Trung ương, Ban hướng dẫn phật tử Trung ương đã cho phép hình thành thêm 7 tiểu ban trực thuộc đặc trách cho từng hệ phái thành viên, để chịu trách nhiệm điều động và hướng dẫn Phật tử tu hành đúng chánh pháp, phù hợp với truyền thống của mỗi hệ phái.
Hệ phái Khất Sĩ - thành viên GHPGVN, được Ban hướng dẫn Phật tử Trung ương cho phép thành lập Tiểu ban Phật tử hệ phái Khất Sĩ và có quyết định công nhận số lượng thành viên hoạt động hợp pháp vào ngày 15-01-2010. Nét đặc thù sẵn có từ trước, giới cư sĩ Phật tử hệ phái Khất Sĩ mỗi tháng đều đến đạo tràng Tịnh xá 4 kỳ (mùng 8, Rằm, 23 và 30) có nơi 2 kỳ (Rằm và 30) để cúng hội và nghe pháp, nề nếp này đã trở nên quen thuộc với giới cư sĩ tại gia thuộc hệ phái Khất Sĩ.
Trong các ngày cúng hội như vậy, tùy duyên chư Tôn đức Tăng Ni có thể cho Phật tử quy y Tam bảo và thọ trì ngũ giới. Một khi đã trở thành Phật tử thì tối thiểu phải thông hiểu ý nghĩa Quy Y Tam Bảo, và biết sự lợi ích của việc thọ trì 5 giới cấm dành cho hàng cư sĩ tại gia. Riêng chư Tăng Ni trụ trì mỗi kỳ cúng hội đều có nhắc nhở ít nhiều về giáo lý cho Phật tử tu tập, chú trọng đến giáo lý nhân quả nghiệp báo, luân hồi, lục hòa, tứ nhiếp pháp v.v… Ngoài việc tu học, người cư sĩ Phật tử còn phải biết cúng dường hộ trì tam bảo, bố thí giúp đỡ cho những kẻ bất hạnh trong cuộc đời, để gieo duyên lành tạo phước báu cho kiếp vị lai.
Muốn giáo dục tốt cho hàng cư sĩ tại gia, trước hết phải chỉnh đốn phạm hạnh của hàng xuất gia. Vì cư sĩ tại gia thường chú trọng đời sống phạm hạnh thanh tịnh của hàng xuất gia, nên trách nhiệm của người xuất gia là phải thể hiện rõ thân giáo, khẩu giáo và ý giáo, đời sống tu học phải thanh tịnh giải thoát mới có thể làm gương tiếp dẫn hậu lai và dạy đạo cho hàng cư sĩ tại gia. Người Phật tử tại gia có trách nhiệm hộ trì chư Tăng Ni bằng phương tiện vật chất, chư Tăng Ni có trách nhiệm đáp lại bằng tinh thần dạy dỗ cho Phật tử tu học, theo phương châm: “Người cho vật chất, kẻ trả tinh thần”, gắn kết trách nhiệm lẫn nhau để duy trì và phát huy chánh pháp:
“Cấy cày trồng tỉa đua bơi
Ấy là phận sự của người cư gia.
Bậc giải thoát lìa xa nghệ nghiệp
Được nhẹ mình độ tiếp chúng sanh.”
(trích Cầu Nguyện Hòa Bình)
Ngoài việc thúc liễm thân tâm tu tập, hằng ngày chư Tăng Ni còn phải thực hành pháp trì bình khất thực để gián tiếp giáo hóa chúng sanh, về phần mình tập diệt lòng tham, đồng thời gián tiếp dạy người biết chia sẻ, bố thí ban rãi tình thương đến tha nhân không phân biệt chủng tộc.
“Pháp khất thực dạy người bố thí
Cùng dạy mình chơn lý không tham”.
(trích Cầu Nguyện Hòa Bình).
Đối với hàng cư sĩ tại gia, một bộ phận khá quan trọng trong hàng tứ chúng, bộ phận này gián tiếp giúp cho sự truyền bá chánh pháp bằng nhiều phương tiện sẵn có của chính mình, nhưng nếu không quan tâm hướng dẫn tốt thì có thể trong một tương lai gần sẽ giảm bớt hiệu quả “tre già măng không mọc”. Hiện nay giới thanh thiếu niên là con, em của Phật tử khá đông, chúng đang cần đến sự giáo dục đạo đức của các bậc đàn anh đàn chị, cho nên người Phật tử sống trong gia đình cần chú trọng đến việc rèn luyện đạo đức cho con, em của mình, khuyến khích chúng đi chùa tụng kinh nghe pháp. Tùy sở thích của chúng, cũng có thể hướng dẫn chúng tham gia công tác từ thiện, ủy lạo đồng bào nghèo ở những vùng xa, giúp đỡ người già cả neo đơn, thể hiện bằng hành động của chính mình, tập cho chúng biết tinh thần tương thân tương ái. Mỗi khi có dịp tiếp xúc giới trẻ các vị trụ trì thường kể những mẫu chuyện đạo mang tính giáo dục đạo đức. Ví dụ như chuyện tiền thân đức Phật Thích Ca sẽ giúp chúng hiểu biết rõ hơn về tâm từ bi thương chúng sanh vô bờ bến của đức Phật, dạy chúng biết hy sinh phụng sự tha nhân sau này; hay chuyện Quan Âm Thị Kính giúp cho chúng biết thế nào là sự nhẫn nại trong cuộc sống tu hành để khi tiếp cận với xã hội, chúng biết xử sự với nhau bằng đức tánh nhu hòa, tránh thù hằn, bạo lực, v.v… Việc giáo dục đạo đức cho giới trẻ quả thật hết sức cần thiết, cho nên ngày nay không ít những ngôi tự viện tổ chức các khóa sinh hoạt hè cho thanh thiếu niên để thu hút các em vào con đường thánh thiện, sau này các em lớn lên hiểu được đạo đức góp phần làm cho xã hội an bình, cuộc sống ấm no hạnh phúc, việc làm này rất đáng khích lệ. Ở trong gia đình, dạy cho các em biết hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, hòa thuận anh, chị, em. Khi ra đường, dạy các em biết tôn trọng pháp luật, kỷ cương, trật tự xã hội, đến trường biết yêu kính, vâng lời thầy cô, vô chùa biết kính trọng Tam Bảo. Mô hình giáo dục thanh thiếu niên con em của Phật tử hiện nay đang được khuyến khích và nhân rộng.
Để giúp cho thanh thiếu niên hiểu biết Phật pháp một cách đồng bộ, chúng ta cần nghiên cứu biên soạn quyển Cẩm Nang Phật Pháp dành cho Thanh thiếu niên hoặc Truyện Cổ Phật Giáo bằng tranh để tạo điều kiện cho các em dễ dàng tiếp cận Phật pháp.
Tóm lại, phương pháp giáo dục hàng cư sĩ tại gia trong việc tu học và hộ trì Phật pháp trong hiện tại cũng như tương lai, cần quan tâm bồi dưỡng kiến thức Phật pháp phù hợp cho từng lứa tuổi và thành phần trong xã hội, được như vậy chẳng những làm cho Phật pháp hưng thạnh mà còn góp phần xây dựng xã hội an bình và hạnh phúc cho nhân sinh.
Các bài viết liên quan
- TP.HCM: Quỹ “Pháp học Khất sĩ” trao gần 200 suất học bổng cho Tăng Ni Hệ phái - Chủ Nhật, 14:55 22-12-2024 - xem: 548 lần
- Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM thông báo tuyển sinh cử nhân Phật học khóa XVIII (năm 2023) - Thứ Sáu, 19:41 10-03-2023 - xem: 4310 lần
- Lễ Khai giảng Lớp Trung cấp Ni giới Hệ phái Khất sĩ tại Tịnh xá Ngọc Uyển - Khóa XI (2023-2026) - Thứ Tư, 19:13 15-02-2023 - xem: 3122 lần
- Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM: Trang nghiêm Lễ Tốt nghiệp 2022 - Chủ Nhật, 18:47 24-04-2022 - xem: 7626 lần
- Kết quả tuyển sinh Cử nhân Phật học khóa XVI (2021) Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM - Thứ Năm, 16:10 09-09-2021 - xem: 7684 lần
- Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM thông báo tuyển sinh cử nhân Phật học khóa XVI (2021) - Thứ Sáu, 17:10 07-05-2021 - xem: 8917 lần
- TP.HCM: Lễ phát học bổng khuyến học Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm 2021 - Thứ Sáu, 23:03 30-04-2021 - xem: 8550 lần
- Lễ Cấp phát học bổng của Hệ phái Khất sĩ năm 2020 - Chủ Nhật, 09:47 24-01-2021 - xem: 9293 lần
- Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM: Thông báo tuyển sinh Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học - Thứ Năm, 16:00 19-11-2020 - xem: 11127 lần
- Trang nghiêm Lễ tốt nghiệp và Tổng khai giảng tại HVPGVN tại TP. HCM - Chủ Nhật, 23:14 25-10-2020 - xem: 7094 lần
- Kết quả thi tuyển vào Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM - Thứ Ba, 23:27 22-09-2020 - xem: 10079 lần
- Kỳ thi đại học của Tăng Ni - Thứ Tư, 18:15 16-09-2020 - xem: 7666 lần