CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Chơn Lý số 30: Chư Phật

CHƠN LÝ

Tổ sư Minh Đăng Quang

 

Chơn Lý 21-30

►21.Chánh Pháp

►22. Chánh Kiến

►23.Tam Giáo

►24.Tông Giáo

►25.Thần Mật

►26.Giác Ngộ

►27.Khuyến Tu

►28.Đi Tu

►29.Ăn và Sống

►30.Chư Phật

Mục lục bộ Chơn Lý

CHƠN LÝ SỐ 30: CHƯ PHẬT

I. TẤT CẢ CHÚNG SANH LÀ CHƯ PHẬT

1. Khi xưa có một người làm ruộng hỏi đức Phật rằng: Ông có tay chân, sao không làm ruộng để có cơm như người ta, mà lại phải đi xin như thế?

Đức Phật trả lời rằng: Chính tôi đây mới là người làm ruộng, mới thật là kẻ biết yêu quý giữ nghề làm ruộng. Trần thế là miếng ruộng to, mỗi xác thân người là một cục đất nhỏ, các pháp lành của tôi ban rải ra và ghim sâu trong đất ấy là hột giống. Kết quả của tôi là Niết-bàn hạnh phúc vĩnh viễn, nghề làm ruộng của tôi như thế, ấy là nghề chơn thật của tôi, và không khi nào tôi dời đổi bởi tôi yêu quý nó, vì nó là nghề tốt đẹp.

Đức Phật nắm cầm luật pháp cũng như cầm cày, sự tinh tấn cố gắng là bò trâu, gieo rải đức tin đạo lý nhơn quả, hột giống Niết-bàn như gieo mạ, mạ lên là cư sĩ phát tâm xuất gia. Sự giải thoát xuất gia cũng như nhổ mạ đem đi cấy, đến mùa lúa chín là đến lúc chư đệ tử đắc quả, gặt hái đem về là thâu nạp đệ tử đắc quả vào Niết-bàn, sau khi chết đem theo trí huệ của Ngài như vòng hái, Niết-bàn là kho vựa, sự phát cỏ như diệt tận gốc ác, làm ruộng có mùa là giáo hóa chúng sanh theo thời duyên mỗi lúc. Đức Phật làm ruộng bằng đạo đức, và sự kết quả là no vui sống đời mãi mãi, có khác hơn chúng sanh vậy. Đức Phật làm ruộng bằng cách trong sạch cao quý, Ngài làm ruộng để độ tận cả chúng sanh; Ngài làm ruộng bằng tâm, nghề làm ruộng ấy do Ngài đã lựa chọn, xét kỹ, chắc chắn được kết quả, trúng mùa, không thất bại, Ngài làm ruộng không cực nhọc, không tổn hại cho ai tất cả. Ngài mới thật gọi đúng tên là người làm ruộng, vì không bao giờ Ngài chịu bỏ cái nghề làm ruộng cao viễn quý báu ấy.

Đức Phật là ông thầy làm ruộng, là tổ sư của nghề nông. Ngài đã vượt qua khỏi hai lớp làm ruộng của bậc dưới. Ngài làm ruộng theo bậc Phật chớ chẳng giống người Trời. Ở trong đời, người làm ruộng bằng xác thân là để nuôi xác thân vài người, số ít; người làm ruộng bằng vật chất bằng cách ác hại gây khổ cho chúng sanh, cực nhọc cho mình mà rốt lại khi được rất ít, hư thất thì nhiều. Làm ruộng nuôi sắc thân cũng như kẻ cắt cỏ mướn, nuôi bò thiên hạ, không có kết quả chi, không có ích lợi gì, mãi thiếu thốn, chán nản thối chí luôn luôn; khi gặp nghề nghiệp nào khá hơn thì họ nhảy qua, bỏ nghề làm ruộng. Họ vì tham lợi chớ đâu phải biết quý yêu nghề mà đi giữ mãi. Họ làm ruộng tạm đặng xem thời thế để bỏ đi, chớ đâu phải giữ hoài miếng ruộng hoặc dốc chí làm ruộng, hay đời đời kiếp kiếp sanh đi sanh lại để làm ruộng. Vả lại họ nương theo cái có, nơi hình tướng, thì hay bị thay đổi, dầu họ có muốn làm, nhưng có khi chẳng có ruộng cho họ thì lấy chi làm được, khi thiếu giống làm sao mà gieo, khi bịnh đau là bỏ xụi; cảnh ngộ thời duyên, có cho họ làm ruộng bằng cách thấp kém, tội lỗi, ích kỷ ấy mãi đâu? Cả chúng sanh, vạn vật, các pháp trong võ trụ đều giúp cho họ, mà họ ích kỷ tư riêng, không lo đền đáp cho tất cả, lại lo riêng cho mình bằng cách tổn hại cho tất cả mãi. Như thế thì cách làm ruộng của họ đâu có thiện lành chơn chánh thật vậy. Trong đời chưa có ai là người làm ruộng, chưa có kết quả của sự làm ruộng, và cũng chưa có hột giống để gieo trồng kia nữa. Vì bởi hột giống ác là hột giống chết, và gạo lúa của thế gian thì chẳng có bền lâu, chẳng nuôi đặng tâm hồn vĩnh viễn, không xác thân ai sống mãi và cơm gạo ấy lại chẳng no hoài không ai liệng bỏ, tự nó có ngày cũng sẽ thúi hôi rã mục, thật là vô ích tai hại.

Trong đời cũng có kẻ không làm ruộng bằng cái ác, giết cỏ hại trùng; họ làm ruộng bằng tinh thần, bằng hy sinh, bằng lý trí, bằng phước thiện, giúp ích lợi cho cả trăm ngàn người khác, mà quên, bỏ sự ích kỷ tư riêng. Họ xem gia đình, xã hội như miếng ruộng, mà ra công tô đắp vun quén, những việc lành phải như hột giống, và kết quả là sự hả dạ vui cười, họ không hưởng vật chất, không thủ lợi cho mình, họ làm việc cho tất cả, quên sự cực nhọc của mình, họ làm ruộng như thế là để cho được sự kinh nghiệm, mở trí cho họ thôi. Họ cũng giữ nghề của họ trong một thời gian khá lâu, trong những bước chân còn đang học nghiệm. Những bậc trí thức từ thiện ấy, họ có ngày cũng sẽ giải thoát bỏ nghề nghiệp ấy, nếu khi họ đã giác ngộ. Vì người làm ruộng bằng tinh thần, tuy không ác, tuy có lợi cho trí, tuy được nên cho số lớn rộng đông người, nhưng bởi tại quá cao, quá chấp, không không, chẳng có cho mình chi cả, nên mặc dầu sống lâu mà phải khổ vì cái mê si bên ngoài, nó không làm cho tâm người trong sạch được, và ở chung gần với kẻ thấp kém lâu ngày, thì không thể tránh được sự rớt rơi sa ngã. Cho nên gọi là chư Thiên cũng chưa phải được gọi là người làm ruộng mãi mãi như Phật. Còn nhơn loại thì chưa được có tên người làm ruộng, hay là chỉ mới tập làm.

Như thế là có ba cách làm ruộng:

1. Phật làm ruộng bằng tâm, bằng đạo đức, nuôi tất cả chúng sanh. Kết quả Niết-bàn vĩnh viễn, hưởng chơn như.

2. Trời làm ruộng bằng trí, bằng thiện, nuôi được xã hội gia đình. Kết quả Trời ngàn năm lâu khá, hưởng tinh thần.

3. Người làm ruộng bằng thân, bằng ác, nuôi được gia đình nhỏ hẹp. Kết quả người trăm năm mau chóng, hưởng vật chất.

Con đường làm ruộng đã có ba chặng, ba ái hạng bậc như vậy, thì tất cả những con đường khác cũng phải có ba cái lớp y như thế. Con đường nào mà không có Phật Trời và người trong đó! Cái tên của mỗi con đường, nghề nghiệp, tuy nói viết khác nhau, chớ kết quả vẫn y nhau. Con đường nào cũng có ba chặng, người Trời và Phật là ba khoảng đầu, giữa và đuôi; tức là từ ác đến thiện, đến đạo đức; từ vật chất đến tinh thần, đến nhơn như; từ thân đến trí, đến tâm; từ một ta đến nhiều người, đến tất cả; từ nhỏ tới lớn, từ thấp tới cao, từ hẹp tới rộng; con đường ấy là sự tấn hóa vậy. Nghề nghiệp, sự việc nào cũng đều tấn hóa cả, cũng như chót núi, chặng giữa và chân núi, núi có ba phần. Các con đường của nước đất từ trên chót núi chạy xuống, hay các con đường từ dưới leo lên, tuy khác với nhau, tuy nhiều nẻo nhiều tên, nhiều phía, tùy theo nhơn duyên, nhưng chúng ta xem xét kỹ lại, mỗi đường đều có ba chặng bậc: cao chót là Niết-bàn, triền giữa là chư thiên, chân thấp là nhơn loại! Như vậy là tất cả chúng sanh có một mục đích, một chỗ đến kia, là chót núi, Phật! Đến chỗ đó rồi thì không còn đường gì nữa hết, tên của đường là tạm, đường ấy là phương tiện, bởi các chúng sanh nhân loại đang mắc phải ở dưới thấp sâu của chân núi to rộng, mênh mông, nên gặp thấy đâu là đi đó, miễn lên được đến chỗ trên thì thôi. Dầu có khác nhau nơi bề ngoài của người đang đi con đường này, kẻ đang đi con đường kia, điều ấy không có cần phải phân biệt, vì nó không quan trọng. Mà sự thật là mỗi người phải giữ lấy con đường mình, chăm chỉ thấy biết con đàng mình, giữ lấy tâm mình đặng đi tới. Con đường nào cũng giống nhau về sự đi tới. Mỗi con đường đều từ dưới tới giữa, tới trên; từ người tới Trời, tới Phật; từ ác tới thiện, tới đạo đức; từ vật chất tới tinh thần, tới chơn như in nhau. Cũng có thể các con đường đều là của người lớp dưới hết. Các con đường đều là của Trời lớp giữa hết và các con đường đều là của Phật lớp trên hết. Như thế nghĩa là có ba hạng bậc: kẻ ác, kẻ thiện và kẻ tu. Kẻ ác có muôn pháp, kẻ thiện cũng có muôn pháp, thì người tu cũng có muôn pháp giống nhau vậy. Và hình thức sự việc bên ngoài tuy danh từ rộng rãi, lý thuyết bao la, tác động biến hóa, ý niệm vô chừng, nhưng thật ra thì chỉ có cái ác, cái thiện, cái tu là nấc thang, là sự kết quả của chúng sanh vị lai và hiện tại. Cái ác, cái thiện, cái tu là việc làm quan hệ, là ba món gia tài của cải của nơi ba bước chân, hay là hạnh phúc của ba khoảng đường. Như thế ai đi đến đâu là sẽ hưởng được món đồ ăn nấy, họ sẽ khổ hoặc vui, họ sẽ đói hoặc no, họ sẽ chết hoặc sống, là do nơi cái ác, cái thiện, cái tu; chớ không phải ở nơi danh từ lý thuyết của các con đường nghệ nghiệp.

Sự thật đúng y như vậy! Tất cả chúng sanh ai cũng đi tu như nhau được hết, khi trình độ của họ đã lên đến chót núi. Tất cả chúng sanh ai cũng sẽ được thiện hết khi trình độ của họ đã bước tới lưng chừng. Tất cả chúng sanh mà ác hết là bởi còn đang ở dưới gốc chân sâu chưa đi lên được. Đó là sự cao thấp, giá trị, nấc thang, chớ cái tên của con đường, chỗ đang đứng mà có là bởi tại bề ngoài sắc thân, không ích lợi chi cho tâm trí lâu dài chắc thật. Trần thế như là vũng sình lầy, nhơn loại là ở dưới thấp sâu, thiên đàng là những nấc thang đi lên. Nơi đây có mặt bằng, chỗ nghỉ chưn của mỗi nấc có vách đứng của mỗi bước để đi lên trên chót cao là Niết-bàn, mặt lầu bằng thẳng, chỗ nghỉ yên của chư Phật. Chúng sanh mà đi lên đến mặt nóc bằng ấy được là phải trải qua lớp dưới, như thế là phải bỏ hẳn mặt đất bụi trần nhơn loại. Trong một tiếng nhơn loại có nhiều pháp ác, trong một tiếng thiên đường cũng có nhiều pháp thiện, trong một tiếng chư Phật là cũng do nhiều pháp tu, do đó nhiều người mới đi đến nơi một lượt được. Thế là chúng sanh phải trực giác trực chỉ, đi ngay lên, bỏ nhơn loại ác, đến thiên đường thiện, và đến Niết-bàn chơn như. Ai đang ở con đường nào thì cứ giữ con đường đó mà đi ngay lên, là tới trên được. Chớ không phải đi vòng tròn một bực một, như một kẻ kia mãi mãi, giữ hoài một nấc thang nhơn loại, từ nghề này sang nghiệp kia, bước qua việc nọ, đến cả muôn kiếp, học cả triệu khoa môn vật chất ác trược, cũng không ra khỏi nhân loại, và chưa hết cái khổ chết, luân hồi vô ích. Cũng giống như một vị thiên cõi trời đi dạo từ cõi trời này qua cõi trời kia, đi đến ngàn năm cũng còn là cõi trời, chớ không có bước lên cao gần cõi Phật đặng. Vậy nên cái sở chấp của bậc người trời, cho là tự đủ toại hưởng vui chơi, thật là sái quấy lầm lạc, như thế thì chúng ta phải tấn hóa; phải tiến, chớ đừng có đứng hoặc lui; đứng nghỉ chân tạm mỗi nấc một lúc cho khỏe rồi đi tới nữa, đừng đứng lâu hoài một chỗ, ắt là mỏi chân té sụp. Vậy chúng ta hãy rán lướt lên, đến Niết-bàn yên lặng bằng thẳng, rồi sẽ nghỉ ngơi, mới không còn lo sợ nữa.

Trong đời có ba giáo lý, ba cỡ pháp, hay cũng như chỉ có ba người. Hoặc như một người sẽ có đủ ba tên, ba thời kỳ phải đến, khác nào từ gia đình đến xã hội, và đến thế giới chúng sanh chung, mà ai ai đều phải bước đến, đi lên tới trên cao chót; kẻ trước người sau, ai ai cũng là chư Phật; bằng chẳng vậy, kẻ nào đi lui ắt là tự tìm khổ họa. Thế nên chơn lý võ trụ là tiến, còn chúng sanh mà thối, là tự mình thối; họ thối bởi tối mê sai lạc! Người đã giác ngộ rồi thì chỉ có cái ác, cái thiện và cái tu thôi; chớ không có cái chi với chúng sanh và vạn vật cả. Một nhơn loại kia là thợ mộc ác, nơi vật chất, xác thân ích kỷ, thấp thỏi, người ấy sẽ tiến lên làm chư thiên, cũng là thợ mộc thiện nơi tinh thần, lý trí rộng lớn cao thượng; và khi đến thành Phật thì cũng là thợ mộc đạo đức, nơi chơn như, tâm định bao quát không trên. Con đường thợ mộc, vị ấy mãi đi tới, nào có bỏ, thế mà không ai lại gọi người thợ mộc. Trời thợ mộc và Phật thợ mộc cả; người ta chỉ biết người, Trời, Phật thôi. Chớ cái tên thợ mộc của mỗi lúc, người ta bỏ đi, không còn giá trị; thế mới biết rằng ác, thiện, tu, là có, chớ nghề nghiệp vốn không! Tại sao chúng ta lại mảng thích ham môn nghệ mà đành bỏ sự tấn hóa lợi ích cho mình, thật là đáng tiếc. Cũng như người thợ mộc kia, không lẽ thành Phật rồi lại còn đem theo rìu, búa, đục, cưa! Hay là vì tiếc cưa đục búa rìu mà không chịu làm Phật, để giữ hoài cái thợ mộc tội lỗi của nhơn loại, cho là quí báu hơn, không cần đi tới, để cho tai nạn? Như vậy là chúng ta phải bước lên sự giải thoát đi tu, khi ta đi tu rồi, ai nói ta là thợ mộc lớp trên cao cũng phải lẽ, mà sự thật là chúng ta sẽ thành Phật, kết quả Phật, chớ không còn có biết cái tên thợ mộc nữa. Bởi cớ ấy chư Phật mới dạy rằng: Niết-bàn là cảnh giới của sự hưu trí, nín nghỉ, lặng ngừng, đã qua khỏi hết các danh từ, nghệ nghiệp; cũng như người chết, kẻ ngủ là đã qua khỏi hết các lý sự rồi vậy. Đó là mục đích, đó là chỗ đến, là chỗ cuối cùng, là chỗ hứa hẹn, chỗ hội hiệp, chỗ một của tất cả chúng sanh một ngày kia, nơi ấy không còn có sự chia rẽ, sự cảm giác. Nơi ấy cũng không còn cái hai hay một, nên mới gọi là chơn phước cực đại. Cõi ấy phàm phu không lên tới, không còn ai thấy được, ấy là cõi bằng thẳng êm ái, mát mẻ trong sạch tuyệt vời, tức là chơn như toàn giác, hay là đại định.

2. Vấn: Sao gọi đức Phật là thợ mộc?

Đáp: Người thợ mộc thế gian nhơn loại có sắm đủ đồ vật dụng sắc bén, cưa xẻ cắt đục cây. Người cất nhà hay đóng tủ ghế để cho người khác dùng. Chư tiên cõi Trời cũng cất nhà hay đóng tủ ghế là các việc làm thiện; cái trí thức để làm các việc từ thiện ấy là cưa, đục, bào, búa; các việc từ thiện như cây; kết quả của các việc ấy là ấm kín, yên vững, cao ráo, cũng như nhà tủ ghế; trí thiện xảo là sự khéo hay; thân ấy tức là cái nền tảng mặt đất; tâm người là ông thợ mộc; kết quả của cái thiện ấy là để cho thiên hạ được yên vui dùng hưởng. Và chư tiên lại cũng thường hay bắt thú rèn tập để trở nên con vật cỡi dùng như ghế; dùng thú giữ cho thân mạng như nhà; bắt thú giữ gìn đồ vật như tủ; chư tiên lấy thú ví làm cây; đục cưa mổ xẻ con thú là bỏ đi cái ác si vô dụng; biến đổi thành được món đồ cần dùng thiện huệ thật là hay giỏi lắm. Nhưng còn đối với Phật, Phật cũng là thợ mộc. Ngài lại lấy nhơn loại làm cây, các pháp giới làm đồ vật, Ngài tạo nên ghế Niết-bàn, ngôi nhà đạo đức, tủ tam tạng để đời, mãi cho tất cả chúng sanh bình yên lợi lạc. Người thợ mộc đóng ghế kia, biết lấy cây nào làm chân, cây nào làm mặt làm thanh, đóng đinh, làm mộng chốt; thì chư tiên Phật cũng biết những pháp nào làm nên món nào để cho được kết quả, không khác chi cả. Cái ghế của nhơn loại dùng trăm năm, cái ghế của chư tiên dùng ngàn năm, cái ghế của Phật dùng muôn năm và mãi mãi. Cái ghế nhơn loại một người ngồi, hoặc mười người, trăm người ngồi, chớ ghế của tiên đến ngàn người ngồi, còn ghế của Phật thì muôn người hay cả chúng sanh đều ngồi được. Vậy thì thợ mộc cũng y như làm ruộng, có 3 hạng bậc, 3 cỡ pháp: từ ác đến thiện, đến đạo đức; từ vật chất đến tinh thần, đến chơn như; từ thân đến trí, đến tâm; từ thấp tới cao, từ nhỏ tới lớn, từ hẹp tới rộng, giáo lý hay quý vô cùng, không thể giải tỏ ra hết được.

3. Lại vầy nữa: Thuở xưa có một vị Bồ-tát đi đường chung với một vị thương gia, Ngài thuyết pháp với người thương gia. Ngài nói Ngài cũng là một người mua bán. Sự mua bán của Ngài trong nhiều đời, mỗi kiếp một tiến lên cũng nhờ số lợi có vô mỗi lúc, nên Ngài mới được sống mãi. Từ địa ngục tiến lần lên đến nhơn loại, và từ nhơn loại cũng giữ sự mua bán, trao đổi với chúng sanh, nảy sinh lợi phước, lợi trí, lợi giác, vô số những món lợi, do đó mà bước lên Trời Phật. Càng đi tới mãi vốn lời sanh mãi, không bao thiếu hụt, cho đến khi thành Phật rồi thì lại rất giàu sang dư dả bằng món pháp lợi (pháp lợi của Ngài vô số đếm). Sự mua bán của Ngài tiến tới mãi, qua khỏi 2 nấc thang người Trời thì đến Phật. Phật nói pháp bố thí bán ra, người Trời mua mãi, nghe hoài không hết. Cái lợi của Phật là sự no đủ lòng từ bi, và ghi nhớ cất giữ Pháp bảo vào trong trí huệ, để dành mãi mãi. Như vậy thì sự mua bán cũng như thợ mộc, làm ruộng, cho đến với sự làm quan vua và tất cả con đường nghề nghiệp, giáo lý của thế gian. Nhơn loại có chi là chư Thiên có nấy, và Phật thì cũng có những tên y như vậy. Đến lớp Phật mới thật gọi là người đắc đạo kết quả, thành công của mục đích. Phật mới là bậc giữ được cái tên đạo nghệ đúng pháp, cao cả rốt ráo của bậc tổ sư nhơn loại, nên chúng sanh loài người tôn là Phật tổ, là bậc toàn giác tổ sư của các pháp môn đạo nghệ, nơi chúng sanh cả thảy.

Chúng sanh từ bậc trời người trở xuống là còn đang ở nơi nấc thang trình độ, còn phải đi tới, chưa chắc định, nên gọi là chưa có kết quả thỏa mãn, chưa rồi được. Vì vậy mà gọi chúng sanh là còn đang ở trong cái không, không có chi chắc thật, không bền dài, không có được cái có, cái chơn thật thành tựu ích lợi như chư Phật.

Như thế là tất cả chúng sanh đều phải đến với chư Phật, phải vào lớp học của Phật để học pháp. Pháp dạy đủ môn nghệ cho tu, ai vào lớp học ấy kêu gọi là Tăng, phải xuất gia, giải thoát, vượt qua, phải thi đậu bỏ xa hai lớp cư sĩ của người Trời phía dưới. Học sanh của lớp Phật phải do sự tuyển chọn của 2 lớp người trời đưa lên, là phải cho có đủ thiện căn, phước đức, nhơn duyên mới được làm Tỳ-kheo Khất sĩ, du Tăng theo y như Phật, để được tu thành Phật. Bởi thế cho nên gọi Phật là chỗ đến của tất cả chúng sanh, cũng như toàn giác là chỗ đến của tất cả sự học, chơn như là chỗ đến của tất cả phước đức thiện lành, từ bi trí huệ. Như Lai là sự yên nghỉ của cả thảy các pháp, không còn có chi hơn trên nữa được. Vậy nên gọi chúng sanh là không, chư Phật mới thật là có, có cái có. Cũng như chúng sanh thường hiểu lầm rằng: Đây là cha tôi, khi ông ấy chết đi thì là không có. Kiếp khác sẽ sanh lại làm con nó thì cũng đâu có tiếng kêu cha. Có kẻ nói xác thân là cha tôi, thì ra cục đất tứ đại đang nằm đó, còn ông cha nào lại gặp trong lúc chiêm bao mê ngủ, và sau khi chết hay tỉnh dậy, hình bóng ấy lại đi đâu? Như vậy là ông cha không có cho người con đó, đâu có còn mãi, không chắc thật. Do đó mà sự báo hiếu của nhân loại lại đi trợt nẻo chẳng ăn chịu vào đâu cả, vì họ mãi tô đắp cho cục đất, sắc thân, tứ đại, chớ đâu có biết ông cha ở đâu, trong giấc ngủ thấy đó rồi ổng đi đâu? Thân đó chết ổng đi đâu? Nuôi được một hai năm ổng chết đi, thì có còn đâu sự báo hiếu? Thế mới biết rằng chúng sanh thất hiếu và vô phụ! Vì những tiếng vua, quan, thầy, cha, anh, em, con, cháu, thảy là danh từ giả dối mỗi lúc, chớ không có chi cả, cũng không rồi chi hết, và không ích lợi chơn thật. Cho đến thân mạng, của cải, nhà cửa, áo quần, cơm gạo, thuốc men cũng y như vậy, không có chi hết. Nó chỉ là tên gọi tạm, như mây mù, sương sa, gió lốc, điển chớp, mưa giăng, hễ qua rồi là không còn có nữa. Các cái tên gọi giả dối ấy, nó chứa biết bao sự ích kỷ, tư riêng nhỏ hẹp, tham sân si tội lỗi, thất bại đau đớn. Nó chỉ cho bậc trí thức cao siêu được giác ngộ rồi thì không lầm lạc nữa! Cũng như vầy: đây là ông cha của người giác ngộ, hay là đức Phật mới có ông cha. Ông cha của Ngài là tất cả chúng sanh chung, chớ không phải riêng một người, mà lúc nào thì cũng chỉ là như có một: Một người kia nuôi một ông cha đúng một năm thì đổi ông cha khác; đúng một năm nữa thì đổi một ông cha khác nữa; qua năm nữa lại kiếm đổi một ông cha khác nữa; ông già nào cũng có thể là cha người được, người sống chung, cha chung, con chung; người không bao giờ mất thiếu ông cha, tất cả đều là cha, nhưng mỗi lúc thì chỉ có một. Như vậy là nhiều năm sẽ học được với nhiều ông cha, thầy. Tập mình tu học, làm con trò với nhiều người, tâm trí sẽ được rộng lớn bao la, sáng suốt bằng thẳng và trong sạch lắm. Thế mới gọi là ông cha có, có ông cha, chính chư Phật, bậc giác ngộ, những nhà sư. Ngài thấy ra mỗi kiếp sống, mỗi khi sanh đi sanh lại, chúng sanh có những ông cha mỗi lúc y như vậy. Tất cả chúng sanh là ông cha của người, vì bởi người sanh nhiều đời nhiều kiếp, chớ đâu phải người chỉ có một kiếp một, mà gọi là chỉ có một ông cha hôm nay, đành bỏ quên những ông cha khác trước kia. Hay như khi người chết đi đâu còn phải được gặp trở lại ông cha này nữa, mà không phải là nhờ sanh nơi mỗi ông cha khác. Như thế là ta phải sống chung học tu chung, sống để trau giồi tâm trí, ích lợi hơn là điều tư riêng sái quấy vậy.

Cũng như trong đời nếu mỗi năm chúng ta cũng đổi một đứa con y như thế. Nhiều năm tu tập làm nhiều ông cha, thầy dạy nhiều con trò, mà mỗi lúc chỉ có một đứa con trò thôi, như vậy thì ích lợi cho tâm trí lắm. Kìa pháp của thế gian cũng là vô thường thay đổi như thế, mà bởi lâu vài chục năm, mới đổi một lần một kiếp, nên làm cho chúng sanh hiểu lầm mê muội, để phải cố chấp khổ não, vì cái không ta, không của ta, lếu rộn, và chậm lâu tấn hóa, có kẻ lại thụt lùi. Bởi vậy cho nên người giác ngộ, họ không bao giờ lội ngược dòng nước, hay cắm đứng một chỗ cho bị chìm. Họ đã trôi xuôi, họ lại lội xuôi, mau hơn dòng nước trào lưu. Họ bay mau hơn mây gió thì đâu còn có những sự tai nạn đến cho họ nữa được. Thế mới biết rằng người đời là đi ngược lắm, trách gì không khổ sở. Kìa người tu, mỗi năm đổi một người bạn để tu học lẫn nhau, nhờ vậy mà mau đủ trí huệ từ bi. Một nhà sư mỗi năm đổi một cái nhà, mà trọn đời thì cất có một lần. Kìa một vị Tỳ-kheo mỗi năm đổi một bộ áo, mà trọn đời ông ấy chỉ may có một bộ. Một vị Bồ-tát mỗi năm chỉ đổi một miếng đất, một xứ. Ông ta đã đi khắp thế giới, thế mà mỗi năm thì cũng chỉ có một miếng đất của một xứ một trong mỗi lúc thôi. Các Ngài không có khổ não vô ích như chúng ta vậy. Một nhà du lịch, mỗi năm thờ một ông vua của mỗi xứ, nhờ vậy mà biết đủ thứ tiếng, kinh nghiệm được học rất nhiều, tâm người rộng rãi lớn lao bằng thẳng. Người được từ bi trí huệ, và không còn tai nạn với các cái tiếng xứ nữa. Người đi đâu, ở đâu cũng được, cũng yên vui quý thích hết. Những bậc ấy mới gọi là có cha, có bạn, có con, có vua, có áo quần, nhà cửa… có đủ cái có, của sự thay đổi sống chung, đúng chơn lý tốt đẹp. Cũng như nhân loại mà có đối với ta, là ta phải thay đổi xã hội, thay đổi gia đình, thay đổi xứ sở, thay đổi quả địa cầu khác luôn luôn trong mỗi lúc, thì mới gọi là có. Nó phải có bằng sự tiến hóa, chớ không phải tham sân si cố chấp, trụ chết, mà gọi rằng có có, yên vui, lợi ích sống được.

Như thế thì tất cả chúng sanh là chư Phật. Chư Phật là có, và chỉ có chư Phật.

II. CHƯ PHẬT VỊ LAI (MỘT ÔNG VUA)

Thuở kia có một nhà vua trốn bỏ ngôi vua mà đi tu hành, qua xứ khác xin ăn, mặc đồ vá xấu, bá quan tìm kiếm rước về. Ngài không chịu mà nói rằng tại sao trong đời người ta không lo tu tìm học chung lẫn nhau, tất cả bằng nhau, chẳng tốt hơn là muốn cho tôi cai trị? Xưa nay tôi đã lo cho người rồi, bây giờ là đến lúc tôi phải lo cho tôi chớ? Bấy lâu tôi đã ngồi cao không ai răn dạy, đã không khiêm nhượng lại chẳng biết nghe ai. Danh của tôi là chết biết bao thiên hạ, lợi của tôi là khổ biết bao thiên hạ, mà nào tôi có làm cho loài người sống mãi, nào tôi đã làm cho loài người được yên vui? Tôi thấy tôi hưởng phước một cách quá đáng, tôi có đâu dắt dẫn được một ai qua khỏi lớp nhân người tội lỗi, phạt mãi mà có đâu hết tội, thưởng mãi mà có ai trọn phước. Ở một chỗ, làm một việc mãi bị bao vây cuồng trói như kẻ tội tù, đồ vật hành hình, việc người trói buộc, tâm càng hẹp trí càng lu, tội lỗi ác quấy càng sanh, phước đức càng hết; vật chất càng nhiều, tinh thần càng ít; người càng kỉnh trọng, tánh nết càng buông lung; làm tôi tớ cho dân mà dân nào thương mến; làm con trò của quan mà quan nào thương yêu; vì dung dưỡng sắc thân để lo cho người mà phải bị hại cho mình; tham sân si dục vọng, ngã ái càng sanh, càng ngày càng xấu dơ thấp nặng. Xét mình càng kém đức mà người càng lại tôn trọng, thật rất là hổ thẹn sợ hãi lắm! Cũng vì thế mà quan dân bắt chước cái gương u tệ, dung dưỡng danh lợi, không còn nghe dạy, không tu hành lương thiện chơn chánh được. Lỗi ấy là tại nơi tôi, làm kẻ dẫn đạo không trong sạch, thì lời nói bảo người nghe sao cho được? Làm vua đâu phải dễ dàng giữ giới hạnh thanh tịnh để trau tâm giồi trí, thế mà một lời nói, một chữ viết là chết khổ cả hằng triệu sanh mạng, thật là tội lỗi quá. Đã như vậy, mà tánh mạng mình lại mãi đang ở trong cảnh sợ lo, hồi hộp. Ai cũng muốn giết hại chỉ vì ngôi danh lợi cao cả ấy. Trong đời tôi không còn tin ai được hết, cho đến cả lẫn vợ con. Bởi ngôi vị quá cao, nhiều danh lợi, nên che mất cả trí tâm họ, vì thế mà biết bao vị tiên đế phải bị chết bởi con vợ, quan dân cũng là giặc nghịch. Ai cùng là giặc nghịch của cái ngôi vua ấy cả.

Tôi đã hồi xét kỹ lại, vua người sao bằng vua Trời, vua Trời sao bằng vua Pháp, vua Thánh là Phật để được ích lợi cho cả chúng sanh, và lại nhẹ nhàng khỏe khoắn hơn nhiều. Tôi chỉ muốn sao cho nhơn loại sống chung, cả võ trụ thế giới bình đẳng, không còn tranh cạnh giết hại lẫn nhau nữa. Tôi chỉ ước mong cho tất cả đều tu, cõi đời trở nên xứ Phật. Vì thế mà tôi mới phải trước tự làm gương xuất gia đi tu, bỏ thế quyền danh lợi mới được. Các người thử nghĩ xem, cõi đời mà chẳng đặng là xứ đạo đức tốt đẹp, thì xứ nhân loại thấp kém quấy nhơ này có quý báu chi mà tiếc rẻ. Vậy nên vì chúng sanh, vì cõi đời, vì tất cả, vì tương lai hạnh phúc, vì sự cao ráo tốt đẹp cho cả thảy mà tôi đi tu, thì có chi là sự hối tiếc ân hận. Tôi muốn bước đến cảnh giới cao, tôi muốn dắt cả chúng sanh tiến lên, sao các người muốn níu kéo tôi lại làm chi? Tôi muốn làm vua chơn thật, làm vua thánh, vua pháp là Phật, cái vua ấy mới có, mới bền lâu. Tôi chỉ bỏ cái vua dối tạm của đời thấp kém không không mà thôi, như vậy là tôi đâu có bỏ, đâu có mất cái tiếng ngôi vua, mà các người lo sợ. Tôi đi tu nơi tất cả chúng sanh rộng rãi, tôi đi học nơi tất cả chúng sanh rộng rãi để cho mau thành Phật, hơn là tự tu, tự độ. Như thế là tôi ngưng sự làm vua người một lúc để đi khắp nơi tu học, hầu sau trở lại làm vua thánh, cho ai nấy hưởng nhờ chung, thì có chi mà trông chờ nhớ đợi. Vả lại trong đời, chúng ta khi ở gần nhau lâu là hay quên, và ghét giận buồn chán nhau, còn khi ở xa nhau lâu là được thương nhớ nhau và mừng vui, ưa thích nhau. Đã như vậy, tại sao chúng ta chẳng xa nhau để cho được sự quý trọng cùng nhau. Trong đời lắm kẻ mới phát tâm, tập làm quan vua dẫn đạo quần chúng, lúc đầu là còn cố gắng hy sinh vì nghĩa vụ, thật là chơn chánh sáng suốt thanh liêm, nhưng lâu ngày về sau mệt mỏi chán nản, bởi lẽ dân tình khờ dại, chẳng biết nghĩa vụ công ơn, họ mảng vui chơi sung sướng mà sanh tội lỗi, không cần biết luật pháp nữa. Vì vậy mà quan vua thất vọng, và rồi cũng sa ngã theo như dân chúng, để đua chen sự cẩu thả phong lưu, chớ không lẽ sẵn có quyền thế mà lại không biết ăn chơi, để cho dân kia ố ngạo, thế là vua quan lại bóp cổ dân, và đua với dân mà trụy lạc. Cõi đời sẽ là đám vui chơi, chớ không còn đạo pháp chi nữa, và từ đó quan vua với dân tội sẽ còn có hai người, tên là giàu và nghèo thôi! Rồi thì họ trèo lên tuột xuống, thế lực oai quyền, chen lấn đàn áp, để cho được cái phong lưu sang trọng, chớ đâu còn biết chi là lẽ phải nghĩa vụ công ân, quý trọng lẫn nhau. Cũng vì thế mà tôi phải đi tu, để dứt bỏ cái phong lưu, sang trọng, lợi danh, quyền thế cho tất cả noi gương; thì sự đi tu của tôi là thiên hạ được giác ngộ giựt mình, bình yên không chiến tranh loạn lạc, có chẳng quý hơn là ngồi trên ngôi ấy để phải khổ tâm đợi chờ chết hết! Nếu trong đời các ông vua đều đi tu, trên mặt đất có một ngàn ông vua đều đi tu, và mỗi ông vua làm vua giúp đời một lúc, tạm xong là đi tu. Các ông ấy mà đi tu thì quan dân không còn tranh chấp, ai cũng biết quý trọng đạo đức, như vậy mới có thể mong được tất cả đều tu, cõi đời sẽ trở nên Cực Lạc. Có vậy thì tương lai của tất cả chúng sanh mới là chư Phật.

Trong đời tiếng vua quan dân là tạm, nhưng trong mỗi tiếng ấy lại có 3 hạng: người là vua, Trời là vua, Phật là vua, hay người là dân, trời là dân, Phật là dân; hoặc người là quan, Trời là quan, Phật là quan; Vua, quan, dân là người, là Trời, hay là Phật. Chỉ có người, Trời, Phật chớ đâu có gì là vua, quan, dân đâu? Mà chúng ta lại đi cố chấp cái tên dối tạm ấy, tại sao người ta chẳng gọi ai nấy là chúng sanh cho gọn tiện. Chớ chi ai nấy đều tu thì khỏi phải có vua, quan, dân cai trị khổ nhọc mới là thật tốt đẹp.

Kìa khi xưa đức Phật Thích-ca bỏ ngôi vua đi làm dân để tu, thì cái tiếng dân có chi là chướng ngại. Trong đời ít ai hiểu được con đường của dân, ý nghĩa làm dân, dân là người vui chịu sống cách bình thường, mà không muốn sự chen đua với ai cả. Dân phải là người tu, chính là đạo đức mới làm dân. Dân là cao quí, mà ít ai muốn chịu. Từ một em bé sáu tuổi đến ông già chín mươi, từ nam nữ, nông thương và tất cả, ta thử hỏi xem coi có ai mà không muốn chịu sự làm vua quan sang trọng, lợi danh quyền thế? Ai ai cũng ham thích danh lợi hết, như thế nghĩa là kẻ đã làm vua quan, kẻ đang làm vua quan, kẻ chưa làm vua quan, kẻ sẽ làm vua quan, chớ không có ai có ý muốn chịu sự làm dân. Vì lẽ ấy mới có sự chết sống lẫn nhau, mà cái tâm của kẻ chết ấy đều là vua quan cả. Người ta hiểu lầm vua quan là cướp bóc danh lợi, chớ ai có biết đâu là tôi đã từng làm vua quan, là làm tôi tớ lo lắng gìn giữ cho dân, làm vua quan như tôi ấy, cực khổ chớ có dám đâu vui sướng. Làm vua mà đúng phép thì rất khổ não và lại cũng không được ích lợi chi; còn bằng cướp giựt của người xưng vua là trái lẽ; bởi cớ ấy mà tôi bỏ lánh đi tu, để tập làm một người dân đúng đắn, hay là Phật, giác ngộ cho đời xem vậy. Tôi chỉ muốn làm dân theo như người ta lầm nhận, để hành phận sự của một vị Phật, dạy lại cho cả vua, quan, dân dã; làm cho tiếng vua quan, danh lợi sau này, không còn ai tham muốn nữa, dầu kẻ nào có tham muốn đi làm vua quan ấy thì không dám làm tội lỗi mê muội, và để cho người ta biết quí trọng cái dân như tôi, dân ấy là chủ, là căn bổn, là đạo đức, quí báu hơn hết. Hay như quan vua phải là bậc hiền thánh, bị người bắt buộc dạy chăn kẻ thấp thỏi. Làm vua là phải chịu thiệt thòi, sút kém hơn người dân hiền lương, vì họ dễ được thong thả rảnh rang tu học. Con đường từ một người dân đần độn đến một vị vua quan mờ ám, đến một người dân đạo đức, để đến với một bậc vua quan là Phật Thánh tột cao. Tôi muốn mở lối đi ấy cho nhơn loại bước lên, nên tôi cần phải tập sự làm dân, làm dân như tôi là phải tu hành đạo đức, để được thành Phật Thánh, vua quan cao thượng lớp trên hơn nữa.

Trong đời ai cũng tham muốn cái vua quan danh lợi mà phải chết, những kẻ ấy đem mạng sống đổi lấy danh lợi, theo tiếng gọi của lòng tham muốn, thì có ức hiếp chi đâu! Danh lợi để chết, với không danh lợi để sống, hai lẽ ấy cũng như nhau, được một mất một, chớ có chi hơn khác, nếu có khác là khác nhau nơi chỗ vui khổ của tâm mà thôi. Nhưng dầu sao cũng được, vui tâm khổ thân, vui thân khổ tâm, sự khổ vui tương đối, nhơn quả quả báo tức là công lý, thì ai đi đường nào cũng vậy, chỉ có khác nhau là nơi giáo lý danh từ. Mà thật ra trong đời rất ít có vua quan nào là Phật thánh không danh lợi, kẻ ấy mà có đi nữa thì trước kia cũng phải làm người dân cao thượng, làm người tu đắc đạo mới được. Dân là đạo, dân là kẻ khổ thân vui tâm, là kẻ sống bình thường mãi. Dân là kẻ thích ưa sự yên lặng, hạnh phúc trong sạch về tương lai hơn là hiện tại. Dân là kẻ thích yêu cái sống, và muốn cho tất cả đều sống, vui chịu sự sống chung, không hại ai tất cả, và tất cả cũng không ai giết hại mình. Dân ấy mới sẽ thành Phật, là đạo Phật, là người tu, là nhà tăng, là kẻ yêu quý sự yên vui, không còn tham muốn, thì vua quan phàm danh lợi kia ắt phải là kẻ lo lắng giữ gìn cho họ, tôn trọng họ, giúp đỡ họ, chớ đâu phải như dân đần độn, mà phải bị thấp kém thiệt thòi, hiếp đáp! Trong đời nếu thật có dân, thì dân ấy không có chết, không có ai giết hại, mà trái lại nếu có người chết khổ lo sợ, thì người ấy chẳng phải là kẻ làm dân, chẳng phải là người tu có giữ đạo, vì có ai oán ghét kẻ hiền lành mà làm chi.

Sự thật như vậy, trong đời vì chúng sanh mê muội khổ nạn, mới tìm kiếm tôn lập vua quan, mà nếu vua quan vì danh lợi bỏ dân, là chưa có vua quan; còn dân mà không có tu hiền, thì không phải là dân, cũng chưa có dân nữa. Vậy nên vua quan phải là Phật Thánh, và dân dã phải là người tu hiền lương, mới gọi là có vua quan dân được. Nhưng đối với sự còn cai trị dạy dỗ, còn có chúa tể, là để dùng riêng cho được số ít thấp nhỏ, chớ nếu tất cả đều tu hiền lương, hiểu thông đạo lý, biết tự độ lấy mình, thì đâu còn có cái tiếng chúa tể vua quan làm chi nữa; mà cả võ trụ sẽ là Phật Thánh, vô quyền, vô trị, số đông nhiều lớn lao hơn vậy. Bởi sự thật như thế, nên việc bỏ ngôi vua đi tu của tôi là rất đúng lẽ. Khi xưa lúc tôi còn ở ngôi vị thì ai cũng muốn đuổi đi, nhơn duyên của sự vô thường, khổ não, không ta, không của ta, đã bảo tôi đi. Tôi đi tu để bước lên cảnh giới cao siêu tốt đẹp mà tôi đã tìm gặp, và kể từ đây các nhà vua chúa sau này mới biết quý trọng đạo đức, kỉnh trọng Phật Thánh, người tu, đặng lo tu tìm học, đến lần giác ngộ như tôi, để tránh khỏi tai nạn.

Vì trong đời chỉ có Phật là quý báu, là căn bổn, là chủ tể. Đạo pháp của Phật mới sanh sản ra được cái ngôi vị vua quan tốt đẹp. Chính Phật Pháp mới thật là món ăn, chỗ ở, áo quần, thuốc uống cho vua quan hưởng dùng được. Đạo lý của Phật, Pháp bảo của Phật mới tạo ra được cái nói làm ích lợi, sự sống vĩnh viễn, giá trị của vua quan. Và kể từ đây các nhà vua quan danh lợi đối với người dân tu hiền là sẽ trao đổi pháp thí tài thí với nhau để sống chung. Kẻ thiếu ăn, người thiếu sống, kẻ thiếu sức, người thiếu trí, kẻ khổ thân, người chịu khổ tâm, chan hòa chia sớt cho nhau, để cho ai nấy được như nhau, giống in nhau, bằng linh hồn xác thịt. Vua quan của tôi nơi đây là tâm của tất cả những người không tu, còn dân như tôi là bỏ vua quan mà đi tu vậy. Trong đời nếu ai cũng làm dân như tôi hết, thì vua quan kia mỗi việc ắt phải do dân, vì dân là đạo đức, hiền lành; còn vua quan danh lợi là người đời tội lỗi, và từ đó mỗi cử chỉ, lời nói, việc làm của vua quan là sự nên hư của đạo, là sự sống chết của dân. Người tu phải hộ pháp, ủng hộ sanh mạng đạo đức cho dân tu, phải cho hạp lẽ đạo theo ý người tu, phải tu học nơi người đã tu, để cho được cái sống yên vui, không còn tội lỗi.

Lẽ thật ra tiếng vua quan là danh từ nhiệm vụ, như cái áo mặc bên ngoài, chớ tất cả chúng sanh là như nhau, đâu có chi oai quyền thế lực. Nhưng nếu dân mà đã tu, còn vua quan chưa tu thì tức là sự trái ngược, thấp kém hơn dân, nên mọi việc cũng phải do hỏi nơi dân, nơi đạo thì mới hưởng được sự thành công tốt đẹp. Vậy thì trong đời mà ta thấy chẳng có vua quan do tùng người tu là dân đạo đức, thì vua quan ấy không bền, gọi là chưa có vua quan rồi. Và cũng trong một xứ mà không có người tu y theo đạo đức thì cũng là chưa có dân, không phải dân nữa. Mà tất cả là kẻ chiến tranh, những bậc ấy sanh ra đời là để chiến tranh, tìm giết, muốn chết hết với nhau mà thôi. Cũng vì trong đời thiếu dân ấy, nên tôi mới gọi tôi là dân, là người tu theo đạo đức, là Phật Tăng. Vì có đạo đức, có tu mới có dân; không đạo đức, không có dân; dân là người tu, và người tu đắc đạo, mới là quan vua vậy.

Vấn: Đã tu sao Bệ hạ lại phải đi xin ăn?

Đáp: Đạo đức là Trung đạo Chánh đẳng chánh giác, là sự sống bình an như thường, không thái quá bất cập, là cái sống hiền lành trong sạch. Vậy nên chúng sanh bố thí pháp cho nhau, xin tài vật của nhau, sống chung trao đổi giúp nhau, cung kỉnh lẫn nhau, cái dư cái thiếu chan hòa chung hiệp. Trong đời nào ai có thể tự sanh sống lấy một mình mà chẳng phải là sự xin lẫn nhau: từ phút, từ chút, từ vật, từ lời. Xin và học là mục đích của chúng sanh, ai ai cũng là Khất sĩ xin với học. Đúng chơn lý Khất sĩ, xin với học của đời là chơn chánh quý báu trong sạch, hơn là sự ích kỷ, bỏn sẻn tham lam, tự lấy tự làm, không xin chịu dốt, xin chẳng đợi ai cho, chẳng rõ nghĩa công ơn tất cả, chẳng tự thấy biết là mình xin. Mãi mãi tham sân si cang ngạnh là bởi chưa được học hành hiểu thông lý đạo, là trong đời chúng sanh vạn vật, các pháp cung cấp cho mình, và mình là đang xin nơi tất cả!

Thế mới biết: Đời là tội lỗi, còn đạo đức là cao quý lắm. Và cũng vì sự bướng bỉnh mê muội, không biết xét thấy tội lỗi của mình, nên ai cũng mong muốn cái cao sang danh lợi, để hưởng phước đức thế lực cho mau hết, mà chẳng chịu tích trữ lo tu thêm cho mau thành Phật. Trong đời kẻ mạnh xưng mình là quan vua, còn kẻ yếu thế phải bị ép buộc gọi là dân. Họ làm dân là để mong đợi thời thế, đặng bước đến quan vua, chớ không ai chịu làm dân là lo tu hiền, để sống cuộc đời bình thường. Tranh đua để chết, chen lấn giựt giành để chết, ngôi vị cao ráo để chết, thế mà họ không bao giờ chán nản. Gò đất cao phải bị người ta cuốc đào bới xới, chớ trũng đất thấp có ai cuốc xới mà làm chi. Cây cao lớn thì gió ghét thổi mạnh cho ngã gãy, chớ như cây nhỏ thấp có sao đâu? Trong đời ai cũng thương kẻ thấp hèn mà bù sớt vun vén, và ai cũng tật đố, không ưa muốn, phá hại, xấc lối. Thế mà ai cũng muốn mình cao, là ý nghĩa làm sao? Ngôi cao ai cũng muốn cướp giành, thế sao chẳng ai đi tìm ngôi thấp để cho được an thân, và được người thương mến? Vậy ai muốn yên vui và sống mãi thì nên phải nhớ rằng không cao không thấp, mực giữa là đạo của chúng ta. Và tiếng vua, quan, dân là không có đối với chúng sanh từ xưa vô thỉ. Kìa xứ Phật cõi người tu đạo đức, nào có quan vua dân chi đâu, bằng như tất cả đều là quan vua hết thì có ai làm dân? Rồi ai lại đi cai trị ai? Không lẽ đi tìm kiếm hiếp đáp người tu, bắt buộc người hiền, phá hại Trời Phật, như thế thì còn gì là công lý, luật phép thiện chánh nữa.

Đành rằng chúng sanh kẻ mới sanh sau, bao giờ cũng thấp kém, không thế nào không có vua quan xã hội gia đình được. Nhưng nếu trình độ của người nào đã bước đến bậc cao mà lại còn cố chấp, trở lại quan vua danh lợi ô nhiễm, nói là để mãi lo ăn mặc ở bịnh cho dân, để cho dân sống chịu ác dốt, thì thật là sái quấy. Kìa ta hãy nhìn xem có ai mà không chết, có ai làm cho ai sống mãi được? Và chỉ vì muốn sống mà không cần thiện ác, thì tất cả đều ác rồi liệu có ai được sống để ăn mặc ở và dưỡng bịnh? Hay là tất cả đều phải tu, phải thiện để sống, và khi được sống rồi thì sẽ tùy tiện lo sự ăn mặc ở bịnh, mặc dầu ít xấu, không danh lợi thế quyền, mà được yên vui sung sướng, sống đời dễ chịu hơn. Đó là hai lẽ cao lớn để chết, và thấp nhỏ để sống. Sống và chết ấy, ai tự muốn cái nào? Mặc dầu sự đi tu cũng không phải là hạp với tất cả trình độ, nhưng đối với nhân loại lớp dưới thì sự đi tu là quí hơn hết, bền dài hơn hết, yên vui hơn hết.

Nói tóm lại, vua quan dân là giáo lý danh từ tạm. Thế mà từ xưa nay ai cũng không chịu sự làm dân cả, ai cũng chê tiếng dân, mà tất cả đều muốn làm vua quan, và là vua quan đang chen lấn giựt giành đổ máu.

Nào ai biết rằng dân mà biết tu, có đạo đức, thì dân ấy cao quý hơn quan vua danh lợi, và quan vua kia sẽ sùng bái nghe lời, chớ đâu phải dân là thiệt thòi, dân là kẻ thế cùng lực tận, hoặc thất bại, hay đang ẩn nhẫn chờ thời.

Xưa kia đức Thích-ca và các quan bỏ ngôi vị đi tu, tập làm dân, là để chỉ rằng vua quan có hai hạng, và dân dã cũng có hai hạng. Con đường của dân là đạo đức, dân phải là người tu, còn vua quan phải là người Phật Thánh đắc đạo mới được.

Dân chẳng nên tham muốn danh lợi vua quan ràng trói, dân nghĩa là người tự do giải thoát, làm kẻ hiền lương.

Dân mà được như thế thì đỡ cho vua quan Phật Thánh và khỏi cần vua quan Phật Thánh cũng được, vì tất cả đều tu hiền thánh cả rồi, và xứ ấy tức là xứ Phật hiện tại.

Vậy theo lời nói của vị vua đây là để giác ngộ cho chúng ta rằng: Người tội sanh pháp luật, chớ không phải pháp luật sanh người tội, và không còn có pháp luật đối với chơn lý, hoặc người tu Phật Thánh.

Đó là lời khuyên tất cả đều nên tu hiền, làm trời Phật, hơn là sự mong mỏi danh lợi, tội lỗi ác quấy, đã khổ sở thất bại mà lại phải chết mau.

Vì con người ở đời, hễ thái quá là có sự bất cập đến gần. Mà thái quá bất cập, thảy đều là sự khổ não vô ích, chẳng bền lâu. Vả lại cai trị người chẳng bằng dạy dỗ người.

Chính đức Phật khi xưa bỏ ngôi vị đi tu, làm bình dân, dân như Phật, như Tăng, bố thí Pháp, dạy lại cho vua quan và khắp cõi Trời người, mà được chúng sanh tôn là cha hiền, là thầy sáng, vua pháp, quí báu vô cùng; thảy tự người tôn chứ chẳng tự tôn, mới không còn khổ nạn.

Chính dân như Phật mới là chủ, là căn bổn, là quí báu, lấy Pháp bảo nuôi dạy cả vua, quan, dân, chúng sanh, để cho tất cả đều tu, đều bình đẳng thì mới được sự yên vui hòa hiệp.

Vậy nên chúng ta phải sống cho nhau, phải trao đổi giúp nhau, để sống và tu, mà đừng có suy nghĩ thấp cao bên ngoài chi cả. Kẻ thấp hãy rán tu mà nhóng lên, người trên cao nên bỏ danh lợi bớt xuống đặng lo tu.

Hãy nên đi một lượt với nhau để tạo thành cõi đời, mặt đất bằng thẳng trong sạch là giới luật, tu hành tốt đẹp. Có do giới luật mới lập thành thế giới Cực Lạc đại đồng bình đẳng được.

Vậy nên kẻ đang làm dân tạm thì phải lo tu học, đừng tham muốn, chớ tranh giành, phải cho có đạo. Con người vua quan đang tạm phải là Phật Thánh, chớ khá chấp sự cao sang, đừng lòng quên đạo. Chớ nên cai trị ép chế người nào, mà phải cùng nhau kẻ trước người sau lo tu tìm học đạo lý tới mãi, để cho được sự thương yêu mà chỉ dạy dắt dẫn cho nhau, hiệp một với nhau nơi đường đạo đức chính giữa mới là quí báu, ích hay lắm vậy. Lành thay, ai ai cũng sẽ là chư Phật hết.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết: